HỒI THỨ NĂM

Phạm-ngũ-Lão gặp dịp tiến thân,
Trần-quốc-Toản cả gan nổi tiếng.

Hưng-đạo vương phân phát các vương hầu tướng sĩ chia giữ các nơi đâu đấy, còn ngài thì đóng đại quân ở tại Vạn-kiếp. Mỗi ngày sai bốn con là Quốc-Nghiễn, Quốc-Úy, Quốc-Tảng, Quốc-Nghê, và các tì tướng là Dã-Tượng, Yết-Kiêu, Nguyễn-địa-Lô, Cao-Mang, Đại-Hành, thao diễn quân thủy, quân bộ.

Các hào-kiệt thiên-hạ theo về với ngài cũng nhiều. Một bữa Hưng-đạo vương tự trại Vạn-kiếp vào kinh đô Thăng-long, đi qua làng Phù-ủng,[1] có một người tướng mạo khôi ngô, trạc ngoài 20 tuổi, đang ngồi xếp bằng tròn bên vệ đường đan sọt. Quân tiền-hộ đi đến, thét to: « Đứng dậy...,..! » Người ấy vẫn ngồi nghiễm nhiên như không. Quân lính tức mình cầm giáo đâm vào đùi cho một nhát, người ấy cũng không nhúc nhích. Khi xe ngài đến nơi, thấy người kỳ ngộ làm vậy, mới cho đòi đến trước xe mà hỏi. Bấy giờ người ấy mới biết đùi mình bị đâm.

Hưng-đạo vương hỏi rằng:

— Tên kia, tên họ là gì, quê quán ở đâu?

— Tâu Đại-vương, tôi là người làng Phù-ủng tỉnh Hải-dương này, họ Phạm tên Ngũ-Lão, có nhà cạnh đây.

— Chớ sao ta đi qua đây, mà ngươi cứ ngồi chững chạc làm vậy?

— Tâu Đại-vương, tôi nhân trong bụng đang nghĩ một việc, vì thế đại-vương qua đây mà không biết, xin ngài thứ tội cho.

Hưng-đạo vương lấy làm kỳ, hỏi đến sự học hành, hỏi đâu giả nhời đấy, trôi trát như suối chảy, lục thao, tam lược, cùng kinh truyện, không sót chỗ nào.

Hưng-đạo vương mừng lắm, sai lấy thuốc dấu rịt vào chỗ đau, rồi cho ngồi một xe sau, đem về kinh-đô.

Phạm-ngũ-Lão nguyên là người văn võ kiêm toàn, có chí từ thủa nhỏ. Thường hay ngâm một bài thơ như sau này:

Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng hổ át sao Ngâu.
Công danh nếu để còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Võ-hầu!

Khi ấy Hưng-đạo vương đem Phạm-ngủ-Lão vào chầu, tiến lên thiên-tử, dùng làm quản vệ-sĩ. Các vệ-sĩ không phục, xin đấu sức. Ngũ-Lão xin cáo về nhà ba tháng thu xếp việc nhà, rồi sẽ xin đấu sức và lĩnh chức.

Ngũ-Lão về đến nhà, mỗi ngày ra đồng, tìm chỗ nào có gò cao tập nhảy, cách vài mươi thước, nhảy vót như không. Tập thành rồi vào thi, đấu sức với các vệ-sĩ, tay đấm, chân đá, nhảy nhót như bay, hàng mấy trăm lực-sĩ xúm vào đánh một mình không nổi, từ bấy giờ chúng mới phục.

Vua thấy người có tài, cho theo Hưng-đạo vương về Vạn-kiếp giúp việc quân nhung. Hưng-đạo vương biết Ngũ-Lão là người văn võ kiêm toàn, mặt mũi khôi ngô, đang trạc tuổi trẻ, có lòng yêu mến, cho làm đàn anh cả bọn tì-tướng bộ-hạ.

Dã-Tượng, Yết-Kiêu cậy mình có sức khỏe, và hầu Hưng-đạo vương đã lâu, thấy Ngũ-Lão còn trẻ mà được làm đàn anh mình, không phục, xin tình nguyện thi võ nghệ. Hưng-đạo vương cũng nhân thể muốn xem võ nghệ các tướng, mới mở một trường đấu võ ở ngoài trại cho các tướng thi tài.

