Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
62. — Liệt-nữ Nguyễn-thị-Kim của Vô danh thị

62. — LIỆT-NỮ NGUYỄN-THỊ-KIM

Xem bài Tiểu-dẫn về bà Thị-Kim ở trang 34.

Chiều Lê-quý có nàng tiết-liệt,
Hai mươi thu khăng khít thù tây,
Đem tàn-dung 1 nương chốn am mây,
Đạo thần tử tình trong phu phụ.
Vạn cổ di luân chiêu vũ trụ,
  萬 古 彝 倫 昭 宇 宙
Nhất xoang trung nghĩa đáp quân vương 2.
  一 腔 忠 義 答 君 王
Hai vai một gánh cương-thường,
Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí.
Đã nên đấng trung-thần bất nhị 3,
Lại nên tài liệt-nữ bất canh 4.
Rõ ràng hai chữ trung, trinh!

Vô-danh thị

CHÚ THÍCH. 1. — Tàn dung: nhan sắc đã nhạt (lạt). — 2. Nghĩa là cái luân-thường muôn đời nhờ bà mà chói lọi cả trong vũ-trụ; lòng trung nghĩa đinh-ninh một dạ của bà đủ báo đáp đấng quân-vương. — 3. 忠 臣 不 二: Bầy tôi trung không thờ hai triều. — 4. 烈 女 不 更: Người liệt-nữ không thay hai đời chồng.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bà Thị-Kim thủ tiết với chồng thế nào? Tóm đại-ý các đoạn trong bài này.

2. Bà Thị-Kim đối với vua Chiêu-Thống có những tình nghĩa gì? (Cắt nghĩa câu thứ 4.) Sao tác-giả lại vừa khen bà ấy là trung, vừa khen là trinh? Nói cái cảm-tưởng của anh khi đọc xong bài này

II. Lời văn. — 1. Tiết, liệt: 2 chữ ấy khác nghĩa nhau thế nào? Sao bà Thị-Kim lại xứng cả 2 chữ ấy? — Khăng khít thù tây: ý nói gì? Chốn am mây là chốn nào? — Nghĩa hai câu 7 và 8. — Trung, trinh: nghĩa chữ ấy. Sao bà Thị-Kim lại xứng cả hai chữ ấy?

2. Lấy mấy chữ dùng nghĩa bóng trong bài này mà nói qua cách dùng các chữ ấy trong lối văn ta.