Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam  (1954) 

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là một hiệp định ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 giữa Quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương và Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một phần của một loạt các Hiệp định ký tại Genève vào năm 1954. Hiệp định về mặt lý thuyết đã chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam và tạm thời phân chia Việt Nam tại khu vực gần vĩ tuyến 17 để chờ ngày Tổng tuyển cử trước ngày 20 tháng 7 năm 1956.

Hiệp định này có một Phụ bản kèm theo.

Xem các văn bản liên quan đến Hiệp định.

[Vietnamese text — Texte vietnamien]


HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM


Chương I

GIỚI TUYẾN QUÂN SỰ TẠM THỜI VÀ KHU PHI QUÂN SỰ

Điều 1

Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy: lực lượng Quân đội Nhân dân Việt-nam ở phía Bắc giới tuyến, lực lượng Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến.

Giới tuyến quân sự tạm thời quy định như trong bản đồ kèm theo (xem bản đồ số 1).

Hai bên đều đồng ý có một khu phi quân sự hai bên giới tuyến, mỗi bên rộng nhất là 5 cây số kể từ giới tuyến trở đi. Khu phi quân sự này dùng để làm khu đệm và để tránh những việc xung đột có thể làm cho chiến sự xẩy trở lại.

Điều 2

Thời hạn cần thiết để thực hiện việc di chuyển hoàn toàn các lực lượng của hai bên về vùng tập hợp của họ ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời không được quá ba trăm (300) ngày, kể từ ngày hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.

Điều 3

Khi giới tuyến quân sự tạm thời trùng với một giòng sông, thì thuyền bè của dân đều có thể đi lại trên những khúc sông nào mà mỗi bờ sông do mỗi bên kiểm soát. Ban Liên hợp sẽ quy định thể lệ đi lại trên những khúc sông ấy.

Các tàu buôn và các loại thuyền bè khác của dân ở mỗi bên đều có quyền cập bến trong khu vực bên mình kiểm soát mà không bị hạn chế gì.

Điều 4

Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển.

Lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo ven bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến ấy, Quân đội Nhân dân Việt-nam sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam.

Điều 5

Để tránh những xung đột có thể gây lại chiến sự, tất cả lực lượng, vật liệu và dụng cụ quân sự đều phải đưa ra khỏi khu phi quân sự trong thời hạn hai mươi nhăm (25) ngày kể từ ngày hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.

Điều 6

Bất cứ người nào, hoặc quân nhân, hoặc người thường, đều không được vượt qua giới tuyến quân sự tạm thời, nếu không được phép rõ ràng của Ban Liên hợp.

Điều 7

Bất cứ người nào, hoặc quân nhân, hoặc người thường, đều không được vào trong khu phi quân sự, trừ những người có trách nhiệm về hành chính dân sự và về tổ chức cứu tế, và những người được phép rõ ràng của Ban Liên hợp.

Điều 8

Việc hành chính và tổ chức cứu tế ở trong khu phi quân sự, mỗi bên giới tuyến quân sự tạm thời thuộc vùng của bên nào thì do Tổng Tư lệnh của bên ấy phụ trách.

Số người, quân nhân và người thường, của mỗi bên được phép vào trong khu phi quân sự để đảm bảo việc hành chính và việc tổ chức cứu tế đều do Tư lệnh của mỗi bên ấn định, nhưng bất kỳ lúc nào cũng không được quá số người mà Ban Quân sự Trung-giá hay Ban Liên hợp sẽ quy định.

Ban Liên hợp sẽ ấn định số nhân viên cảnh sát hành chính, số vũ khí của những nhân viên cảnh sát ấy. Không ai được mang vũ khí nếu không được phép rõ ràng của Ban Liên hợp.

Điều 9

Không có một khoản nào trong chương này có thể hiểu theo ý nghĩa làm mất quyền hoàn toàn tự do ra vào hay đi lại trong khu phi quân sự của Ban Liên hợp, của những Toán Liên hợp của Ban Quốc tế thành lập như quy định dưới đây, của những Đội Kiểm tra, cùng tất cả những người khác và vật liệu, dụng cụ đã được phép rõ ràng của Ban Liên hợp cho vào khu phi quân sự. Khi cần đi lại từ một điểm này đến một điểm kia trong khu phi quân sự mà không có đường thủy hay đường bộ nằm hẳn trong khu phi quân sự, thì được phép dùng những con đường thủy hay đường bộ nối hai điểm ấy đi ngang qua vùng đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của bất cứ một bên nào.


