5.— HỊCH VĂN.— Hịch là một bài văn kể tội người thù địch và xui giục lòng người để cho kích-khuyến. Hịch làm theo lối tứ lục, hoặc theo lối lục-bát, hoặc theo lối văn xuôi cũng được.

Kìa Kỷ-tín, Do-vu thủa trước,
Liều một mình thoát được nạn vua.
Nuốt than Dự-Nhượng báo thù,
Chặt tay, Thân-Khoái đền bồi quốc-ân.
Đường Kính-Đức đem thân cứu chúa,
Nhan Thường-Khanh mắng quở nghịch thần.
Từ xưa nghĩa sĩ trung thần,

Đã lòng vị nước biết thân là gì!
Nếu cứ giữ nữ-nhi thường thái,
Chỉ khu khu biết cái thân mình,
Ở đời một cõi phù sinh.
Còn đâu là tiếng hiển-vinh đến rầy?
Thôi chẳng kể việc ngày tiền cổ,
Hãy xem ngay việc rõ Tống, Nguyên.
Kìa như Nguyễn-Lập Vương-Kiên,
Điếu-Ngư thành ấy quân quyền được bao?
Đương trăm vạn ào ào quân giặc,
Giữ cho dân nay được hàm-ân.
Ngột-Lương một chức võ-thần,
Tu-Tư, tỳ-tướng xuất thân đó mà!
Đương muôn dặm xông pha chướng dịch,
Trong vài tuần quét sạch Vân-Nam.
Lập công tuyệt vực đã cam,
Khiến cho vua chúa tiếng thơm để đời.
Nay gặp buổi trong thời nhiễu-loạn,
Ta cùng ngươi đương đoạn gian-truân.
Nghĩ sao sánh với cổ-nhân,
Cũng nên hết bụng trung-quân mới là!
Kìa thử ngắm sự nhà Mông-Cổ,
Sứ vãng lai nhặng bộ xôn xao,
Cú diều uốn lưỡi thấp cao,
Bẻ bai triều bệ xiết bao nhục-nhằn.
Tuồng dê chó cậy rằng đắc thế,
Chốn triều-đường ngạo nghễ vương công.
Cậy tay Tất-Liệt anh-hùng,
Bạc vàng biết mấy cho cùng dạ tham?
Lại ỷ thế Trấn-nam hống hách,
Định sang ta vét sạch của ta,
Thịt đâu hoài thịt ném ra,
Ném cho hổ đói chắc đà khỏi lo?
Nghĩ đến sự rầy vò xấu hổ,

Ngày quên ăn đêm ngủ không an.
Vỗ mình thổn thức canh tàn,
Chạnh đau khúc dạ, chảy ràn giọt châu.
Ăn gan ấy mới hầu thỏa dạ,
Uống huyết kia mới hả giận này.
Ví dù gan nát óc lầy,
Cho rằng da ngựa bọc thây cũng đành.
Hỡi chư tướng cầm binh dưới trướng,
Cơm áo vua an hưởng bao lâu.
Chúa lo, không biết âu sầu,
Hầu quân Mông-Cổ không mầu hổ ngươi.
Hết cờ bạc, vui chơi gà chọi,
Thôi rượu chè, lại ngõi hát hay.
Vợ con quấn quít đêm ngày,
Ruộng vườn chăm chút riêng tây của nhà.
Việc quân quốc ví mà biếng nhác,
Cuộc chơi săn đã chắc vui không?
Giặc Nguyên phỏng lại đùng đùng,
Lấy gì chống giữ hay cùng cam tâm?
Cựa gà sắc khôn đâm giáp giặc,
Mẹo bạc gian khó đạc mưu quân!
Vợ con thêm bợn vướng chân,
Ruộng vườn khôn chuộc cái thân nghìn vàng!
Đầu giặc há có vàng mua được,
Sức chó săn đuổi được giặc sao?
Rượu ngon giặc chẳng lao đao,
Hát hay giặc chẳng hơi nào điếc tai!
Nếu đến lúc vua tôi mắc nạn,
Nhà các ngươi gia-sản cũng tan.
Các ngươi nên phải lo-toan,
Húp môi canh nóng, nằm giàn lửa thiêu.
Quân sĩ phải hết chiều dạy dỗ,
Rèn tập nghề cung, nỏ, qua, mâu.
Quyết tình giết giặc treo đầu,

Đem công phá lỗ về tâu Triều-đình.
Được như thế ta vinh đã vậy,
Các ngươi cùng nổi dậy tiếng hay.
Vậy nên có quyển thư này,
Truyền cho các tướng đêm ngày chuyên coi.
Nếu biết nghĩ mà noi nhời bảo,
Ấy thầy trò hòa-hảo một nhà.
Ví dù trái bỏ nhời ta,
Dẫu trong tôi-tớ cũng ra cừu-thù.
Bởi Mông-Cổ là thù của nước,
Không chung giời ở được cùng nhau.
Các ngươi sao chẳng xót đau,
Bấm gan chịu nhục cúi đầu làm thinh.
Lại không dạy quân binh cho biết,
Lâm giặc vào chịu chết bó tay.
Mai sau bình định có ngày,
Muôn đời để tiếng mặt giầy thế gian.

