Văn tựa

Tựa là một bài văn nói trùm trên đầu quyển sách, hoặc thuật nguyên-ủy việc gì, hoặc kể lai-lịch mà tặng, tiễn người nào. Tựa cũng có khi dùng lối tứ lục, song phần nhiều là dùng lối văn xuôi.

Ta nghe trong đời nói rằng: « nhà làm thơ ít người đạt mà nhiều người cùng ». Ôi có lẽ thế vậy? Đó bởi vì những thơ truyền ở đời, phần nhiều là lời của người cùng đời xưa vậy.

Phàm người học thức, có điều uẩn-súc ở trong bụng, mà không được thi thố ra đời, thi hay phóng túng ở cảnh sơn thủy; trông thấy những hình trạng cây cối mưa gió cùng là giống chim cá sâu bọ, thường hay tỉ mỉ dò xét đến sự quái lạ; mà trong bụng thì chứa những tình buồn bã lo sầu, vậy mới phát ra giọng oán hận để tả những giọng than vãn của người đàn bà góa cùng là người bày tôi bơ vơ, mà nói những tình khó nói của người ta. Bởi thế càng cùng thì thơ càng hay, đó không phải là thơ làm cho người phải cùng, vì có cùng rồi thơ mới hay vậy.

Bạn ta là Mai-thánh-Du, thủa nhỏ do chân ấm sinh bổ chức lại, nhiều phen ứng cử khoa tiến-sĩ mà bị quan tràng đánh hỏng, cùng khốn ở chức châu huyện hơn 10 năm. Năm nay 50 tuổi, còn phải làm mạc-tân cho người. Chí khí trong mình, không được tỏ ra sự nghiệp. Nhà ở Uyển-lăng, thủa nhỏ đã tập làm thơ, đã có câu làm cho người già phải kinh hãi. Khi lớn, học đến lời nhân-nghĩa trong lục kinh, làm ra văn-chương, giản lược chín chắn, không cần lấy vui tạm cho đời. Người trong đời, chỉ biết có thơ mà thôi, song nói đến thơ thì không cứ kẻ ngu người hèn, ai cũng phải cầu đến Thánh-Du. Thanh-Du cũng vì nỗi bất-đắc-chí mà vui về sự làm thơ, để giãi cái lòng mình, cho nên bình sinh, làm thơ lại nhiều lắm. Trong đời đã biết rồi mà chưa ai tiến lên người trên. Ông Văn-khang-Công trông thấy thơ, thường than rằng: « Hai trăm năm nay không có văn nào bằng văn này! » Tuy nhiên biết cho thế mà vẫn không tiến cử lên được. Nếu khiến may mà đắc dụng với triều-đình, mà ra nhã tụng, để ca vịnh công đức của nhà Đại-Tống, tiến lên Thanh-Miếu, mà theo với ca tụng nhà Thương nhà Châu, há chẳng hay lắm rư? Nài sao để cho già vẫn bất-đắc-chí, mà làm thơ của một người cùng chỉ thấy những giọng thở than buồn rầu vì giống chim cá sâu bọ. Trong đời chỉ mừng về thơ hay, không biết rằng cùng mãi thì đến già, chẳng tiếc lắm thay!

Thơ của Thánh-Du đã nhiều, không chịu thu nhặt, con nhà anh vợ là Tạ-cảnh-Sơ, sợ rằng nhiều thì dễ tản mát, bèn thu nhặt những bài làm từ khi ở Lạc-dương đến khi ở Ngô-hưng, chia làm 10 quyển. Ta thích xem thơ Thánh-Du, vẫn lo không được hết mà xem, nay được xem thì ta mừng lắm, mừng vì họ Tạ biết chia thứ tự vậy, bèn làm bài tựa mà cất đi. Sau 15 năm, Thánh-Du bị bịnh mất ở Kinh-sư, ta đến viếng tang, được di-kiểu có hơn 1.000 bài nữa, ta đem hợp với thơ trước, chọn lấy các bài hay được 677 bài chia làm 15 quyển. Than ôi, ta với thơ Thánh-Du, nói đã tường rồi, cho nên không nói nữa.