Chương II

NGUYÊN TẮC VÀ CÁCH THỨC THI HÀNH HIỆP ĐỊNH NÀY

Điều 10

Các Bộ Tư lệnh quân đội đôi bên, một bên là Tổng Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông-dương, một bên là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt-nam sẽ ra lệnh hoàn toàn đình chỉ chiến sự ở Việt-nam cho tất cả lực lượng vũ trang đặt dưới quyền của họ, kể tất cả các đơn vị và nhân viên lục, hải, không quân, và bảo đảm sự thực hiện đình chỉ chiến sự đó.

Điều 11

Theo nguyên tắc ngừng bắn đồng thời khắp toàn cõi Đông-dương, sự đình chỉ chiến sự phải đồng thời trên toàn cõi Việt-nam, tại tất cả các chiến trường và cho tất cả mọi lực lượng của hai bên.

Tính theo thời gian thực sự cần thiết để chuyển lệnh ngừng bắn tới những cấp thấp nhất của lực lượng chiến đấu đôi bên, hai bên đồng ý sẽ thực hiện ngừng bắn hoàn toàn và đồng thời, theo từng khoảnh lãnh thổ, trong những điều kiện sau đây:

– Ở Bắc bộ Việt-nam, đúng 8 giờ (địa phương) ngày hai mươi bẩy (27) tháng Bẩy (7) năm 1954.

– Ở Trung bộ Việt-nam, đúng 8 giờ (địa phương) ngày mồng một (1) tháng Tám (8) năm 1954.

– Ở Nam bộ Việt-nam, đúng 8 giờ (địa phương) ngày mười một (11) tháng Tám (8) năm 1954.

Giờ địa phương nói trong điều này là giờ kinh tuyến Bắc-kinh.

Kể từ khi thực hiện ngừng bắn thực sự ở Băc bộ Việt-nam, mỗi bên cam đoan không mở những cuộc tấn công lớn trên toàn thể chiến trường Đông-dương, không huy động lực lượng không quân ở các căn cứ miền Bắc bộ Việt-nam ra ngoài địa hạt Bắc bộ Việt-nam. Hai bên cam đoan gửi cho nhau để biết những kế hoạch chuyển quân của mình từ vùng tập hợp này sang vùng tập hợp khác, trong thời hạn hai mươi nhăm (25) ngày kể từ ngày hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.

Điều 12

Tất cả những hành động và vận chuyển trong việc đình chỉ chiến sự và việc thực hiện cách tập hợp phải tiến hành trong trật tự và an toàn.

a) Trong thời hạn một số ngày sau khi thực hiện ngừng bắn thực sự do Ban Quân sự Trung-gía định, mỗi bên có trách nhiệm cất dọn và làm mất hiệu lực những địa lôi và thủy lôi (kể cả ở sông và ở biển), những cạm bẫy, những chất nổ và tất cả những chất nguy hiểm khác mà bên ấy đã đặt trước. Trong trường hợp không kịp cất dọn và làm mất hiệu lực các loại nói trên, thì phải đặt những dấu hiệu rõ rệt. Tất cả những nơi phá hoại, những nơi có địa lôi, những lưới giây thép gai và những vật chướng ngại khác cho sự đi lại tự do của nhân viên Ban Liên hợp và của các Toán Liên hợp mà người ta tìm ra sau khi bộ đội đã rút đi, thì Tư lệnh các lực lượng của hai bên phải báo cho Ban Liên hợp biết.

b) Trong thời kỳ kể từ khi ngừng bắn cho đến khi tập hợp xong quân đội ở hai bên giới tuyến:

1) ở những khu định giao cho bộ đội của một bên tạm đóng thì bộ đội của bên kia tạm rút ra ngoài những khu đó,

2) trong khi lực lượng của một bên rút theo một đường giao thông (đường đất, đường xe lửa, đường sông hay đường biển) đi ngang qua địa hạt của bên kia (xem điều 24) thì lực lượng của bên kia phải tạm thời lui xa hai bên đường giao thông mỗi bên 3 cây số, nhưng tránh làm trở ngại cho sự đi lại của thường dân.

Điều 13

Trong thời kỳ kể từ ngày ngừng bắn đến khi chuyển quân xong từ vùng này sang vùng kia, các phi cơ thường và phi cơ vận tải quân sự phải bay theo những hành lang nhất định nối liền các khu đóng quân tạm thời của quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Bắc giới tuyến với biên giới Lào và vùng tập hợp dành cho quân đội Liên hiệp Pháp.

Những hành lang trên không, bề rộng của các hành lang ấy, hành trình an toàn mà các phi cơ quân sự một động cơ phải theo trong việc chuyển về phía Nam, và những thể thức tìm kiếm và cứu nạn những phi cơ bị nạn sẽ do Ban Quân sự Trung-gía ấn định tại chỗ.

