Thơ Đỗ Phủ của Đỗ Phủ, do Nhượng Tống dịch
Những thơ làm trong đời Đại Lịch, Thi sĩ ở Giang Lăng, trước ở Công An, sau sang Nhạc Châu, rồi sau sang ở Hồ Nam



NHỮNG THƠ LÀM TRONG ĐỜI ĐẠI-LỊCH, THI-SĨ Ở GIANG-LĂNG, TRƯỚC Ỡ CÔNG-AN, SAU SANG NHẠC-CHÂU, RỒI SAU SANG Ỡ HỒ NAM.

CCCXIII. — ỐM LẠI GẶP TRỜI NÓNG, NHỚ LÝ THƯỢNG-THƯ

Tuổi tác rầy chưa ốm yếu hoài!
Đầu hè lại thấy khổ về oi!
Mây nguồn chất-ngất cao như núi!
Bể nóng kề bên rộng ngập trời!
Nước đá dám mong ơn giếng ngọc![1]
Giải nồng chỉ ước trận mưa mai!
Phải khinh quan Thượng mời không đến,
Thiếu tuyết sườn non bước hóa lười!

CCCXIV. — DƯỚI TRĂNG NGỒI THUYỀN TRÔNG CHÙA BÊN TRẠM

Canh khuya không mượn nến;
Trăng rọi sáng đầy thuyền.

Chùa bạc ngàn xanh khuất,
Lầu son nước trắng in.
Thăng răng cò bãi trước,
Văng vẳng quạ thành bên.
Hồ hải người đầu bạc,
Mành treo, ngủ chửa nên

CCCXV. — QUAN TIẾT-ĐỘ ĐẤT GIANG-LĂNG LÀ DƯƠNG-THÀNH QUẬN-VƯƠNG MỚI LÀM XONG TÒA LẦU, MỜI LÀM BÀI THƠ BẨY CHỮ, CÙNG LÀM VỚI QUAN THỊ-NGỰ HỌ NGHIÊM, NHÂN TRÌNH CẢ VỆ-VƯƠNG.

Đô Sở lầu này giật giải hùng:
Mở xa rừng, núi, rẽ hồ sông!
Đục, trong[2] hai ngả chia cao thấp!
Bức sốt ba hè thật có không?
Trấn tĩnh đủ cho quân giặc sợ!
Ra vào thường thấy bạn văn đông!
Bạc đầu thơ viết ngay sao nổi!
Nghĩ chuyện Tương-Như những thẹn-thùng

CCCXVI. — NGÀY THU Ở KINH NAM, TẢ NỖI LÒNG

Danh được hão! thực tài đâu có!
Đầu bạc đeo trâm mũ quan hầu.
Xe trời gió chực, bụi chầu!
Đài Mây khuyên trước, can sau nhiều nhời!
Tội không chết nhưng đời vẫn loạn!
Ôm gối nằm đòi đoạn xót xa!
Tháng ngày con én lại qua!
Kiếp người thấm thoắt như là bóng câu!
Con thuyền mảnh đến đâu hay đó,
Dấu vua xưa, chúa cũ tìm chơi!
Ba lần sấm Sở im hơi...
Chín phen lựu Thục nhạt phai lửa hồng!
Hùm, sói dữ! Rắn, rồng ngang ngửa!
Nghiệp tan rồi! danh nữa còn đâu!
Bơ xờ hạc múa trước lầu!
Trên đàn khúc « quạ kêu sầu » buồn tênh!
Mai đỉnh núi đành hanh gió đập!
Trúc bờ sông tràn ngập nước lên!
Vẫy đuôi cực nỗi ăn xin!
Dạn-dầy phơi mặt chưa đền ơn sâu!
Đem « thai vạ » chứa vào trong ruột!
Giữ « chuôi dèm » dám buột ngoài môi!

Làng thơ xưa thiếu chi người:
Thương thân lưu-lạc, khóc đời bơ-vơ!
Nào dám quản rượu thừa, cơm nguội!
Miễn qua cơn bụng đói dạ sầu!
Cười chê mặc họ nhâu-nhâu!
Thằng nghèo có dám oán đâu ông trời!
Hơn với kém rạch ròi thực khó!
Sang với hèn bầy rõ chẳng sai!
Kìa xem quan-tắt bao người,
Phải rằng ai cũng có tài hơn ta!
Chước hòa-thân cho là hạ-đẳng,
Bậc trọng-thần nói thẳng thiệt-thân!
Các quan đều bậc trung thần,
Sao nhà vua phải phân-vân bàng-hoàng?
Nào những kẻ tượng vàng bia đá,
Hãy gắng công phù tá hơn xưa;
Cột-rường chớ bỏ thờ-ơ!
Giáo, gươm đem đúc cầy bừa cho xong!
Phong nên rộng; tướng dùng nên hẹp!
Việc đừng phiền; lưới phép đừng mau!
Tự nhiên rồng hiện, phượng chầu,
Điềm lành ứng với nước giầu dân Đông!
Giúp đời kém tài ông họ Phó!
Lánh đời đành như chú họ Nhan!

Giang-hồ những kẻ yên-nhàn,
Xưa nay thường để lòng tàn như tro...

