Bài ký sự Chơi núi Thạch Chung

Bài ký sự Chơi núi Thạch Chung
của Tô Thức, do Phan Kế Bính dịch

Thủy-kinh nói rằng: « Cửa hồ Bành-lãi có chuông đá ». Lịch-nguyên nói rằng: « Ở dưới đầm sâu, gió phẩy động sóng, nước vỗ vào đá, tiếng như tiếng chuông ». Lời ấy người ta vẫn hồ nghi, vì là đem chuông khánh thực mà bỏ xuống nước, dù sóng gió to cũng không kêu được, huống chi là đá. Đến Lý-Bột nhà Đường tìm tòi dấu cũ, kiếm được hai mảnh đá ở trên đầm, gõ mà nghe, có tiếng trong trẻo, thôi không gõ mà tiếng thừa vẫn còn lanh lảnh, lâu lâu mới dứt, chắc đó là phải chuông đá rồi. Song nhời ấy ta lại càng nghi lắm. Đá lanh lảnh có tiếng ở đâu chẳng vậy, cớ gì ở đây lại gọi là chuông?

Tháng sáu năm Nguyên-phong thứ 7, ngày đinh-sửu, ta tự Tế-an đi thuyền đến Lâm-chữ, vì con trưởng ta là Mại sắp đến làm quan úy ở Đức-hưng, ta tiễn đến cửa hồ, bởi thế mà được xem cái chuông đá. Nhà sư trong chùa đó sai đứa tiểu-đồng cầm cái búa vào đám đá lổn chổn, chọn lấy một vài hòn gõ xem thì quả nhiên có tiếng kêu boong boong, ta cười mà đã hơi tin vậy.

Đến đêm giăng sáng, một mình ta cùng với Mại bơi một chiếc thuyền nhỏ, đến tại dưới sườn núi cao, có tảng đá to đứng nghiêng, cao tới nghìn thước, hình như con thú dữ, con quỉ lạ muốn chồm vồ người; mà những chim két ngủ trên đỉnh núi, nghe có tiếng người, cũng giật mình tỉnh dậy, bay vù vù lên trên mây. Lại văng vẳng như có tiếng ông già, vừa ngáp vừa cười ở trong hang núi, người ta nói là tiếng chim giang chim sếu đó. Ta cũng ghê mình muốn trở về, bỗng nghe có tiếng ở trên mặt nước, phình-phình như tiếng chuông tiếng trống, một hồi lâu chưa thôi, người trong thuyền ai cũng kinh hãi, xét ra thì là hốc đá ở dưới chân núi, không biết nông sâu dường nào, hơi có sóng vỗ vào thì thành ra tiếng phập-phình đó. Thuyền bơi đến trong khoảng hai trái núi, sắp vào cửa lạch, có một tảng đá to nằm giữa dòng, có thể ngồi được trăm người. Tảng đá ấy rỗng ở giữa mà cũng lắm hốc, sóng gió đưa vào, cũng có tiếng ầm ỳ sang-sảng, cùng với tiếng phập-phình trên kia họa theo nhau, như là tiếng nhạc.

Ta cười mà bảo Mại rằng:

— Mày biết đó không? Tiếng phập-phình kia là tiếng chuông vô-dịch của vua Cảnh-Vương nhà Châu đó; tiếng ầm-ỳ sang-sảng là tiếng chuông hát của Ngụy-hiến-Tử đó. Người đời xưa thực là không nói dối ta vậy. Việc gì mắt không trông thấy, tai không nghe tiếng, mà cứ đoán phỏng chừng có nên không?

Vậy Lịch-nguyên nói trên này, cũng đồng ý với ta mà nói không được rõ; sĩ đại-phu không ai chịu bơi thuyền đêm chơi ở dưới tuyệt-bích, cho nên không ai biết; mà những bọn đánh cá thì biết mà không nói ra được, bởi thế mà trong đời không truyền vậy. Kẻ xuẩn-lậu lại dùng rìu búa để gõ xem mà cầu lấy tiếng chuông, tự cho là thực...!

Bởi vậy ta ký bài này, than cho Lịch-Nguyên thì nói sơ-lược quá mà cười cho Lý-Bột là quê mùa vậy.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.