Việt Hán văn khảo/II.K4
4.— TỨ LỤC.— Lối tứ lục tương tự như lối phú, duy khác vì không có vần, và phải câu bằng câu trắc gián tiếp nhau. Đặt câu phần nhiều là câu cách cú, hoặc trên bốn dưới sáu, hoặc trên sáu dưới bốn là thường, nhưng muốn đặt trên dưới bao nhiêu chữ cũng được.
Văn tứ lục thường dùng vào những văn chiếu biểu chế sắc.
Chiếu là đời vua thi lệnh cho thiên-hạ; biểu là lời các quan hay là lời thiên-hạ chúc mừng vua hay là bày tỏ sự gì. Chế sắc là lời vua phong thưởng cho công-thần hoặc cho bách thần. Lời chiếu sắc thì phải dùng những giọng nghiêm trang điển nhã, lời biểu thì phải dùng những giọng khiêm tốn thù phụng.
Chiếu biểu theo lối tứ lục là lối cận thể, mới từ đời Đường, Tống giở lại mới có lối ấy, nếu theo cổ-thể thì chỉ dùng lối văn xuôi mà thôi.
Chiếu biểu là văn ứng thế, khi mới tập thì lấy các việc ở trong sử sách mà ra đầu bài, còn về sau có ứng dụng thì mới dùng đến, cho nên không mấy khi đem làm văn chơi.
(Trích lục mấy bài văn cổ)
Bài chiếu của vua Hán Cao-tổ cầu người hiền.
(Cổ thể)
(Dịch nguyên văn chữ nho)
Chiếu rằng, mảng nghe: vương-giả không ai cao bằng Châu-Văn, bá-giả không ai cao bằng Tề-Hoàn, điều phải đợi người hiền mới thành danh. Nay bậc hiền-giả thiên-hạ, tài trí kém gì người đời xưa, chỉ bởi nhân-chủ không biết thì bọn hiền-sĩ vì đâu mà tiến được.
Trẫm nay nhờ cái mạng thiêng-liêng của Trời, thu dùng các bậc hiền-sĩ đại-phu để định thiên-hạ hợp làm một nhà. Lại muốn được lâu dài, đời đời phụng thờ Tôn-miếu không bao giờ hết. Hiền-nhân đã cùng với trẫm bình thiên-hạ, há lại chẳng cùng với trẫm giữ-dìn cho được bền lâu rư? Hiền-sĩ đại-phu, nếu ai khứng theo trẫm thì trẫm có thể làm cho được vinh-hiển. Bố-cáo cho thiên-hạ, để được biết rõ ý của trẫm.
Chiếu rằng, trẫm nghe:
Kinh Lễ có nhời « bố-chính » về tháng giêng,
Kinh Dịch có câu « thân-mịnh » ở quẻ tốn.
Bởi thiên-đạo sinh sinh không hết, đông lại sang xuân:
Nên nhân-quân chăm chút không quên, sau lo tự trước.
Vậy câu « Sắc-thiên » nói ở trong Thuấn-điển, phải ính từng việc từng giờ.
Mà nhời « kinh-thế » bày ở trong Cơ-trù, phải đem làm khuôn làm phép.
Kính nghĩ đức Hoàng-Khảo Thế-Tổ Cao-Hoàng-Đế ta.
Thông-minh bẩm tính,
Trí-dũng kiêm toàn.
Đánh một trận nên nghiệp gian nan, « mao việt » mở cơ-đồ dằng dặc;
Mưu trăm năm lo đường nối dõi, « thạch quân » đủ phép tắc rõ ràng.
Trẫm nối nghiệp to.
Soi theo phép cũ.
Sớm chiều lo sợ, một lòng kính cẩn ban đầu;
Công việc thi hành, trăm mối tính lo cất nhắc.
Nối chí noi việc là đạo hiếu, đương giữ từng ngày để lo-toan;
Ban ơn ra lịnh về mùa xuân, vậy tỏ nhời nói để răn-bảo.
Nào những kẻ thân huân thạc vọng, phải khuyên nhau sửa nết để cùng hưởng tôn vinh;
Nào các hàng nội ngoại trăm quan, phải gắng giữ chức mình để cùng nên mọi việc.
Nhà quân-sĩ phải luyện-tập, nghề cho tinh sức cho mạnh, lôi-đình mới tỏ được uy-thanh;
Đám nho-gia phải học-hành, học cho rộng, nết cho thuần, lương-đống mới làm nên tài-cán.
