6.— VĂN XUÔI.— Văn xuôi là những bài không cần phải vần, không cần phải đối nhau, cứ ý mình thế nào thì tả ra thôi. Tức là những lối văn nghị-luận, lối văn ký-sự v. v.

Bài nghị-luận

Nghị luận là bài luận về việc gì, tùy ý mình muốn khen muốn chê thế nào mặc lòng, quý hồ nói cho phải lẽ là được.

Tôi nghe nhời bằng đảng, từ xưa đã có, chỉ nhờ nhân-quân phân biện cho rõ quân-tử tiểu-nhân mà thôi.

Đại phàm quân-tử cùng với quân-tử, vì đồng-đạo mà kết bạn với nhau; tiểu-nhân cùng với tiểu-nhân, vì đồng lợi mà kết bạn với nhau; ấy là lẽ tự nhiên vậy. Song tôi nghĩ rằng tiểu-nhân không bằng đảng, chỉ quân-tử mới có. Cớ sao vậy? Là vì tiểu-nhân chỉ trông thấy lợi lộc, chỉ tham về của cải, đương khi đồng lợi, tạm thì bằng đẳng với nhau, là giả dối đó thôi; đến khi trông thấy lợi thì tranh nhau lấy trước, hoặc khi hết lợi thì lại nhạt nhau, thậm đến giết hại lẫn nhau, dù đến anh em thân-thích, cũng không giúp lẫn nhau nữa. Tôi nói rằng tiểu-nhân không có bằng đảng, tạm thì bằng đảng với nhau là giả dối là vì thế đó.

Quân-tử thì khác thế giữ thì giữ những điều đạo nghĩa, làm thì làm những sự trung-tín, tiếc thì tiếc những điều danh-nghĩa; lấy các điều đó mà sửa mình, thì đồng-đạo mà ích lẫn cho nhau; lấy các điều đó mà thờ vua, thì đồng tâm mà giúp lẫn cho nhau, trước sau như một, ấy là bằng đảng của quân-tử vậy.

Cho nên nhân quân, phải đuổi bọn ngụy bằng đảng của tiểu-nhân mà dùng bọn chân bằng đảng của quân-tử thì thiên-hạ mới trị được.

Thời vua Nghiêu, bọn tiểu-nhân là bốn kẻ hung tàn kết làm một bè, bọn quân-tử là bát-nguyên, bát-khải 16 người kết là một bè. Vua Thuấn giúp vua Nghiêu, đuổi bọn tứ hung mà cất bọn bát-nguyên bát-khải, cho nên thiên-hạ được thái-bình. Đến khi vua Thuấn lên nối ngôi thiên-tử, bọn Cao, Quỳ, Tắc, Tiết cả thẩy 22 người, cùng đứng trong triều, tưng bốc nhau, nhường-nhịn nhau, 22 người kết làm một bè vua Thuấn dùng cả, thiên-hạ cũng được thái-bình.

Kinh Thư nói rằng: « Vua Trụ có ức vạn bày tôi, nhưng ức vạn bụng, nhà Châu có 3.000 bày tôi, nhưng chỉ một bụng ». Thời vua Trụ ức vạn người mà mỗi người một bụng, đủ rõ là không bằng đảng, song vua Trụ vì thế mà mất nước; bày tôi vua Võ-vương nhà Châu, có 3.000 người kết làm một bè nhớn; nhà Châu bởi đó mà hưng-thịnh.

Thời vua Hiền-đế nhà Hán, bắt hết danh-sĩ thiên-hạ cho là bằng đảng mà giam cấm cả lại. Đến khi giặc Hoàng-Cân nổi lên, nhà Hán đại-loạn, bấy giờ mới tỉnh ra, tha cho bọn bằng đảng, thì đã cứu không kịp rồi.

Cuối đời nhà Đường, lại có tiếng bằng đảng. Đến thời vua Chiêu-Tôn, giết hết bọn danh-sĩ trong triều, hoặc ném xuống sông Hoàng-hà, nói rằng bọn này tự xưng là thanh-lưu (dòng trong) thì nên ném xuống dòng đục, vì thế mà nhà Đường mất.

