HỒI THỨ SÁU

Quân Mông-cổ vào cửa Khả-li,
Cờ Nguyên-súy đóng sông Vạn-kiếp.

Thoát-Hoan sắp muốn tiến quân đánh trận nữa, sực có một người bước ra hiến kế. Thoát-Hoan trông ra thì là Tả-thừa Lý-Hằng.

Thoát-Hoan hỏi rằng:

— Tả-thừa có mẹo gì cao vậy?

Lý-Hằng thưa rằng:

— Núi Kì-cấp này hiểm tuấn, Hưng-đạo vương lại thân cầm quân đóng tại đấy, tướng dũng, binh cường, quân ta khó lòng mà đi cho lọt. Hiện ở Lộc-châu và cửa ải Khả-li, trước kia Thái-tử có sai Ô-mã-Nhi, Trương-Ngọc dẫn quân đi đánh, đến nay chưa biết tin tức được thua thế nào. Vậy thì Thái-tử hãy nên đóng quân lại ở đây, giữ nhau với Hưng-đạo vương. Một mặt sai thêm hai tướng dẫn binh đi tiếp ứng cho hai đạo kia, nếu phá được hai nơi ấy, thì núi Kì-cấp này chẳng đánh cũng lấy được. Lấy xong các ải, ta kéo tràn vào cửa Chi-lăng,[1] quân ta nhiều, quân kia ít, nên cứ đánh tràn đi là được.

Thoát-Hoan mừng lắm, lập tức sai A-bát-Xích, Phàn-Tiếp mỗi người dẫn 3 vạn quân, một ngả kéo đến Lộc-châu, một ngả kéo vào ải Khả-li, còn mình thì cắm trại cách ngoài núi Kì-cấp 50 dặm, giữ nhau với Hưng-đạo vương.

Nói về Trương-Ngọc tự khi dẫn quân đến Lộc-châu gặp quân Nguyễn-Khoái, đánh nhau luôn 5, 6 trận, khi được khi thua, chưa phân thắng phụ. Một hôm, đôi bên đang đánh nhau, thì A-bát-Xích kéo ập đến. Nguyễn-Khoái thấy quân Nguyên to thế, rút quân về trại giữ vững không dám ra.

Ô-mã-Nhi đánh nhau với Lê-phụ-Trần ở ải Khả-li. Phụ-Trần giữ trên ải, Mã-Nhi đánh luôn 5 trận không đổ. Một hôm, Ô-mã-Nhi dẫn quân phá ải, trên ải tên bắn xuống như mưa; Mã-Nhi vội vàng rút quân lui về. Phụ-Trần thừa thắng dẫn quân xuống ải đuổi theo mới độ vài dặm, bỗng dưng ở sau lưng tiếng reo nổi lên ầm ầm, thì là quân của Phàn-Tiếp đến tiếp ứng cho Ô-mã-Nhi. Phụ-Trần thất kinh, vội vàng quay binh giở về. Ô-mã-Nhi lại thừa thế đuổi đánh. Đôi mặt đánh dồn lại, quân của Phụ-Trần vỡ lở tan nát. Phụ-Trần cố chết đánh ra thoát ngoài vòng vây, kéo bại-quân chạy về ải. Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp đuổi theo sấn đến chân ải. Quân trên ải vướng có quân nhà ở dưới, không dám bắn tên. Ô-mã-Nhi thừa cơ đánh thốc lên núi, chiếm được ải Khả-li, Phụ-Trần dẫn tàn quân trốn mất.

Hưng-đạo vương đóng quân trên núi Kì-cấp, luôn mấy hôm không thấy Thoát-Hoan đến đánh, trong bụng nghi hoặc, hội các mưu-sĩ lại thương nghị.

Tham-tán là Phạm-Ngộ nói rằng:

— Quân Nguyên đóng lại không đánh, chắc là có mưu mẹo gì đây. Hoặc giả chia quân ra đánh mặt Lộc-châu và ải Khả-li chăng? Cửa Khả-li là chỗ rất khẩn yếu, nếu mất ải ấy, thì quân ta nguy. Đại-vương nên cho một đại-tướng đem quân ra đấy, hiệp lực với Lê-phụ-Trần mà giữ mới xong.

Hưng-đạo vương theo nhời ấy, sai Phạm-ngũ-Lão dẫn quân đi.

Phạm-ngũ-Lão vâng lịnh, sắp sửa dẫn quân đi, thì có thám-mã chạy về báo rằng:

— Cửa Khả-li đã bị quân Nguyên chiếm mất rồi, Lê-phụ-Trần bại trận, không biết trốn đi đâu, hiện nay quân Nguyên đã đóng đặc cả trên ải.