CCCXVII. — NGỒI MỘT MÌNH.

Thương thu phờ tóc bạc,
Tựa gậy, dựa bên thành.
Nước xuống bãi sông nổi.
Trời quang phong cảnh xinh!
Lòng son bao tủi-thẹn!
Sông biếc vẫn lênh đênh!
Ghen với chim chiều tối;
Về rừng cánh nhẹ thênh!

CCCXVIII. — CHIỀU VỀ.

Hạc trắng, ngô xanh sương nhuộm vàng!
Trên Thành mõ điểm, quạ kêu vang!
Nhà ai đập lụa gió hiu-hắt?
Khách du vào cửa trăng mơ màng!
Châu Tần bộn giặc về sao được!
Sông Quế không thuyền lối khó sang!
Tuổi ngoại nửa trăm nguyền chịu lỗi,
Mai còn chống gậy ngắm mây suông!

CCCXIX. — KHÓC LÝ THƯỢNG THƯ

Nước mắt lau không ráo!

Khóc anh, đầu bạc phơ!
Bạn thân thôi chết hết!
Trời đất một mình trơ!
Quê cũ cách hồ gió.
Minh-tinh đẫm nước mưa!
Làng văn tài đã hiếm,
Ngày lại thấy thêm thưa!

CCCXX. — DI CƯ SANG NHÀ NÚI Ở CÔNG-AN

Gió Bắc trời đương lạnh.
Miền Nam sương suốt ngày.
Đường nguy chen giữa lá!
Khách lạ ngủ trong mây!
Canh vắng ai bàn sẽ?
Đèn tàn ma thổi lay!
Nhàn thân chi buổi loạn!
Gà gáy rậy đi ngay!

CCCXXI. — Ở CÔNG AN, TIỄN ANH HAI VI-KHUÔNG-TÁN.

Họ Vi vốn sẵn lắm anh-tài.
Thuyền tiễn nhau đi dạ ngậm ngùi!
Có nhớ thư cho vài chữ tới.

Không cần thơ để vạn người coi!
Bụi vàng giáo-mác đời đương loạn!
Tóc bạc sông-hồ sống mấy hơi!
Mây khói chia tay người mỗi ngả!
Đau thương đứt ruột lệ muôn đời!

CCCXXII. — ĂN TIỆC Ở NHÀ VƯƠNG SỨ-QUÂN

Yêu khách không phân tuổi.
Đêm lành mở tiệc vui.
Thơ ngâm già chẳng nghĩ!
Rượu uống mặt cùng tươi!
Giặc giã còn đầy đất!
Quê hương xa một trời!
Mặt hồ, trăng sáng rụng!
Say tuýt mặc thây đời!

GCCXXIII. — SỚM ĐI TỪ CÔNG-AN

(Ở nơi này đã mấy tháng)

Thành Bắc mõ điểm lại toan thôi!
Phương Đông sao mai đã sáng ngời!
Gà gáy, người khóc, vẫn đêm trước!
Cảnh vật, tình người được mấy hơi?

Xa tít sông hồ không hẹn trước!
Tuyệt mù chèo lái từ đây xuôi!
Thuốc sẵn, muốn đi đâu cũng được!
Trông về chợp mắt... dấu xưa rồi!

CCCXXIV. — ĐI TỪ BẾN LƯU-LANG

Bến Lưu căng buồm sớm đi khỏi.
Gió giật đùng-đùng trưa hóa tối!
Trong thuyền ngày nào cũng cát, bụi!
Trên bờ làng vắng đầy hùm, sói!
Mười ngày nổi gió, gió chưa ngơi!
Khách đi năm muộn, muộn đi hoài!
Bạc đầu ngủ cạnh phường chài-lưới!
Dép gai, mũ vải, thôi về thôi!

CCCXXV. — NĂM MUỘN.

Năm tàn gió Bắc thổi đùng-đùng!
Hồ rộng, sông dài, tuyết trắng bông!
Rập, lưới, dân chài trời rét rít!
Cung dâu lũ mán bắn chim mòng!
Năm ngoái gạo đắt thiếu lương lính!
Năm nay, gạo rẻ chết nhà nông!
Xe, ngựa, các quan thừa rượu, thịt!
Dân đen nhà cửa sạch như không!

Người Sở khinh chim, chỉ trọng cá!
Anh đừng giết uổng lũ chim hồng!

· · · · · · · · · · · · · · · · ·

Muôn nước đầu thành vang tiếng ốc!
Tiếng ấy thảm-thiết bao giờ xong?

CCCXXVI. — LÊN LẦU NHẠC-DƯƠNG

Hồ rộng nghe đồn mãi.
Lầu cao lên thử xem:
Đông, Nam tách Ngô, Sở.
Trời, đất nổi ngày đêm!
Già yếu con thuyền mảnh!
Quen thân tin tức chìm!
Ải ngoài gươm, giáo bộn!
Tựa cửa, ruột đau mềm!

CCCXXVII. — TRỌ TRẠM BẠCH-SA

Mới cách Hồ-Nam năm dậm)

Bóng tàn nhìn mặt nước;
Người, khói xúm quanh đình!
Bên trạm cát thường trắng.
Ngoài hồ cỏ mới xanh.
Cảnh xuân tươi hớn hở!
Bè khách lạc lênh-đênh!