Ôi nhân-chủ đời trước, hay khiến cho người ta khác bụng không làm bằng đảng, không ai bằng vua Trụ; cấm tuyệt được đảng thiện-nhân, không ai bằng vua Hán Hiến-Đế; giết bọn thanh-lưu, không ai bằng Đường Chiêu-Tôn, thế mà điều đến gây loạn cho nước. Tưng bốc nhau, nhường nhịn nhau không ai như bọn 22 người bày tôi vua Thuấn; vua Thuấn không nghi mà dùng cả, thế mà người đời sau không chê vua Thuấn bị bọn bằng đảng lừa dối, mà lại khen vua Thuấn là chúa thông-minh, là vì biện rõ được quân-tử với tiểu-nhân vậy.

Thời vua Châu Võ-Vương, hết cả bày tôi trong nước có 3.000 người, cùng làm một bè, tự đời xưa không bằng đảng nào to bằng bè ấy, song nhà Châu bởi đó mà hưng, người dẫu nhiều mà không chán vậy.

Than ôi, cái vết hưng-vong trị loạn, đủ làm gương cho các vì nhân-chúa vậy.

(Cổ-văn)

Văn truyện ký

Truyện ký là mình đặt ra một chuyện gì để ngụ cái ý-tứ của mình, tựa hồ như lối ký-sự.

Tiên-sinh không biết là người hạng nào và cũng không rõ họ tên là gì. Cạnh nhà có năm cây liễu, nhân thế mà gọi là Ngũ-liễu tiên-sinh. Tính người nhàn tĩnh ít nói, không mộ đường vinh-lợi. Hay đọc sách, không cần hiểu nghĩa cho lắm. Mỗi khi có chỗ nào hội-ý thì mừng hớn-hở mà quên ăn. Tính lại thích rượu, nhà nghèo không có luôn mà uống; thân-bằng biết ý, thường khi đặt cuộc rượu mà mời đến uống. Uống phải đến say mới nghe. Say rồi lui về, hoặc về hoặc ở, thế nào cũng được, chưa khi nào ngần ngại chút nào. Tường vách tiêu điều, không che kín được gió và mặt trời. Đeo cái áo cộc rách, rá cơm bầu nước thường không có gì, vẫn vui vẻ như thường vậy. Lại hay làm văn-chương để cầu vui, và để tỏ cái chi của mình, quên hết cả sự hay dở, cứ thế mà trọn đời.

Tán rằng: Kiềm lâu có nói: « Không ngậm ngùi ở sự nghèo hèn, không nóng nẩy ở đường phú quí ». Ngẫm lời ấy hầu cũng như bậc người này.

Ngâm chén rượu, ngâm câu thơ, để cho vui lòng, người đó là dân của họ Vô-hoài rư? là dân của họ Cát-thiên rư?

(Cổ văn)

