HỒI THỨ BẢY

Tặc khấu phạm tới Thăng-long,
Xa giá ngự vào Thanh-hóa.

Hưng-đạo vương thu quân về sông Phú-lương, Thoát-Hoan kéo tràn về mặt Bắc-ninh, thả quân cướp bóc vùng Võ-ninh, Gia-lâm, Đông-ngàn, rồi kéo quân đóng lại bến Đông-bộ-đầu.

Hưng-đạo vương lập một rẫy trại quanh mé nam-ngạn phòng giữ.

Vua muốn sai người đến tận trại giặc xem binh tình hư thực làm sao, nhưng nghĩ khó kén được người đi sứ cho giỏi. Có một người đầu hàng lính hầu tên là Đỗ-khắc-Chung tình nguyện xin đi sứ.

Vua hỏi rằng:

— Ngươi học thức được bao nhiêu, mà dám tình nguyện đi sứ, giặc hỏi vặn đến thì ứng đối làm sao?

Khắc-Chung tâu rằng:

— Tiểu-thần tuy học thức không mấy, nhưng xin ra đó dò xét binh tình, còn đến ứng đối, thì tùy cơ nói cho phải thì thôi, có làm gì mà chẳng kham nổi.

Vua khen rằng:

— Ai ngời trong đám ngựa kéo xe muối, mà có ngựa kì-kí[1] thế này!

Mới sai Đỗ-khắc-Chung, giả tiếng cầm thư đến Đông-bộ-đầu cầu hòa.

Bấy giờ Thoát-Hoan đóng quân tại mặt bắc, chỉ có Ô-mã-Nhi đóng ở Đông-bộ-đầu. Khi trước quân Nguyên bắt được Nam-quân, thấy người nào cũng thích mực vào cánh tay, hai chữ: « Sát-Đát »[2]. Quân Nguyên nổi giận, giết sạch cả bọn ấy. Khi nay Đỗ-khắc-Chung phụng mệnh đến Đông-bộ-đầu. Ô-mã-Nhi bừng bừng nổi giận, quát mắng rằng:

— Quân mày sao dám thích chữ xấc như thế?

Khắc-Chung khoan thai thưa rằng:

— Chó nhà ai biết chủ nhà ấy, không phải chủ thì cắn. Việc thích chữ đó, là tự bụng trung nghĩa của họ, họ tức thì họ thích vào tay, chớ có ai xui!

Mã-Nhi lại quát rằng:

— Đại quân đến đây sao, không giữ lễ phép đón rước cho tử tế, mà lại dám kháng cự?

— Hiền tướng giá biết mẹo Hàn-Tín bình Yên khi xưa, đóng quân ngoài cõi, cho thư vào trước nói tử tế, thế mà nước tôi ở lại không lịch sự, thì mới lỗi tại nước tôi. Nay hiền-tướng lại ỷ thế bức nhau, thì thú cùng đường phải cắn, chim túng thế phải mổ, huống chi là người!

— Vậy ngươi đến đây có việc gì?

— Tôi phụng mệnh chúa tôi, muốn giảng hòa với thượng-quốc, không biết ý hiền-tướng có bằng lòng cho không?

Ô-mã-Nhi lại quát lên rằng:

— Nay đại-quân mượn đường sang đánh Chiêm-thành, nếu quốc-vương thân đến đây ra mắt, thì trong cõi yên ổn, tơ hào không ai xâm phạm; nhược bằng không đến, thì chỉ trong giây phút, giang sơn phẳng nhẵn như không!

Đỗ-khắc-Chung từ giở ra, có ý nhìn xem dinh trại, quân lương, chiến-thuyền nhiều ít, rồi mới về.

Ô-mã-Nhi bảo với các tướng rằng:

— Người này đang khi ta hò hét giậm dọa, mà ăn nói khoan thai dẽ dàng như không, ứng đối lại giỏi, không để nhục đến mệnh chủ. Nước kia còn có người giỏi như thế, ta vị tất đã làm gì được họ.

Khắc-Chung về tâu với vua mọi truyện đầu đuôi và binh tình của giặc.

Vua hỏi Hưng-đạo vương rằng:

— Tặc thế mạnh lắm, vương nghĩ làm sao bây giờ?

Hưng-đạo vương tâu rằng:

— Được thua là sự thường, xin bệ-hạ cứ vững tâm cho, rồi sẽ liệu cơ tùy thế mà chống chế, chớ không việc gì mà ngại.