Điều 14

Những biện pháp chính trị và hành chính trong hai vùng tập hợp, ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời:

a) Trong khi đợi tổng tuyển cử để thực hiện thống nhất nước Việt-nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản trị hành chính ở vùng ấy.

b) Một địa hạt thuộc quyền của bên này sắp chuyển giao cho bên kia theo kế hoạch tập hợp thì vẫn do bên này tiếp tục quản trị cho đến ngày tất cả bộ đội của mình đã dời khỏi địa hạt đó để giao cho bên kia. Từ ngày đó, địa hạt này coi như chuyển cho bên kia chịu trách nhiệm quản trị.

Phải thi hành những biện pháp để tránh sự gián đoạn trong vấn đề chuyển giao trách nhiệm này. Để đạt mục đích ấy, bên rút đi phải kịp thời báo trước cho bên kia để bên kia có những sự sắp xếp cần thiết, nhất là việc cử những nhân viên hành chính và cảnh sát đến để chuẩn bị tiếp nhận những trách nhiệm về hành chính. Thời hạn báo trước sẽ do Ban Quân sự Trung-gía ấn định. Sự chuyển giao ấy sẽ tiến hành lần lượt theo từng khoảnh đất đai.

Sự chuyển giao quyền hành chính Hà-nội và Hải-phòng cho nhà đương cục của nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa phải hoàn toàn thi hành xong trong những thời hạn đã ấn định ở điều khoản thứ 15 về việc chuyển quân.

c) Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ.

d) Trong thời gian kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia, thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy.

Điều 15

Việc tách rời bộ đội chiến đấu, việc rút quân, việc chuyển quân và vật liệu, dụng cụ quân sự, phải tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:

a) Việc rút quân và chuyển quân, vật liệu và dụng cụ quân sự của hai bên phải làm xong trong thời hạn ba trăm (300) ngày như đã định ở điều khoản thứ 2 của hiệp định này.

b) Những cuộc rút quân tuần tự phải tiến hành trong mỗi địa hạt, theo từng khu vực, từng phân khu vực, hoặc từng tỉnh.

Những cuộc chuyển quân từ vùng tập hợp này sang vùng tập hợp khác sẽ tiến hành liên tiếp từng đợt hàng tháng và tính theo tỷ lệ số quân phải chuyển.

c) Hai bên phải đảm bảo sự thực hiện việc rút và chuyển tất cả các lực lượng theo đúng mục đích nói trong hiệp định, không dung thứ một hành vi địch đối nào, không được làm bất cứ việc gì có thể trở ngại cho việc rút quân và chuyển quân của nhau. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau trong phạm vi có thể được.

d) Hai bên không dung thứ bất cứ hành động nào hủy hoại hoặc phá hoại tài sản công cộng và xâm phạm đến sinh mệnh và tài sản của thường dân. Hai bên cũng không dung thứ bất cứ sự can thiệp nào vào nội chính địa phương.

e) Ban Liên hợp và Ban Quốc tế theo rõi việc thi hành những biện pháp đảm bảo an toàn của bộ đội trong khi rút và trong khi chuyển.

f) Ban Quân sự Trung-gía và sau này Ban Liên hợp sẽ cùng nhau ấn định những thể thức cụ thể về việc tách rời bộ đội chiến đấu, việc rút quân và chuyển quân, căn cứ trên những nguyên tắc đã kể trên và trong khuôn khổ sau đây: 1) Việc tách rời bộ đội chiến đấu, bao gồm sự tụ họp tại chỗ các lực lượng vũ trang bất cứ thuộc loại nào, sự vận chuyển tới những khu đóng quân tạm thời của một bên, và sự tạm rút của quân đội bên kia, phải làm xong trong một thời hạn không được quá mười lăm (15) ngày, sau ngày thực hiện ngừng bắn. Đường vạch những khu đóng quân tạm thời được ấn định trong phụ bản (địa đồ kèm theo). Để tránh mọi việc xung đột, không bộ đội nào được đóng dưới 1.500 thước cách giới hạn của những khu đóng quân tạm thời. Trong thời kỳ kể từ ngày hiệp định bắt đầu có hiệu lực đến ngày chuyển quân xong, tất cả những đảo gần bờ biển ở phía Tây con đường định sau đây, đều thuộc khu chu vi Hải-phòng: – Kinh tuyến của mỏm phía Nam cù lao Ké-bào. – Bờ bể phía Bắc của đảo Rousse (không kể hòn đảo ấy) kéo dài tới kinh tuyến Cẩm-phả Mỏ. – Kinh tuyến Cẩm-phả Mỏ. 2) Những cuộc rút quân và chuyển quân sẽ tiến hành theo thứ tự và những thời hạn (kể từ ngày hiệp định này bắt đầu có hiệu lực) định sau đây:

Quân đội Liên hiệp Pháp:

Chu vi Hà-nội
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
tám mươi (80) ngày.
Chu vi Hải-dương
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
một trăm (100) ngày.
Chu vi Hải-phòng
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
ba trăm (300) ngày.