Túy-ngâm tiên-sinh là người quên cả họ tên quan tước làng mạc, hồ đồ mình không biết mình là ai nữa. Làm quan 30 năm, gần già, lui về ở đất Lạc-hạ. Chỗ ở có 5, 6 mẫu ao, vài nghìn cây tre với vài chục gốc cây cối. Lầu gác sân tường, đủ cả mà nhỏ. Tiên-sinh an tâm mà ở đấy. Nhà tuy nghèo, không đến nỗi đói rét, tuổi tuy già chưa đến nỗi lẫn cẫn. Tính thích rượu, hay nghe đàn, hay ngâm thơ. Phàm những khách đàn, thơ, rượu, chơi bời với nhau rất nhiều. Ngoài sự chơi đó, đem lòng mộ về đạo Phật, học thấu các phép tiểu-thừa, trung-thừa, đại thừa[1], cùng với nhà sư núi Tung-sơn làm bạn « không môn », với Vi-Sở làm bạn sơn thủy, với Lưu-mộng-Đắc làm bạn thơ, với Hoàng-phủ-Minh làm bạn rượu. Mỗi khi gặp nhau thì vui vẻ mà quên về. Gần Lạc-thành trong ngoài sáu bẩy mươi dặm, phàm chỗ nào có chùa chiền núi non, khe suối hoa trúc, chẳng đâu là chẳng đến; nhà ai có rượu ngon, đàn hay, chẳng đâu là chẳng qua; ở đâu có sách vở múa hát, chẳng đâu là chẳng xem. Tự khi ở Lạc-xuyên, có người mời đi ăn tiệc đâu, thường thường cũng đi. Mỗi khi mát giời, hoặc lúc có giăng, có tuyết, bạn bè đến chơi, tất là lau hồ rượu, mở tủ sách, thơ rượu thích chí rồi thì vớ lấy đàn gẩy một khúc « thu-từ »; nếu hứng nữa thì sai trẻ nhà hòa nhạc, cùng tâu một khúc « nghê thường võ y »; nếu vui nữa thì sai con hát hát vài khúc « Dương liễu chi », phóng tình vui vẻ, kỳ đến say khướt rồi mới thôi. Đôi khi thừa hứng đi bộ sang láng diềng, hoặc chống gậy đi trong làng, hoặc cưỡi ngựa chơi chốn đô ấp, hoặc ngồi song loan chơi ngoài đồng nội. Trong song loan để một cái đàn, một cái gối, vài quyển thơ của ông Đào ông Tạ, hai bên đầu tay song loan, treo hai hồ rượu, tìm nơi có sông núi, tùy tình dạo xem, ôm đàn giốc bầu, hết vui rồi giở về. Như thế 10 năm, trong khoảng đó ngâm thơ ước hơn nghìn bài, ngày nấu rượu ước trăm hộc, mà trước sau hơn 10 năm ấy không kể. Vợ con thấy uống nhiều quá thì lo mà ngăn can hai ba lần. Tiên-sinh nói: Phàm tính người ta ít người được trung-bình, tất có đam mê về một việc. Ta cũng không giữ được mực trung-bình. Nếu chẳng may mà ta hám lợi, làm nên giầu có, của cải chứa nhiều, cửa nhà lộng lẫy, để mua lấy vạ làm hại cho thân mình thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám cờ bạc, trăm nghìn đổ đi một lúc, làm cho phá gia bại sản, để đến nỗi vợ con đói rét thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám sự thuốc men, nấu cao luyện đan, để đến nỗi không thành thuật gì, có điều nhầm nhỡ thì làm thế nào? Nay ta may không hám các sự ấy, mà chỉ thích chí ở trong cuộc rượu câu thơ, phóng túng thì phóng túng thực, nhưng có hại gì, chẳng còn hơn ba sự kia rư? Bởi thế Lưu-bá-Luân thấy vợ nói mà không nghe Vương-vô-Công chơi ở làng say mà không về vậy.

Nói đoạn, đem vợ con vào buồng nấu rượu, ngồi xổm, ngửng mặt lên hú dài một tiếng rồi than rằng: Ta sinh ở trong giời đất, tài và hạnh kém cổ-nhân xa; song giầu hơn Kiềm-Lâu, thọ hơn Nhan-Uyên, no hơn Bá-Di, vui hơn Vinh-khải-Kỳ, khỏe hơn Vệ-thúc-Bảo, may lắm may lắm, ta còn cầu gì nữa. Nếu bỏ cái thích của ta thì còn lấy gì mà vui lúc già!

Bèn lại ngâm một bài thơ « vịnh hoài », ngâm xong tủm tỉm cười, rồi nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cù lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngâm rồi lại uống, uống rồi lại say, say với ngâm cứ lần lượt mà theo nhau. Bởi thế mà coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quí như đám mây bay, mùng giời chiếu đất, chớp mắt trăm năm, lúc nào cũng ly bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến, ngày xưa gọi « toàn về rượu » là thế, cho nên tự hiệu là « Túy ngâm tiên-sinh ». Bấy giờ là năm Khai-thành thứ ba, tiên-sinh 67 tuổi, râu đã bạc, đầu hói một nửa, răng khuyết hai chiếc, mà cái vui trong thơ tửu vẫn chưa suy.