Thoát-Hoan ở mặt bắc, kéo quân đến bờ sông Phú-lương, trông thấy bờ bên này có một rẫy trại, mới sai quân bắn đại-bác sang, hò reo thách đánh. Hưng-đạo vương sai các tướng giữ vững các trại không đánh. Thoát-hoan sai bắn đại-bác phá các trại, trại nào cũng tan nát, quân sĩ vỡ tan chạy trốn. Quân Nguyên làm cầu phao qua sông, kéo đến sát chân thành hạ trại.

Hưng-đạo vương rước xa-giá thượng-hoàng và vua ra ngoài thành Thăng-long, tạm lánh vào mặt trong, để các tướng ở lại giữ thành.

Sáng hôm sau, Thoát-Hoan sai quân vây bốn mặt đánh thành, đạn bắn lên mặt thành như mưa. Các tướng hết sức chống giữ. Quân Nguyên đánh luôn 10 ngày không phá nổi.

Một bữa, Thoát-Hoan cưỡi ngựa diễu xung quanh thành, đốc thúc quân tướng vào đánh. Tướng giữ cửa bắc là Bảo-nghĩa vương Trần-bình Trọng ở trên địch-lâu trông thấy Thoát-Hoan, liền bắn xuống một phát tên, tin vào đầu ngựa, ngựa bị đau nhảy chồm lên, Thoát-Hoan ngã lăn xuống đất. Các tướng cứu đứng dậy, thay ngựa khác, Thoát-Hoan nổi giận, thúc quân tướng cố sức lăn vào phá cửa thành, trên thành bắn tên xuống loạn xạ, Thoát-Hoan phải rút quân về.

Lý-Hằng nói rằng:

— Thành này từ đời Lý đóng đô ở đây, thành cao, hào rộng, tường gạch kiên cố, lương thảo lại nhiều, và lại có các dũng-tướng phòng giữ nghiêm mật; nếu ta chia binh ra đánh các cửa, thì trong thành cửa nào có tướng giữ cửa ấy, quân ta khó lòng mà phá cho đổ; chi bằng ta dùng quân ít nhiều đánh các cửa, mà tụ cả tinh binh, mãnh tướng, chỉ cốt dụng tâm hết sức phá một cửa mà vào, thì mới có thể phá được.

Thoát-Hoan nghe nhời ấy, sáng hôm sau, tụ hết tinh binh, mãnh tướng, phá vào cửa bắc. Thoát-Hoan thân đánh trống trận, các tướng reo ầm một tiếng, kéo đến sát thành. Quân trên thành bắn tên không lập, chém giết không xuể. A-bát-Xích trước hết nhảy vót lên thành, quân-sĩ kinh vỡ. Quân ở ngoài phá toang cửa bắc, kéo ùa cả vào. Trần-bình-Trọng đang ở trên mặt thành đốc chiến, thấy quân Nguyên đã vào được thành, vội vàng chạy trốn ra cửa nam. Bấy giờ quân Nguyên hơn năm vạn người, tiếng reo kinh động ngoài 10 dặm. Tướng giữ các cửa ai nấy phải tìm đường trốn hết.

Thoát-Hoan hạ xong thành Thăng-long, nghe tin Hưng-đạo vương rước xa-giá chạy xuống mặt nam, sai Khoan-Triệt, Lý-Hằng dẫn 5.000 quân đuổi theo.

Nói về Toa-Đô, Đường-ngột-Đải tự khi men đường bể Quảng-châu, sang đánh Chiêm-thành, Chiêm-thành giữ các đường hẻm, Toa-Đô phá mãi không vỡ, muốn rút quân về.

Nguyên chúa đưa giấy sang sai Toa-Đô tự Chiêm-thành do đường bộ kéo ra mặt Nghệ-an, để hợp với quân Thoát-Hoan. Thoát-Hoan được tin ấy, sai Ô-mã-Nhi dẫn quân đi đường bể vào Nghệ-an, tiếp ứng cho Toa-Đô, để đánh tự mặt trong ấy ra ngoài này. Lại dàn chiến-thuyền tự sông Phú-lương đến mãi sông Đại-hoàng,[3] chia ra giữ các bến.

Bấy giờ Hưng-đạo vương dẫn các tướng hộ vệ xa-giá xuống mặt Thiên-trường. Sực nghe thấy tin Toa-Đô tự vùng trong kéo ra. Hưng-đạo vương tâu vua xin sai Thượng-tướng là Trần-quang-Khải dẫn binh vào đóng mặt Nghệ-an, giữ chặn đường hiểm yếu, không cho Toa-Đô ra ngoài này. Một mặt sai Trần-bình-Trọng đóng quân ở lại Thiên-trường, cự nhau với quân Thoát-Hoan; ngài thì rước xa-giá ra Hải-dương.