Bọn nông-phu chớ nhỡ thời làm ruộng, đất chớ bỏ hoang, người đừng lười nhác, phải khuyên nhau mà chăm việc cấy cày;
Kẻ thường-dân đừng trái đạo làm người, chơi đừng đua đả, nết chớ gian-tà, phải bảo nhau mà noi đường lễ-nghĩa.
Để mà tỏ cái công ninh-tập hơn hai mươi năm về trước,
Để mà gây lấy cảnh thái-hòa cho nghìn muôn đời về sau.
Than ôi!
Thiên-đạo đủ cả tứ thời, kìa như giời chuyển đất xoay, cơ thần mở đóng;
Thiên-hạ hợp về một mối, sẽ thấy sấm vang gió động hóa tốt lưu hành.
Vậy từ các công-khanh đại-thần cho đến quan-quân chúng-thứ, đều phải khuyên gắng, để hưởng cái phúc thái bình, báo khắp gần xa, cho điều nghe biết.
(Hai thể chiếu trên này trích lục ở trong « Đại-Nam hội-điển ».)
(Cổ thể)
Bài này là của Lý-Mật đời Hậu-Hán. Cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng, ở với bà. Về sau thờ vua Hậu-Chủ làm đến Thượng-thư-lang. Lúc nhà Tấn lên, vời ra làm quan, ông ấy dưng bài biểu này để xin ở nhà nuôi bà. Nguyên văn chữ nho, dịch ra sau này:
Thần gặp tai nàn, sớm mắc phải điều lo lắng. Sinh được sáu tháng, thì cha quyên trần; năm lên bốn tuổi, thì mẹ bị cậu ép phải cải-giá. Tổ-mẫu thần là họ Lưu, thương thần mồ côi thơ ấu, nuôi nứng chăm nom. Thần lúc nhỏ lại hay đau yếu, chín tuổi chưa biết đi, vất-vả cơ-cực cho đến khi nên người; đã không chú bác, lại hiếm anh em, nhà suy phúc mỏng, con cái lại muộn, ngoài không có người họ gần ba tháng năm tháng, trong không có đứa trẻ sai khiến hầu hạ, ra vào thui thủi, một bóng một mình. Mà tổ-mẫu thần lại thường đau ốm nằm ở trên giường, thần hầu thuốc thang, chưa từng dám dời xa bên cạnh.
Kịp khi gặp Thánh-triều, gội nhuần đức-hóa. Quan Thái-thú trước là Quì đã xét cho thần là Hiếu-liêm, quan Thứ-sử sau là Vinh lại cất cho thần là Tú-tài, thần vì không ai phụng-dưỡng tổ mẫu, cho nên điều từ mà không ra. Nay lại có chiếu-thư, triệu thần cho làm Lang-Trung, lại mông ơn cấp thần lên chức Tẩy-Mã. Nghĩ thần hèn mọn, được vào hầu hạ Đông-Cung, thần phi mất đầu, không báo được ơn ấy. Vậy thần đã dưng biểu cố từ, không giám nhận chức. Chiếu-thư nghiêm-thiết, trách thần là trốn tránh mà khinh-mạn triều-đình; quận-huyện đằng-thúc, ép thần lên đường, quan châu đến nhà, làm nóng như lửa. Thần muốn phụng chiếu ra đi thì tổ-mẫu thần bệnh nặng không ai trông nom; muốn thuận tình riêng thì không cho bày tỏ. Nghĩ đường lui tới của thần, thực là khó khăn.
Cúi nghĩ Thánh-triều, dùng đạo hiếu mà trị thiên-hạ, phàm người già cả, còn thương xót đến, huống chi thần cô-đơn khổ sở, lại càng khá thương!
Vả thần đã thờ Thục-Chủ, trải làm đến Lang-thự, chí muốn làm quan, không phải là giữ danh-tiết. Nay thần là một đứa tù vong quốc, rất hèn rất nhỏ, đội ơn cất nhắc, há dám rụt rè để mong mỏi kia khác. Song tổ-mẫu thần mỗi ngày một yếu, như bóng buổi chiều, hơi thở thoi thóp nguy ở sớm tối. Thần nếu không có tổ-mẫu, không có được ngày nay; mà tổ-mẫu thần không có thần, cũng không trọn được tuổi già. Bà cháu hai người, nương nhau mà sống, bởi thế khu khu chút tình, không dám bỏ mà đi xa. Thần nay 44 tuổi, tổ-mẫu thần thì 96 tuổi, ấy là cái ngày thần thờ bệ-hạ còn dài, mà cái ngày của thần báo ơn tổ-mẫu thì vắn đó. Tình riêng chim quạ[1], xin được ở nhà nuôi tổ-mẫu cho trọn đời. Cái cay đắng của thần, chẳng những là người đất Thục và các quan Mục, Bá hai châu cùng biết, dẫu đến giời cao đất dầy cũng soi xét cho.