Theo sóng trăng vô-hạn!
Lần qua bể rộng thênh!

CCCXXVIII. — ĐỀN TƯƠNG-PHU-NHÂN.

Nàng Tương đền miếu cổ.
Tường vắng, sóng xanh pha...
Sâu bò rêu khóa ngọc!
Én múa bụi màn là!
Thuyền muộn ràng cây bãi.
Hương lòng mượn khóm hoa.
Thương-Ngô bao nỗi hận:
Lệ đẫm gốc tre già!

CCCXXIX. — CHIỀU TRÔNG PHÍA NAM ĐỀN.

Trăm-trượng mê sông đẹp,
Thuyền con thả bóng tà.
Nức lòng giầy, gậy sẵn...
Bật mắt cát, mây nhòa!
Ma núi xuân len trúc!
Thần sông bóng lẩn hoa!
Thở dài cảnh xinh tuyệt!
Muôn thuở một Tràng-Sa!

CCCXXX. — NGƯỢC SÔNG, TẢ LÒNG

Già ngay lúc thái-bình
Ốm sau hồi loạn-lạc!
Lận đận vụng làm ăn,
Bảo sao đầu chẳng bạc!
Lang thang khắp bốn phương,
Nuôi con mong kiếm chác
Nhan-nhản lũ trẻ mới!
Tuyệt-mù bạn thân trước.
Nhiều khi phải hạ mình,
Người quen may hiểu được...
Chìa-bỉu ta xấu-xa,
Miệng đời sao quá ác!
Bần cùng phụ chí xưa,
Điên cuồng chạy lạc chạc!
Ở Thục đã mười năm,
Sang Sở nay lần bước.
Thuyền nhỏ lộn hoa xuân!
Sức suy theo liễu rạc!
Thánh nhân đã mục xương!
Mồ núi trông man-mác!
Đường, Ngu thấm thoát qua.
Ngày tháng đi như nước!
Khuất, Giả chịu thiệt-thòi:

Hại thay lời bịa-tạc!
Uất-ức nay còn không?
Hai mảnh hồn tan-tác!
Lởm chởm đá dòng Tương.
Giữa rừng theo lối ngược.
Lái đò rở tài nghề,
Rượo say, vẻ đĩnh-đạc...
Vang sóng tiếng « hồ khoan »!
Lựa thuyền lên khỏi thác!
Suy ra trăm việc làm,
Phải cậy tay thao lược!
Thao lược đã sẵn tài,
Việc gì làm cũng khác!
Xanh-xám sắc rừng chiều,
Rắn leo, beo khậm-khoạc!
Đàn hùm lỗm-chỗm ngồi,
Ngọn cây gấu đương gác!
Đi đâu nắm xương tàn?
Thêm giầy khuôn mặt nạc!
Nỗi mình ai thấu cho?
Lăn lộn cùng bùn-rác!

CCCXXXI. — BUỒN GẶP GỠ

Khom lưng từ dã chủ-nhà,

Mở buồm, quay lái, xông pha sóng đào.
Ngàn Tây nắng rọi mây cao.
Cõi Nam xuân tới nước trào mênh mông!
Thi hơi sức với cơn dông,
Quên ăn, mất ngủ, mệt công lái-đò!
Ta đi gặp bước dủi-do,
Dã ơn các bác đeo lo, chịu phiền.
Thương thay cô gái ngàn trên:
Bán rau sắng kiếm lấy tiền thuế vua!
Anh chồng chết chỗ đi phu!
Làng không chiều lại, miệng tru-tréo hoài!
Tai nghe, mắt thấy việc đời:
Dùi xâu! dao xẻo! đâu thời khác đâu?
Quý-nhân há bất-nhân nào:
Mạng mày như thể mớ rau khác gì!
Sinh ra trong buổi loạn ly,
Đồng tiền nào có thiếu gì kẻ xoay!
Quan bòn, lại khoét ghê thay!
Buộc lòng trốn lủi, bởi tay tham tàn!
Mùa hoa, áo chũi mặc tràn!
Mừng lòng còn được an-nhàn hơn ai!

CCCXXXII. — VÀO KIỀU-KHẢ

Kinh cũ bao xa cách!

Đường về những lữa lần!
Đời tàn trên mặt nước!
Bóng xế trước hoa xuân...
Lấy mật ong bay sớm.
Công bùn én liệng gần.
Giả-sinh xương đã mục!
Ta cũng khách thương thân!

CCCXXXIII. — THANH-MINH

I

Lửa mới xa trông khói bốc đen![3]
Ánh Xuân, mầu nước lộn quanh thuyền!
Công hoa thích chửa đàn xuân-yến!
Cưỡi trúc còn đâu buổi thiếu-niên!
Gái Sở điểm trang coi cũng khá!

Trẻ Mường ăn vận thế mà nền!
Định-vương thành cũ nhìn nào thấy!
Giả-Nghị nhà xưa dạ chẳng quên!
Sống dẫu gặp đời đun tháo khoán,[4]
Học đâu được phép bói ra tiền?
Suối-rừng, chung-đỉnh lòng tùy thích,
Rượu đục, cơm xoàng, miệng đã quen!

