TIẾT THỨ III

Luận về phép làm văn.

Trên này đã kể qua các lối văn-chương, nhưng phép làm văn thì phải thế nào? Phép làm văn chẳng những là làm thể-cách nào phải theo khuôn phép của thể-cách ấy, lại cần phải biết lối nữa mới làm được.

Làm văn có nhiều phép, nói qua mấy phép cần dùng sau này:

1.— LẬP ĐỊNH CHỦ Ý. — Phàm làm văn, trước hết phải lập định chủ ý, tức là cái mục đích của mình. Thí dụ như nghị luận việc gì, phải chọn lấy một lẽ nào chính đáng mà nhất định theo về lẽ ấy, rồi khi làm văn, phu diễn thế nào mặc lòng, nhưng trước sau vẫn theo một ý ấy mà thôi. Văn có chủ ý thì đầu đuôi trong một bài văn vẫn quán-xuyến với nhau, không đến nỗi trước nói một đường sau lạc đi một nẻo, thành ra ý kiến lủng củng, không có nhất định.

2.— CẤU TỨ.— Lập được chủ ý rồi thì cấu tứ. Cấu tứ là giùm các tứ làm văn, nghĩa là nghĩ xem trong đầu bài có những tình tứ gì, hoặc có những tình tứ gì ở ngoài liên can đến đầu bài. Thí dụ như đầu bài là « mặt trăng », thì thử xem mặt trăng có những tình tứ gì. Mặt trăng thì có ánh sáng, có vẻ trong trẻo, khi thì tròn, khi thì khuyết, khi thì ngặm nửa vành ở trong núi, khi thì luồn qua một đám mây bay, đó là các tình tứ của mặt trăng; có mặt trăng thì có ánh sáng rọi xuống, làm cho sông núi ra cảnh đẹp, cây cối có bóng về đêm, làm cho người ta sinh ra lòng vui vẻ hoặc nỗi buồn rầu, đó là cái tình tứ ở ngoài mà liên can đến mặt trăng. Nói đại khái như vậy, chứ càng nghĩ thì càng nhiều tứ; mà văn có nhiều tứ thì văn mới hay, văn mới dồi dào, không đến nỗi khô khan mà thành ra văn cùn.

3.— BỐ CỤC. — Bố cục là giàn giá cho có thứ tự. Xem trong một bài văn, nên mở ý gì, nên nghị luận gì, nên kết lại ý gì, ta nên gián định sẵn cho có lần có lượt, điều gì nên nói trước thì nói trước điều gì nên nói sau thì nói sau, thứ tự phân minh, đừng để xốn xáo lộn bậy. Văn có giàn giá sẵn thì dẫu nói nhiều thế nào cũng không trùng điệp, mà thành ra nói quẩn nói quanh.

4.— LẬP NGÔN.— Lập ngôn tức là cách đặt câu. Văn đã lập ý, cấu tứ, bố cục xong, tức là gần xong một bài văn. Còn đến lúc đặt câu thì chỉ nói thế nào cho rõ ràng gọn ghẽ, khúc triết phân minh nữa là được. Đặt câu không nên lôi thôi rườm rà quá, mà cũng không nên cầu kỳ, quí hồ nói cho người ta dễ hiểu là hơn. Mà nói thì nói cho thanh, không nên dùng những tiếng thô bỉ, mới là văn-chương thanh nhã.

Nghị luận lại cần phải có kiến thức cao xa, có tư tưởng rộng rãi thì văn mới hay, chớ nói những ý tứ nông nổi hẹp hòi thì là văn-chương tầm thường.

5.— DỤNG ĐIỂN.— Dụng điển là tìm những điển tích cũ, có điều gì việc gì liên can đến đầu bài thì dùng mà đặt câu tức là viện chứng mà tỏ ra sự thực. Vả nhà làm văn-chương, tất phải dùng điển tích thì đặt câu mới gọn gàng tròn trặn mà cai được nhiều nghĩa. Thí dụ như câu trong đầu chuyện Kiều.

