Tuyên bố chung của hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông-dương

Xem các bản dịch tiếng Việt khác của tác phẩm này tại Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương.
Tuyên bố chung của hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông-dương  (1954) 
do
Báo Nhân dân dịch

Đây là bản dịch đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày thứ bảy 23 tháng 10 năm 1954.

TUYÊN BỐ CHUNG
của hội nghị Giơ-ne-vơ
về vấn đề Đông-dương

Tuyên bố chung ngày 21-7-1954 của hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông-dương, có sự tham gia của đại biểu các nước Liên-xô, Cộng hòa nhân dân Trung-hoa, Anh, Pháp, Mỹ, Việt-nam dân chủ cộng hòa, Miên, Lào, đại biểu chính phủ Bảo-Đại.

1.— Hội nghị chứng nhận những bản hiệp định về việc đình chiến ở Việt-nam, Miên và Lào, và về việc tổ chức việc kiểm soát quốc tế giám sát việc thi hành những điều khoản trong các hiệp định đó.

2.— Hội nghị lấy làm hài lòng về việc chấm dứt chiến sự ở Việt-nam, Miên và Lào. Hội nghị tỏ lòng tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản ghi trong bản tuyên bố này và trong những hiệp định đình chiến sẽ làm cho ba nước, Việt-nam, Miên và Lào từ nay, với cương vị những nước có chủ quyền và độc lập hoàn toàn, có thể đóng được vai trò của họ trong đại gia đình hòa bình của các dân tộc.

3.— Hội nghị chứng nhận những lời tuyên bố của hai chính phủ MiênLào nói rõ hai chính phủ đó nguyện thi hành những biện pháp để cho tất cả mọi công dân có thể sinh hoạt cùng với mọi người trong khối đại gia đình dân tộc, nhất là tham gia vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cuộc tổng tuyển cử này sẽ tiến hành, theo đúng hiến pháp của mỗi nước đó, trong năm 1955 theo phương pháp bỏ phiếu kín và trong điều kiện tôn trọng những quyền tự do căn bản.

4.— Hội nghị chứng nhận những điều khoản trong hiệp định đình chiến ở Việt-nam, về việc cấm chỉ đem vào Việt-nam những quân đội ngoại quốc và nhân viên quân sự cũng như tất cả các thứ vũ khí, đạn dược. Hội nghị cũng chứng nhận những lời tuyên bố của hai chính phủ MiênLào, kiên quyết nói rằng họ sẽ không xin viện trợ của nước ngoài về quân trang quân dụng, nhân viên hoặc huấn luyện viên quân sự, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ, và trong trường hợp nước Lào, chỉ được xin ngoại viện đến mức đã quy định trong hiệp định đình chiến ở Lào.

5.— Hội nghị chứng nhận những điều khoản trong hiệp định đình chiến ở Việt-nam nói rằng không được thành lập một căn cứ quân sự nào của nước ngoài trong những khu vực tập kết của đôi bên. Đôi bên có nhiệm vụ không để những khu vực được trao cho mình trở thành một bộ phận trong bất cứ một khối liên minh quân sự nào hoặc không được dùng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược nào. Hội nghị cũng chứng nhận những lời tuyên bố của hai chính phủ MiênLào nói rằng họ sẽ không ký kết bất cứ một hiệp định nào với nước khác nếu hiệp định đó buộc họ cam kết phải tham gia vào một khối liên minh quân sự không phù hợp với những nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, hoặc trong trường hợp nước Lào, với những nguyên tắc của hiệp định đình chiến ở Lào hoặc nếu hiệp định đó buộc họ cam kết phải thành lập những căn cứ cho những lực lượng quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Miên hoặc Lào, khi mà an ninh của hai nước đó không bị đe dọa.

6.— Hội nghị thừa nhận rằng mục đích căn bản của hiệp định về Việt-nam là giải quyết vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự, và đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời không thể coi như là một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ. Hội nghị tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản nêu trong bản tuyên bố này và trong những hiệp định đình chiến sẽ tạo ra cơ sở cần thiết để thực hiện một giải pháp chính trị ở Việt-nam trong một thời gian ngắn.

7.— Hội nghị tuyên bố là về phần Việt-nam, việc giải quyết vấn đề chính trị trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ sẽ làm cho nhân dân Việt-nam được hưởng những tự do căn bản đảm bảo trong một chế độ dân chủ thành lập do tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín.

Để đảm bảo cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết và thực hiện những điều kiện cần thiết cho nhân dân Việt-nam có thể tự do bày tỏ ý kiến, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế, gồm đại biểu những nước có chân trong ủy ban kiểm soát quốc tế đã được nói rõ trong hiệp định đình chiến. Kể từ ngày 20-7-1955 những người đương cục có thẩm quyền trong hai khu vực sẽ trao đổi ý kiến về vấn đề đó.

8.— Phải triệt để thi hành những điều khoản trong hiệp định đình chiến nhằm mục đích bảo vệ tính mệnh và tài sản của mọi người, nhất là phải để cho tất cả mọi người dân Việt-nam có thể tự do muốn sống ở khu vực nào tùy ý họ.

9.— Những người đương cục có thẩm quyền ở miền Bắc và miền Nam Việt-nam cũng như ở Lào và Miên không được để có những hành động khủng bố cá nhân hoặc tập thể đối với những người đã hợp tác với một trong hai bên trong thời gian chiến tranh, hoặc đối với gia đình những người đó.

10.— Hội nghị chứng nhận lời tuyên bố của chính phủ Pháp nói rằng chính phủ Pháp sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi lãnh thổ Việt-nam, Miên và Lào theo lời yêu cầu của những chính phủ có liên quan và trong một thời hạn sẽ được hai bên thỏa thuận sau, trừ trường hợp do hai bên thỏa thuận mà một số quân đội Pháp có thể ở lại những nơi nhất định trong một thời gian nhất định.

11.— Hội nghị chứng nhận lời tuyên bố của chính phủ Pháp nói rằng Chính phủ Pháp sẽ đi từ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của Việt-nam, Miên và Lào, để giải quyết tất cả những vấn đề liênquan đến việc lập lại và củng cố hòa bình ở Việt-nam, Miên và Lào.

12.— Trong quan hệ với Việt-nam, Miên và Lào, các nước tham gia hội nghị Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của những nước đó và không can thiệp vào nội trị những nước đó.

13.— Các nước tham gia hội nghị Giơ-ne-vơ đồng ý trao đổi ý kiến với nhau về bất cứ một vấn đề nào do ủy ban kiểm soát quốc tế đề ra để nghiên cứu những biện pháp cần thiết đáng đảm bảo sự tôn trọng hiệp định đình chiến ở Việt-nam, Miên và Lào.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được xuất bản hợp pháp ở bên trong Hoa Kỳ (hoặc ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York theo Điều 7 của Hiệp định Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Hoa Kỳ) từ năm 1923 đến năm 1977 mà không có thông báo bản quyền.


Tác phẩm này có thể vẫn có bản quyền ở các khu vực tài phán không áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm Hoa Kỳ.
 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)