Hưng-đạo vương nghe tin cả kinh. Sực lại có người vào báo rằng:

— Ở mé cạnh rừng, bụi bay mù mịt, có một toán quân mã kéo đến, không biết là quân nào.

Hưng-đạo vương đứng trên đầu núi trông ra, quả nhiên thấy quân mã kéo đến, một nhát đến nơi, té ra là Nguyễn-Khoái.

Hưng-đạo vương giậm chân xuống đất nói rằng:

— Thôi! Lộc-châu cũng hỏng mất rồi!

Vội vàng sai đòi Nguyễn-Khoái lên ải, hỏi xem cơn cớ làm sao, thì Nguyễn-Khoái thưa rằng:

— Tôi phụng mệnh giữ ở Lộc-châu, đánh nhau mấy trận, vẫn không việc gì. Không ngờ Thoát-Hoan lại sai A-bát-Xích đến đánh tập hậu. Tôi phải giữ trại cẩn thận không dám ra đánh. Về sau bị hai tướng nhân đêm khuya, chia làm hai ngả kéo đến cướp trại, bởi thế tôi bị thua chạy về đây, xin chịu tội.

Hưng-đạo vương than rằng:

— Ta không sớm liệu, để đến nỗi hai nơi hiểm yếu mất cả, lỗi ấy thực là tại ta!

Mưu-sĩ là Trần-Kiến nói rằng:

— Hai nơi khẩn yếu ấy đã mất rồi, quân Nguyên tất hợp sức lại đánh núi Kì-cấp, thì quân ta không tài nào mà đương cho nổi. Đại-vương nên rút quân về ải Chi-lăng cho mau. Nếu trậm, mà để quân Nguyên chiếm nốt ải ấy, thì ở đây bốn mặt bị giặc vây cả, quân ta nguy đến nơi ngay.

Hưng-đạo vương liền gọi Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-Khoái dặn rằng:

— Hai xứ kia đã thất thủ cả rồi, ta đóng quân ở đây cũng không được, quân ta phải rút về ải Chi-Lăng mới xong, nhưng ta rút quân về, thì Thoát-Hoan tất thừa thế đuổi theo; hai ngươi nên phục sẵn quân ở mé sau núi, hễ quân Nguyên khi nào đuổi đến, thì đổ ra mà đánh.

Hai tướng vâng lịnh dẫn quân đi. Chiều hôm ấy, Hưng-đạo vương nhổ trại Kì-Cấp, rút về ải Chi-lăng. Có thám-tử báo tin về cho Thoát-Hoan. Thoát-Hoan mừng-rỡ, kéo quân đuổi theo, chưa được vài dặm, bỗng đâu quân phục ở hai bên sườn núi kéo ra, trống đánh vang động. Thoát-Hoan kinh hãi, kíp rút quân về, thì đã bị quân của Phạm-ngũ-Lão và Nguyễn-Khoái đánh ập đến. Quân Nguyên tan nát, tổn hại mất nhiều. Thoát-Hoan thu quân kéo lên đóng trên núi Kì-cấp.

Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-Khoái phá tan quân Thoát-Hoan, cũng kéo cả về ải Chi-lăng.

Thoát-Hoan đóng trên núi, được tin Ô-mã-Nhi và Trương-Ngọc đã lấy được Lộc-châu và Khả-li, bàn với các tướng rằng:

— Hưng-đạo vương thấy mất hai xứ ấy, cho nên phải bỏ núi Kì-cấp mà về Chi-lăng, là có ý sợ quân ta hợp ba mặt lại đánh. Bây giờ các ngươi có kế gì phá nốt được Chi-lăng không?

Lý-Hằng nói rằng:

— Thái-tử nên dẫn đại quân đến đóng ải Khả-li, để vào Chi-lăng cho tiện. Nếu phá xong Chi-lăng, kéo bừa xuống mặt Bắc-giang, thì cách kinh-đô Thăng-long không bao xa nữa.

Thoát-Hoan nghe nhời, kéo quân vào cả ải Khả-li. Hưng-đạo vương muốn dẫn quân đến đánh để lấy lại ải Khả-li.

Trần-Kiến can rằng:

— Quân Nguyên mới lấy được hai ải, thanh thế đang mạnh, quân ta cũng đã nao tâm; xin đại-vương cứ đóng quân giữ vững ải Chi-lăng, chớ nên đánh vội. Hãy thong thả xem quân Nguyên biến động ra làm sao, sẽ liệu cơ mà chống.