Hôm sau, Hưng-đạo vương thân ra trường diễn võ, các tướng mặc đồ nhung-phục, đứng sắp hàng hai bên, trong trường để 10 quả tạ, mỗi quả nặng 100 cân. Cách ngoài cửa trại một 100 bước, cắm một lá cờ thêu hồng-tâm ở giữa làm đích bắn. Xung quanh dàn cắm kiếm kích chỉnh tề.

Hưng-đạo vương truyền rằng:

— Các tướng ai muốn thi võ, trước hết phải xách hai quả tạ đi lại được 100 bước.

Nói vừa dứt nhời, Cao-Mang ra trước, hai tay xách hai quả đi lại vừa được 100 bước thì buông. Đại-Hành, Nguyễn-địa-Lô bước ra cũng xách đi lại được 100 bước. Kế đến Yết-Kiêu thì được 120 bước. Bốn người xách xong, đều đứng thở nhược một hồi. Dã-Tượng bước ra nói rằng:

— Các chú hèn lắm, để ta đi cho mà xem!

Nói xong hai tay xách hai quả, lại cắn một quả vào hàm răng, cứ thong thả đi lại vừa được 150 bước, mới bỏ xuống. Các người xem xung quanh, ai cũng vỗ tay khen là giỏi.

Phạm-ngũ-Lão chạy ra nói rằng:

— Thế đã lấy gì làm giỏi mà khen.

Lập tức cũng xách hai quả và cắn một quả, vừa nhắc lên, giương thẳng hai cánh, rồi mới buông xuống, cũng đi thong thả, vừa đi vừa lại được 160 bước, lúc gần bỏ xuống, cầm hai quả tung lên cao một trượng.

Chúng đứng xem reo ồ cả lên.

Hưng-đạo vương gọi cả các tướng đến trước mặt bảo rằng:

— Các tướng sức lực tuy có kẻ hơn người kém, nhưng cũng giỏi cả, vậy ta thưởng cho mỗi người một cốc rượu. Bây giờ các tướng bắn tên, ai bắn trúng hồng-tâm, luôn ba phát, thì ta sẽ thưởng cho một tấm lụa.

Các tướng lĩnh rượu uống xong, cầm cung lên ngựa đứng chực đôi bên vệ đường.

Phạm-ngũ-Lão nói rằng:

— Đại-vương truyền làm vậy, ai giỏi thì ra mà bắn đi.

Yết-Kiêu quất ngựa ra trước, chạy diễu một vòng, rồi đến chỗ cữ đứng bắn, giương cung bắn ra một phát, tin giữa hồng-tâm, lại bắn luôn hai phát nữa, thì một phát tin vào vành ngoài, còn một phát tin vào lá cờ. Cao-Mang thấy vậy chạy ra, cũng bắn luôn ba phát, hai phát vào giữa, một phát ra ngoài.

Nguyễn-địa-Lô thấy hai người bắn tuy có tin, nhưng không được tin cả, mới giương cung quất ngựa ra, quát lên rằng:

— Xem ta bắn đây này!

Nói dứt nhời, cung bật tách một tiếng, tin ngay vào giữa hồng-tâm. Chúng đứng xem reo ầm cả lên. Phút lại thấy hai mũi tên nữa bay đến, cũng cắm cả vào một chỗ. Ai nấy trông thấy cũng ngạc nhiên, khen là giỏi.

Bỗng lại thấy một ngựa nhẩy ra, chạy đi chạy lại, ba bốn dạo, có một tướng ngồi trên ngựa giương cung đặt tên hô lên rằng:

— Trông tên của Dã-Tượng!

Nói đoạn, bắn luôn ba phát, hai mũi tin giữa hồng-tâm, còn một phát, thì phải lá cờ bay tạt ra một bên, mũi tên vụt ra ngoài.

Chúng cười ầm cả lên, Dã-Tượng có ý thẹn giở vào. Phạm-ngũ-Lão lấy nhời khuyên giải nói rằng:

— Tướng-quân bắn thế đã là giỏi đấy, giá không có gió bay lá cờ thì làm gì mà chả tin cả.

Dã-Tượng tưởng nói khẩy mình, mới phát bẳn lên rằng:

— Thôi! Tôi hèn! Nhưng còn anh đấy, anh thử bắn đi cho tôi xem.

Phạm-ngũ-Lão tủm tỉm cười nói rằng:

— Cái gì, chớ nghề bắn thì tôi khí kém, xin các anh miễn chấp cho.