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Câu ấy dùng hai chữ « bể dâu » tức là điển-tích. Ý chỉ là trải qua những việc biến đổi của giời đất, nhưng nói hai tiếng đó thì vừa gọn nhời, vừa sinh câu, lại vừa cai được nhiều ý tứ, không phải nói lôi thôi nữa.

6.— KHẢO CỨU.— Khảo cứu là làm đến bài gì thì phải kê cứu đến nguyên-ủy thủy-chung của bài đó, nghĩa là xét xem cái việc đó phát nguyên từ đâu, trung-gian chuyển-biến ra làm sao, về sau kết-cục thế nào. Văn có kê cứu thì văn mới có ruột, mà mới nói được tường tận, mới nghị-luận được rộng rãi. Nếu không có kê cứu thì chỉ là văn-chương viển-vông mà thôi.

Nay trích lấy các nhời thánh hiền luận về phép làm văn mà bàn thêm cho rõ ràng như sau này:

Đức Khổng-tử nói rằng: « Nhời văn cốt cho đạt được ý mình thì thôi ». Nghĩa là làm văn bất tất phải cầu kỳ, chỉ quí hồ làm cho tỏ được ý tứ của mình là đủ. Nhời ấy mới nghe tựa hồ dễ đàng mà kỳ thực thì rất khó. Bởi vì làm văn, lắm khi có ý tứ, mà không biết nói thì cũng không sao mà tả ra được. Vả ý càng nhiều thì nhời lại càng khó xếp đặt, phải nghĩ thế nào mà tả cho khéo, không lộn bậy mà cũng không sót ý nào thì mới được.

Thầy Chu-tử là bực đại-nho nhà Tống có nói rằng: « Văn chỉ cốt ở chính đáng mà thôi ». Nghĩa là nói câu nào phải cho thiết thực đích đáng, hợp với lẽ phải và sự thực, không nên bàn nói viển-vông huyền-hoặc mà sai mất lẽ đương nhiên.

Tập « Hoàn-bích-trai tiểu ngôn » có nói rằng: « Văn chương không cần phải đua khéo trong từng chữ từng câu, phải nghĩ cả toàn bài cho khéo thì mới là hay: mộc-mạc thì như một tấm lụa, mà rực-rỡ thì như là một tấm gấm. Đời sau ruột văn không đủ, tìm tòi nhặt nhạnh, làm cho lạ từng chữ, đẹp từng câu, tuy rằng sặc-sỡ ở trước mặt người, nhưng không có một đoạn ý-kiến nào chói rọi của mình tả ra cả, ví đã như cái áo may ghép trăm mụn gấm, mặc cho đứa trẻ con thì nó trông thấy đẹp mà mừng, nhưng giá thử để cho người lớn mặc, thì chắc ai cũng xấu hổ mà quẳng đi ». Lời luận ấy có ý chê những văn cầu kỳ từng câu từng chữ, mà rút cục lại thì trong bài văn không có một chút tư tưởng nào.

Võ-thúc-Khanh bàn về phép làm văn, chia ra làm 24 điều cốt yếu như sau này:

Thần.— Thần ở trong văn-chương, tuy rằng không có hình mà thực tỏ ra có hình. Văn mà không có thần thì như lá cây khô héo, dẫu có cành cội mà sinh ý thì đã kiệt hết rồi. Bởi vì văn-chương là tinh thần của người phát hiện ra. Tinh thần có trong đục khác nhau thì văn-chương có hồn thuần, tạp nhạp khác nhau; tinh thần có yên lặng, nóng nẩy khác nhau thì văn-chương có thanh nhã, thô tục khác nhau. Cho nên người làm văn, trước hết phải yên định tinh thần, muốn yên định được tinh thần thì chẳng gì bằng thu cái phóng tâm (nghĩa là thu những mối lòng bông lông lại); mà thu phóng tâm bất tất phải cầu đâu, chỉ đem sách ra mà học hay là tập làm văn, tức là cách thu phóng tâm đó.

