Bài luận bằng đảng
của Âu Dương Tu, do Phan Kế Bính dịch

Tôi nghe nhời bằng đảng, từ xưa đã có, chỉ nhờ nhân-quân phân biện cho rõ quân-tử tiểu-nhân mà thôi.

Đại phàm quân-tử cùng với quân-tử, vì đồng-đạo mà kết bạn với nhau; tiểu-nhân cùng với tiểu-nhân, vì đồng lợi mà kết bạn với nhau; ấy là lẽ tự nhiên vậy. Song tôi nghĩ rằng tiểu-nhân không bằng đảng, chỉ quân-tử mới có. Cớ sao vậy? Là vì tiểu-nhân chỉ trông thấy lợi lộc, chỉ tham về của cải, đương khi đồng lợi, tạm thì bằng đẳng với nhau, là giả dối đó thôi; đến khi trông thấy lợi thì tranh nhau lấy trước, hoặc khi hết lợi thì lại nhạt nhau, thậm đến giết hại lẫn nhau, dù đến anh em thân-thích, cũng không giúp lẫn nhau nữa. Tôi nói rằng tiểu-nhân không có bằng đảng, tạm thì bằng đảng với nhau là giả dối là vì thế đó.

Quân-tử thì khác thế giữ thì giữ những điều đạo nghĩa, làm thì làm những sự trung-tín, tiếc thì tiếc những điều danh-nghĩa; lấy các điều đó mà sửa mình, thì đồng-đạo mà ích lẫn cho nhau; lấy các điều đó mà thờ vua, thì đồng tâm mà giúp lẫn cho nhau, trước sau như một, ấy là bằng đảng của quân-tử vậy.

Cho nên nhân quân, phải đuổi bọn ngụy bằng đảng của tiểu-nhân mà dùng bọn chân bằng đảng của quân-tử thì thiên-hạ mới trị được.

Thời vua Nghiêu, bọn tiểu-nhân là bốn kẻ hung tàn kết làm một bè, bọn quân-tử là bát-nguyên, bát-khải 16 người kết là một bè. Vua Thuấn giúp vua Nghiêu, đuổi bọn tứ hung mà cất bọn bát-nguyên bát-khải, cho nên thiên-hạ được thái-bình. Đến khi vua Thuấn lên nối ngôi thiên-tử, bọn Cao, Quỳ, Tắc, Tiết cả thẩy 22 người, cùng đứng trong triều, tưng bốc nhau, nhường-nhịn nhau, 22 người kết làm một bè vua Thuấn dùng cả, thiên-hạ cũng được thái-bình.

Kinh Thư nói rằng: « Vua Trụ có ức vạn bày tôi, nhưng ức vạn bụng, nhà Châu có 3.000 bày tôi, nhưng chỉ một bụng ». Thời vua Trụ ức vạn người mà mỗi người một bụng, đủ rõ là không bằng đảng, song vua Trụ vì thế mà mất nước; bày tôi vua Võ-vương nhà Châu, có 3.000 người kết làm một bè nhớn; nhà Châu bởi đó mà hưng-thịnh.

Thời vua Hiền-đế nhà Hán, bắt hết danh-sĩ thiên-hạ cho là bằng đảng mà giam cấm cả lại. Đến khi giặc Hoàng-Cân nổi lên, nhà Hán đại-loạn, bấy giờ mới tỉnh ra, tha cho bọn bằng đảng, thì đã cứu không kịp rồi.

Cuối đời nhà Đường, lại có tiếng bằng đảng. Đến thời vua Chiêu-Tôn, giết hết bọn danh-sĩ trong triều, hoặc ném xuống sông Hoàng-hà, nói rằng bọn này tự xưng là thanh-lưu (dòng trong) thì nên ném xuống dòng đục, vì thế mà nhà Đường mất.

Ôi nhân-chủ đời trước, hay khiến cho người ta khác bụng không làm bằng đảng, không ai bằng vua Trụ; cấm tuyệt được đảng thiện-nhân, không ai bằng vua Hán Hiến-Đế; giết bọn thanh-lưu, không ai bằng Đường Chiêu-Tôn, thế mà điều đến gây loạn cho nước. Tưng bốc nhau, nhường nhịn nhau không ai như bọn 22 người bày tôi vua Thuấn; vua Thuấn không nghi mà dùng cả, thế mà người đời sau không chê vua Thuấn bị bọn bằng đảng lừa dối, mà lại khen vua Thuấn là chúa thông-minh, là vì biện rõ được quân-tử với tiểu-nhân vậy.

Thời vua Châu Võ-Vương, hết cả bày tôi trong nước có 3.000 người, cùng làm một bè, tự đời xưa không bằng đảng nào to bằng bè ấy, song nhà Châu bởi đó mà hưng, người dẫu nhiều mà không chán vậy.

Than ôi, cái vết hưng-vong trị loạn, đủ làm gương cho các vì nhân-chúa vậy.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.