Dã-Tượng nhất định không nghe, cố ép phải ra bắn, Phạm-ngũ-Lão bấy giờ mới cưỡi ngựa cầm cung đi ra, đến chỗ cắm cờ, xem các mũi tên, thì thấy bảy tám mũi tên đã cắm đều cả trong hồng-tâm, mới quay ngựa chạy đi, vừa chạy vừa quay mặt bắn lại đằng sau, bật ra ba phát, mỗi phát tống một mũi tên kia ra ngoài mà bắn vào lỗ cũ.

Tướng-sĩ trên dưới cùng là người đứng xem, ai cũng vỗ tay reo ầm ầm, lắc đầu le lưỡi.

Hưng-đạo vương cũng khen:

— Tài này không kém gì Giưỡng-do-Cơ.[2]

Phạm-ngũ-Lão chạy ngựa lại trước chỗ Hưng-đạo vương ngồi, reo lên rằng:

— Tâu Đại-vương, tên này có đáng thưởng tấm lụa không à?

Hưng-đạo vương sai đem tấm lụa ra thưởng, sực thấy Dã-Tượng chạy đến, trợn mắt lên nói rằng:

— Đã đành anh bắn giỏi, nhưng anh có dám đấu kích với tôi không?

— Làm gì mà không dám.

Hai người liền tế ngựa ra giữa trường, đấu kích với nhau ước chừng 50 hợp. Dã-Tượng tuy khỏe, nhưng không tinh nhanh bằng Ngũ-Lão, chống đỡ dần dần không nổi, cầm rê ngọn kích tế ngựa chạy ra ngoài, Ngũ-Lão sấn vào đuổi theo, các tướng kéo ồ cả vào cản lại. Từ bấy giờ Dã-Tượng và các tướng ai cũng phải phục Ngũ-Lão.

Hưng-đạo vương sai mở tiệc cho các tướng uống rượu, rồi thưởng cho Phạm-ngũ-Lão một tấm lụa và 50 lạng bạc; còn các tướng cũng thưởng cho mỗi người 30 lạng bạc. Tiệc đang vui vẻ, sực có tin về báo rằng:

— Thái-tử bên Nguyên là Thoát-Hoan hội quân ở Hồ-quảng, sắp sửa kéo sang mặt Lạng-sơn.

Hưng-đạo vương vội vàng sai người phi báo về kinh-đô, một mặt điều binh sai tướng kéo lên mặt Lạng-sơn phòng giữ.

Vua Nhân-tôn được tin phi báo, có ý lo quân ta không địch nổi, sai Trung-đại-phu là Trần-Phủ mang đồ lễ sang sứ bên Nguyên, xin hoãn binh, để thương nghị lại.

Nguyên chúa không nghe, sai Thoát-Hoan cứ việc tiến binh sang.

Vua thấy Nguyên triều không nghe, lập tức cho triệu cả các bô-lão dân gian hội tại đền Diên-hồng, hỏi rằng:

— Quân Nguyên kéo đến đây, nên hòa hay là nên đánh, các cụ già nghĩ làm sao?

Các bô-già ai nấy đồng thanh tâu lên rằng:

— Muôn tâu bệ-hạ, nên đánh!

Vua thấy dân-gian ai cũng đồng lòng, bấy giờ ý mới quyết.

Nói về Thoát-Hoan phụng mệnh Nguyên chúa sai Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, dẫn 10 vạn quân thủy đi đường Quảng-châu, men qua bể sang Chiêm-thành, còn mình thì kéo quân đến ải-quan, cho người đưa thư sang trước, nói là mượn đường sang đánh Chiêm-thành.

Vua bảo sứ-giả rằng:

— Tự bản quốc sang Chiêm-thành, đường thủy, đường lục, không có đường nào tiện.

Sứ-giả lạy từ giở về, nói với Thoát-Hoan, Thoát-Hoan nổi giận, thúc quân kéo tràn đến đầu địa-giới Lạng-sơn, Hưng-đạo vương liền dàn quân ra phòng giữ các mặt.

Thoát-Hoan lại sai quan Bả-tổng tên là A-Lý đến dụ rằng:

— Bản-súy chuyến này chỉ nhờ đường Nam-quốc, sang đánh Chiêm-thành, chớ không có bụng nào đâu mà ngại. Nam-quốc nên mở cửa ải cho quân bản-súy đi, hễ đi đến đâu, nhờ giúp cho ít nhiều lương thảo, khi nào phá xong Chiêm-thành, sẽ có trọng tạ về sau. Nếu bằng kháng cự thiên-binh, thì bản-súy quyết không dong tình, phá tan bờ cõi, bấy giờ dù hối lại cũng không kịp.