Ngảnh lại bảo vợ con rằng:

Mình ta từ nay về trước sướng rồi, còn cái mình ta từ nay về sau chưa biết vui thế nào nữa.

(Cổ văn)

Văn ký-sự

Ký-sự là văn ghi chép sự thực, hoặc đi chơi, hoặc muốn ghi việc gì thì tả cái thực sự đó, mà nghị-luận thêm đệ tỏ cái ý của mình.

Thủy-kinh nói rằng: « Cửa hồ Bành-lãi có chuông đá ». Lịch-nguyên nói rằng: « Ở dưới đầm sâu, gió phẩy động sóng, nước vỗ vào đá, tiếng như tiếng chuông ». Lời ấy người ta vẫn hồ nghi, vì là đem chuông khánh thực mà bỏ xuống nước, dù sóng gió to cũng không kêu được, huống chi là đá. Đến Lý-Bột nhà Đường tìm tòi dấu cũ, kiếm được hai mảnh đá ở trên đầm, gõ mà nghe, có tiếng trong trẻo, thôi không gõ mà tiếng thừa vẫn còn lanh lảnh, lâu lâu mới dứt, chắc đó là phải chuông đá rồi. Song nhời ấy ta lại càng nghi lắm. Đá lanh lảnh có tiếng ở đâu chẳng vậy, cớ gì ở đây lại gọi là chuông?

Tháng sáu năm Nguyên-phong thứ 7, ngày đinh-sửu, ta tự Tế-an đi thuyền đến Lâm-chữ, vì con trưởng ta là Mại sắp đến làm quan úy ở Đức-hưng, ta tiễn đến cửa hồ, bởi thế mà được xem cái chuông đá. Nhà sư trong chùa đó sai đứa tiểu-đồng cầm cái búa vào đám đá lổn chổn, chọn lấy một vài hòn gõ xem thì quả nhiên có tiếng kêu boong boong, ta cười mà đã hơi tin vậy.

Đến đêm giăng sáng, một mình ta cùng với Mại bơi một chiếc thuyền nhỏ, đến tại dưới sườn núi cao, có tảng đá to đứng nghiêng, cao tới nghìn thước, hình như con thú dữ, con quỉ lạ muốn chồm vồ người; mà những chim két ngủ trên đỉnh núi, nghe có tiếng người, cũng giật mình tỉnh dậy, bay vù vù lên trên mây. Lại văng vẳng như có tiếng ông già, vừa ngáp vừa cười ở trong hang núi, người ta nói là tiếng chim giang chim sếu đó. Ta cũng ghê mình muốn trở về, bỗng nghe có tiếng ở trên mặt nước, phình-phình như tiếng chuông tiếng trống, một hồi lâu chưa thôi, người trong thuyền ai cũng kinh hãi, xét ra thì là hốc đá ở dưới chân núi, không biết nông sâu dường nào, hơi có sóng vỗ vào thì thành ra tiếng phập-phình đó. Thuyền bơi đến trong khoảng hai trái núi, sắp vào cửa lạch, có một tảng đá to nằm giữa dòng, có thể ngồi được trăm người. Tảng đá ấy rỗng ở giữa mà cũng lắm hốc, sóng gió đưa vào, cũng có tiếng ầm ỳ sang-sảng, cùng với tiếng phập-phình trên kia họa theo nhau, như là tiếng nhạc.

Ta cười mà bảo Mại rằng:

— Mày biết đó không? Tiếng phập-phình kia là tiếng chuông vô-dịch của vua Cảnh-Vương nhà Châu đó; tiếng ầm-ỳ sang-sảng là tiếng chuông hát của Ngụy-hiến-Tử đó. Người đời xưa thực là không nói dối ta vậy. Việc gì mắt không trông thấy, tai không nghe tiếng, mà cứ đoán phỏng chừng có nên không?