Tình.— Văn bởi tình mà sinh ra. Tình có khoái hoạt thì văn mới hay, tình mà uất ức thì văn cũng bức bối. Cho nên trước hết yên định tinh thần rồi kế đến phải bình tình. Bình tình nghĩa là giữ cái tình của mình theo mực trung bình, không nên tuyệt hết ngoại vật, tuyệt hết ngoại vật thì khô khan không còn thú vị gì; mà cũng không nên bợn lòng vào việc gì, bợn lòng thì trệ nệ mà không biến hóa được. Các mối mừng giận vui buồn, ai chẳng có lúc có, song việc qua đi rồi thì thôi, đừng nên chứa ở trong lòng mà sinh ra anh ách; lúc nào bực dọc khó chịu thì phải mượn việc gì để khuây khỏa đi, hoặc là trèo núi chơi sông, hoặc là ngắm giăng hóng gió, hoặc là dạo xem cỏ hoa cây cối hay là chơi trong nghề cầm kỳ thi họa, những người có bụng khoát đạt xem đó đủ hội được lý thú mà tự nhiên bình tình.

Khí.— Khí phát ra nhời nói, ví như nước làm trôi được vật. Nước to thì vật dù nhớn dù nhỏ đều phải trôi, khí mạnh thì nhời nói dù vắn dù dài đều phải chạy. Ông Tô-tử-Chiêm nói rằng: « Văn không có thể vì khỏe mà hay, nhưng khí thì có thể nuôi mà mạnh ». Vậy thì cách dưỡng khí, cũng phải biết mới được.

Cốt (xương).— Xương bám vào thịt, song nhiều thịt thì thà rằng nhiều xương còn hơn. Vì xương nhiều tuy rằng gầy gàu nhưng mà cốt cách coi còn khỏe mạnh; chớ nhiều thịt thì phục phịch lại càng khó chịu. Gân lại phụ vào xương. Văn-chương mà đứng đắn xốc vác, nhờ ở cốt nhiều, mà mạch lạc liên tiếp thì cần nhất là ở tại gân, điều đó cũng phải xét mới được.

Chất.— Người vẽ trước hết phải có nền phác họa, người khéo làm văn trước hết cũng phải lập cục sẵn sàng, tức là cái nền văn vậy.

Phẩm.— Văn cũng phải có phẩm cấp. Người cao thì không làm thế nào cho thấp được, người thấp cũng không làm thế nào cho cao được. Cho nên có tiên phẩm, có tài phẩm, có phàm phẩm, nghĩa là cao thấp khác nhau. Còn như hạ phẩm thì tức như bọn tôi tớ, không cần nói đến nữa.

Tài.— Tài là cái tài làm văn. Văn của Thái-sử-Công, trong một bài, tả đến vài mươi việc; vậy mà giãi bày phân minh, nói đâu ra đấy, chớ không bối rối; lần lượt chỉnh đốn, mỗi lời một khác, chớ không trùng điệp. Đến như tả một việc rất thô tục, dẫn một nhời rất quê mùa, cũng điểm hóa cho ra nhời rất thanh cao, người làm văn không ai đặt hơn được. Văn ông Tô-tràng-Công thì biến hóa xô xốc, như ngựa thần hóa rồng, không ai ràng buộc được.

Thức.— Văn-chương nghị-luận do ở kiến-thức mà ra. Kiến-thức cao thì nghị-luận cũng cao, kiến-thức thấp thì nghị-luận cũng thấp.

.— Văn có lý, mới đủ làm chủ-trương cho tư-cách. Nếu không có lý thì lời văn tuy rườm rà mà không có lẽ gì. Cho nên làm văn đệ nhất là phải thấu lẽ, có thấu lẽ thì trong bụng mới không vướng vít điều gì, mà hạ bút không còn vấp váp nữa; ví như người cầm con dao sắc mà cắt một vật mềm, chẳng có khó gì.

