NHỮNG THƠ LÀM TRONG ĐỜI ĐẠI-LỊCH. HỒI THI-SĨ TỪ QUỲ-CHÂU RA KHỎI VU-GIÁP, TỚI GIANG LĂNG

CCXCV. — TẢ LÒNG

I

Thói thường đâu có khác đâu,
Đã cùng lăn-lóc với nhau dưới trời!
Bon chen, xô-đẩy nhau hoài,
Dần dần bó buộc lụy đời cho nhau!
Nghèo, hèn có khổ sở đâu,
Nếu đời chẳng có ai giầu, ai sang!
Nghìn xưa cùng một nắm xương,
Khóc, cười, lần lượt xóm, làng sỉ nhau!
Từ sang Vu-Giáp bấy lâu,
Ba năm nhìn lại khác đâu bóng đèn!
Nhục, vinh lòng đã nhãng quên;
Chịu đành nằm xó, cho yên thân già!

Rằng quan, rằng lão, cũng là!...
Muối, dưa, rau, cháo, cho qua tháng, ngày!
Nhà tranh kết dưới non mây.
Thuốc thang tìm kiếm cỏ cây trong rừng!
Đi về núi tuyết, hang băng,
Nhành xanh, là tốt, rửng-rưng kệ người!
Phải đâu cố ý vẽ-vời,
Sống cho hợp với lẽ đời cô-đơn...
Người cao thẳng tựa giây đàn.!.
Kẻ hèn cong ví như làn lưỡi câu...
Thẳng, cong, ta biết gì đâu!
Nắng ngồi sởi, đợi trẻ trâu trưa về!

II

Canh khuya ngồi hiên Nam,
Trăng sáng soi gối ta...
Sông Ngân gió lật lộn!
Ánh nắng rọi lưng xà...
Muôn loài đều ngủ rậy.
Bay nhẩy mừng sáng ra
Ta cũng xua dục con
Cắm cúi chăm việc nhà.
Năm tàn, ngày chóng hết.
Đường lạnh khách thưa qua.

Người đời rối như chấy
Ăn phải bả vinh hoa.
Thuở xưa trước Ba-Vua,
No bụng thôi thế là...
Ai bầy chuyện thắt nút?[1]
Từ đấy sinh rầy rà!
Toại-Nhân[2] rắc tai-vạ!
Đổng Hồ chia chính, tà...[3]
Thiên-thần chết vô-
Chỉ bởi ánh đèn lòa!
Buông lòng ngoài tám cõi
Bụi trần không nhuộm pha...
Về hẳn với « Chân Như, »
Họa có phép Ri-đà!

CCXCVI. — ĐÁNG TIẾC

Trắng xát mây trời như áo rủ
Chốc đà xam-xám ra hình chó!

Xưa qua, nay lại cũng một thì...
Muôn việc trong đời đều có đủ!
Kìa cô họ Liễu, gái Hà-đông,
Trái mắt quyết bỏ ngay chồng cũ!
Chồng: Vương Quý-Hữu người Phong Thành,
Nghiêm nghị ở theo kinh sách cổ!
Kinh sách muôn, nghìn thuộc cháo chan!
Riêng cuốn Hiếu-kinh tay chẳng bỏ.
Tuổi giã, nhà túng, bán guốc ăn,
Bao kẻ tò-mò cho rượu hũ!
Quan Huyện Dự-Chương, họ nhà vua,
Đãi là bậc khách, đem lòng mộ.
Tính trời cẩn-thận bưng mất mồm:
Ba năm trò truyện chưa từng ngỏ.
Quan Huyện tuy vậy vẫn tin yêu.
Bọn bạc-đen coi bao xấu hổ!
Gươm thiêng lòe sáng ngất trời cao!
Ngọc lành không vết trong đời khó!
Loạn ly cần đến bọn chân tài,
Bên vua nên đặt hai người đó!
Quan-Huyện vừa rồi coi Sơn Nam,
Dân mến khác nào cha, mẹ họ.
Chàng Vương quen mặt đã từ lâu:
Ngoài núi cao ra toàn đống nhỏ...