Vậy Lịch-nguyên nói trên này, cũng đồng ý với ta mà nói không được rõ; sĩ đại-phu không ai chịu bơi thuyền đêm chơi ở dưới tuyệt-bích, cho nên không ai biết; mà những bọn đánh cá thì biết mà không nói ra được, bởi thế mà trong đời không truyền vậy. Kẻ xuẩn-lậu lại dùng rìu búa để gõ xem mà cầu lấy tiếng chuông, tự cho là thực...!

Bởi vậy ta ký bài này, than cho Lịch-Nguyên thì nói sơ-lược quá mà cười cho Lý-Bột là quê mùa vậy.

(Cổ văn)

Núi Bao-thiền hoặc gọi là núi Hoa-sơn. Đời nhà Đường có nhà sư tên là Tuệ-Bao mới đến làm nhà ở đó, mất cũng chôn tại đó, về sau nhân thế gọi là Bao-thiền. Nay gọi là nhà chùa Tuệ-Không, tức là nhà của Bao ở vậy.

Cách phía đông nhà ấy 5 dặm có động gọi là động Hoa-sơn, vì ở phía nam núi Hoa-sơn, cho nên đặt tên ấy. Cách động hơn 100 bước có cái bia đổ bên vệ đường, chữ đã mòn nát, chỉ có nhận được mấy chữ « Hoa-sơn », nay đổi chữ « hoa » đơn làm chữ « hoa » kép là lầm đó. Dưới chỗ bia đó là đất phẳng phiu rộng rãi, có suối chẩy ra, nhiều người đến chơi tại đó, tức là tiền động vậy.

Từ núi trở lên phía trên 5, 6 dặm có hang sâu thẳm, vào trong hang lạnh lắm. Hỏi bề sâu thì những người hay đi chơi cũng không biết đến đâu là cùng, đấy gọi là Hậu-động, ta cùng với bốn người, đốt đuốc đi vào, vào càng sâu thì đi càng khó, mà sự trông thấy càng lạ, có người nản muốn trở ra, nói rằng: nếu không ra thì hết đuốc, vì thế phải trở ra cả. Ta đến đấy, sánh với người hay chơi, mười phần chưa được một phần, song nhìn xem hai bên kẻ đến chơi mà ghi ở đó đã ít rồi, vì càng sâu bao nhiêu thì người đến lại càng ít vậy. Khi đó sức ta còn có thể đi được, lửa cũng còn sáng, lại theo người đi ra, ta hối vì theo người ra mà không được thỏa hết cuộc vui vậy.

Ta vì thế mà thổn thức thay! Người đời xưa xem trời đất, sông núi, cỏ cây, chim cá, sâu bọ, thường thường ý hội được là vì tìm kiếm nghĩ ngợi nhiều mà ở đâu cũng có vậy.

Ôi, chỗ phẳng phiu mà gần thì kẻ đến chơi nhiều, nơi hiểm trở mà xa thì người đến chơi ít. Mà những sự lạ lùng kỳ quái thì lại thường ở chỗ hiểm xa, người ta ít đến, cho nên phi có chí thì không đến được; có chí, không theo ai sinh nản, song không đủ sức cũng không đến được; có chí, có sức, không sinh nản, đến chỗ tối tăm mờ mịt, mà không có vật gì giúp cho mình cũng không đến được. Có sức đến được mà không đến thì ở người đáng chê mà ở ta thì nên hối; hết cái chí của ta mà không sao đến được, bấy giờ mới không hối gì, mà ai còn chê nữa, đó là điều của ta được thỏa vậy.

Ta ở chỗ bia đổ, lại thương cho sách đời xưa không còn người đời xưa truyền lại, thế thì những điều sai lầm, kể sao cho xiết, người học giả nên nghĩ kỹ mà giữ cho cẩn mới được.

(Cổ văn)

   




Chú thích

  1. Ba phép màu-nhiệm của đạo Phật.