Hoài-văn hầu Trần-quốc-Toản nói rằng:

— Giặc đã vào ải ấy, tất nay mai đến đánh ải Chi-lăng này, có nhẽ đâu ngồi mà nhìn cho được. Tôi tuy bất tài, xin lĩnh một đạo quân đến đánh lấy lại ải Khả-li.

Hưng-đạo vương nghe nhời, cho Quốc-Toản dẫn quân đi. Quốc-Toản đi được vài dặm thì gặp quân Nguyên kéo đến. Quốc-Toản nổi trống thúc quân đánh. Tướng Nguyên là A-bát-Xích tế ngựa ra địch nhau với Quốc-Toản, vừa được vài ba mươi hợp thì quày ngựa chạy về. Quốc-Toản sấn vào đuổi theo. A-bát-Xích vừa đánh vừa chạy. Quốc-Toản cố đuổi không tha. Bỗng đâu tiếng reo như sấm, quân phục bốn mặt đổ ra: Bên tả thì Ô-mã-Nhi, bên hữu thì Phàn-Tiếp, đằng trước thì A-bát-Xích đánh quày lại, đằng sau thì Trương-Ngọc đánh xốc lên. Quốc-Toản bốn mặt bị vây, xông pha hết sức, không tài nào ra được. Bỗng lại nghe tiếng reo nổi ầm ầm, có một đạo quân tự phía tây-bắc đánh thốc vào giữa trận, cứu được Quốc-Toản ra ngoài vòng vây, Quốc-Toản trông ra thì là Lê-phụ-Trần.

Nguyên là Lê-phụ-Trần tự khi bại trận, chạy trốn về địa phận Hưng-hóa, thu nhặt quân sĩ, định đem lên đánh lấy lại ải Khả-li, vừa đi đến đấy, thì gặp quân Nguyên đang vây đánh quân ta, liền thúc quân vào đánh, cứu được Quốc-Toản. Hai tướng vừa đánh vừa chạy về Chi-lăng, quân Nguyên thừa thế đuổi theo. May có Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-Khoái dẫn quân xuống núi, đánh dát một trận, quân Nguyên mới lui.

Sáng hôm sau, Thoát-Hoan dẫn quân đến Chi-lăng, dàn quân ra bốn mặt vây đánh. Hưng-đạo vương chia quân giữ các mặt. Bấy giờ quân Nguyên, người nhiều thế mạnh, quân ta ai nấy đều kinh hãi. Thoát-Hoan đánh luôn tám ngày, quân trên ải bắn xuống, tên đã gần hết, đôi bên tổn hại cũng nhiều. Quân Thoát-Hoan lại đem súng đại-bác bắn lên trên ải. Súng ấy Nguyên chúa mới chế ra, dùng đề phá thành phá ải. Khi ấy súng bắn vào dinh trại tan nát. Hưng-đạo vương liệu bề giữ không nổi, muốn kéo quân lui về.

Sực lại nghe tin đồn rằng: Quân Nguyên kéo tràn cả đến bến Bãi-tân. Hưng-đạo vương mới thúc quân xuống ải đánh xông ra; quân Nguyên bốn mặt vây lại đặc như kiến. Quân ta thua chạy tan nát, Hưng-đạo vương dẫn các tướng phá vây, vừa đánh vừa chạy, muốn xuyên đường rừng kéo về vạn kiếp.

Dã-Tượng can rằng:

— Yết-Kiêu phụng mệnh đại-vương, giữ bến Bãi-tân, chưa thấy đại-vương ra, tất còn ở đấy, xin đại-vương ra ngay bến ấy thì tiện hơn.

Hưng-đạo vương nghe nhời dẫn quân ra bến Bãi-tân, quả nhiên Yết-Kiêu còn đóng thuyền đợi ở đấy.

Hưng-đạo vương dẫn quân xuống thuyền, than rằng:

— Chim hồng-hộc bay cao, cũng nhờ sáu hàng lông cánh, nếu không thì chẳng khác gì chim tầm thường.

Lập tức giương buồm thuận triều gió kéo đi.

Thoát-Hoan chiếm được ải Chi-lăng, cho quân đuổi theo thuyền của Hưng-đạo vương, thì thuyền đã xa rồi.

Hưng-đạo vương về đến sông Vạn-kiếp, đóng quân ở lại. Các tướng thu nhặt tàn quân, dần dần cũng kéo về cả đấy.