(Trích lục trong chuyện Trần-Hưng-Đạo)

Hồi Nguyễn-Nhạc ra Bắc-thành, vua Lê-chiêu-Thống phải chạy. Dao-trì-Bá là ông Lê-huy-Dao phụng mịnh Hoàng-đệ là Dực-võ-Công làm bài hịch này để dụ người khởi nghĩa đánh Nguyễn-Nhạc.

Chiếc xe về đất Thục, đôi « Hoàng-sô » (con vua) nên gắng sức dựng Đường:[1]

Năm ngựa vượt sông Ngô, một « Đế-trụ » phải ra tay phò Tấn.[2]

Giường cả quân-thần làm trọng,

Lòng ngay kim-cổ điều chung.

Ta Đế-thất ý-thân,

Hoàng gia chính phái.

Nhớ thủa Bắc-binh man mác; đỉnh Lam-sơn mở dấu ấy thương dân;

Ngắm cơn Sơn-tạc lăng loàn, trong Hương-khổn cắt yêu là vị nước.

Dường ấy gây nền « Phong-thủy »,[3]

Bởi đâu gặp hội « Truân-lôi »?[4]

Nổi binh-phong trong sáu bẩy thu, giời chỉn thấy « thùy gia thiên hạ » (thiên hạ nhà ai);

Chìm loan-giá ngoài tám nghìn dặm, đất thêm ngừng « cố quốc giang san » (Giang sơn nước cũ).

Thù quân thân biết để ai lo,

Nền miếu xã phải ra sức chống.

« Tồn tại »[5] tưỏng nghìn năm lời « ngọc thệ »,[6] cờ « cần vương »,[7] nên hợp sức khuông phù;

Đinh ninh vâng muôn dặm tiếng « ty ngôn »,[8] xe « phản quốc »,[9] đã giãi bày sách ứng.

Câu-Tiễn trước nào còn Việt.[10] Tấn-Văn xưa cũng sang Tần.[11]

Tuy tộ truyền đà « á Hán siêu Đường »[12] bui « trung gian vương vị xưng thiên », đành Đông-lạc giời chưa nỡ dứt;

Dầu ngụy định đã « tòng di nhập hạ »[13] song « đương nhật dân sinh đồ địa », hẳn Sơn man đâu chẳng là thù.

Khuyên người nghĩa-đảm trung-can.

Giúp thủa bàn-căn thác-tiết.

« Lý cân » là quốc tứ,[14] tấc gươm mảnh giáp xông pha;

« Lê-khứu » cũng quân ân[15], bầu nước rá cơm đón rước.

Vầng hồng-nhật đã dan tay « tái vãn »

Giải hoàng-hà đành sánh chữ « đồng hưu ».

Hồi Tây-Sơn chiếm giữ ngoài Bắc-thành, đức Gia-Long còn đóng ở Quảng-Nam, sắp sửa tiến quân ra dẹp loạn. Ông Lê-huy-Dao là cựu thần nhà Lê, thay lời đức Gia-Long, làm bài hịch này để xui giục lòng người giúp về nhà Nguyễn mà phục thù cho nhà Lê.

Ta là cháu chắt đức Chiêu-huân-Công dụ cho bọn trung-nghĩa hào-kiệt ở các phủ huyện thôn xã.

Đường đường hồ đế-trụ, (đường đường dòng dõi nhà vua) thù tổ tôn chi để đội giời chung;

Du du thử hà nhân, (Kìa kìa ấy là người nào) phận thần tử phải lo đền nước cũ.

Nhớ tự lúc:

Lê gia trung bĩ, (nhà Lê nửa chừng suy).

Mạc thị thượng can, (nhà Mạc lấn quyền trên).

Dựng ba vua chống thủa treo leo, Ngã-Tiên-Tổ trước gây nền phục Hạ (Đem lại nhà Hạ),

Trải trăm trận nhờ cơ rong ruổi, Trịnh Thai-Vương nên trọn nghĩa khuông Châu (giúp cho nhà Châu).

Dẫu Hoành-sơn ngăn một giải về nam.

Nhưng Liệt-đẩu vẫn mấy tòa củng bắc.

Bỗng một phút gặp ngã gia truân tạo (vận bĩ nhà ta) Song Ô Lỵ đôi châu nho nhỏ, dẫu tồn vong chi quản nỗi nhà:

Bui chín đời làm Lê-thị viễn thần, (bầy tôi xa nhà Lê), mà Hoàng-đô chiếc vạc chênh chênh, thời thù xỉ khá toan việc nước.

Bóng liễn tất (xe vua) bơ vơ ải bắc, trông về Tảng lĩnh nghìn từng.