10º Ý.— Ông Viên-liễu-Phàm nói rằng: « Văn-chương nào bén ý, thường hay nghĩ được những điều của người ta không nghĩ đến, nói được những lời của người ta chưa nói ra. Ý có khi ở sau khi hạ bút, có khi ở trước khi hạ bút. Ý mà ở được trước khi hạ bút thì là ý hóa-công, chớ không phải là ý nghĩ ngợi ra được. Duy ai dưỡng được tâm cho trong sáng, không để vật gì che lấp, thì trong bụng lúc nào cũng như gương, gặp khi cầm bút hình như có sẵn bài trong ruột, chỉ nhờ tay để viết ra. Vậy là trong bụng có sẵn một bài văn, chẳng qua gặp đề-mục nào thì tả ra đó thôi.

11º Từ (lời).— Văn dẫu lấy ý làm cốt, nhưng lời cũng phải sửa mới được. Vì không sửa lời thì không sao tỏ được ý. Sửa lời có vài cách; hoặc bỏ bớt lời rườm rà cho gọn câu, hoặc hóa lời cũ kỹ làm ra cho mới mẻ, hoặc đổi câu tầm thường làm cho ra cao-kỳ; mà tất phải lấy lục-kinh làm cỗi gốc, lấy lời bách-gia chư-tử để trang điểm câu văn; cao mà không phải là huyền hoặc, lạ mà không phải là quỉ-quái.

12º Cách.— Văn có cách cũng như nhà có từng ngăn từng gian. Làm văn không định cách cục trước, thì đến nửa chừng, tất nhiên phải lộn bộn. Song cách cục có khi phải luyện mới thành, cũng có khi không phải luyện mà cũng thành. Luyện mà thành là cái khéo của người làm ra, không luyện mà cũng thành, là cái tài tình tự nhiên của tạo-hóa.

13º .— Phép làm văn, biến hóa trăm chiều, không biết thế nào cho cùng, mà chỗ hay ở cả như cơ, cơ tức là cái máy vận động của văn chương. Máy không động thì văn không sao mà hay được. Ví như người bắn tên phải bấm cái máy nỏ, người đẽo rìu phải có chừng trong tay, ý hội được, mà không nói ra được, mình có thể biết mà không có thể bảo cho người biết. Điều ấy cốt ở người biết ý hội lấy ở ngoài lời nói mới được.

14º Thế.— Văn-chương cao thấp hợp phép, mau chậm phải độ, khi kíp thì như gió giật mưa dào, khi khoan thì như mây bay nước chẩy, đó là cái thế làm văn.

15º Điệu.— Văn có khi cùng cách cùng nhời cùng ý, mà cao thấp khác nhau là vì điệu khác nhau vậy. Khí vận nên dãi dề mà đừng cấp bách, âm tiết nên hòa bình mà đừng gay gắt, điều lý nên phân minh mà đừng rối, mạch lạc nên liên tiếp mà đừng đứt, đó là điệu văn.

16º Pháp.— Văn có bốn phép là phép thiên, phép vế, phép câu, phép chữ. Song phép chữ lại ở trong phép vế, phép vế lại ở trong phép thiên, nói tóm lại thì chỉ là một mà thôi. Lại có 6 điều cốt tử: là thao túng (buông bắt), khai hạp (mở đóng), ức dương (đè xuống nhắc lên), khởi phục (khởi lên phục xuống), đón tỏa (dằn đè), thác tổng (ngang dọc sâm si). Nghìn biến muôn hóa, chẳng qua mấy phép đó. Phép nên nghiêm, song nghiêm quá thì sức bút phải quẩn, vậy phải khi nghiêm khi khoan giúp lẫn nhau, ấy mới là khéo dùng phép.

17º Thú.— Thú là cái mùi văn, văn mà không có thú thì xem văn tựa như ăn xáp, nghĩa là khô khan mà không có vị gì. Người xưa có nói rằng: « Nghe tiếng chuông mà nghe được tiếng phảng phất, chơi giăng mà nghĩ ra tứ man mác ». Câu ấy thực như vẽ cái thú vị của văn-chương. Cái thú văn-tự, chỉ ở trong khoảng thực thực hư hư. Văn-tự dẫu rằng thực tả, song đến chỗ tả ý bóng bảy thì có cái thú như là xem hoa trong gương, trông giăng dưới nước.

