97 — BÀI PHÚ CỜ BẠC
Hạn vận: cờ bạc là bác thằng bần.

(Cờ). — Ngán thay cờ bạc; lắm kẻ say sưa. Tam khoanh tứ đốm; bảy lọc năm lừa. Khi vui thì vỗ tay vào, chẳng chơi cũng thiệt; thấy của thì tối mắt lại, dẫu chết không chừa. Được thua cũng là, chẳng quản tiền trăm bạc chục; ruộng nương bán hết, vì chưng nay bạc mai cờ. Trên tay sẵn có đồng tiền, coi như cái rác; trong túi không còn một chữ, xác như thân vờ. Kẻ máu mê đã chót dúng chàm, biết dại vẫn còn cứ dại; bệnh truyền-nhiễm từ đâu lưu-độc, bao giờ mãi đến bây giờ.

(Bạc). — Chỉ vì: Đương độ phong lưu; quen mùi đài các. Nhân lúc thanh nhàn; bày ra đánh chác. Nghề chơi cũng lắm công phu; của trời những mong bốc vác. Ít-xì, sóc-đĩa, hết ngón nọ dở ngón kia; tổ-tôm, tài-bàn, thua canh này bày canh khác. Thông tôm lèo chi-chi thập-xích 1, khi lên trời cũng chiều lòng; theo khuôn dền cập lệch ba bay 2, được thể cũng dễ nói khoác. Được ăn thua chịu, nhất quận-công nhì không lều; tiền ngắn bạc dài, trong anh em ngoài cờ bạc. Tham thì thâm, lầm thì thiệt, quá vui chơi nên nỗi rạc rài; đen thua lận, trắng thua mòn, trót mê đắm thành ra gỡ-gạc.

(). — Há phải là ma; quyến dũ người ta. Suốt từ trên dưới; lan khắp gần xa. Mấy ông quan chức, họp tập đàn hòa; việc công thư-thả, bài lá chia ra. Mấy ông ký phán, trò chuyện lân-la; giả nghề kiếm-chác, gạ-gẫm các bà. Mấy thầy tổng lý, kỳ nát mọt già; nhân khi vào đám, chứa thổ trong nhà. Mấy anh keo kiết, túm năm tụm ba; nào người đứng cái, nào kẻ đầu gà. Khắp miền kẻ chợ nhà qưê, đâu đâu cũng vậy; quen thói cờ gian bạc lận, ai ai cũng là.

(Bác). — Một cuộc rủi may; năm canh xào xạc. Đen đỏ đỏ đen; được thua thua được. Tiền liền với ruột, anh những toan chụp cả em; của trọng hơn người, cháu cũng chẳng tha gì bác. Chơi cho thỏa chí, quản bao quan ngắn quan dài; mở cho sướng tay, phó mặc tiền xương tiền nạc. Mong những quay thua đáo gỡ, vay trả trả vay; chung-qui tiền mất tật mang, xác xơ xờ xạc. Cờ làm nước bí, sa cơ mất bộ anh hùng rơm; bạc gặp canh đen, thất-thế do tuồng công-tử xác. Vẫn tưởng gậy vông phá nhà gạch, bụng lăm-lăm chỉ muốn vơ vào; ngờ đâu bợm già mắc cò-ke, chơi mãi mãi hóa ra bệ-rạc.

(Thằng). — Tiền thầy bỏ túi; củ tỏi giắt lưng. Còn ăn hết nhịn; hơn chực kém đừng. Đã mê về sự cờ bạc; biết đâu là lẽ công bằng Cạn lưng vay cối vay chằng, lãi[1] bao cũng gật; nóng mắt mở liều mở lĩnh, của ai cũng chằng. Hơn chẳng bõ hao, đến nỗi mất cơ mất nghiệp; túng thì phải tính, sinh ra làm bậy làm xằng. Tham-lam chỉ vị hơi đồng, khôn rồn ra dại; danh-giá lâm vào đám bạc, ông cũng như thằng Bán vợ đợ con, gương Trọng-Quỳ 3 vẫn còn như tạc; ba que sỏ lá, đình Cổ-Lương 4 đã biết hay chăng?