Trị lụt, nước sẽ chẩy xuôi dòng;
Làm lịch, trời sẽ đi đúng độ.
Vương nay vẫn cách nẻo giang hồ;
[4] còn chưa hả tài thi-thố...
Chế hóa trăng, sao soi sáng mãi!
Tấm lòng vì nước tan đâu có!
Chúng mình láu-nháu bọn cơm toi!
Mong mỏi những tài xoay vũ-trụ!

CCXCVII. — XEM HỌC-TRÒ NÀNG CẢ CÔNG-TÔN MÚA LỐI « MÚA GƯƠM »
(Có cả bài tựa)

Ngày mười chín tháng mười, năm Đại-Lịch thứ hai, ở nhà quan Biệt-Giá châu Quỳ là Nguyên-Tri, được xem nàng Mười-Hai họ Lý ở Lâm-Dĩnh (?) múa lối « múa gươm », phục vẻ xinh-đẹp lanh lẹ của nàng, nhân hỏi nàng học ai? Nàng đáp: « Tôi là học trò nàng Cả Công-Tôn ». Năm Khai-Nguyên thứ ba, tôi còn trẻ con, còn nhớ ở Yển-Thành được xem nàng Công Tôn múa lối « Múa gươm », lối « Hồn-thoát », nhanh-chai, dằn nén, một mình giỏi nhất một thời. Kể người trong hai Giáo-phường đứng đầu là Nghi-Xuân, Lê-Viên, cho đến các vũ-nữ hầu Ngự ở ngoài, hiểu lối múa ấy, năm đầu đời đức Thánh-Văn Thần-Võ hoàng-đế, (tức Minh-hoàng) chỉ có một mình Công-Tôn mà thôi! Mặt ngọc, áo hoa, nghĩ thêm tủi cho mình đầu bạc... Nay người học trò đây, cũng không còn trẻ-trung nữa... Đã biết rõ gốc tích nàng, xem ra làn-lối quả không khác... nhân chuyện ấy đem lòng cảm-khái, bèn làm bài hát « Múa Gươm ». Hồi xưa người đất Ngô là Trương-Húc, giỏi lối viết thảo viết thiếp, có lần ở Vu-Huyện được xem nàng Cả Công-Tôn múa lối « Múa Gươm Tây Hà ». Từ đó lối viết thảo càng thêm mạnh mẽ phóng-túng, Coi đó đủ rõ tài của Công-Tôn thế nào!

Nàng Công-Tôn vốn người nhan sắc
Tài « múa gươm » đồn rực bốn phương...
Người xem như nước bàng-hoàng...
Giờ lâu trời, đất quay cuồng vì ai!
Mau như nỏ bắn rơi chín ác!
Nhẹ như xe đóng gác tám rồng!
Đến như sét rậy từng không!

Dừng như sông, bể trong lồng bóng gương!
Còn đâu nữa gót vàng, mặt ngọc!
Truyền dấu thơm có học-trò nàng!
Điệu xưa tay múa dịu-dàng!
Đất Lâm cô Lý ra tuồng nhởn nhơ!..
Tôi hỏi chuyện bấy giờ mới biết...
Ngẫm đời càng thảm-thiết cho đời!
Gái hầu vua tám nghìn người,
Múa gươm đều phải chịu tài Vương-Tôn!
Gió bụi ám, thềm son cách trở....
Năm mươi năm như dở bàn tay!
Vườn Lê tan tác khói mây!
Mẽ thừa gái múa nắng Tây lạnh lùng!
Lăng Kim-Túc[5] cây trồng lớn đẫy!
Thác Cồ-Đường cỏ áy dầu-dầu!
Tiệc hoa tiếng sáo thổi mau!
Khúc ca đã chấm dứt câu bặt ngừng!
Non Đông nhả ánh trăng tha-thướt!
Vui hết rồi đến lượt bi-thương!
Chân đau lần nẻo rừng hoang,
Trông vời nào biết vội-vàng đi đâu?