Thượng-tướng Quang-Khải dẫn quân vào đến Nghệ-an, chia quân phòng giữ. Toa-Đô, Đường-ngột-Đải tự Chiêm-thành giở ra, quân thế hùng dũng, đi đến đâu đánh tan đến đấy. Quang-Khải giữ được nửa tháng, sực lại có Ô-mã-Nhi tự mặt bể đánh vào, Quang-Khải đương không nổi hai mặt, lui quân ra mé ngoài.

Tướng trấn thủ ở Nghệ-an tên là Trần-Kiện[4] đem cả nhà ra thành hàng với Toa-Đô. Toa-Đô sai một tướng đưa Trần-Kiện và bọn gia quyến về Yên-kinh. Hưng-đạo vương nghe tin, sai bộ-tướng là Nguyễn-địa-Lô mang quân đi lẻn đường tắt đuổi theo. Khi quân Nguyên đưa Trần-Kiện đến địa phận Lạng-sơn, qua trại Ma-lục, thì có người thổ-hào ở đấy tên là Nguyễn-thế-Lộc, Nguyễn-Lĩnh xuất dân binh ra đánh. Lại may Nguyễn-địa-Lô đuổi vừa đến nơi. Quân Nguyên túng thế, cố đánh tháo lấy đường mà chạy, Nguyễn-địa-Lô trông thấy Trần-Kiện ngồi trên ngựa, bắn ra một phát tên, Trần-Kiện tin phải tên ngã xuống ngựa chết. Đầy tớ Trần-Kiện là Lê-Chắc cướp lấy thây nhảy lên ngựa chạy thoát được; đi suốt cả đêm, đến gò Khâu-ôn táng cho thầy rồi trốn sang Tàu.

Nói về Trần-bình-Trọng đóng quân ở lại giữ Thiên-trường. Tướng Nguyên là Khoan-Triệt, Lý-Hằng dẫn quân đuổi theo xa-giá đến bãi Đà-mạc (ở sông Thiên-mạc, thuộc huyện Đông-an, tỉnh Hưng-yên). Bình-Trọng dẫn binh ra đánh. Khoan-Triệt múa đao xông ra. Bình-Trọng thúc ngựa múa côn vào đánh; hai tướng đấu nhau hơn 100 hợp, chưa rõ hơn thua. Sực đâu Lý-Hằng dẫn binh ra mé sau đánh tập hậu, vây bọc Bình-Trọng vào giữa trận. Quân-sĩ kinh hoảng, chạy tán lạc ra tứ phía, Bình-Trọng còn độc một mình một ngựa, cố sức đánh tháo lấy đường chạy trốn, nhưng bị quân Nguyên vây dầy quá. Bình-Trọng đánh mãi từ sáng đến trưa, không sao ra thoát được vòng vây, sức lực mỏi mệt, bị quân Nguyên bắt sống được, giải về nộp Thoát-Hoan.

Thoát-Hoan biết Bình-Trọng là tướng khỏe mạnh, muốn khuyên dỗ về hàng. Bình-Trọng nhất định không hàng. Thoát-Hoan dỗ cho ăn uống, Bình-Trọng cũng không ăn uống gì cả. Thoát-Hoan lấy nhời ngọt ngào dỗ dành, hỏi dò việc nước, Bình-Trọng không nói câu gì.

Thoát-Hoan lại hỏi rằng:

— Có muốn làm vương đất bắc không?

Bình-Trọng quát lên rằng:

— Tao thà rằng làm quỉ nước Nam, chớ không thèm làm vương đất bắc. Tao nay đã bị mày bắt được, có giết thì giết, can gì phải hỏi lôi thôi.

Thoát-Hoan biết chừng dỗ cũng không được nào, mới sai lôi ra chém.

Có thơ than rằng:

Giỏi thay! Trần-bình-Trọng.
Dòng dõi Lê-Đại-Hành.[5]
Đánh giặc dư tài mạnh,
Đền vua một tiết trinh.
Bắc vương như để nhục,
Nam quỉ cũng còn vinh!
Cứng cỏi nhời trung liệt,
Nghìn thu tỏ đại danh!

Thoát-Hoan giết xong than tiếc vô cùng, sai đem mai táng tử tế.

Thánh-tôn thượng-hoàng cùng vua Nhân-tôn và Hưng-đạo vương nghe tin Bình-Trọng tử tiết, ai nấy cũng thương cảm, ứa hai hàng nước mắt.