Quân đội Nhân dân Việt-nam:

Khu Hàm-tân – Xuyên-mộc
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
tám mươi (80) ngày.
Đợt thứ nhất của khu tạm đóng quân ở Trung bộ Việt-nam
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
tám mươi (80) ngày.
Khu Đồng-tháp-mười
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
một trăm (100) ngày.
Đợt thứ hai của khu tạm đóng quân ở Trung bộ Việt-nam
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
một trăm (100) ngày.
Khu Mũi Cà-mâu
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
hai trăm (200) ngày.
Đợt chót của khu tạm đóng quân ở Trung bộ Việt-nam
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
ba trăm (300) ngày.


Chương III

CẤM ĐEM THÊM QUÂN ĐỘI, NHÂN VIÊN QUÂN SỰ, VŨ KHÍ ĐẠN DƯỢC MỚI. CĂN CỨ QUÂN SỰ

Điều 16

Kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được tăng thêm vào nước Việt-nam mọi bộ đội và nhân viên quân sự.

Tuy nhiên, sẽ cho phép việc thay thế những đơn vị, nhân viên, sẽ cho phép những quân nhân riêng lẻ đến Việt-nam làm một công việc nhất thời, những nhân viên riêng lẻ trở lại Việt-nam sau một thời hạn nghỉ phép ngắn hay một công vụ nhất thời ở ngoài nước Việt-nam. Sự cho phép ấy phải theo điều kiện sau đây:

a) Sự thay thế đơn vị (định nghĩa ở đoạn c của điều này) và nhân viên, không được phép thi hành đối với quân đội của Liên hiệp Pháp đóng ở phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời định ở điều 1, trong thời kỳ rút quân nói ở điều 2 của hiệp định này.

Tuy nhiên, đối với những quân nhân riêng lẻ mới đến hoặc trở lại vùng phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời, vì một công vụ nhất thời, hoặc sau một thời gian nghỉ phép ngắn hay có công vụ nhất thời ở ngoài Việt-nam, thì không được cho phép vào mỗi tháng quá năm mươi (50) người kể cả nhân viên sĩ quan.

b) Danh từ "thay thế" có nghĩa là thay những đơn vị hoặc nhân viên bằng những đơn vị ngang cấp hoặc nhân viên đến Việt-nam để làm nhiệm vụ hải ngoại thuộc phiên mình.

c) Những đơn vị thay thế không bao giờ được lớn hơn một tiểu đoàn, nếu là không quân và hải quân thì cũng không được lớn hơn một đơn vị tương đương với tiểu đoàn.

d) Sự thay thế phải là một người thay một người. Những số người được đưa vào Việt-nam để thay thế trong mỗi khoảng thời gian ba tháng không được quá một vạn năm nghìn năm trăm (15.500) người thuộc ngành quân sự.

e) Những đơn vị (định nghĩa ở đoạn c của điều này) và nhân viên thay thế cùng những quân nhân riêng lẻ nói trong điều này chỉ có thể vào và ra nước Việt-nam theo những cửa khẩu kể ở điều 20 sau này.

f) Mỗi bên phải báo trước, ít nhất là hai ngày, cho Ban Liên hợp và Ban Quốc tế, tất cả những việc vận chuyển có thể đến: vận chuyển những đơn vị, nhân viên và quân nhân riêng lẻ đến Việt-nam hoặc từ Việt-nam đi. Nhưng việc chuyển vận đơn vị, nhân viên và quân nhân riêng lẻ đến Việt-nam hoặc từ Việt-nam đi phải được báo cáo hàng ngày cho Ban Liên hợp và Ban Quốc tế biết.

Mỗi một bản báo trước hoặc báo cáo kể trên đây phải nói rõ địa điểm và ngày tháng đi, đến và số người đi hoặc đến.

g) Ban Quốc tế dùng những Đội Kiểm tra để giám sát và kiểm tra, ở những cửa khẩu kể ở điều 20 sau đây, sự thay thế các đơn vị và nhân viên, sự đi hoặc đến của những quân nhân riêng lẻ được phép ra vào nói trên đây.