CCXCVIII. — VỊNH THANH ĐAO ĐẠI-THỰC CỦA ÔNG TRIỆU, THÁI-THƯỜNG KHANH, LĨNH CHỨC KINH NAM BINH MÃ SỨ

Thuyền lầu Thái Thường tiếng ồn ào!
Đem quân rẹp giặc tới Hạ-Lao!
Quan lại tới-tấp ra đón chào!
Hùm thiêng rồng độc trốn nhao-nhao!
Thành Bạch lạnh tạm đem quân vào.
Đông đưa tôi coi thanh Đại-đao.
Áo nẹp, mũ dạ hăng hái sao!
Tráng-sĩ tuốt vỏ trời nhích cao!
Gió lật! Nắng lộn! Cây thét-gào!
Mây mờ! Tuyết cuốn! Vượn xôn xao!
Lau dao, bình biếc chứa sẵn cao!
Lưỡi sáng, sóng thu coi khác nào!
Ma quỷ chen nhau vượt khỏi hào!
Người nước Long-Bá thôi câu ngao!
Nhuế-Công quay lại, vẻ nôn nao!..
Cứu đời phải cậy mặt anh-hào!
Ông Triệu đứng rậy ca hát vang...
Nằm vòng, riết giây, cầm đao sang!
Muôn năm gìn giữ cho ngai vàng:
Tơ rối dao này chặt đứt toang!

Sông Thục nhỏ như đường chỉ vương!
Lòng tham chiếm giữ, người một phương!
Bảo cho quân giặc chớ rông quàng!
Yêu, ma, quỷ, quái chẳng ra tuồng!
Đao này sẽ chém cho tan xương!
Không giống gươm dài phải múa-mang!
Như ông kể thực bậc phi thường!
Đao b(văn bản không rõ) họa có sánh được ngang!
Trên gác Kỳ-Lân để tượng vàng!
Ngất trời rực rỡ vẻ vinh-quang!

CCXCIX. — ĐÔNG-CHÍ

Thời trời, việc thế đẩy xô hoài!
Đông-Chí này xuân lại tới nơi!
Lụa lót năm mầu thêm sợi yếu!
Tro phong sáu quản động tàn rơi![6]
Mặt đê đợi chạp toan buông liễu!
Ý núi liền đông muốn nở mai!
Phong cảnh giống, nhưng làng xóm khác!

Gọi con hãy rót chén đầy vơi!

CCC. — GỬI ĐỖ-VỊ

Sang Đông ngày rút ngắn,
Xẩy tổ vượn kêu sầu!
Xó núi thân làm khách,
Trên sông lúc nhớ nhau.
Phong trần đành ốm mãi!
Trời đất biết đi đâu!
Tay viết lòng chua xót,
Đầm thơ vết lệ sầu!

CCCI. — GỬI CHO EM HỌ: ĐỖ-QUÁN TỪ LAM ĐIỀN ĐÓN VỢ CON TỚI GIANG-LĂNG.

Non Tần dục ngựa tuyết đương sâu!
Mới tới, da, xương chịu rét đau!
Nước cũ em sang tình đáng cảm.
Quê người anh thấy dạ quên sầu:
Khuynh-khoang muốn múa cây như-ý.
Ngồi đứng thường ngâm khúc bạch-đầu!
Nhị lạnh, cành thưa, mai có hiểu?
Lầu rèm cười nói một, đôi câu...

CCCII. — THẤY QUAN GIÁM-BINH-MÃ-SỨ HỌ VƯƠNG NÓI NÚI GẦN ĐÓ CÓ HAI CON ƯNG TRẮNG VÀ ĐEN, KẺ ĐÁNH CHIM RÌNH ĐÃ LÂU, VẪN CHƯA BẮT ĐƯỢC. VƯƠNG CHO LÀ LÔNG, XƯƠNG NÓ CÓ KHÁC VỚI CÁC ƯNG THƯỜNG, SỢ SAU CHẠP SANG XUÂN, CÁNH CỨNG NHỚ THU, SẼ TUNG BAY TRÁNH ẤM... MỜ MỊT KHÔNG THẤY ĐƯỢC NỬA. XIN TÔI LÀM THƠ HAI BÀI.

I

Chẳng nề cành ngọc liệng mây thu,
Thả sức xa chơi cõi tuyệt mù!
Dò lưới cớ sao mong kiếm chác?
Rình mò cho chỉ ốm công-phu!
Săn mồi biết hẳn không tài địch!
Trúng đích thêm đâu giật giải đua!
Đường vướng chín muôn bằng khá tránh?
Hang đào ba ngách thỏ đừng lo!

II

Ưng đen chắc hẳn đời không có!