II

Xiêu dạt thân ta khổ cực hoài!
Dệt bên cánh phải! Điếc bên tai!
Bút kề bên gối tay cầm trái!
Thuyền buộc trên sông lệ dỏ đôi!
Cơm kiếm nuôi con đi mãi mãi!
Đu trồng theo tục khắp nơi nơi!
Nhà ai dùi lửa, phong-xanh đượm!

Đàn nhạn tung mây ải-tía khơi!
Sông núi trập-trùng mầu gấm vóc.
Khói hoa thấp-thoáng bóng lâu-đài.
Sóng xuân hồ rộng xuân càng rộng!
Dong trắng nhìn thương óc trắng dài!

CCCXXXIV. — CHÙA ĐẠO-LÂM TRÊN NÚI NHẠC-LỘC,

Nhạc-Lộc bầy riêng vẻ hữu-tình:
Rừng bao, suối lượn, cảnh chùa xinh.
Nền xây ăn xuống hồ Sa-Đỏ.
Cửa mở trông ra nẻo Động-Đình.
Gió thổi tháng hè xương phật lạnh!
Nhạc tâu ngày vắng khói hương thanh!
Đất thiêng mọc rải hoa non Tuyết.
Sư giỏi đều như ngọc bể xanh!
Nhà bếp, buồng tăng làm mát mẻ!
Tường đền, đợt tháp đứng chênh vênh!
Tiếng chim liền cánh vang tòa báu!
Bóng ác ba chân rọi bức hoành,
Huyền Phố dò sông nào chắc chắn!
Bồng-lai vượt bể mấy công-trình?
Tuổi già, cảnh đẹp, đường gần lắm!
Trời ấm, ngày xuân, bước nhẹ thênh!

Gậy, dép đi đâu người tóc bạc?
Khói, mây thử dựng túp lều tranh.
Ruộng nương bãi Quất xem mầu-mỡ...
Nhà cửa nguồn Đào dễ sắm-sanh...
Kiện tụng cửa quan coi vắng ngắt!
Nhân-dân thói tục khá hiền-lành!
Yên thân thực chỗ chân nên nghỉ.
Chạy loạn nào khi mặt phải trành?
Miễn được an-nhàn là thú-vị!
Ra gì phú-quý với công-danh!
Nguồn thơ chẳng sợ khi nào cạn!
Kinh Phật từng xem nghĩa đã sành:
Hoa nội, chim ngàn là bạn lứa!
Dòng sông, đợt núi ấy tâm-linh!
Qua chơi ông Tống thơ đề vách,
Dành nửa phong-quang để đợi mình!

CCCXXXV. — ĐI TỪ ĐÀM-CHÂU

Tràng-sa đêm thử sức men!
Tiêu-Tương sớm thả con thuyền sông xuân!
Én buồm mời khách ân-cần!
Hoa bờ phất-phới đưa chân mọi người!
Chử công chữ tốt tuyệt vời!
Văn Chương Giả-Nghị mình tài thấm đâu!

Danh cao kẻ trước người sau,
Ngảnh đầu nhìn lại, cúi đầu bâng-khuâng!
...

CCCXXXVI. — Ở HÀNH CHÂU, TIỄN ÔNG BẨY LÝ ĐẠI-PHU SANG QUẢNG CHÂU.

(Miễn)

Gươm báu xuống trời xanh!
Thuyền lần vượt Động-Đình!
Ánh văn sao nể sáng!
Tài võ gió thua nhanh!
Trời đất: bèo trôi nước!
Tháng ngày: chim buộc mình!
Hàng trên, ông rõ đấy:
Già vẫn cứ lênh-đênh!

CCCXXXVII. — LÊN THUYỀN SẮP SANG HÁN DƯƠNG

Nhà xuân! Ta phải lìa mày!
Buồm thu dục khách chớ chầy ra đi!
Sân rau trước mắt còn kia!
Áo bào đã thấy lạnh vì gió sông!
Vụng về, kiếp sống long-đong!
Già rồi! Đành phụ tấm lòng ngày xưa!

Trung-Nguyên quân giặc chưa thưa!
Đường xa vắng ngắt thư-từ viếng thăm.
Theo mùa cánh nhạn xa xăm...
Cột buồm con quạ quanh năm bay hoài!
Nương thân tìm chỗ nghỉ ngơi,
Đường trần thôi hẳn ngược xuôi từ rầy!

CCCXXXVIII. — Ở TRƯỜNG SA, TIỄN ANH MƯỜI-MỘT LÝ-HÀM.

Từ ngày cùng trốn đến Khang-châu,
Hơn chục năm thừa ở với nhau!
Lộc nước từng chia rơ cả mặt!
Quê nhà đâu phải, ngại lên lầu!
Đôi lòng sơn gắn bì chưa dễ!
Một ngã bùn-than gượng được đâu!
Lý, Đỗ đời xưa không thế nhỉ?[5]
Mây mờ, cúc lạnh dục cơn sầu.