Điều 17

a) Kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm tăng viện vào nước Việt-nam mọi thứ vũ khí, đạn dược, và những dụng cụ chiến tranh khác, ví dụ: phi cơ chiến đấu, đơn vị thủy quân, khẩu đại bác, khí cụ và súng ống phản động lực, khí cụ thiết giáp.

b) Tuy nhiên, các dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược bị phá hủy, hư hỏng, mòn hoặc hết sau khi đình chỉ chiến sự có thể được thay thế một đổi một, cùng một loại và với đặc điểm tương tự.

Đối với những lực lượng của Quân đội Liên hiệp Pháp đóng ở phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời định ở điều 1, trong thời hạn rút quân đã định ở điều 2 của hiệp định này, thì không được phép thay thế dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược.

Các đơn vị hải quân có thể thực hiện việc vân chuyển giữa các vùng tập hợp.

c) Những dụng cụ chiến tranh, những vũ khí và đạn dược để thay thế nói ở đoạn b ở điều này chỉ có thể đưa vào Việt-nam qua những cửa khẩu kể ở điều 20 sau đây. Những dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược cần được thay thế chỉ có thể đưa ra ngoài nước Việt-nam qua những cửa khẩu kể ở điều 20 sau đây.

d) Ngoài sự thay thế trong phạm vi định ở đoạn b của điều này, cấm không được đưa vào những dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược các loại, dưới hình thức từng bộ phận rời rạc, để sau đem lắp lại.

e) Mỗi bên phải báo trước ít nhất hai ngày cho Ban Liên hợp, Ban Quốc tế tất cả những Vận chuyển ra và vào của các dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược thuộc các loại.

Để chứng minh những yêu cầu đưa vào Việt-nam những vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh khác (định nghĩa trong đoạn a của điều này) để dùng vào việc thay thế, cần phải trình Ban Liên hợp và Ban Quốc tế một bản báo cáo, mỗi lần có vận chuyển vào. Bản báo cáo ấy nói rõ việc sử dụng các dụng cụ đã được thay thế như thế nào.

f) Ban Quốc tế dùng những Đội Kiểm tra để giám sát và kiểm tra sự thay thế đã cho phép trong những điều kiện nói trong điều khoản này tại những cửa khẩu kể trong điều 20 sau đây.

Điều 18

Từ ngày hiệp định này có hiệu lực, cấm không được thành lập, trong toàn cõi Việt-nam, những căn cứ quân sự mới.

Điều 19

Kể từ ngày hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp của đôi bên; hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập một liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược.

Điều 20

Những người thay thế, và dụng cụ thay thế phải đi qua những cửa khẩu ra vào Việt-nam quy định như sau đây:

– Vùng phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời: Lào-kay, Lạng-sơn, Tiên-yên, Hải-phòng, Vinh, Đồng-hới, Mường-Sén.

– Vùng phía Nam giới tuyến quân sự tạm thời: Tourane, Qui-nhơn, Nha-trang, Ba-Ngòi, Sài-gòn, Cửa Ô-cấp, Tân-châu.


Chương IV

TÙ BINH VÀ THƯỜNG NHÂN BỊ GIAM GIỮ

Điều 21

Việc thả và cho hồi hương những tù binh và những thường nhân bị giam giữ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, sẽ tiến hành theo những điều kiện sau đây:

a) Tất cả tù binh và thường dân bị giam giữ, quốc tịch Việt-nam, Pháp hoặc quốc tịch khác, bị bắt từ đầu chiến tranh ở Việt-nam, trong những cuộc hành quân hoặc trong tất cả những trường hợp chiến tranh khác, ở trên toàn cõi Việt-nam, sẽ được thả trong một thời hạn là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thực hiện ngừng bắn thực sự trên mỗi chiến trường.

b) Danh từ "thường nhân bị giam giữ" có nghĩa là tất cả những người đã tham gia bất cứ dưới hình thức nào vào cuộc đấu tranh võ trang và chính trị giữa đôi bên, và vì thế mà đã bị bên này hay bên kia bắt và giam giữ trong khi chiến tranh.

c) Cách thả sẽ tiến hành như sau: Mỗi bên trao trả cho nhà chức trách có thẩm quyền của bên kia toàn thể tù binh và thường nhân bị giam giữ. Nhà chức trách bên nhận sẽ giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể có được để họ về sinh quán, nơi cư trú thường xuyên hoặc về vùng họ tự lựa chọn.


Chương V

ĐIỀU KHOẢN LINH TINH

Điều 22

Tư lệnh hai bên chú trọng trừng phạt thích đáng những người thuộc quyền mình mà làm trái bất kỳ một điều khoản nào của hiệp định này.

