Quốc văn trích diễm/Phép tắc về lối phú
PHÚ
PHÉP-TẮC VỀ LỐI PHÚ
Phú cũng là một lối văn vần. Phú nghĩa đen là tả cảnh, nên phú thường làm để tả cảnh, tả tình, tả phong tục.
I. — Luật phú
Cách hạ vần. — Làm phú có nhiều cách hạ vần:
a) Độc vận là tự đầu đến cuối theo một vần.
b) Hạn vận là đã chọn sẵn một câu làm vần thì cứ theo đúng thứ-tự những chữ trong câu ấy mà hạ vần.
c) Phóng vận là trái lại với hạn vận, muốn làm theo vần nào cũng được.
Mỗi bài phú chia làm nhiều đoạn. Trong mỗi đoạn có nhiều câu, mỗi câu có 2 vế đối nhau thì chỉ phải hạ vần ở cuối vế thứ nhì, trừ khi nào đặt lối câu tứ tự liên châu (sẽ nói sau) không kể. — Trong bài phú hạn-vận, cả một đoạn cùng chung một vần gọi là một vần phú.
Cách đặt câu. — Phú tùy mình muốn đặt mỗi vần (hay mỗi đoạn) mấy câu, mỗi câu mấy chữ cũng được.
a) Đại-để thì mỗi vần thoạt tiên phải đặt vài bốn câu 4 chữ gọi là câu tứ-tự hoặc theo lối liên-châu, nghĩa là vần câu trên liên tiếp với vần câu dưới; hoặc theo điệu bằng trắc đối nhau thì chỉ phải hạ vần ở cuối vế thứ nhì thôi. Tỉ dụ:
Há phải là ma | Vần liên-châu. | |
Quyến dũ người ta! | ||
Suốt từ trên dưới, | ||
Lan khắp gần xa | (Bài phú Cờ bạc) |
b) Rồi đến vài bốn câu mỗi vế độ 6, 7 chữ hoặc 8, 9 chữ đối nhau gọi là câu song quan. Tỉ dụ:
Quyển đệ tam viết đã xong rồi;
Bảng đệ tứ chưa ra còn ngóng. (Bài phú Hỏng thi)
c) Lại đến một vài câu mỗi vế chia làm 2 đoạn; một đoạn ngắn một đoạn dài, hoặc trên 4 dưới 6, hoặc trên 6 dưới 4; hoặc nhiều hơn cũng được, nhưng cũng phải đối nhau, gọi là câu cách-cú. Tỉ dụ:
Thầy chắc hẳn văn-chương có mực, lễ thánh xem giò;
Cô mừng thầm mũ áo đến tay, gặp người nói mộng.
Hay: Ngày đi lễ phật, còn kỳ này kỳ nữa là xong;
Đêm dậy vái trời, qua mồng bốn mồng năm cho chóng.
d) Cũng có khi không đặt những câu cách-cú thì đặt những câu dài mỗi vế 3 đoạn, gọi là câu gối hạc. Tỉ dụ:
Khi đắc thế thời đất nắm nên bụt, nghe hơi khá xăm-xăm chen gót tới, đen ngỡ đàn ruồi;
Lúc sa cơ thời rồng cũng như run, xem chiều hèn xanh-xảnh rẽ tay ra, nhạt (lạt) như nước ốc.
II. Cách kết-cấu bài phú
Nội-dung bài phú cũng tựa bài thơ, cũng có phá, thừa, thực, luận và kết.
a) Vần đầu là vần lung nghĩa là nói lung động ý nghĩa đầu bài lên trước.
b) Vần thứ hai là vần biện nguyên phải nói nguyên-ủy gốc-tích cho rõ ý đầu bài.
c) Vần thứ ba là vần thích thực phải tả hết ý nghĩa đầu bài.
d) Vần thứ tư là vần phu diễn suy rộng ý đầu bài ra.
e) Rồi từ vần sau trở đi thì nghị luận mà tổng kết lại.
III. — Các lối phú
Các thể-thức kể trên này là nói riêng về lối Đường phú (tự đời Đường đặt ra) là lối thông-dụng nhất.
Lại còn nhiều lối khác nữa: hoặc tự đầu chí cuối dùng toàn 4 chữ (phú tứ-tự) hoặc toàn 7 chữ (phú thất-tự) như lối thơ tràng-thiên; hoặc theo điệu Sở-từ cứ mỗi câu dăm sáu chữ đệm một chữ hề vào cuối câu; hoặc dùng điệu lưu-thủy (nước chảy), cách đặt để trôi chảy tựa văn xuôi, không bó buộc vào số chữ số câu như bài phú Xích-bích chữ nho của ông Tô-đông-Pha vậy.
VĂN-TẾ
Văn-tế là một bài đọc lúc tế một người chết để kể tính nết công đức của người ấy mà tỏ tấm lòng kính trọng thương tiếc của mình.
Văn-tế hoặc làm theo lối Đường phú (như trên), hoặc theo lối lưu-thủy hay lối văn xuôi như các bài điếu-văn bây giờ cũng được.