Vượt bể chừng từ Bắc-Cực sang!
Cánh gió từng bay qua ải tía.
Đêm Đông mấy độ đậu đài Dương?
Xuân về nhạn bộn lòng ghen tức!
Lưới đón người toan chuyện phũ phàng...
Móng ngọc, mắt vàng tài hiếm có!
Một ngày muôn dậm sức coi thường!

CCCIII. — ĐÊM VỀ.

Nửa đêm trở về qua miệng hổ,
Núi tối, trong nhà người đã ngủ!
Mặt sông Bắc-Đẩu xuống thấp tè!
Lưng trời sao mai lên sáng tỏ!
Bên ngàn vượn hú nghe một con!
Trước sân đuốc thắp chỉ hai bó?
Chống gậy không ngủ biết làm gì?
Ông lão bạc đầu, hát rồi múa!

CCCIV. — KHỔ RÉT LẦN TRƯỚC.

Bạch đế năm ngoái tuyết đầy núi!
Bạch đế năm nay tuyết đầy nội!
Cóng chết thuồng luồng bến Nam rút!
Rét cắt thịt da, gió Bắc thổi!
Người Sở bốn mùa áo vải gai!

Trời Sở muôn dậm mịt-mù hoài!
Hy-Hòa lạc-lối đi đâu mất?[7]
Ba chân con ác chắc què rồi!...[8]

CCCV. — KHỔ RÉT LẦN SAU

I

Cõi Nam hơi độc bốc mờ mịt.
Thượng cổ đến giờ không có tuyết.
Cột trời[9] bỗng rưng giá muốn gẫy!
Các ông lão Mán khổ về rét!
Mòng trắng rũ cánh máu mắt rướm!
Vượn đen cứng miệng tiếng kêu tịt!
Cách gì đất nứt bùn xuân trít?

II

Chiều tối cửa sông trôi gỗ lớn.
Nhà trắng nửa đêm gió thổi tợn!
Quân Trời chém giết giặc Bể-Xanh,
Sát khí xuống Nam đất dùng-dợn!
Không thế rét đến sao quá mau?

Rẫy núi Ba-Đông tuyết trắng phau!
Con Tạo xếp đặt, ai biết đâu!

CCCVI. — NẮNG CHIỀU.

Tháng chạp Cồ-Đường tuyết mạnh thay!
Hơi độc quang không vẻ mọi ngày!
Núi chìm, hang ngập, trắng xan-xát!
Nút lở đá núi! Xơ ngàn cây!
Trời Nam đẫy tháng mới tan mây!
Mặt trời đỏ chói, rọi từ Tây!
Chập chờn sáng lạnh, sáu rồng[10] bay!...
Bóng già bỗng chốc in trên đất!
Miệng tuy nghêu ngao, lòng chua cay!
Kịp thời nhìn lại phường trai trẻ,
Đền vàng ngày, tháng vui bạn bầy!
Rã rời, tan tác như tro nguội!
Lưu-lạc đời mình chán ngán thay!

CCCVII. — MAI SÔNG.

Chạp tới mai vừa chiếng,
Xuân sang mai nở đông!

Ý xuân xinh đáo để!
Buồn khách rối lung tung!
Cũng sóng... khi sóng gió...
Thi mầu với tuyết đồng...
Vườn xưa nhìn chẳng thấy.
Đỉnh Giáp ngất từng không!

CCCVIII. — MÙA XUÂN NĂM ĐẠI-LỊCH THỨ BA, TỪ THÀNH-BẠCH-ĐẾ, BUÔNG THUYỀN QUA THÁC CỒ-ĐƯỜNG... Ở MÃI QUỲ-PHỦ, SẮP SANG GIANG-LĂNG CÓ THƠ GHI CHUYỆN TRÔI DẠT, GỒM BỐN MƯƠI VẦN...

Tuổi già ở với dân Mường.
Đã từ ải Sở tìm đường ta xuôi!
Xuống thuyền, lòng thấy bồi-hồi!
Nhổ neo, cất tiếng thở dài bâng khuâng...
Vượn ngâm, nghe vẳng bên rừng,
Đàn le lặn lội, trông chừng mặt sông.
Thịt da rọi ánh xanh lồng...
Ghế kê, gậy tựa, trập trùng bụi rêu...
Suối xô, ngọc nước tung theo...
Lô-nhô vách đá, cắm đều gươm sương...