Vậy xin bệ-hạ thương đến bụng ngu thành, cho thần được thỏa cái chí nhỏ, ngõ hầu tổ-mẫu thần được trọn cái tuổi thừa. Thần sống thì hàm ơn, chết thì ngậm cỏ, tình sợ-hãi kể sao cho xiết, kính cẩn dưng biểu này.
Thần đẳng là.......
Cúi dâng lời sau này:
Nay kính gặp Vạn-thọ khánh-tiết,
Cõi ngọc chứa-chan khí hòa-thuận,
Tiệc đào rực-rỡ vẻ xinh tươi.
Sinh nhà Thương, ghi điềm lành trong tháng trọng-xuân;
Chúc vua Nghiêu, nức lòng vui khắp nơi hàm-hạ.
Thần đẳng rất vui vẻ, rất mừng rỡ, kính dưng biểu mừng.
Thiết nghĩ rằng:
Rồng bay trên giời, ơn rải khắp mưa nhuần móc thấm;
Chớp lòe ánh sáng, điềm ứng về núi đúc non nung.
Chốn phong-đình sáng rỡ vẻ lành.
Nơi liễu-khổn thỏa cùng tình dưới.
Kính nghĩ Hoàng-đế bệ-hạ,
Thiên-tư ngài hợp với vua Ngu-Thuấn.
Đạo-đức ngài sánh với vua Chu-Văn,
Trời mở vận trung-hưng, điềm lành tốt tạc ghi non Thái;
Người vui trào hữu đức, tình ngóng trông nao nức biển Nam.
Vừng nhật nguyệt giãi vẻ quang huy,
Tuổi xuân thu đương chừng đỉnh thịnh,
Tiết tháng hai, gió hòa khí ấm, lại gặp ngày hồ-đán vui mừng;
Tuổi vạn niên lộc cả phúc dài, xin dưng chén hà-bôi chúc thọ.
Cuộc thừa-hoan ở Tiên-khuyết còn lắm,
Nền thụ-phúc của Hoàng-gia còn dài.
Thần đẳng
Bị vị ở chốn thanh-phiên,
Giốc lòng về nơi giáng-khuyết.
Hoàng-vương dựng đạo cả, trù ngũ-phúc chắc được kiêm toàn;
Thượng đế giáng phúc lành, nhời cửu-như xin đem chúc tụng.
Thần đẳng mừng rỡ kể sao cho xiết, xin dưng biểu tiến trình Ngự-lãm.
Thần đẳng là.......
cúi dưng lời sau này:
Nay kính gặp tiết lành Nguyên-đán,
Sân phong rạng vẻ,
Ống luật về xuân.
Khí dương hòa sáng tỏa thềm son,
Cảnh giời đẹp vẻ lồng cõi bắc.
Thần đẳng rất vui vẻ, rất mừng rỡ, kính dưng biểu mừng.
Thiết nghĩ rằng:
Đế ra phương Chấn, vẻ-vang nối dõi ngôi rồng;
Vương kế chữ Xuân, rực-rỡ gây từ năm sớm.
Đầu xuân hòa thẳm,
Khắp cõi vui mừng.
Kính nghĩ Hoàng-đế bệ-hạ:
Nối chịu ngôi tôn.
Vâng thừa mạng lớn.
Công tạo-hóa phát sinh muôn vật, mạnh-mẽ vô cùng;
Đuốc quang-minh soi rạng bốn phương, tưng-bừng tỏa khắp.
Ngày này ngày khác,
Mới lại mới thêm.
Gió hòa muôn dặm hây hây, thọ muôn tuổi, núi Nam chúc tụng;
Vẻ sáng chín từng ôi ối, phúc cửu-như, cửa Bắc nghinh tường;
Đời Hoàng mát tựa mùa xuân,
Lòng chúng quay về cửa khuyết,
Thần đẳng:
Chức phận giữ nơi bờ-cõi,
Lòng mong nương bóng mặt trời.
Giáp-lịch hiến phúc lành, ngóng ơn rộng trong nhà Tượng-ngụy;
Tiêu-tràng dưng chén thọ, xin chúc mừng ngoài cõi Nghiêu-phong.
Thần đẳng mừng rỡ tụng đảo, không biết đâu cho xiết, xin dưng biểu lên Ngự-lãm.
(Hai bài trên này trích ở trong Đại-Nam điển-lệ)
Chú thích
- ▲ Quạ là giống chim có hiếu, khi mẹ nó già, không đi kiếm ăn được, thì nó tha mồi về nuôi mẹ.