(Cổ văn)

Phía nam núi Thái-hàng có đất Bàn-cốc. Trong đất đó suối ngọt mà đất thì tốt, cây cối xanh um, người ở đơn thưa. Có người nói rằng: đất quanh trong hai khoảng rãy núi, cho nên gọi là Bàn-cốc; có người lại nói rằng: đó là cái hang núi, trong đó sâu thẳm mà hình thế hiểm trở là nơi nương náu của người đi ẩn. Bạn ta là Lý-Nguyện vốn ở đấy.

Lý-Nguyện có nói rằng: « Người ta gọi là đại trượng-phu, ta đã biết rồi. Nghĩa là có ơn huệ thấm thía với người có danh tiếng ở đời; ngồi nơi miếu đường thì có quyền cất bỏ trăm quan, giúp thiên-tử để truyền hiệu lịnh. Làm quan ngoài thì cờ rong trống mở, cung tên giàn mặt, quân lịnh tiền hô, kẻ hầu hạ rợp đường cái; người cung cấp phục dịch, đều phải khiêng vác chạy ngược chạy xuôi. Mừng ai thì có thưởng, giận ai thì có phạt; bậc tài tuấn đầy trước mặt, chỉ bàn việc xưa nay mà tán tụng công đức của mình, rườm tai mà vẫn không chán. Những người má đào mày liễu, tiếng trong lanh lảnh, mình nhẹ thinh thinh, là lượt thướt tha, tô son điểm phấn, ở sen lẫn nhau từng nhà, ghen tuông nhau mà tranh lấy sự thương yêu. Đó là đại trượng-phu gặp thời, nhờ ơn thiên-tử, đắc dụng ở đời thì theo cách đó. Ta không phải ghét sự ấy mà đi ẩn, vì có số mịnh, không phải ai ai cũng gặp may được.

Ở chốn hang cùng, trú nơi đồng nội, lên núi cao để trông ngóng, ngồi dưới bóng cây mát cho trọn ngày, tắm rửa chỗ suối trong cho mát mẻ, hái rau ở núi mà ăn, câu cá ở sông mà chén; khi thức khi ngủ, chẳng cứ thì giờ nào quí hồ thích thì thôi. Dẫu có tiếng khen về trước, chẳng thà không có tiếng chê về sau; dầu có sung sướng trong thân, chẳng thà không có sự lo lắng trong bụng. Xe ngựa áo xiêm, chẳng buộc được mình, gươm giáo tên đạn cũng không động đến mình. Cuộc đời trị hoặc loạn chẳng tưởng, nhân tài thăng hoặc giáng chẳng hay. Đó là đại-trượng phu không gặp thời thì theo cách đó, ta làm vậy.

Còn như luồn lọt ở cửa công-khanh, bôn su về đường thế lợi; chân muốn bước nhưng còn rụt rè, miệng muốn nói nhưng lại ngập ngọng; ở vào đám dơ dáy mà không biết xấu hổ làm những sự trái phép để mang lấy tội, cầu sự may mắn trong việc bất kỳ đến già đời mới chịu thôi, người đó hay dở thế nào, chẳng nói tưởng ai cũng biết ».

Hàn-xương-Lê nghe nhời ấy, mời chén rượu mà hát một bài rằng:

Núi Bàn-cốc nhà ngươi ở đấy,
Đất trong hang cầy cấy dễ sao?
Suối kia tắm rửa ào ào,
Ấy nơi xa vắng ai nào muốn tranh.
Hang sâu thẳm thanh thanh rộng rãi,
Đường quanh co qua lại trập trùng.
Cảnh hang vui thú lạ lùng,
Hùm beo lánh vết, rắn rồng náu thân.
Sự quái gở quỉ thần giúp hộ,
Vui ăn chơi cho độ tuổi già.
Ta về sắm ngựa xe ta,
Theo vào hang đó la cà cùng ngươi.