Giây rừng chằng chịt dọc ngang.
Cây rừng thưa nhạt đám vàng, đám xanh.
Gái thần núi đứng xinh xinh.
Chiêu-Quân xóm cũ thực tình còn không?
Khúc xưa để lại hận lòng!
Mộng xưa tìm thú mơ-mòng nơi nao?
Nào khi nước xoáy, sóng cao;
Mái chèo nghiêng ngả; con sào bẻ-bai;
Sấm rung mặt đất rã-rời!
Băng soi, tuyết rọi, đường trời long-lanh!
Quản bao hiểm trở lênh-đênh:
Cheo leo Đầu Sói! Gập ghềnh Sừng-Nai![11]
Thân hèn thà chịu nằm dài!
Xuống ghềnh, lên thác rụng-rời bao phen!
Cơn nguy chưa dễ giữ gìn:
Bịch-bồ ướt đẫm! Sách đèn lung tung!
Sống trong giây phút hãi hùng,
Chết ta vốn đã cầm lòng mười mươi!
Các khe chẩy gấp tuyệt vời,
Nhìn dòng sông phẳng ta thời mới hay.
Mưa xuân tắm gội cỏ cây:
Cõi đời, một lớp sương giầy mênh-mông...

Tơ bay, kìa cánh chim mòng.
Gấm phơi, kìa lớp vẩy rồng thưa, mau.[12]
Ráng chiều, tìm tấm lụa mầu.
Trăng tàn, ai bẹp chiếc âu bằng vàng?
Đội bùn mầm sậy đâm ngang.
Nhú qua lớp cát, lau đang nẩy đều.
Quạ-buồm[13] đàn én lượn theo.
Ngựa sông, bầy nhạn dập dìu bắt tranh.
Khói, mây đảo nhỏ xây thành...
Ác lên, thỏ lặn chỉ quanh hai bờ...
Nghi-Đô thoáng mắt bấy giờ
Đào-Thanh mới rõ đã vừa đi qua!
Huyện Nam thành quách đầy hoa!
Trông sang bến Bắc cửa nhà lơ-thơ.
Tiếng ngâm vòng vọng xa đưa:
Nhọc lòng mới được bây giờ nghỉ-ngơi.
Hả-hê nói nói, cười cười...
Tuổi già quên cả ở đời dở, hay!
Bơ-phờ tóc bạc ngang bay.
Lấp-vùi, nung-nấu mặc thây lò-cừ!

Suối rừng đành kiếp sống thừa,
Văn chương dám tự dối lừa mình đâu!
Thánh-minh vua ngự trên đầu,
Ai ngờ ta phải than câu cùng đường!
Ốm đau lỡ bước tha-hương.
Đội ơn sớm dự vào làng văn nho.
Can ngăn mong trả nghĩa to.
Thẳng ngay cam phận giang hồ nổi-trôi.
Thương-Lang, Diệm Dự ngược xuôi,
Ngôi quan bỏ đứt! Kế lười tính quanh!
Chùa Thiên-Hoàng đã bên mình.
Rở xem nét chữ, bức tranh đời nào
Trông chừng bến Chúa sắp vào.
Nhìn lăng vua Thuấn lệ trào chứa chan!
Chống gươm vua chửa được nhàn.
Mặc đồ nhung-phục, trăm quan bận mình!
Giặc ngoài quấy rối kinh-thành,
Bùn-than thương nỗi sinh linh bấy chầy...
Làm anh mặc giáp sang thay!
Nhưng quen cầm bút mình đây khác loài!
Hạc đồng bay mới tung trời!
« Ngựa-xe » đâu dễ có tài xông pha!
Qua văn Y, Lã ai là?
Hàn, Bành tướng võ dễ mà gọi đâu!

Năm mây Thái-Giáp treo cao.[14]
Cánh bằng sáu tháng khát-khao gió mùa![15]
Dân đen nhìn lại khốn to!
Tranh quyền lũ tướng chết... cho đáng đời!
Suối rừng tìm chốn nghỉ ngơi,
Còn chưa chắc khỏi lạc-loài long-đong...