18º Trí.— Văn có tiêu-trí, (vẻ tự nhiên), cũng như người ta có dáng điệu. Nếu văn không có tiêu-trí thì nhời dẫu đẹp cũng không đủ xem. Cái tiêu-trí đó bởi ở trong tinh thần mà rực rỡ ra. Nên phải có cái vẻ tự nhiên, như là gió qua trên mặt nước, không có ý gì đến sóng, mà sóng tự nhiên nổi gợn lăn tăn. Kinh-Xuyên nói rằng: Văn-tự chẳng những chỗ có ý đặt để là cao, mà chỗ không có ý đặt để mà cũng là cao. Có ý đặt để thì là cái khéo ở trong sự cân nhắc; chớ không có ý đặt để mới là cái khéo thần hóa tự nhiên.

19º Cảnh.— Cảnh không có thể lấy hình tích mà kể ra được, nên phải lấy cái ý bóng mà đưa đẩy lấy cái nhời nhẹ nhàng mà điểm xuyết, tựa như có tựa như không, tựa như gần tựa như xa, thế mới là hay. Cái cảnh đó do ở chỗ mình trông thấy mà sinh ra và do ở ý của mình mà hội được. Nên phải có ý hứng hay, tư tưởng rộng như hai bài phú Xích-bích của ông Tô-đông-Pha, phi có tư-tưởng cao thì sao tả được quang cảnh đó.

20º Thái (vẻ).— Năm sắc lẫn lộn thành ra văn vẻ; sợi dọc sợi ngang gián tạp, thành ra điều lý, bởi đó mà gọi là văn-chương. Nếu vàng mà không có sắc đẹp thì khác gì đồng với sắt; ngọc mà không có chất quí thì khác gì đá sỏi.

21º Hàm dưỡng.— Văn-tự nông nổi quê mùa, điều vì uẩn tạ (chứa nhiều kiến thức) không được nhiều; uẩn tạ không được nhiều, lại vì hàm dưỡng (nghĩa lý ngấm nghía) chưa được đến nơi. Văn-chương có hàm dưỡng, thì khí cốt tự nhiên hồn hậu, vẻ điệu tự nhiên tươi sáng, nhời dẫu hết mà ý vị vẫn vô cùng, tiếng dẫu dứt mà dư âm vẫn không tuyệt.

22º Tố (làm).— Tố nghĩa là công phu làm văn. Có người viết bừa một lúc xong bài văn, không phải chữa đổi mà tự nhiên hay, đó là văn thần đáo, hay hơn cả. Còn thì phải ngẫm nghĩ tinh tế, như đại ý đã thảo phác ra rồi, lại phải xoát lại từ đầu đến cuối, kiểm điểm từng tý, chỗ nào hơi không chạy, từ sửa lại cho chạy; chỗ nào ý không tròn thì luyện lại cho tròn; chỗ nào mạch lạc không liên tiếp thì đúc lại cho cắn với nhau; chỗ nào âm điệu chưa hòa hiệp thì chuyển lại cho hợp với nhau. Cân đi nhắc lại từng tý, như vậy mới không sai lầm được.

23º Pháp cổ (bắt chước đời xưa).— Văn có bắt chước đời xưa rồi mới có cách có điệu. Song khi đọc văn cổ, chỉ mượn để dưỡng khí cho hồn hậu, lập cách cứng cỏi, luyện điệu cho cao kỳ, điểm sắc cho tươi đẹp, lột hình thay cốt không tự biết mình là theo lối cổ, như thế mới là khéo bắt chước. Nếu không cầu ở trong tinh thần mà chỉ bắt chước từ chữ từ câu thì khác gì người bắt chước cái nhăn mặt của nàng Tây-Tử, học cái bước chân của họ Hàm-đan[1] còn quí gì nữa.