Độc tinh chiên (mùi tanh hôi) lai láng thành tây, trôi khắp Nhĩ-hà mấy ngả.

Ngạch thuế nặng, tham dường thạc thử (chuột to) muôn dân mầu mỡ đã hầu tàn.

Lưới hình mau, thảm tựa tràng xà (rắn dài), trăm họ chân tay khôn nẻo đặt.

Nghĩ đến di dân đồ độc (dân thừa khổ sở),

Cũng vì cố quốc thử ly (nước cũ bỏ hoang)

Vậy nên

Đạp sóng trèo non,

Tắm mưa gội gió.

Lầu Vọng-đế (trông vua) trông dường gang tấc, tấm trung thành mong noi dấu Tiên-công.

Cờ Cần-vương (giúp chúa) xá ngại xa xôi, cơ hưng phục quyết dựng nền chính-thống.

Thanh tặc (đánh giặc) rắp vang lừng một trận,

Súc uy (chưa úy) nên lần lữa mấy thu.

Kỳ này.

Quyết chí an nhương,

Thề lòng kham bát.

Thủy đạo nghìn sưu tiến phát, buồm thuận phong (thuận gió) mấy cánh như bay.

Bộ binh muôn đội khải hành, quân thời vũ (mưa phải thời) mảy lông chẳng phạm.

Qua vân-ải rẽ xe tồ định (xe đi đánh giặc), thành Phú-Xuân đã nghe tiếng thê ô (quạ đậu).

Trỏ Tranh-giang khoa việt tuân cừu (hỏi tội), miền Kinh-Hạ lại khua đàn phục thỏ (con thỏ nấp).

Trước để xanh hồi miếu xã (dựng lại nền miếu xã)

Sau là chửng cứu sinh linh (cứu vớt kẻ sinh dân)

Khuyên người trung-nghĩa ngoài này.

Rõ ý khuông phù trong ấy.

Nghe võ-hịch một lòng ứng Hán (theo nhà Hán), giúp cơn Đông-Lạc trùng hưng;

Dựng can-kỳ bốn mặt công Tần (đánh nhà Tần), thừa thủa Sơn-man thất thế.

Còn những kẻ nghiệp tòng ngụy khỏa (trót theo đảng ngụy),

Cũng là vì đạn cập dâm hình (sợ phải vạ lây).

Dù hay sớm biết đảo qua (quay mũi qua), gươm bất sát (không giết) hẳn là chuẩn thứ (tha thứ);

Như lại ra lòng cự triệt (chống bánh xe) lửa câu phần (đều đốt) khôn lẽ cẩu dung (tạm tha).

Trước sau xin bấy nhiêu lời,

Trên dưới nên cùng một sức.

Dẹp loạn ngửa nhờ giời đất hồi loan (về xe) lại rạng cổn thường (xiêm áo) xưa;

Ghi công thề trỏ nước non, tàng quĩ (chứa hòm) lại theo thư khoán (tờ khoán) trước.

(Hai bài hịch trên này lấy ở trong bộ Lữ-Trung ngâm)

   




Chú thích

  1. Vua Đường Huyền-Tôn, gặp loạn An-lộc-Sơn chạy vào nước Thục, có hai con ở nhà cử binh phá giặc khôi-phục được giang-sơn.
  2. Thời nhà Tấn có loạn Ngũ-Hồ, năm vua phải chạy qua sông, vua Hòa-Đế chống giặc mà giữ vững được đế-nghiệp.
  3. Vua Văn-Vương đóng đô ở Phong-Thủy, dựng nên cơ-nghiệp nhà Châu.
  4. Truân-lôi là lúc loạn lạc.
  5. Thời nhà Lê có câu thề: « Trịnh tồn Lê tại, Trịnh bại Lê vong », nghĩa là nhà Trịnh còn thì nhà Lê cũng còn, nhà Trịnh thua thì nhà Lê cũng mất.
  6. Ngọc thệ là lời vua thề.
  7. Cần vương là giúp việc nhà vua.
  8. Ty ngôn là lời nói của vua. Kinh Lễ có câu rằng: « Vương ngôn như ty, kỳ xuất như luân », nghĩa là vua nói nhỏ như sợi tơ, ra đến ngoài to bằng cái chạc.
  9. Phản-quốc là trở về nước.
  10. Câu-Tiễn là vua nước Việt, bị nước Ngô đánh lấy mất nước, rồi sau lại khôi phục được.
  11. Vua Văn-Công nước Tấn gặp nội loạn, phải chạy sang nước Tần.
  12. Á Hán siêu Đường là qua nhà Hán vượt nhà Đường.
  13. Tòng di nhập hạ là ở ngoài rợ mà vào trong nước.
  14. Lý-cân quốc tứ là giầy đội khăn điều là ơn nhà nước đi.
  15. Lê-khứu quân ân là ăn cơm gạo xấu canh rau cũng là ơn vua.