(Cổ văn)

Ngoại giả mấy thể văn xuôi trên này, lại còn các thể văn dẫn là bài nói dẫn nguyên ủy việc gì; văn bia là bài văn khắc vào bia để ghi sự tích của một người nào hoặc của việc gì; văn trướng là bài đề vào bức trướng để mừng hoặc để viếng người nào; văn án là bài luận án kẻ có tội; tấu sớ là thư dưng lên vua; thư từ là giấy má viết gửi cho ai; hài văn là bài văn nói khôi hài, chế bác việc đời; tạp thuyết là những bài nói chuyện việc gì v. v.

Các thể ấy có khi dùng lối văn xuôi, có khi dùng lối tứ lục, nhưng đều tùy ý mà phu diễn, không có thể-cách nhất định nào.

Nói rút lại thì trong các lối văn của ta và của Tầu, chia ra làm nhiều thể cách lắm, không kể sao cho xiết được. Song chẳng qua cũng là nhân mấy thể đã kể ra trên này mà gia giảm biến cải đi ít nhiều thôi. Vả văn-chương nước nào cũng vậy, về phần văn xuôi thì do ở nhời nói mà tô-điểm thêm cho nên văn-hoa đã đành; còn về phần văn có vần thì trước hết phải gốc ở nhời phong-dao, là những câu ví von ở các nơi thôn-dã. Văn của Tầu thì phát nguyên từ bài ca « Nam-phong » ở đời Đường, Ngu và các thơ « Quốc-phong » ở về đời Hạ, Thương, Chu.

Bài ca Nam-phong rằng:

Nam phong chi huân hề,
Khả dĩ giải ngô dân chi uấn!
Nam phong chi thời hề,
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài!

Nghĩa là gió nam mát mẻ, có thể giải được bụng hờn giận của dân ta; gió nam phải thời có thể làm giầu được của cho dân ta. Bài đó là lúc bấy giờ dân được hưởng cuộc thái bình sung sướng, giầu có vui vẻ, nhân cơn gió mát mà hát câu này: rồi vua Thuấn lựa vào khúc đàn để ghi lấy cảnh thái-bình. Các thơ quốc-phong chép ở trong kinh Thi tức là những bài hát ở nơi dân thôn, nhà vua sai người ghi chép cả lấy để xét tính tình phong-tục của các nơi.

Văn của ta chắc cũng đã phát nguyên từ đời Hồng-bàng, nhưng đời đã lâu mà sử sách không truyền thì không lấy đâu mà biết được thời đó có những câu hát gì. Chỉ nghe tục truyền từ đời Trưng-vương thì đã có câu rằng:

Nhiễu điều bọc lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng.

Câu ấy là nhời cổ-động cho dân ta để đồng lòng mà đuổi Tô-Định. Còn thì như những bài « Con chim chích » bài « Trèo núi » bài « Hái trè » v. v. toàn là tính tình của người ta phát-tiết ra cả. Bởi có cái gốc đó mà người sau mỗi ngày đặt thêm ra các lối, mỗi nơi chuyển biến ra một giọng. Văn của Tầu từ khi có quốc-phong, rồi biến thành Ly-tao (tức là Sở-từ), đến nhà Hán lại biến thành ca thành từ, ly-tao thì biến thành phú; đến nhà Đường lại thành thơ phú có luật; đến nhà Tống lại sinh ra lối tứ lục, nhà Nguyên nhà Minh lại sinh ra lối kinh-nghĩa. Văn của ta từ ông Hàn-Thuyên thời nhà Trần mới bắt trước thơ phú Tầu mà đặt ra thơ phú nôm, còn lối lục bát thì có đã lâu lắm.

Trên này tuy chưa kể hết được các thể văn-chương, nhưng chừng ấy lối cũng đã đủ mà tả hết tính tình, làm cho có văn-hoa rực-rỡ rồi, tưởng bất tất phải kể làm gì cho lắm. Mà cần nhất cho ta nên tập thì lại chỉ cần có vài lối là thơ, phú, ca, ngâm, nghị-luận, ký-sự mà thôi. Ta biết vài lối đó cũng đủ đem văn-chương mà di-dưỡng tính tình của ta vậy.