Điều 23

Trong trường hợp biết rõ nơi chôn cất và có mồ mả rõ ràng, Bộ Tư lệnh mỗi bên sẽ cho phép nhân viên trông coi việc chôn cất của bên kia được vào trong vùng thuộc lĩnh thổ Việt-nam đặt dưới sự kiểm soát của mình, trong một thời hạn nhất định, sau khi hiệp định đình chỉ chiến sự bắt đầu có hiệu lực để lấy thi hài của những quân nhân chết của bên kia, kể cả những tù binh chết. Ban Liên hợp sẽ ấn định phương thức thi hành việc này và thời hạn cần phải làm xong. Các Bộ Tư lệnh mỗi bên sẽ cho nhau biết tất cả những tài liệu, tin tức mà họ có về mồ mả của quân nhân của bên kia.

Điều 24

Hiệp định này áp dụng cho tất cả mọi lực lượng vũ trang của đôi bên. Lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng khu phi quân sự và lĩnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của bên kia và sẽ không có hành động hoặc hoạt động gì chống bên kia, hoặc một hoạt động phong tỏa bất cứ bằng cách nào ở Việt-nam.

Danh từ "lĩnh thổ" nói đây bao gồm cả hải phận và không phận.

Điều 25

Trong khi thi hành nhiệm vụ định trong hiệp định này, Ban Liên hợp và các Toán Liên hợp, Ban Quốc tế và các Đội Kiểm tra của Ban Quốc tế cần được sự bảo vệ, giúp đỡ và cộng tác của các Tư lệnh lực lượng hai bên.

Điều 26

Các phí tổn cần thiết cho Ban Liên hợp và các Toán Liên hợp, Ban Quốc tế và những Đội Kiểm tra của Ban Quốc tế sẽ do đôi bên chia đều nhau mà chịu.

Điều 27

Những người ký hiệp định này và những người kế tiếp nhiệm vụ của họ sẽ có nhiệm vụ bảo đảm sự tôn trọng việc thực hiện các điều khoản của hiệp định này. Các Tư lệnh hai bên, trong quyền hạn của mình, sẽ thi hành mọi biện pháp và mọi điều khoản cần thiết để tất cả những phần tử và nhân viên quân sự dưới quyền họ, tôn trọng hoàn toàn những điều khoản của hiệp định này.

Những thể thức thi hành hiệp định này, mỗi khi cần thiết, sẽ do Tư lệnh đôi bên nghiên cứu và nếu cần, do Ban Liên hợp định rõ thêm.


Chương VI

BAN LIÊN HỢP VÀ BAN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

Điều 28

Trách nhiệm thực hiện hiệp định đình chỉ chiến sự là thuộc về hai bên.

Điều 29

Việc giám sát và kiểm soát sự thực hiện ấy do một Ban Quốc tế bảo đảm.

Điều 30

Để làm dễ dàng cho việc thực hiện các điều khoản cần đến sự hoạt động phối hợp của hai bên, trong những điều kiện quy định dưới đây, sẽ thành lập một Ban Liên hợp ở Việt-nam.

Điều 31

Ban Liên hợp gồm một số đại biểu bằng nhau của Bộ Tư lệnh hai bên.

Điều 32

Các Trưởng đoàn đại biểu trong Ban Liên hợp là cấp tướng.

Ban Liên hợp thành lập những Nhóm Liên hợp, số lượng bao nhiêu do hai bên thỏa thuận quy định. Các Nhóm Liên hợp gồm một số sĩ quan bằng nhau của hai bên. Hai bên sẽ căn cứ vào nhiệm vụ của Ban Liên hợp mà quy định nơi đóng của các Nhóm ấy trên giới tuyến giữa các vùng tập hợp.

Điều 33

Ban Liên hợp bảo đảm sự thực hiện những điều khoản sau đây của hiệp định:

a) Ngừng bắn đồng thời và toàn diện ở Việt-nam, cho tất cả các lực lượng vũ trang chính quy và không chính quy của hai bên.

b) Sự tập hợp lực lượng vũ trang của hai bên.

c) Sự tôn trọng giới tuyến giữa các vùng tập hợp và khu phi quân sự.

Ban Liên hợp giúp hai bên theo phạm vi thẩm quyền của mình trong việc thực hiện các điều khoản kể trên, bảo đảm việc liên lạc giữa hai bên để khởi thảo và thi hành những kế hoạch áp dụng các điều khoản ấy, cố gắng giải quyết các mâu thuẫn có thể nẩy ra giữa hai bên trong khi thực hiện các điều khoản ấy.

