Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
98 — Tế Phò-mã chưởng hậu-quân Vũ-Tính và Lễ-bộ thượng-thư Ngô-tòng-Chu của Đặng Đức Siêu

98 — TẾ PHÒ-MÃ CHƯỞNG HẬU-QUÂN VŨ-TÍNH VÀ LỄ-BỘ THƯỢNG-THƯ NGÔ-TÒNG-CHU

TIỂU DẪN. — Ông Vũ-Tính (Võ-Tánh) là một bực danh-tướng của đức Gia-Long, lại lấy em gái ngài; còn ông Ngô-tòng-Chu là bực văn-thần làm Lễ-bộ thượng-thư sung chức phụ-đạo Đông-cung. Hồi đức Gia-Long đã hạ được thành Qui-nhơn (Bình-định) của Tây-Sơn rồi (1799), sai ông Tính làm trấn-thủ mà ông Chu làm hiệp trấn để cùng giữ thành ấy. Không bao lâu quân Tây-Sơn lại kéo đến đông vây thành, trong hơn 2 năm trời hai ông hết sức chống giữ thành-trì, sau quân sĩ mỏi mệt, lương thực khánh kiệt, nên hai ông đều tuẫn tử để toàn danh tiết: ông Chu thì uống thuốc độc chết, ông Tính thì tự đốt chết. Nên trong bài văn này về đoạn kể tài đức hai ông, cứ câu trên nói về ông Tính, câu dưới nói về ông Chu.

Than rằng:

Đạo thần-tử hết lòng thờ chúa, gian nan từng giãi dạ trung thành; đứng anh-hùng vì nước quyên sinh, điên bái chẳng sai lòng tiết nghĩa.

Ngọc dầu tan vẻ trắng nào phai; trúc dẫu cháy tiết ngay vẫn để 1.

Nhớ hai người xưa:

Thao-lược ấy tài; kinh-luân là chí.

Phù vạc Hán thủa ngôi trời chếch lệch 2, chém gai đuổi lũ hung tàn; với xe Đường khi thế nước chông-chênh 3, cầm bút ra tay kinh-tế.

Mối nghĩa sánh duyên gác tía 4, bước gian-truân từng cậy dạ khuông phù; màn kinh giúp sức cung xanh 5, công mông dưỡng đã đành lòng ủy ký.

Hậu quân thủa trao quyền tứ-trụ, chữ ân uy lớn nhỏ đều phu; Lễ-bộ phen làm việc chính-khanh, bề trung ái sớm khuya chẳng trễ.

Ngoài cõi vuốt nanh ra sức, chí tiêm cừu 6 đành giãi xuống ba quân; trong thành then khóa chia lo, lòng ưu quốc đã thấu lên chín bệ.

Miền biên-khổn hai năm chia sức giặc 7, vững lòng tôi bao quản thế là nguy; cõi Phú-xuân 8 một trận khét uy trời, nặng việc nước phải lấy mình làm nhẹ.

Sửa mũ áo lạy về bắc-khuyết, ngọn quang minh hun nát tấm trung-can; chỉ non sông giã với cô-thành, chén tân khổ nhắp ngon mùi chính-khí.

Há rằng ngại một phen thỉ-thạch, giải trùng-vi mà tìm tới quân-vương; bởi vì thương muôn mạng tì-hưu, thà nhất tử để cho toàn tướng-sĩ 9.

Tiếng hiệu-lệnh mơ-màng trước gió, ân-tín xưa người bộ khúc 10 thương tâm; bóng tinh-trung 11 thấp-thoáng dưới đèn, phong-nghi cũ kẻ liêu-bằng 12 sái lệ.

Cơ đãng định 13 kíp chầy đành hẹn buổi, xót tướng-doanh sao vắng mặt thân-huân; phận truy tùy gang tấc cũng đền công, tiếc nhung-mạc 14 bỗng thiệt tay trung trí.

Nay gặp tiết thu; bày tuần úy tế.

Hai chữ cương-thường nghĩa nặng, rõ cổn hoa 15 cũng thỏa chốn u-minh; nghìn thu hà nhạc 16 khí thiêng, sắp mao việt 17 để mở nền bình trị.

Đặng-đức-Siêu

Ông người huyện Bồng-sơn, tổng Bình-định, mười sáu tuổi đậu hương-tiến; triều đức Duệ-Tôn làm quan trong viện Hàn-lâm. Sau gặp quân nhà Trịnh vào sâm, kế đến quân Tây-Sơn lấy kinh-thành, đều có vời ông ra làm quan, ông không chịu. Sau đức Gia-Long nổi binh ở Gia-định, ông tìm vào ra mắt ngài. Ngài trọng đãi ban quan chức để theo ngài giúp-giặp.

Ông học rộng, lắm mưu mô, nhiều thao-lược, trong mấy năm bình định Tây-Sơn, ông rất có công.

