Quốc văn trích diễm/43
VỊNH BÀ NGUYỄN-THỊ-KIM
TIỂU DẪN. — Bà là hoàng-phi vua Lê Chiêu-Thống; hồi vua Lê thua quân Tây-Sơn phải chạy sang Tàu, bà không theo kịp phải về ẩn-náu chốn thôn quê, giữ tiết trong mười mấy năm trời. Đến khi bà nghe tin hài cốt vua Lê đã đem về nước, bà ra lạy linh-cữu cố-quân rồi uống thuốc độc chết.
Giong-ruổi quan-hà lạc chúa-công,
Ngọn mây non bắc tịt-mù trông.
Bồng mao 1 tạm lúc nương thân liễu;
Kinh khuyết 2 may sau thấy mặt rồng.
Thác nghĩa đã ghi cùng sắt đá;
Sống thừa còn hẹn với non sông.
Thôi thôi nước cũ đây là hết!
Năm lạy linh tiền 3 chứng thiếp trung.
CHÚ THÍCH. — 1. Chốn quê mùa. — 2. Nơi miếu điện ở hoàng-kinh. — 3. Trước linh-cữu: nghĩa là trước quan-tài (hòm) người mất.
CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài thơ này cốt khen bà Nguyễn-thị-Kim là người thế nào?
2. Hai câu đề nói về việc gì? Tại sao bà Thị-Kim không theo vua Chiêu-Thống sang Tàu?
3. Theo hai câu thực thì cái tâm-cảnh bà cùng cái hi-vọng bà đi náu chốn thôn quê thế nào? Cái hi-vọng ấy sau có đạt không?
4. Hai câu luận tả cái chí-khí của bà Thị-Kim thế nào?
5. Khi bà Thị-Kim nghe tin vua Chiêu-Thống chết có còn muốn sống nữa không? Tại sao bà lại cố sống gượng đến lúc đem linh-cữu vua Lê về?
II. Lời văn. — Quan hà nghĩa là gì? — Non bắc là nói đâu? — Thân liễu là nói ai? — Mặt rồng là chỉ ai? — Ghi cùng sắt đá, hẹn với non sông: ý nói gì? — Thường thường ta hay dùng chữ gì để nói cái chí-khí của một người đàn bà giữ tiết với chồng? Tại sao đây tác-giả lại dùng chữ trung?