Điều 34

Nay thành lập một Ban Quốc tế phụ trách giám sát và kiểm soát sự áp dụng các điều khoản của hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt-nam. Ban ấy gồm một số đại biểu bằng nhau của các nước sau đây: Ấn-độ, Ba-lan, Gia-nã-đại. Ban ấy do đại biểu Ấn-độ làm chủ tịch.

Điều 35

Ban Quốc tế đặt những Đội Kiểm tra cố định và lưu động, gồm một số sĩ quan bằng nhau do mỗi nước trong các nước trên đây đề cử ra.

Những Đội cố định đóng tại các điểm sau đây:

Vùng phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời: Lào-kay, Lạng-sơn, Tiên-yên, Hải-phòng, Vinh, Đồng-hới, Mường-sen.

Vùng phía Nam giới tuyến quân sự tạm thời: Tourane, Qui-nhơn, Nha-trang, Ba-ngòi, Sài-gòn, Cửa Ô-cấp, Tân-châu.

Sau này, những điểm đóng đó có thể thay đổi theo sự yêu cầu của Ban Liên hợp, hoặc của một trong hai bên, hoặc chính của Ban Quốc tế, do sự thỏa thuận giữa Ban Quốc tế và Bộ Tư lệnh của bên hữu quan.

Khu hoạt động của các đội lưu động là những nơi gần các biên giới thủy, bộ của Việt-nam, đường giới tuyến giữa các vùng tập hợp và khu phi quân sự. Trong phạm vi đó, các đội lưu động có quyền tự do đi lại, và được các nhà chức trách hành chính và quân sự địa phương cho mọi sự dễ dàng mà họ cần đến để làm tròn nhiệm vụ (cung cấp nhân viên, tài liệu cần thiết cho việc kiểm soát, triệu tập những người làm chứng cần thiết cho các cuộc điều tra, bảo vệ sự an toàn và sự tự do đi lại của các Đội Kiểm tra v.v...). Các Đội lưu động dùng những phương tiện vận chuyển, quan sát và thông tin tối tân mà họ cần đến.

Ngoài những khu hoạt động quy định ở trên, các Đội lưu động có thể, với sự đồng ý của Bộ Tư lệnh bên hữu quan, đi lại ở những nơi khác, trong phạm vi nhiệm vụ mà hiệp định này giao cho họ.

Điều 36

Ban Quốc tế phụ trách giám sát việc hai bên thi hành những điều khoản của hiệp định. Nhằm mục đích đó, Ban Quốc tế làm những nhiệm vụ kiểm soát, quan sát, kiểm tra và điều tra có liên quan đến việc thi hành những điều khoản của hiệp định đình chỉ chiến sự, và nhất là phải:

a) Kiểm soát những việc đi lại của các lực lượng vũ trang của hai bên, tiến hành trong phạm vi kế hoạch tập hợp.

b) Giám sát giới tuyến vùng tập hợp và vùng phi quân sự.

c) Kiểm soát những việc thả tù binh và thương nhân bị giam giữ.

d) Giám sát, tại các cửa biển và sân bay cũng như trên các biên giới của Việt-nam, việc thi hành những điều khoản của hiệp định đình chỉ chiến sự quy định việc đưa vào trong nước các lực lượng vũ trang, nhân viên quân sự và mọi thứ vũ khí, đạn dược và vật dụng chiến tranh.

Điều 37

Ban Quốc tế hoặc tự ý của mình, hoặc theo yêu cầu của Ban Liên hợp hay của một trong hai bên, sẽ dùng những Đội kiểm tra nói trên tiến hành trong thời hạn ngắn nhất những cuộc điều tra cần thiết trên văn bàn và tại chỗ.

Điều 38

Các Đội kiểm tra sẽ chuyển lên Ban Quốc tế những kết quả về việc kiểm soát, điều tra và quan sát của mình; ngoài ra, các Đội ấy làm những bản báo cáo đặc biệt mà tự họ nhận thấy cần thiết, hoặc do Ban yêu cầu. Trường hợp có sự bất đồng ý kiến trong các Đội, kết luận của mỗi một thành viên sẽ đưa lên Ban.

Điều 39

Nếu một Đội kiểm tra không giải quyết được một việc hoặc nhận thấy có sự vi phạm hay nguy cơ có một vi phạm nghiêm trọng đe dọa, thì sẽ báo cáo với Ban Quốc tế; Ban Quốc tế nghiên cứu báo cáo và kết luận của các Đội kiểm tra và báo cáo cho các bên đương sự biết những biện pháp cần thi hành để giải quyết việc đó hay để chấm dứt sự vi phạm hay tiêu trừ nguy cơ vi phạm.