24º Độc (xem sách).— Xem sách nên phải dùng công phu thiết-thực. Thánh hiền lập ngôn, chẳng qua giảng bàn nghĩa lý thì ở trong bụng ta vẫn đã có sẵn; chẳng qua bàn nói việc đời, mà việc thì mình ta vẫn đã từng trải. Ta đọc sách, nên đem bụng thánh hiền, coi như bụng của ta; nên đem việc đời xưa, coi như việc bây giờ. Đặt thân mình ở vào địa-vị người xưa, như thế mới là xem sách thiết vào đến mình. Mỗi ý mỗi câu, điều như việc của mình, so với người nhớ sách qua loa, mới hiểu nghĩa đã cho là giỏi, khác nhau xa lắm.

Đọc sách lại cần phải tỉnh ngộ. Trong giời đất vẫn có một lẽ nhất quán, có thể nhân lẽ này mà suy ra lẽ khác. Bụng ta phải rất tinh tế và rất hư không thì động đến đâu cũng hiểu được. Thường thấy người đọc sách, vội vàng xem qua rồi lại dở sang tờ khác, không chịu ngẫm nghĩ cái tinh thần trong sách, như thế thì kiến thức tài nào mà nẩy ra được. Đó là cái lỗi không tinh tế. Cái lỗi đó lại do ở cái bụng không được hư không. Nghĩa lý vô cùng, học đến già cũng vị tất đã hiểu hết. Kẻ tục-tử thường tự coi mình hơn người, cho nên không thành được người có học. Vả phép đọc sách, lúc trước phải có ý tựa như khổ sở; phi khổ sở thì không tài nào biết được; lúc sau phải có ý tựa như vui vẻ, phi vui vẻ thì không hội được lý thú. Đức Khổng-tử nói rằng: « Lúc chưa nghĩ được thì tức giận quên cả ăn, lúc nghĩ được rồi thì vui lòng mà quên cả lo », học như thế mới là học.

Xem trong 24 điều của ông Võ-thúc-Khanh bàn trên này thì phép làm văn tưởng cũng đã đủ. Nói rút lại thì chỉ là văn phải có thần mới linh động, phải có tình mới vui vẻ, phải có khí thì nhời mới cứng, phải có cốt thì văn mới già; chất để làm nền văn, phẩm để giữ giá văn, có tài thì đặt nhời mới khéo, có thức thì luận nghĩa mới cao. là cái lẽ của sự vật, để làm chủ-trương cho nhời văn; ý là cái ý-kiến của mình, để làm chủ-trương cho tứ văn. Từ là nhời nhẽ, cần phải rõ ràng; cách là cách cục, cần phải tề chỉnh. là cái máy vận-động, làm cho văn-chương được hoạt bát; thế là cái sức đưa đẩy, làm cho văn chương có điều độ. Điệu là điệu văn, câu lên câu xuống, câu dài câu vắn, có hợp điệu thì văn mới xuôi nhời; pháp là phép văn, câu mở câu đóng, câu buông câu bắt, có biết phép thì văn mới dễ khiến. Thú là cái thú vị của văn-chương, trí là cái vẻ tự nhiên của văn-chương. Cảnh là cảnh tượng ở ngoài, làm cho văn-chương sinh tình; thái là màu vẻ ở trong làm cho văn-chương sinh đẹp. Hàm dưỡng là chứa nhiều kiến thức thì làm văn mới rộng; tố là công phu đặt để, có chịu đặt để thì văn mới hay. Pháp cổ là bắt chước đời xưa, có bắt chước mới hợp cách điệu; độc thư là xem sách, có xem sách mới làm được văn-chương.