(Bần). — Than ôi! Đổ-thần! Đổ-thần! làm hại quốc-dân. Bỏ hết công việc; mất cả làm ăn. Làm cho khốn khó; làm cho nhục nhằn. Làm cho cơn đen vận túng; làm cho nước yếu dân bần. Nay nhân lòng người biết hối; hồn nước tỉnh dần; mày đi nơi khác; chớ có lần-khân. Tiễn mày về Tàu; Quảng-đông cũng gần. Tiễn mày sang Nhật; đáp bến Hoành-tân 5. Mày sang nước Mỹ, vàng bạc vô ngần. Mày sang nước Đức, khôn ngoan tuyệt trần. Vàng hương cúng tiễn; gạo muối đưa chân. Mượn tay giải ách; cắt duyên nợ nần. Lập tức đi ngay, chuông cảnh-tỉnh mấy câu sám-hối, nếu còn lẩn-quất, gươm văn-minh một nhát trừ căn.

Ngạc-đình Phạm-quang-Sán

CHÚ THÍCH. — 1. Lối đánh tổ-tôm hễ ván bài ù có 10 quân đỏ gọi là thập-xích hay thập-hồng được hơn tiền. — 2. Đánh sóc-đĩa 3 cái lẻ rồi đến cái chẵn, 3 cái chẵn rồi đến cái lẻ, gọi là ba bay. — 3. Trọng-Quì vì thua bạc phải bán vợ. — 4. Thất-nghiệp nằm đình Cổ-lương. — 5. Là một hải-cảng lớn nước Nhật-bản (Yokohama).

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1 Bài phú này cốt tả về thói gì và khuyên người ta điều gì? Tìm các đoạn trong bài phú này (các vần lung, biện nguyên, thích-thực v. v.)

2. Tình-trạng bọn chơi cờ bạc bây giờ thế nào?

3. Tại sao nhiều người mắc vào cuộc đổ-bác mà đã mắc vào thì khó gỡ ra được?

4. Cách chơi của các hạng người trong xã-hội khác nhau thế nào?

5. Tâm-tính và phẩm-cách của bọn làng chơi thế nào? Có còn tình nghĩa liêm sỉ gì nữa không?

6. Sự tai hại của cờ bạc về đường vật-chất và đường đạo-đức thế nào?

7. Đoạn kết tác-giả nói ý gì?

II. Lời văn. — 1. Tam khoanh tứ đốm: nghĩa gì? — Con vờ thế nào? Xác như vờ: nghĩa gì? — Chàm là chất gì? Chót dúng chàm: nghĩa gì? — Nghĩa chữ bốc vác. — Quận-công là tước gì? Đây nói ý gì? — Cắt nghĩa những câu tục-ngữ: tham thì thâm, lầm thì thiệt; đen thua lận, trắng thua mòn. — Thế nào gọi là kỳ nát, mọt già? — Nghĩa chữ chứa thổ. — Thế nào là nhà cái nhà con? — Tiền xương tiền nạc là gì? — Nghĩa những chữ: anh-hùng rơm, công-tử xác, Gậy vông phá nhà gạch, bợm già mắc cò ke: ý nói gì? Củ tỏi giắt lưng: nghĩa gì? — Chữ bán chữ đợ khác nhau thế nào? — Ba que sỏ lá: Cỗi rễ mấy chữ ấy. — Ách nghĩa là gì? — Nghĩa những chữ cảnh tỉnh, sám hối, trừ căn.

2. Trong bài phú này tác-giả có dùng nhiều phương-ngôn và thành-ngữ không? Cách dùng chữ thế có hiệu-lực gì? Lấy mấy cái tỉ-dụ để chứng rõ điều ấy.

4. Nhặt (lặt) trong bài phú này những đoạn nào lời văn thống-thiết hoặc kích-thích kể ra.

   




Chú thích

  1. Lời.