Vua Nhân-tôn nghe tin Hưng-đạo vương rút quân về Vạn-kiếp, ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải-đông (tức là Hải-dương). Ngài lo việc nước mà từ sáng sớm đến chiều quên cả ăn; có tên lính là Trần-Lai thổi cơm gạo đỏ dâng lên vua sơi. Vua khen tên lính ấy có lòng trung, mới phong cho quan tước.

Vua đến Hải-đông cho vời Hưng-đạo vương đến hỏi rằng:

— Trẫm nghe trong truyện Mạnh-tử có nói rằng: « Tranh đất đánh nhau, giết người đầy nơi đồng áng. » Nay thế giặc to, chống với nó thì dân hại, hay là trẫm hãy hàng đi, để cứu mạng cho muôn dân?

Hưng-đạo vương tâu rằng:

— Bệ-hạ nói câu ấy, thực là nhời nhân đức, nhưng còn tôn-miếu xã-tắc làm sao? Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng. Đầu tôi còn thì xã-tắc cũng còn, xin bệ-hạ đừng lo, tôi khắc có mẹo phá được giặc.

Vua thấy ngài nói cứng cỏi, trong bụng cũng yên.

Hưng-đạo vương truyền hịch chiêu tập quân các đạo. Hưng-võ vương Nghiễn, Hưng-hiếu vương Úy, Hưng-nhượng vương Tảng, Hưng-trí vương Nghê khởi hết quân ở các đạo Bàng-hà, Na-ngạn, Vân-trà, An-sinh, Long-nhãn, hơn 20 vạn, đến hội tại Vạn-kiếp; quân thế lại nổi to.

Hưng-đạo vương có soạn ra một quyển Binh-thư yếu-lược, truyền hịch răn các tướng rằng:

Kìa Kỷ-Tín, Do-Vu thủa trước,
Liều một mình thoát được nạn vua.
Nuốt than, Dự-Nhượng báo thù,
Chặt tay, Thân-Khoái đền bù quốc ân.
Đường Kính-Đức đem thân cứu chúa,
Nhan Thường-sơn mắng quở nghịch-thần.

Từ xưa nghĩa-sĩ, trung-thần.
Đã lòng vì nước biết thân là gì!
Nếu cứ giữ nữ-nhi thường thái,
Chỉ khu khu biết cái thân mình.
Ở đời một cõi phù sinh,
Còn đâu là tiếng hiển vinh đến rầy?
Thôi chẳng kể việc ngày tiền-cổ,
Hãy xem ngay việc rõ Tống, Nguyên:
Kìa như Nguyễn-Lập, Vương-Kiên,
Điếu-ngư thành ấy quân quyền được bao?
Đương trăm vạn ào ào quân giặc,
Giữ cho dân nay được hàm ân.
Ngột-Lương một chức võ-thần,
Tu-Tư tì-tướng xuất thân đó mà!
Đường muôn dặm xông pha chướng dịch,
Trong vài tuần quét sạch Vân-nam.
Lập công tuyết-vực đã cam,
Khiến cho quân trưởng tiếng thơm để đời.
Nay gặp phải trong thời nhiễu loạn,
Ta cùng ngươi đương đoạn gian truân.
Nghĩ sao sánh với cổ-nhân,
Cũng nên hết bụng trung quân mới là!
Kìa thử ngắm sự nhà Mông-cổ,
Sứ vãng lai nhặng bộ xôn xao.
Cú diều uốn lưỡi thấp cao,
Bẻ bai triều bệ xiết bao nhục nhằn!
Tuồng dê chó cậy rằng đắc thế,
Chốn triều-đường ngạo nghễ vương công.
Cậy tay Tất-Liết anh hùng,
Bạc vàng biết mấy cho cùng dạ tham?
Lại ỷ thế Vân-nam hống hách,
Định sang ta vét sạch của ta;
Thịt đâu hoài thịt ném ra,
Ném cho hổ đói dễ đà khỏi lo?
Nghĩ đến sự rầy vò xấu hổ,
Ngày quên ăn, đêm ngủ không an.
Vỗ mình thổn thức canh tàn,
Chạnh đau khúc dạ, chảy dàn giọt châu.
Ăn gan ấy mới hầu thỏa dạ,
Uống huyết kia mới hả giận này.