CCCXXXIX. — QUAN ĐẠI THỊ-NGỰ TÔ-HOÁN[6] LÀ NGƯỜI THÍCH TĨNH, Ở TRỌ BÊN SÔNG, KHÔNG GIAO-DU VỚI KHÁCH QUANH MIỀN, BỎ DỨT VIỆC THÙ-ỨNG ĐÃ LÂU. BỖNG ĐI XE TAY ĐẾN BẾN SÔNG, VÀO THĂM LÃO Ở TRONG THUYỀN. SAU ĐÓ TRONG KHI UỐNG NƯỚC UỐNG RƯỢU, TÔI XIN ĐỌC CHO NGHE NHỮNG THƠ GẦN ĐÂY. ÔNG BẰNG LÒNG NGÂM MẤY BÀI. TÀI SỨC VỐN MẠNH, LỜI THƠ ĐỘNG NGƯỜI! SAU HÔM TIẾP ÔNG, NHỚ LẠI Ý THƠ ÔNG TUÔN RÀO NHƯ SẤM VANG, BÊN NGOÀI GHẾ, GẬY, HÒM SÁCH, XOANG-XOẢNG CÒN VẲNG LẠI TIẾNG VÀNG ĐÁ!... VIẾT TÁM VẦN ĐỂ GHI LẠI CHUYỆN LẠ VÀ CŨNG ĐỂ TỎ LÒNG LÃO RẤT MẾN PHỤC TÔ...

Ông Bàng không đi nhăng!
Họ Tô nay khác chi!
Lại nghe đọc thơ mới,
Câu hay ai dễ bì!
Trời đất đảo lộn mãi,
Quất ngựa nên cùng thì!...
Sớm nay nhìn gương trong,
Thuốc tiên so kém gì!
Tóc tôi mừng đổi hẳn:
Trắng lẫn sợi xanh rì!
Đêm qua lửa thuyền tắt,
Nàng Tương khóc tỷ-ty!
Gió phá sóng sông lạnh!
Trăm thần chưa dám đi!

CCCXL. — CUỐI THU, ĐƯỢC THƯ CỦA BÙI-ĐẠO-CHÂU, CAO HỨNG VIẾT CHƠI. GỬI TRÌNH QUAN THỊ-NGỰ TÔ-HOÁN!

Quê người bạn hữu phiền thăm hỏi.

Một tháng thư suông vừa một gói!
Đầy tớ rặt những chuyện hàn huyên!
Thương miệng ích gì cơn rét đói!
Lưỡi còn, đường cùng thẹn không khóc!
Răng rụng, lòng son đâu có nguội!
Đạo-châu lại mới gửi thư sang.
Viết dài ba dạo đọc chưa rỗi!
Hạt trai bể cả cứ gì nhiều!
Ngọc quý non Côn giá khôn đổi...
Bỏ chua đất Sở rượu trăm vò!
Để héo bờ Tương cúc nghìn bụi!
Ngày đứng con cháu phải đỡ mệt!
Đêm ngồi đèn dầu còn tốn ói!
Nhớ khi mới bổ sang Vĩnh-Gia,
Má hồng: da trắng mầu hoa rọi...
Trái ấn phong hầu lấy không khó!
Sức ngựa trung-phong đi thật giỏi!...
Tám cõi trông vời bụi chiến trung!
Cứu đời phải cậy mặt anh hùng!
Dân đen đau khổ mong yên nghỉ.
Quân giặc lăng-loàn chửa dẹp xong.
Luới rách, giềng chùng cần giúm-vá
Gươm ban, đàn đắp, chửa phu công!

Quách-Khâm dâng sớ bầy mưu lớn.
Lưu-Nghị thưa lời dợn đám đông!
Ngày khác chuyện bàn thú còn lắm!
Việc binh bác tính khoái vô cùng!
Chuốc chén mặt theo đàn-sáo trẻ!
Múa gươm xuân thấy tuyết sương lồng!...
Tiệc vui thường nhắc chàng Tô trẻ.
Trẻ mặt nhưng mà già chí khí.
Nhà tranh ngoài cửa thành vua xưa...
Bồ thuốc trong khu chợ cá rẻ...
Trước chợ xe tay lúc sánh vai...
Bên thành hũ rượu thường kề ghế,..
Nhà riêng tướng võ lắm vô cùng!
Biệt thư tướng văn sang đáo để!
Cát lạnh vùi cóng con thuồng luồng!
Thóc mùa béo nứt đàn di-sẻ!
Quan quân trước trận chết chi thường!
Trống ốc gầm trời im chửa dễ!
Thơ trả lời Bùi, Tô thử coi!
Ra vào phải giắt tủi thân tôi!
Mau cầm quyền lớn mong hai bác
Giúp nước, phò vua, chớ tiếc đời!

CCCXLI. — NGƯỜI XA

Mây thần vơ vẩn bay đi...
Phượng, lân nào biết có khi về chầu?
Huệ-Tuân nhớ lại năm nào
Hẹn nhau kiếm lối cùng vào bể xanh...
Trời cao tin tức vắng tanh!
Quên ta, hay bạn cố tình bỏ ta?
Phải chăng trái phép tiên gia,
Một lầm đủ để người xa mếch lòng?
Nói cười giữa sóng mênh mông!
Bắt chèo, thuyền thẳng chỉ vùng Bồng-lai!
Phù-Tang lấp loáng mặt trời!
Cành san-hồ đón nắng soi đỏ hồng!
Dập dìu buồm gió, tàn công!
Chiều về nắm áo vua Đông han-chào!
Bọt-hòa, dãi-ngọc ngọt sao!
Mơ màng mối nghĩ lạc vào khói, mây!
Tiếng đời chi bận lòng này,
Trông về núi cũ đắng cay muôn vàn!
Năm Hồ sòng nước mê-man!
Nghìn thu để mối bàn-hoàn xót-xa!