Hưng-đạo vương rước xa-giá ra Quảng-yên, ngự thuyền đến sông Tam-chĩ, (thuộc châu Tiên-yên) lại sai một tướng dẫn chiếc thuyền rồng ra cửa bể Ngọc-sơn (thuộc về châu Vạn-linh tỉnh Quảng-yên) làm cho nghi tình quân giặc. Lý-Hằng, Khoan-Triệt sai người do thám biết thuyền ra Ngọc-sơn là giả, mới dẫn quân đuổi theo đến mãi sông Tam-chĩ. Hưng-đạo vương rước xa-giá lên bộ đi đến làng Thủy-chú, rồi lại xuống thuyền ra sông Nam-triệu (bây giờ thuộc Hải-phòng), vượt qua cửa bể Đại-bàng (thuộc huyện Nghi-dương Kiến-an), vào tỉnh Thanh-hóa.

Bấy giờ Hưng-đạo vương hộ vệ xa-giá, ngày đêm không dám dời ra lúc nào, mà ngài thường hay cầm một tay trượng, trên đầu bít nhọn. Các quan còn có người chưa tin bụng ngài, thấy ngài là người có tài lạ, mà quyền thế bấy giờ đang hách dịch, và lại có hiềm khích của An-sinh vương để lại[6]. Nay thấy ngài cầm gậy nhọn, ngày đêm hầu cạnh vua, thì mang lòng ngờ vực kinh hãi, sợ ngài thừa cơ báo thù cho cha chăng. Nhưng biết đâu là ngài một lòng trung với chúa, có đâu manh tâm ấy. Ngài thấy nhân tình nghi mình, liền rút cái đầu nhọn vứt đi, chỉ cầm trượng không, chúng bấy giờ mới yên tâm.

Bấy giờ có Trần-ích-Tắc cũng là tôn thân nhà Trần, cậy mình có tài không được trọng dụng, thường thường mang lòng hờn oán. Nay nhân dịp quân Nguyên thắng thế, chẳng nghĩ gì đến vua, đến nước, mà cũng chẳng quản gì thân mình là người hoàng-tộc, châu chấu thấy đỏ lửa thì vào, thấy Nguyên mạnh thì theo hàng ngay với Nguyên.

Văn-nghĩa hầu là Trần-tú-Viên và Văn-chiêu hầu Lộng, cũng theo hàng giặc.

Quân Nguyên bấy giờ to thế lắm, đóng dàn khắp các nơi, từ vùng Bắc-ninh, Thăng-long, Thiên-trường, chỗ nào cũng có quân đóng. Ở vùng Nghệ-an lại có Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi đánh ra. Nhân tình kinh động, hoàng-thượng đêm ngày lo lắng, nhà nước ngất ngưởng nguy như trứng chồng. Hưng-đạo vương phụng xa-giá, trèo non vượt bể, trải gió dầm mưa, tuy thế lực cùng quẫn, nhưng ngài vẫn bền vững một lòng lo việc nước, đâu vẫn ra đấy.

Khi ấy Hưng-đạo vương phụng xa-giá đóng tại Thanh-hóa, nghe tin Thượng-tướng Trần-quang-Khải không cự nổi quân Toa-Đô, mới hội các tướng lại hỏi rằng:

— Có ai dám vào giúp Thượng-tướng mà cự nhau với quân Toa-Đô, Ô-mã-Nhi không?

Có một tướng bước ra thưa rằng:

— Tiểu tướng xin đi!

Hưng-đạo vương thấy tướng ấy xin đi, mừng rỡ ưng cho ngay.

Đó là:

Nguyên-súy hết lòng lo việc nước,
Võ-thần đua sức lập-quân công.

Chưa biết tướng ấy là ai, sẽ xem hồi sau phân giải.

   




Chú thích

  1. Là ngựa quí.
  2. Là giết quân Mông-cổ.
  3. Thuộc huyện Nam-sang phủ Lý, trên liền sông Thiên-mạn, dưới thông sông Giao-thủy.
  4. Trần Kiện là con thứ hai Tĩnh-quốc vương Trần-quốc-Khang. Quốc Khang trấn thủ ở Nghệ-an cho nên con lại nối chức giữ ở đấy.
  5. Trần-bình-Trọng nguyên là dòng dõi vua Lê Đại-Hành, vì làm quan thời vua Thái-tôn có công to mới cho quốc tính, đổi làm họ Trần.
  6. An-sinh vương vốn có hiềm với vua Thái-tôn, khi gần mất cầm tay Hưng-đạo vương dặn rằng: « Mai sau con làm thế nào cướp được thiên-hạ cho cha, thì cha chết mới nhắm được mắt. » Ngài tuy vâng nhời, nhưng nghĩ không cho nhời ấy làm phải, chỉ việc hết lòng thờ vua.