Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
99 — Tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành

99 — TẾ TRẬN VONG TƯỚNG SĨ

TIỂU DẪN. — Năm 1802 khi vua Gia-Long đã bình định xong Bắc-hà rồi, sai quan tiền-quân quận-công Nguyễn-văn-Thành ở lại làm Tổng-trấn Bắc-thành, còn ngài trở về kinh-đô Phú-xuân. Quan tiền-quân mới sửa một tuần rượu tế các tướng sĩ đã từng theo đức Gia-Long đi đánh dẹp mà chả may xấu số thiệt phận chết ở nơi chiến địa. Lúc tế ông đọc bài văn này, lấy cái cảm tình một ông võ-tướng mà giãi bày công-trạng anh-hùng của kẻ đã qua, thổ-lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại, lời văn thống-thiết, giọng văn hùng-hồn, thật là một áng văn-chương tuyệt bút trong nền quốc-âm ta.

Than ôi! Trời Đông-phố vận ra Sóc-cảnh 1, trải bao phen gian-hiểm mới có ngày nay; nước Lô-hà chảy xuống Lương-giang 2, nghĩ mấy kẻ điêu-linh 3 những từ thủa nọ. Cho hay sinh là ký mà tử là qui; mới biết mệnh[1] ấy yểu mà danh ấy thọ.

Xót thay! Tình dưới viên mao 4; phận trong giới-trụ 5. Ba nghìn họp con em đất Bái 6, cung tên ngang dọc chí nam-nhi; hai trăm vầy bờ cõi non Kỳ 7, cơm áo nặng dầy ơn cựu-chủ.

Giấn thân cho nước, son sắt một lòng; nối nghĩa cùng thầy, tuyết sương mấy độ.

Kẻ thời theo cơ-đích 8 chạy sang miền khách-địa, hăm-hở mài nanh giũa vuốt, chỉ non tây thề chẳng đội trời chung; kẻ thời đón việt mao 9 trở lại chốn sơ-cơ, dập-dìu vén cánh nương vây, trông cõi Bắc quyết thu về đất cũ.

Nằm gai nếm mật 10, chung nỗi ân-ưu; mở suối bắc cầu, riêng phần lao-khổ.

Trước từng trải Xiêm-la, Cao-miên về Gia-định mới dần ra Khánh, Thuận 11, đã mấy buổi sơn-phong hải-lễ 12, trời Cao, Quang 13 soi tỏ tấm kiên-trinh; rồi lại từ Đồ-bàn, Nam, Ngãi lấy Phú-xuân mà thẳng tới Thăng-long 14, biết bao phen vũ pháo vân thê 15, đất Lũng, Thục 16 lần vào nơi hiểm-cố.

Phận truy tùy, gẫm lại cũng cơ-duyên; trường tranh-đấu biết đâu là mệnh số.

Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng 17 theo đạn lạc tên bay; kẻ thời bắt mũi thuyền[2] toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa 18 mặc bèo trôi sóng vỗ.

Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh-mạc 19, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha-hương 20; mặt chinh-phu khôn vẽ nét gian-nan, lập-lòe lửa chơi, soi chừng cổ-độ 21.

Ôi! cùng lòng trung-nghĩa, khác số đoản tu 22, nửa cuộc công-danh, chia phần kim cổ 23.

Đoái là tiếc xương đồng da sắt, thanh bảo-kiếm đã trăm rèn mới có, nợ áo cơm phải trả đến hình-hài; những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch-câu 24 xem nửa phút như không, ơn dầy đội cũng cam trong phế-phủ 25.

Phận dù không gác khói đài mây 26; danh đã dậy ngàn cây nội cỏ.

Thiết vì thủa theo cờ trước gió, thân chả quản màn sương đệm giá, những chờ xem cao thấp bức cân thường 27; tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng, kiếp đã về cõi suối làng mây, nào kịp thấy ít nhiều ơn vũ-lộ 28.