Hưng-đạo vương nổi giận mắng rằng:

— Đồ tanh hôi kia! Chúa mày muốn dùng mẹo giả đồ diệt Quắc,[3] dối thế nào được tao? Đáng nhẽ tao chặt đầu mày đi là phải, nhưng tao không chấp chi tuồng nhỏ mọn, tao hãy mượn mồm mầy về bảo với chủ-súy nhà mày, tha hồ cho đến đây mà đánh, đây tao không sợ.

Nói đoạn, sai người lôi A-Lý đuổi ra.

A-Lý xấu hổ lủi thủi giở về, thuật truyện lại với Thoát-Hoan. Thoát-Hoan giận lắm, kéo quân vào mặt Lộc-châu[4]. Hưng-đạo vương đóng đại quân ở núi Kì-cấp (tức là phố Kì-lừa), sai đại-tướng là Lê-phụ-Trần giữ ải Khả-li, Nguyễn-Khoái giữ mặt Lộc-châu; Yết-Kiêu thì đóng chiến-thuyền ở bến Bãi-tân giữ mặt thủy.

Thoát-Hoan thấy quan quân giữ hết các mặt, mới sai Ô-mã-Nhi dẫn 3 vạn quân đánh ải Khả-li; Trương-Ngọc dẫn 3 vạn quân đánh mặt Lộc-châu; còn mình thì dẫn đại quân đến đánh núi Kì-cấp.

Thoát-Hoan dàn trận cách núi Kì-cấp 10 dặm. Hưng-đạo vương cũng đem quân ra dàn trận. Thoát-Hoan cưỡi ngựa đứng trong cửa cờ, hai bên dàn ra 10 viên chiến-tướng. Trận bên này thì Hưng-đạo vương cưỡi ngựa đứng giữa, tả thì Phạm-ngũ-Lão cầm siêu, hữu thì Dã-Tượng cầm kích.

Thoát-Hoan ra ngựa trước trận, thét rằng:

— Thiên-triều hoàng-đế, mượn đường sang Chiêm, làm sao dám ngăn trở?

Hưng-đạo vương cũng ra trước trận, mắng rằng:

- Mày vô cố xâm phạm nước tao, giả danh ra mượn đường; tao phụng mệnh ra đây phòng giữ, mày biết thân phải rút quân về cho mau, thì hai bên lại hòa hảo như trước; nếu thị hùng đi liều, thì chúng mày không còn mảnh giáp mà về nước.

Thoát-Hoan nổi giận, sai đại-tướng là Phàn-Tiếp ra đánh. Bên này Phạm-ngũ-Lão múa siêu quất ngựa ra tiếp chiến. Hai tướng đấu nhau dư trăm hợp, chưa phân thắng phụ. A-bát-Xích bên trận Nguyên thấy Phàn-Tiếp đánh không đổ Ngũ-Lão, mới cầm kích thúc ngựa vào đánh hôi. Dã-Tượng vội vàng cũng múa kích ra chặn lại. Bốn tướng xông đột đánh nhau, trống trận kêu vang như sấm, Phàn-Tiếp dần dần không địch nổi Phạm-ngũ-Lão, quay ngựa chạy về, Ngũ-Lão sấn vào đuổi theo. Các tướng bên Nguyên xô cả ra đánh. Bên này Hưng-đạo vương liền thúc quân kéo tràn sang tiếp chiến. Quân Nguyên xô nhau mà chạy. A-bát-Xích xuýt nữa bị Dã-Tượng tóm được. Quan quân đuổi đánh một trận cực rát, quân Nguyên tổn hại rất nhiều.

Thoát-Hoan dẫn bại quân chạy một thôi, bỗng dưng thấy trong rừng trống đánh thùng thùng, có một tướng trẻ tuổi kéo một đạo quân ra chặn đường; trên cờ đề sáu chữ « Phá cường-địch, báo hoàng-ân ». Thoát-Hoan khinh tướng ấy còn trẻ tuổi, sai một tì-tướng ra đánh, vừa giao phong được vài hợp, tên tì-tướng bị đâm chết quay xuống ngựa, tướng ấy thừa thế đánh tràn vào. Bấy giờ quân Nguyên vừa mới bại trận, lại gặp phải đám này, ai nấy kinh hồn lạc phách, lăm lăm tháo đường mà chạy, không còn bụng nào dám đánh, chỉ cố liều chết vào cứu được Thoát-Hoan chạy trốn. Tướng ấy lại đuổi đánh một thôi nữa, rồi mới thu quân.