CCCIX. — UỐNG RƯỢU Ở PHÒNG SÁCH, TRỜI ĐÃ TỐI, LẠI MỜI QUAN THƯỢNG-THƯ LÝ-CHI-PHƯƠNG XUỐNG NGỰA; DƯỚI TRĂNG VIẾT BỐN CÂU.

Trang hồ, gió núi một xinh tươi!
Xuống ngựa cùng nhau lại chén chơi.
Đêm mặc năm canh gà cách xóm!
Tóc bù hai mái hạc ngoài trời!

CCCX. — NHẠN VỀ.

Nghe nói năm nay Nhạn
Về từ miệt Quảng-Châu.
Thấy hoa lìa bể cả,

Tránh tuyết đến non Phù.
Giống ấy loạn biết trước,
Bao giờ khách hết sầu?
Năm hồ không vượt nổi,
Mấy độ gió sương thu?

CCCXI. — BÀI HÁT NGẮN, TẶNG VƯƠNG TƯ TRỰC.

Anh Vương rượu say chém đất hát! Đừng phiền
Tài anh lỗi-lạc uất-ức, tôi sẽ cất anh lên!
Bể xanh đạp sóng kình thừa sức!
Ngày trắng lật gió lim không hèn!
Hãy buông gươm xuống tạm ngồi yên!
Sông Gấm buông thuyền vào đất Thục.
Cửa nào, anh định lê giầy ngọc?[16]
Xuân sâu trên gác Trọng-Tuyên ngồi,
Xanh mắt ngóng anh, hát đôi khúc!
Này hãy trông tôi già mấy chốc!

CCCXII. — NHỚ XƯA

Lên Động-phủ nhớ hồi năm trước,

Buông thuyền con, vượt thác sóng đào.
Ánh xanh mờ nhợt núi cao!
Bóng ông Hoa-Cái tìm nào thấy đâu!
Nghìn, muôn lớp rừng sâu, suối vắng,
Ba bước thôi lại đứng! lại ngồi!
Bực lòng, lã chã lệ rơi!
Hồn tiên mòn mắt trông vời non thu!
Nhà đá-trắng học-trò bỏ ráo!
Khóa đồng xanh Lư-lão mở coi!
Mảnh khăn hương thuốc chưa phai!
Trước hiên lò thuốc tro vùi đã lâu!
Mờ-mịt cảnh Bồng-Châu, Phương-trượng!
Nhìn đâu người áo ráng, xiêm mây?
Ráng, mây rải khắp Đông, Tây,
Mặt trời mới lặn còn dây bóng hồng!
Tiếng suối dập gió thông buồn thảm!
Gầm nhìn ta, gấu xám, trâu xanh!
Dấu xưa ngắm lại buồn tênh!
Chiêm bao lẩn-quất bên mình đến nay!
Phép tu-luyện phải giầy công sức!
Tuổi già rồi sao được phỉ nguyền!
Tiêu-Tương ta sẽ buông thuyền,
Thử theo thầy Đổng bên miền Hành Dương...

  1. Khi xưa chưa có chữ viết, nhà vua thắt nút thừng để ghi việc: việc nhỏ nút nhỏ. việc to nút to.
  2. Người đầu tiên tìm ra lửa.
  3. Một nhà viết sử đời xưa.
  4. Tức là Quan Huyện nói trên
  5. Lăng Minh-hoàng
  6. Người xưa dùng lụa rải bàn, đặt các « quản luật » lên trên, lại lấy tro sậy lấp lỗ quản để xem khí-hậu. Năm chia ra 24 khí. Khí nào tới, tro ở lỗ ấy sẽ rơi đi-
  7. Hy-Hòa là hai vị thần đánh xe cho mặt trời, xe ấy do sáu rồng kéo.
  8. Cũng là mặt trời.
  9. Người ta gọi núi Côn-lôn là Cột-trời.
  10. Hy-Hòa là hai vị thần đánh xe cho mặt trời, xe ấy do sáu rồng kéo.
  11. Tên hai thác.
  12. Sóng gợn lăn tăn khi gió nhỏ.
  13. Miếng gỗ làm hình con quạ, đóng ở trên cột buồm, làm chỗ mắc giây buồm.
  14. Các nhà chú-thích xưa nay đều không hiểu nghĩa câu này!
  15. Chim bằng bay sáu tháng mới nghỉ.
  16. Thượng-Khách của Mạnh-Thường đều áo gấm, giầy ngọc.