CCCXLII — TRONG THUYỀN, ĐÊM MƯA TUYẾT, NHỚ EM LƯ THỊ-NGỰ.

Sông Quế heo may thổi.
Đương đêm tuyết xuống đầm!
Bến ngoài mây lạnh giá!
Lầu trước nguyệt đi thầm!
Thuyền nặng nghe nào thấy!
Đèn soi nhận xuýt nhầm!
Nhớ em gà gáy sáng!
Không thuộc lối Sơn-Âm[7]

CCCXLIII. — TRƯỚC TUYẾT,

Tuyết Bắc phạm Tràng sa,
Mây Hồ lạnh mọi nhà.
Gió đua chen kẽ lá
Mưa giắt chẳng thành hoa!
Bình bạc rượu mua dễ!
Tiền vàng túi dốc ra!
Không ai cùng đánh chén,
Ngồi đợi bóng chiều nhòa!

CCCXLIV. — KHÁCH TỪ...

Khách từ bể Nam tới,
Cho ta viên ngọc trai.
Trong ngọc có vết chữ,
Muốn đọc không thành lời.
Cất giấu trong hòm kín.
Để đợi nhà nước đòi,
Mở xem hóa ra máu!
Trời ôi! Thuế khóa ơi!

CCCXLV. — TẦM, THÓC...

Dưới trời quận, huyện chia muôn thành.
Không một thành nào không chiến tranh!
Giáo gươm, mong đúc làm cầy, cuốc,
Tấc, thước đồng hoang, cấy, hái xinh!
Cấy, hái xinh!
Tầm, tơ thành!
Không phiền chí-sĩ lệ đầy, vơi!
Tầm, thóc nơi nơi múa hát vui!

CCCXLVI. — ĐÁP THEO BÀI THƠ CỦA CAO-THỤC-CHÂU NGÀY TRƯỚC VIẾT GỬI TRONG NGÀY NHÂN-NHẬT[8]

« Mở coi trong cặp giấy, soát những món sót lại, được bài thơ « Nhớ nhau trong tiết Nhân nhật » của quan Thường-Thị Cao-Thích ngày trước, gửi cho khi ở Thành-Đô, hồi ấy Cao làm Thứ-sử châu Thục. Đọc trọn bài thơ, lệ sa đầy giấy. Từ khi gửi thơ đã hơn mười năm. Không nhờ còn mất, lại sáu, bẩy năm rồi! Già ốm nhớ cũ, đủ rõ đời sống thế nào!.. Hiện nay trong bốn bể, kể bạn quên hình hài, chỉ còn có Hán-Trung-Vương Vũ. cùng Kinh-Sứ-quân Siêu-Tiên ở Chiêu Châu là còn sống. Yên mà không gặp, tình hiện ra lời. Ngày hai mươi mốt tháng giêng năm Đại-lịch thứ năm, đáp theo bài ấy của ông Cao, nhân gửi cho Hán-Trung Vương cùng em Kính »

« Thục châu từ đọc bài Nhân-nhật,
Bấy chốc thơ hay bỏ lay lắt!
Sớm nay đám giấy mắt mở coi.
Nhớ cũ lệ sa, tiếng ngâm cất.
Than ôi! tráng-sĩ thường hăng-hái.

Danh cao để lại lừng Trời-Đất!
Thương ta gửi bạn thơ thiết-tha,
Cảm bác cứu đời lòng phẫn uất!
Sông Gấm mầu xuân vẫn sáng tươi!
Đền ngọc quan-hầu đà vắng bặt!
Tiêu-Tương mặt nước cá-mú nhờn!
Vu-Đỗ trời thu ưng, cắt mất!
Đông, Tây, Nam, Bắc chiếc thuyền con!
Già yếu mình ta sống sót còn...
Kinh Bắc trông vời đầy giặc cướp.
Bể Đông muốn dốc rửa Càn Khôn!
Qua miền Nam thấy Quan quân chạy!
Ngoài ải Tây xem mán-mọi dồn!
Con chúa tới nay đàn gẩy thảm!
Cửa vua nào chỗ áo lê mòn?
Văn chương Tào-Thực tài khôn đọ!
Tu luyện Lưu-An đức đáng tôn!
Nghe sáo lòng buồn thêm vướng-vít!
Chiêu-Châu làm hộ khúc Chiêu-Hồn!

CCCXLVII. — MƯA GIÓ XEM HOA RỤNG TRƯỚC THUYỀN, ĐÙA LÀM THỂ MỚI.

Nhà ai trên bến mấy cành đào,
Xuân lạnh, mưa phùn, trước dậu cao?