Ví dù gan nát, óc lầy,
Cho rằng da ngựa bọc thây cũng đành.
Hỡi chư tướng cầm binh dưới trướng!
Cơm áo vua an hưởng bao lâu?
Chúa lo không biết âu sầu,
Hầu quân Mông-cổ không mầu hổ ngươi.
Hết cờ bạc vui chơi gà chọi,
Thôi rượu chè lại ngõi hát hay.
Vợ con quấn quít đêm ngày,
Ruộng vườn chăm chút riêng tây của nhà.
Việc quân-quốc ví mà biếng nhác,
Cuộc du-điền đã chắc vui không?
Giặc Nguyên phỏng lại đùng đùng,
Lấy gì chống giữ, hay cùng can tâm?
Cựa gà sắc, khôn đâm giáp giặc,
Mẹo bạc gian, khó đạc mưu quân.
Vợ con thêm bận vướng chân,
Ruộng vườn khôn chuộc cái thân nghìn vàng.
Đầu giặc há có vàng mua được,
Sức chó săn đuổi khước giặc sao?
Rượu ngon giặc chẳng lao đao,
Hát hay giặc chẳng hơi nào điếc tai.
Nếu đến lúc vua tôi mắc nạn,
Nhà các ngươi gia-sản cũng tan.
Các ngươi nên phải lo toan,
Húp canh ngớp nóng, nằm giàn lo thiêu!
Quân-sĩ phải hết triều dạy dỗ,
Rèn tập nghề cung, nỗ, qua, mâu.
Quyết tình giết giặc treo đầu,
Đem công phá lỗ về tâu triều-đình.
Được như thế ta vinh đã vậy,
Các ngươi cùng nổi dậy tiếng hay.
Vậy nên có quyển thư này,
Truyền cho các tướng đêm ngày chuyên coi.
Nếu biết nghĩ mà noi nhời bảo,
Ấy thầy trò hòa hảo một nhà.
Ví dù trái bỏ nhời ta,
Dẫu trong tôi tớ cũng ra cừu thù.
Bởi Mông-cổ là thù của nước,
Không chung giời ở được cùng nhau.

Các ngươi sao chẳng xót đau?
Bấm gan chịu nhục, cúi đầu làm thinh.
Lại không dạy quân binh cho biết.
Lâm giặc vào chịu chết bó tay.
Phỏng sau bình định có ngày,
Muôn đời để tiếng mặt dầy thế gian!

Nói về Thoát-Hoan lấy xong các ải Lạng-sơn, thừa thắng kéo quân tràn đến Vạn-kiếp. Hưng-đạo vương cách sông 10 dặm, dàn bày thủy trận, sai Lê-phụ-Trần, Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-địa-Lô dẫn 300 chiến-thuyền làm cánh tả; Nguyễn-Khoái, Dã-Tượng, Yết-Kiêu dẫn 300 chiến-thuyền làm cánh hữu. Ngài dẫn Trần-quốc-Toản, Cao-Mang, Đại-Hành và bốn con, lĩnh 50 chiến-thuyền to đứng giữa đốc chiến, gọi là trận Dực-thủy.

Quân Nguyên tự thượng-lưu kéo xuống, cùng dàn thuyền ra đánh nhau. Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp làm tiên-phong; Trương-Ngọc, Lý-Hằng làm tả đội; A-bát-Xích, Lý-Quán làm hữu đội. Thoát-Hoan dẫn các tướng làm trung đội. Mỗi đội dẫn 500 chiến thuyền.

Ô-mã-Nhi đánh trống thúc quân vào trước, Trần-quốc-Toản chèo thuyền ra địch, đôi bên tên bắn như mưa. Thoát-Hoan vẫy một lá cờ, sai tả, hữu đội kéo tràn cả vào. Hưng-đạo vương cũng phất cờ sai hai cánh đánh ra; trống đánh vang tai, sóng nổi cuồn cuộn, tiếng reo vang lên như sấm. Hai bên đánh nhau lộn bậy một hồi lâu, sát khí ngất giời, máu đỏ loang đầy mặt nước. Thoát-Hoan thấy hai bên đánh nhau đang hăng, mà chưa phân bên nào thua bên nào được, mới thúc các tướng kéo thêm chiến-thuyền vào đánh, Hưng-đạo vương trông chừng quân Nguyên to thế, mà quân mình đã hơi núng, liệu cơ không chống lại được, mới thu quân lui về mặt hạ-lưu. Quân Nguyên lại thắng trận nữa, cướp được chiến-thuyền, khí giới rất nhiều.

Đó là:

Đánh giặc tuy nhiều tài mãnh hổ,
Ít người khôn địch sức hùng binh.

Chưa biết về sau sự thể ra làm sao, sẽ xem hồi sau phân giải.



  1. Thuộc Ôn-châu phủ Tràng-khánh, đầu cõi tỉnh Lạng-sơn.