Điều 40

Khi Ban Liên hợp không đi đến thỏa thuận trong việc giải thích một điều khoản hay việc nhận định một sự việc, thì sẽ báo cáo Ban Quốc tế biết sự bất đồng đó. Những kiến nghị của Ban Quốc tế sẽ chuyển thẳng cho hai bên đương sự và thông tri cho Ban Liên hợp.

Điều 41

Những kiến nghị của Ban Quốc tế thông qua theo đa số, trừ đối với những điều khoản ở điều 42. Trường hợp số phiếu hai bên bằng nhau, thì phiếu của chủ tịch là quyết định.

Ban Quốc tế có thể đề ra những kiến nghị sửa chữa và bổ sung các điều khoản của hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt-nam nhằm đảm bảo việc thi hành có hiệu quả hơn hiệp định nói trên. Những kiến nghị đó phải được toàn thể đồng thanh biểu quyết.

Điều 42

Khi có những vấn đề có quan hệ đến những sự vi phạm hay những nguy cơ vi phạm có thể làm cho chiến sự lại xẩy ra, như:

a) lực lượng vũ trang của một bên không chịu thi hành những cuộc vận chuyển đã định trong kế hoạch tập hợp,

b) lực lượng vũ trang của một bên phạm vào vùng tập hợp, vào hải phận hay không phận của bên kia,

thì những kiến nghị của Ban Quốc tế phải được toàn thể đồng thanh biểu quyết.

Điều 43

Nếu một bên không chịu chấp hành kiến nghị của Ban Quốc tế, thì các bên hữu quan hoặc tự Ban đó báo cáo cho các nước dự Hội nghị Genève.

Nếu Ban Quốc tế không đi tới được một kết luận đồng thanh trong những trường hợp nói trong điều 42, thì Ban đó sẽ đệ trình cho các nước dự hội nghị một báo cáo của đa số, và một hay nhiều báo cáo của thiểu số.

Ban Quốc tế báo cáo cho các nước dự hội nghị biết mọi việc trở ngại cho hoạt động của mình.

Điều 44

Ban Quốc tế sẽ được thành lập ngay khi ngừng bắn ở Đông-dương để có thể làm tròn những nhiệm vụ nói trong điều 36.

Điều 45

Ban Quốc tế giám sát và kiểm soát ở Việt-nam hợp tác chặt chẽ với các Ban Quốc tế kiểm soát và giám sát ở Miên và Lào.

Một cơ quan gồm một số đại biểu bằng nhau của tất cả các nước có chân trong các Ban Quốc tế sẽ đặt ra để phối hợp hoạt động của ba Ban mỗi khi cần thiết trong việc thực hiện những hiệp định đình chỉ chiến sự ở Miên, Lào và Việt-nam.

Điều 46

Căn cứ vào tình hình phát triển ở Cao-miên, ở Lào và ở Việt-nam, Ban Quốc tế có thể, với sự thỏa hiệp của cơ quan phối hợp, đề ra những kiến nghị về việc giảm bớt dần những hoạt động của mình. Những kiến nghị ấy phải được đồng thanh biểu quyết.

Điều 47

Tất cả những điều khoản của hiệp định này, trừ đoạn 2 của điều 11, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 24 giờ ngày 22 tháng 7 năm 1954 (giờ Genève).


Làm tại Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954, lúc 24 giờ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt-nam cả hai bản đều có gía trị như nhau.


Thay mặt Tổng tư lệnh
Quân đội Liên hiệp Pháp
ở Đông-dương:
Thay mặt Tổng tư lệnh
Quân đội Nhân dân
Việt-nam:

[Signed – Signé]
THIẾU TƯỚNG DELTELL

[Signed – Signé]
TẠ QUANG BỬU
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".

Tác phẩm này được lấy từ một tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc. Chính sách của tổ chức này quy định hầu hết các văn bản đều thuộc phạm vi công cộng nhằm mục đích phổ biến "ngày càng rộng rãi các ý tưởng (nếu có) trong các ấn phẩm của Liên Hiệp Quốc".

Căn cứ vào văn bản Administrative Instruction ST/AI/189/Add.9/Rev.2 của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Anh, các tác phẩm sau đây thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới:

  1. Các biên bản chính thức (biên bản hội nghị, biên bản theo đúng nguyên văn và bản tóm tắt, ...)
  2. Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc có kèm theo biểu tượng Liên Hiệp Quốc
  3. Các tư liệu thông tin công cộng được thiết kế chủ yếu nhằm thông tin cho công chúng về hoạt động của Liên Hiệp Quốc (không bao gồm các tư liệu thông tin công cộng được dùng để bán).