Bóng rớt nước xanh thầm quyến dỗ!
Gió ghen cánh đỏ thổi lao xao!
Hoa bay mỏi mệt kề bên lái.
Gió thổi, nước xô đều đáng ngại;
Lòng khách rơi vào ghét lẳng lơ,
Bẽn lẽn rõ-ràng không chịu tới!
Ướt dầm bay chậm nửa chừng không!
Vướng cỏ. sa bùn nhẹ tựa lông!
Liếc mắt chuồn-chuồn tránh sáo-sậu!
Hững-hờ ong, bướm đã sinh lòng!...

CCCXLVIII. — NHẠN VỀ

Hoa nở lìa mây Sở.
Sương sa biệt đất Hồ
Động-Đình đàn cất bổng,
Kinh, Vị bóng bay đua.
Ải Bắc mây xuân rợp,
Miền Nam ánh nắng thu.
Phải cung kêu rã cánh.
Sốt ruột khách giang-hồ.

CCCIL. — GIANG NAM GẶP LÝ QUY NIÊN.[9]

Bên nhà Thôi-Cửu thường nghe mãi!

Trong phủ Kỳ-vương vẫn thấy mà..
Này đất Giang Nam phong cảnh đẹp,
Gặp anh lại lúc cuối mùa hoa...

CCCL. — NGÀY TIỂU-HÀN-THỰC,[10] VIẾT Ở TRONG THUYỀN

Mũ ni tựa án, tiết lành sang.
Nhắm nguội, khuây buồn, gượng uống suông.
Thuyền, khách ngồi trên trời đáy nước!
Hoa, già nhìn tựa bóng trong sương!
Buồm lơi, lũ bướm bay cao thấp...
Thác gấp, đàn âu xuống nhẹ-nhàng.
Mây trắng, non xanh muôn dậm cách.
Tràng-An nhìn lại dạ hoang-mang!

CCCLI. — ÉN BAY ĐẾN THUYỀN, VIẾT...

Lạc bước Hồ-Nam chốc lại xuân!
Én công bùn mới đã hai lần!
Ngày lành chẳng quản công thăm bạn,
Vườn cũ từng quen mặt chủ-nhân.
Thương bác nơi-nơi làm mãi tổ,
Giống tôi kiền-kiệt chạy luôn chân!

Cột buồm rốn đậu xong câu chuyện,
Lướt sóng, luồn hoa, lệ thấm khăn!

CCCLII. — TẶNG ANH BẨY VI TÁN THIỆN.

Áo mũ quê ta chẳng thiếu tài.
Xóm làng ngày trước điện Bồng-Lai.
Ba-tòa nhà bác liền thành cấm.
Thước rưỡi đường sang đến cửa trời!
Lên Bắc quan-san bang tuyết lấp!
Sang Nam hoa, liễu khói mây khơi!
Tôm ngon, rau rẻ, về không được:
Trăm dậm hồ xuân, tủi một người!

CCCLIII. — NGỰA TRẮNG.

Ngựa trắng Đông Bắc đến,
Đôi tên cắm yên hờ!
Thương thay người trên ngựa,
Chí khí ai biết giờ?
Chủ-tướng vừa bị giết;
Nửa đêm đánh bất ngờ!
Đời loạn lắm cách chết!
Nước mắt tuôn như mưa!

CCCLIV. — TRONG THUYỀN KHỔ VỀ BỨC, VIẾT CHƠI, KÍNH TRÌNH QUAN DƯƠNG TRUNG-THỪA (TẾ), ĐƯA CẢ CHO CÁC QUAN TRONG TỈNH.

Bên hồ nghĩ tủi phận hèn,
Nhìn cho thế loạn nổi lên mấy lần!
Nửa đêm lộn với nhân dân,
Trốn chui may thoát tấm thân bình-bồng.
Thương ai thờ nước hết lòng,[11]
Mắc nàn vì lũ chân trong lật-lường!
Đang tay giết bậc hiền-lương,
Họp nhau đao lớn, gươm trường hung hăng!
Cùn đời ôm nỗi bất-bằng.
Trượng-phu ai lại như thằng tôi đâu!
Kè-kè bệnh dệt bấy lâu,
Bỗng rưng thuyền lại dạt vào Tiêu-Tương.
Trong, thuyền nóng-bức như rang!
May rằng ghét bụi được thường tắm luôn!
Bên đường bao xác không hồn,
Sớm chiều thịt héo, xương mòn đổi thay!
Trung-Thừa đóng giữ gần đây,

Binh lương ở cả một tay kinh-quyền.
Đứng ra hỏi tội trước tiên...
— Thóc nhiều, đất rộng, các miền kém xa! —
Quan quân trên thuận, dưới hòa.
Cắt phường tinh-nhọn đem ra biên-đình:
Miền trên nghe nói đại-binh
Kéo sang đã tới bên thành Trường-sa.
Nghĩa lân-lý thế mới là.
Triều đình rồi sẽ xét ra công này!
Miền Nam cuốn sạch khói mây!
Ánh sao Bắc-đẩu từ đây rực trời![12]
Tiếng lành sử sách để đời!
Xem ra chước rộng, mưu dài ai hơn?
Dưới cờ lớn, nhỏ các quan
Cùng xin ra sức rẹp loàn, cứu dân.
Lời xin tha-thiết ân-cần.
Giấy làm các tướng ba lần dâng lên.
Một lòng dưới cũng như trên.
Kẻ ngu cũng cảm, lũ hèn cũng hăng!
Đồng thanh tức-tối vô chừng,
Đầu trò gây loạn, hỏi thằng nào đây?
Lý Đoan-Công tính thẳng ngay:

Việc trong bổn phận xưa rầy chẳng sai
Một mình tính toán rạch ròi.
Không lo hiếp-bách, có tài biến thông.
Nhà vua còn thể hưng-long,
Quân gian dám lấy phép công làm thường!
Lũ này phải chém tan xương!
Nhà vàng cần có cột, rường mới nên!
Ngâm nga khuây chút dạ phiền.
Xét soi đội đức Hoàng-Thiên trên đầu!

CCCLV. — NHIẾP LỖI-DƯƠNG NGHE TÔI BỊ NƯỚC LŨ, VIẾT THƯ CHO RƯỢU, THỊT, ĂN UỐNG KHỎI ĐÓI. LÀM THƠ SÔNG VẮNG, MƯỢN TỎ LỖI LÒNG. HỨNG TẢ HẾT TRONG VẦN NÀY. ĐẾN HUYỆN ĐƯA TRÌNH QUAN HUYỆN NHIẾP. ĐƯỜNG BỘ CÁCH TRẠM PHƯƠNG-ĐIỀN BỐN MƯƠI DẬM. THUYỀN ĐI MỘT NGÀY. BẤY GIỜ GẶP SÔNG RẪY, DẠT THUYỀN ĐẬU VÀO PHƯƠNG-ĐIỀN.

Lỗi-Dương đưa mảnh tờ,
Sông vắng phiền thăm hỏi.

Vốn nhà trung-liệt xưa,
Nền-nếp để dòng dõi.
Hôm gặp cháu cụ Địch
Khen ông người thật giỏi.
Dòng quan Hàn-lâm xưa,
Huyện nhỏ tạm chịu tủi.
Biết tôi mắc cơn lũ,
Nửa tuần nước lên bội.
Dưới cờ giết nguyên-nhung,
Mặt sóng, minh-tinh chói!
Bạo-bực buộc con thuyền,
Hẻo lánh dứt đường lối!
Cò, vạc bay, trông thèm!
Vượn, khỉ leo, ngán nỗi!
Lễ đưa dê béo bầy.
Buồn sẵn rượu trong dội!
Quân ấy đáng chôn sống!
Hạng nó hoài hơi nói!
Đương ở bờ Bân vắng,
Chưa rõ Trường sa rối!
Quân Thôi xin đã đến.
Lính Lễ khí ít ỏi!

Tươi cười nghỉ trước đình.
Ngóng tin quân hỏi tội!

(Nghe tin quan Thị-Ngự Thôi Rị xin quân ở phủ Hồng Quân đã đến miệt Bắc châu Viên. Các tướng sĩ hỏi tội của quan Trung-Thừa Dương Lâm cũng từ châu Lễ lên tới Trường sa)

  1. Thạch-Lặc cất nước đá vào giếng băng, mùa hè thì lấy ra ban cho các quan đại-thần.
  2. Trời, Đất.
  3. Tiết Thanh-Minh thường gần với tiết Hàn-Thực (mồng ba tháng ba). Hàn-Thực nghĩa là « ăn nguội ». Tục xưa cấm lửa trong ngày ấy, cho nên đời sau tuy tháo khoán đun nấu, nghĩa là không cấm lửa nữa, nhưng trong tiết Thanh-Minh, nhà vua cũng ban « lửa mới » cho các quan.
  4. Tiết Thanh-Minh thường gần với tiết Hàn-Thực (mồng ba tháng ba). Hàn-Thực nghĩa là « ăn nguội ». Tục xưa cấm lửa trong ngày ấy, cho nên đời sau tuy tháo khoán đun nấu, nghĩa là không cấm lửa nữa, nhưng trong tiết Thanh-Minh, nhà vua cũng ban « lửa mới » cho các quan.
  5. Lý-Ưng, Đỗ-Mật là hai tay danh-sĩ tề danh với nhau về đời Hán.
  6. Tô-Hoán, lúc trẻ thích đi ăn cướp! tài dùng nỏ. Các nhà buôn trong miền Ba-Thục rất lấy làm khổ. Về sau chịu khó đọc sách, đỗ Tiến-sĩ, Tiết-Độ-sứ ở Hồ-Nam là Thôi-Quán cất dùng làm quan. Sau khi Quán bị hại, Hoán chạy sang miền Giao, Quảng, cùng Kha-Thư-Hoãng cất quân đánh lại Triều-Đình. Đánh thua bị bắt và bị giết. Thơ Hoán sở-trường về lối trào-phúng. Có truyền lại đời sau một cuốn.
  7. Vương Tử-Du trời tuyết đến thăm Đái-An Đạo ở Sơn-Âm.
  8. Ngày mồng bẩy tháng giêng,
  9. Một người danh ca.
  10. Trước Hàn-Thực một ngày (mồng hai tháng ba)
  11. Thôi-Quàn,
  12. Bắc-đẩu là tượng-trưng của vua.