Sau đức Gia-Long bổ ông làm Hoàng-tử phụ-đạo, sau lại làm Lễ-bộ thượng-thư; năm Gia-Long thứ chín (1811) mất.

Ông học vấn rộng-rãi, văn-chương tao-nhã. Hồi bình-định Bắc-hà xong, ông làm ra 9 khúc Hồi-loan khải-ca bằng quốc-âm, nay còn truyền-tụng. Nội các điển-lễ triều-đình cùng những lễ-nghi tế Giao tế Miếu, tế xã-tắc phần nhiều do tay ông soạn định.

CHÚ THÍCH. — 1. Nghĩa là hòn ngọc đập tan ra vẫn giữ vẻ trắng, cây trúc đốt cháy đi cũng còn nguyên đốt ngay; ý nói: bực trung nghĩa dẫu thác đi mà còn lưu tiếng thơm để gương sáng về đời sau. — 2. Vạc Hán chữ nho là Hán-đỉnh. Vạc là biểu-hiện ngôi vua; Hán là một họ vua bên Tàu. Câu này ý nói giúp nhà vua lúc hoạn nạn. — 3. Xe Đường là xe của vua nhà Đường bên Tàu chạy loạn; câu này ý nói giúp nhà nước lúc loạn lạc. — 4. Gác tía là chỗ bà công-chúa ở; câu này nói việc ông Tính lấy em đức Gia-Long. — 5. Cung xanh là chỗ ông Thái-tử học; câu này nói việc ông Chu làm phụ-đạo cho Đông-cung Cảnh. — 6. Tiêm cừu: giết quân thù. — 7. Miền biên khổn: chỗ bờ cõi. Bấy giờ đức Gia-Long mới thu phục được Gia-định, nên thành Qui-nhơn cũng kể là nơi biên thùy. Chia sức giặc là vì có ông Tính giữ vững thành ấy, nên quân Tây-Sơn không thể dời đấy mà ra ngoài bắc được. — 8. Phú-xuân tức là Huế, nhờ có hai ông giữ vững thành Qui-nhơn nên đức Gia-Long thừa cơ ra đánh lấy được Phú-xuân. — 9. Thỉ thạch là tên và đạn; í hưu là hai giống thú dữ, ví với các quân lính hùng dũng. Đã mấy lần đức Gia-Long bảo ông Tính đánh tan vòng vây mà thoát ra để theo ngài, nhưng ông sợ làm thế thì tất sau Tây-Sơn tức giận giết hết sĩ tốt, nên ông đành chịu chết để cứu lấy quân sĩ. Lúc chết ông có viết thư cho tướng Tây-Sơn về việc ấy, khi tướng Tây-Sơn vào thành cũng thể lòng ông mà không giết róc ai cả. — 10. Bộ khúc là những tướng tá quân lính thuộc dưới quyền mình. — 11. Tinh trung là hồn trung nghĩa thiêng liêng. — 12. Liêu bằng là các bè bạn cùng làm quan với mình. — 13. Đãng định là dẹp định hết giặc-giã. — 14. Nhung mạc là màn quan tướng ở trong quân. — 15. Cổn hoa là sắc mệnh của vua ban cho, vinh hiển như khoác áo cổn-hoa vào mình. — 16. Điển cũ: Thần sông núi Nhạc giáng sinh làm những bực danh tướng giúp nước phò vua. Đây nói hai ông ấy chết, về nơi sông Hà núi Nhạc, anh-kh thiêng-liêng, phù hộ cho vua cho nước. — 17. Mao là cờ, việt là giáo, nghĩa chung là đồ binh để đánh giặc; sắp mao việt là đánh tan hết giặc rồi.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Tóm đại ý mỗi đoạn trong bài này.

2. Tài chí hai ông thế nào? — Sự nghiệp hai ông những gì? — Công trạng hai ông giữ thành bình-định thế nào? Trong cuộc thống nhất sơn hà của vua Gia-Long công hai ông thế nào? — Lúc hai ông chết thế nào?

II. Lời văn. — 1. Nghĩa những chữ: quyên sinh, điên bái, thao-lược, kinh-luân. — Chém gai, cầm bút: ý nói gì? — Nghĩa những chữ: dạ khuông phù, lòng ủy ký. — Hậu quân là nói ai? Lễ-bộ là nói ai? — Những chữ tứ-trụ, chính khanh dùng để nói các hàng quan nào? — Vuốt nanh, then khóa: nghĩa đen và nghĩa bóng. — Chín bệ chỉ ai? — Bắc khuyết, cô thành là những đâu? — Ngọn quang minh, chén tân khổ: nói việc gì? — Tấm trung can, mùi chính khí: nghĩa. — Mặt thân huân, phận truy-tùy là nói những người nào?

2. Tìm trong bài này những câu nào hùng-hồn nhất và giải rõ cái hay trong những câu ấy.

3. Nói qua về phép-tắc lối văn-tế. Lối ấy với lối phú có tương-tự không?