96 — BÀI PHÚ HỎNG THI 1

Đau quá đòn hằn; dát hơn lửa bỏng. Tủi bút tủi nghiên; hổ lều[1] hổ chõng. Nghĩ đến chữ: nam nhi đắc chí, 2 thêm nỗi thẹn thùng[2]; ngẫm đến câu: quyển thổ trùng lai 3, nói ra ngập ngọng. Thế mới biết học tài thi phận, miệng đàn bà con trẻ nói vậy mà thiêng; nào ai ngờ chữ tốt văn hay, tài bảng-nhỡn thám-hoa lỡ ra cũng hỏng.

Có một thầy: Dốt chẳng dốt nào; nhưng hay chữ lỏng. Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao-lâu; hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng 4. Thói nhà phong-vận, áo hàng tàu, khăn nhiễu tím, ô[3] lục-soạn xanh; ra phố sênh-sang, quần tố-nữ, bít-tất[4] tơ, giầy Gia-định bóng. Tú rốt bảng trong năm Giáp-ngọ 5, nổi tiếng tài hoa; con nhà dòng ở đất Vị-xuyên 6, ăn phần cảnh nọng.

Năm vua Thành-Thái mười hai; lại mở khoa thi Mỹ-trọng 7. Quyển đệ tam viết đã xong rồi; bảng đệ tứ chưa ra còn ngóng. Thầy chắc hẳn văn-chương có mực, lễ thánh xem giò; cô mừng thầm mũ áo đến tay, gặp người nói mộng. Ngày đi lễ phật: còn kỳ này kỳ nữa là xong; đêm dậy vái trời: qua mồng bốn mồng năm cho chóng.

Nào ngờ: Bảng nhỏ 8 thấy tên; ngoại-hàm 9 còn trống. Kẻ đến sáng văn còn được chấm, biển cót nghênh-ngang; người ngồi khuya tên hãy được vào, áo dài lụng-thụng. Thi là thế, sự-tình là thế, hở chuyện cùng ai; người một nơi, hồn phách một nơi, than thân với bóng. Ví phỏng chăm nghề nghiện bút, thì mười ba mười bảy đỗ[5] những bao giờ; những là mải việc vui chơi, mà một tuổi một già hóa ra lóng-đóng.

Thôi thì thôi: Sách vở mập-mờ, văn-chương lóng-ngóng. Khoa trước đã chầy; khoa sau hẳn chóng. Ý sẵn kẻ lo toan việc nước, vua chửa dùng hiền; hay không ai dạy dỗ đàn em, trời còn bắt hỏng.

Trần-tế-Xương[6]

CHÚ THÍCH. — 1. Ông tú Xương đậu tú-tài sớm, nổi tiếng là một tay hay chữ, nhưng vì tính phóng khoáng, không theo thể-lệ chặt-chẽ trong tràng thi, nên về sau đi thi hay phạm tràng-qui mà hỏng mãi không đậu cử-nhân. — 2. 男 兒 得 志: Tài trai làm nên thỏa chí vẫy vùng. — 3. 捲 土 重 來: Cuốn đất trở lại một lần nữa; nói bóng là khoa sau lại thi, nhất định lấy đỗ. — 4. Ở Nam-định xưa có cách chơi lõng, một vài ả trăng hoa thả đò con lõng lên lõng xuống, khách làng chơi xuống lõng chè chén phiện phè. — 5. Năm Thành-Thái thứ 6 (1894). — 6. Ông người làng Vị-xuyên ở tỉnh Nam-định. — 7. Nguyên tràng thi Nam ở địa hạt làng Mỹ-trọng gần tỉnh-lỵ. — 8. Lệ thi ta, hễ ai phạm tràng quy như phạm húy, tỳ-ố, ngoại hàm vân vân, thì hỏng mà tên phải biên riêng vào một cái bảng nhỏ; tên những người đậu hay được vào kỳ sau thì biên vào bảng lớn. — 9. Ngoại hàm là quá hạn nộp quyển, quyển phải bỏ ngoài hòm, không được chấm Lệ thi ta đến chiều tối có một hồi trống báo cho học-trò biết rằng hạn làm văn đã hết; hễ dứt hồi trống là hết hạn, từ bấy giờ ai đem nộp quyển là quá hạn. Nhưng đây ông nói còn trống nghĩa là ông nộp quyển lúc chưa dứt hồi trống, lý ưng quyển ông không nên coi là ngoại-hàm mới phải.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Tóm đại-ý mỗi đoạn trong bài này.

2. Xem bài này có biết cách ăn chơi của các thầy đồ xưa thế nào không? — Việc khoa-cử ngày xưa quan-trọng thế nào? — Vinh-dự thế nào? — Lệ thi ta có cứ văn hay là chắc đỗ không? Trường-qui là gì? Các lề-lối ấy có nhiều cái phiền-phức bó buộc quá không?

3. Trong bài này tác-giả có ý oán trách gì không? Câu kết ngụ ý chua cay thế nào?

II. Lời văn — 1. Cái lều thế nào? Nói qua cách-thức học-trò ngày xưa đi thi thế nào? — Nghĩa chữ học tài thi phậnBảng-nhỡn, thám-hoa: tại sao lại đặt những tên ấy. Kể các danh-hiệu dùng trong việc khoa-cử ta và giải-thích các danh-hiệu ấy. — Hay chữ lỏng là thế nào? — Ô lục-soạn, quần tố-nữ, giầy Gia-định: gốc tích những chữ ấy. — Phần cảnh nọng là gì? Nói qua về cách biếu sén của ta. — Đệ tam, đệ tứ: nói qua về các kỳ thi hương của ta ngày xưa. — Xem giò là thế nào? — Mồng bốn mồng năm: Thi hương thường về tháng nào? mất bao lâu thì xong? — Hồn, phách: hai chữ ấy khác nghĩa nhau thế nào?

2. Nhặt (lặt) các câu chữ trong bài này có ý oán trách hay có giọng chua cay.

3. Nói qua về phép-tắc lối phú.

   




Chú thích

  1. Trại. —
  2. Mắc cở. —
  3. . —
  4. Dớ. —
  5. Đậu.
  6. Xem tiểu-truyện tác-giả ở tr. 22.