Đổng-tư-Bạch cũng bàn về phép làm văn, chia làm 9 phép thiết yếu như sau này:

Tân (khách).— Trong một bộ Trang-tử, toàn là nhời ngụ-ngôn (nói bóng), không có một câu nào là phạm đến chính ý đầu bài. Vì chính ý chỉ nói vài nhời là hết, làm sao mà lát ra cho nhiều được. Cứ lấy thời văn mà luận thì câu thực giảng là chủ, câu hư giảng là khách. Trong hai vế thì một vế là khách, một vế là chủ; trong một vế thì một câu là khách, một câu là chủ, phải hư hư thực thực tham thác với nhau mới là thần diệu. Có khi nói quá chính ý một bước, hoặc lùi xuống dưới chính ý một bước, đều gọi là khách cả, song không nên dùng câu khách ở trong câu khách, nghĩa là trong bàng ý lại một bàng ý nữa. Phải nên trong chủ có khách, trong khách có chủ, mỗi một bước lại phải nhìn đến chính ý, mới hợp vào phép chữ « tân ».

Chuyển (xoay ý).— Cái tài tình của văn chương, cốt ở chỗ chuyển; chuyển thì không bao giờ cùng cực được, như là nhìn khúc núi Võ-di, cứ đến chỗ hết thì lại mọc lên rãy khác. Văn-chương nếu cứ theo đề mà phu diễn thì mở mồm là hết ý ngay, cho nên khi nói hết ý thì phải chuyển đi đường khác.

Phản (nói trái đi).— Cổ văn làm cho người ta phải kinh động tâm thần, không gì hay bằng văn Quốc-sách. Trong quốc-sách thì toàn là nhời của bọn du-thuyết. Bọn du-thuyết động nói việc gì, chẳng những là nói vô lợi mà lại nói: nếu không thế thì có hại nữa. Nhời nói như là gõ đến xương cạo đến tủy, làm cho vua chư-hầu phải biến sắc giùng mình. toàn là dùng lối phản thuyết. Lối ấy ví như trong sách Luận-ngữ bàn đến Quản-Trọng làm cửa tắc-môn, giá cứ nói ngay thì chỉ nói Quản-Trọng không biết lễ phép là đủ, song lại nói rằng: họ Quản mà biết lễ thì ai là chẳng biết lễ, đó là cách phản thuyết đó.

Cán (bổ).— Cán là bổ thêm cái ý của ngori đời trước, nghĩa là ý cổ nhân chỗ nào còn khuyết thì thêm vào.

Đại (thay).— Đại là thay nhời cố-nhân. Ta làm bài gì, tức là ta thay khẩu khí của người bấy giờ thì cũng nên tả trong cái ý của người bấy giờ mà thôi.

Phiên (trái lại).— Phiên tức là nghĩa phiên bác cái án trước. Ta lại già múa mang ngòi bút, buộc tội hoặc gỡ tội hoặc gỡ tội cho người, dẫu đã có án nhất định rồi, cũng phiên bác đi được. Nhà làm văn bắt chước lối ấy thì văn càng nẩy tứ mà nhời nhẽ lại càng mới mẻ thêm ra.

Thoát (cổi).— Nhà phong-thủy trọng về việc thoát tả (cổi tháo), tức là chỗ mạch đất cấp thì lấy huyệt hoãn, chỗ mạch đất hoãn thì lấy huyệt cấp. Văn-chương cũng vậy, chỗ thế hoãn thì nên tả cho mau đến ý, đừng để dài dang mà sinh ra nhạt nhẽo, còn những chỗ thế cấp thì nên tả cho khoan thai dãi dề.

Cầm (bắt).— Ông Đỗ-tử-Mỹ nói rằng: « Bắt giặc nên bắt lấy Tướng trước ». Phàm làm văn nắm được chủ ý rồi thì mới làm được văn.

Ly (lìa).— Văn tự rất kỵ là song sóng điều nhau, cốt cho sâm si thác lạc, chỗ nào tan thì hợp lại, chỗ nào hợp thì lại tan ra, đó là cái thế làm văn.

Xem 9 phép trên này, có thể bổ thêm cho 24 phép của Võ-thúc-Khanh. Ta nên tham cứu trong từng ấy phép thì phép làm văn tưởng cũng không thiếu mấy nữa.

   




Chú thích

  1. Nàng Tây-Tử càng nhăn càng đẹp, người khác nhăn thì xấu, họ Hàm-đan tài nhẩy, người khác bắt chước thì ngã.