Tướng trẻ tuổi ấy nguyên là Hoài-văn hầu Trần-quốc-Toản, từ khi trước căm tức không được dự bàn, giở về mộ quân may cờ, chực đi đánh giặc. Khi bấy giờ phụng mệnh vua dẫn quân lên giúp Hưng-đạo vương. Đi đến nửa đường nghe tin Hưng-đạo vương đang chống nhau với quân Nguyên ở núi Kì-cấp, mới dẫn quân đi xuyên đường rừng, chực đánh tập hậu. Quả nhiên gặp quân Nguyên bại trận chạy qua, mới thả quân ra đánh một trận, bắt được khí giới của giặc rất nhiều.

Trần-quốc-Toản thu quân về núi Kì-cấp ra mắt Hưng-đạo vương, thuật hết lại căn do, và nộp đồ binh khí bắt được.

Hưng-đạo vương cả mừng khen rằng:

- Ồ! cháu còn ít tuổi, mà đã cả gan anh-hùng như vậy, cũng là hồng phúc nhà nước đấy.

Mới lưu ở lại dưới trướng, để sai khiến.

Thoát-Hoan bị thua một trận căm tức vô cùng. Sáng hôm sau lại khởi 20 vạn quân đến đánh núi Kì-cấp. Hưng-đạo vương dẫn Phạm-ngũ-Lão, Dã-Tượng, Cao-Mang, Đại-Hành, Trần-quốc-Toản ra trận. Thoát-Hoan sai A-bát-Xích ra ngựa. Bên này Trần-quốc-Toản nhảy vót ngựa ra trước. Hai tướng đánh nhau bảy tám mươi hợp, chưa ai kém ai. Bỗng nhiên trống nổi ầm ầm, quân Nguyên chia làm hai cánh đánh ập lại. Hưng-đạo vương vội vàng cũng chia quân làm hai ngả ra cự địch. Đôi bên đánh nhau lộn bậy, Quốc-Toản một ngựa một thương đi đến đâu đánh giạt ra đến đấy. Quân Nguyên dần dần núng thế lại chạy. Hưng-đạo vương thúc quân đuổi theo, hơn 20 dặm mới thôi.

Hưng-đạo vương thu quân về núi, khen Quốc-Toản tài sức hơn người và có bụng trung nghĩa khảng khái, thưởng cho một thanh gươm cẩn và một con ngựa chiến. Quốc-Toản lĩnh thưởng, tạ ân giở ra. Từ bấy giờ Quốc-Toản nổi tiếng anh-hùng, các tướng ai cũng có bụng kính trọng.

Có thơ khen rằng:

Giỏi thay! Trần-quốc-Toản,
Tuổi trẻ dư can đảm.
Dốc bụng báo hoàng ân,
Cả gan bình quốc nạn.
Cờ bay, giặc hãi hùng,
Giáo trỏ, quân tan giãn.
Lừng lẫy tiếng anh-hùng,
Giỏi thay! Trần-quốc-Toản.

Thoát-Hoan thua luôn hai trận, lại càng thêm tức, nghĩ sức quân của mình gấp mấy quân nước Nam, mà té ra mới bắt đầu giao phong đã liền thất lợi, thì còn mặt nào mà nhìn đến người Trung-quốc, mới triệu các tướng đến hội nghị, định lại khởi thêm quân đến đánh.

Sực có một tướng bước ra thưa rằng:

— Xin Thái-tử khoan tâm, tôi có một kế này đủ phá được giặc.

Đó là:

Dùng sức không xong dùng đến mẹo,
Phá đầu chẳng được phá sau lưng.

Chưa biết người hiến kế là ai, mà kế thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.



  1. Phù-ủng thuộc phủ Bình-giang, tỉnh Hải-dương.
  2. Là người tài bắn đời Chiến-quốc.
  3. Nước Tấn mượn đường nước Ngu, sang đánh nước Quắc, lấy được nước Quắc rồi, lại quay về lấy nước Ngu.
  4. Thuộc Lạng-Sơn.