Vâng thượng-đức hồi loan 29 tháng trước, đoàn ứng nghĩa dẫu Quảng, Thuận, Nghệ, Thanh 30 cũng vậy, giội ân-quang gieo khắp xuống đèo Ngang; mà những người từng thượng-trận ngày xưa, dắp tấu công từ ngọ, vị, thân, dậu 31 đến giờ, treo tính tự để nằm trong lá sổ.

Ngọn còi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui; dịp trống dồn hoa, chốn tươi chốn ủ. Đã biết rằng anh-hùng thì chẳng quản, trăm trận một trường oanh-liệt, cái sinh không, cái tử cũng là không; nhưng tiếc cho tạo-hóa khéo vô-tình, ngàn năm một hội tao-phùng, phận thủy có, phận chung sao chẳng có 32.

Bản-chức nay, vâng việc biên-phòng; chạnh niềm viễn-thú. Dưới trướng nức mùi chung đỉnh, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh; trong nhà rõ vẻ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu vung trước gió. Bâng-khuâng kẻ khuất với người còn; tưởng-tượng thầy đâu thì tớ đó.

Nền phủ-định 33 tới đây còn xốc-nổi, vụ lòng một lễ, chén rượu thoi vàng; chữ tương-đồng ngẫm lại vốn đinh-ninh, khắp mặt ba quân, cờ đào nón đỏ. Có cảm-thông thì tới đó khuyên mời; dù linh-thính hãy nghe lời dặn-dỗ.

Buổi chinh-chiến hoặc là oan hay chẳng, cũng chớ nề kẻ trước người sau, hàng trên lớp dưới, khao thưởng rồi sẽ tấu biểu-dương cho; hội thăng-bình đừng có nghĩ rằng không, dù ai còn cha già, mẹ yếu, vợ góa[3], con côi, an-tập hết cũng ban tồn tuất đủ.

Hồn-phách đâu đều ngày tháng Thuấn, Nghiêu 34; hài cốt đó cũng nước non Thang, Vũ 35.

Cơ huyền-diệu 36 hoặc thăng trầm chưa rõ, thiêng thời về cố-quận để hương thơm lửa sáng, kiếp tái sinh lại nhận cửa tiền-quân 37; niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề, linh thời hộ Hoàng-triều cho bể[4] lặng sông trong, duy vạn kỷ chửa dời ngôi bảo-tộ 38.

CHÚ THÍCH. — 1. Đông-phố là tên cũ thành Gia-định; Sóc-cảnh là cõi Bắc; ý nói tự Gia-định ra tới Bắc-hà (Hà-nội). — 2. Lô-hà nhất danh là sông Tuyên, chảy qua Tuyên-quang rồi đổ xuống sông Nhị-hà; Lương-giang tức là Phú-lương-giang, tên cũ của sông Nhị-hà. — 3. Điêu-linh là tàn rụng, chỉ những người chả may chết trận. — 4. Viên là viên-môn, cửa dinh (doanh) quan đại-tướng; mao là cờ tiết mao, hiệu lệnh trong quân. — 5. Là áo giáp mũ trụ của tướng sĩ. — 6. Vua Hán Cao-tổ ở bên Tàu khi khởi binh ở đất Bái, họp con em ba nghìn người; đây ví những người theo đức Gia-Long cũng khảng-khái như bọn quân-sĩ vua Hán Cao-tổ vậy. — 7. Tên núi ở tỉnh Thiểm-tây bên Tàu có tiếng là hiểm trở, chỉ hai trăm người địch nổi hai nghìn người; vua Văn-vương nhà Chu sáng nghiệp ở đấy; đây sánh những người theo vua Gia-Long cũng hăng hái như bọn quân sĩ vua Chu Văn-vương vậy. — 8. Cơ đích là hàm thiếc dây cương, ý nói theo vua giữ ngựa. Đây là nói hồi vua Gia-Long bị quân Tây-Sơn đánh thua, phải trốn sang Xiêm-la. — 9. Việt mao là cái phủ việt và cờ tiết mao. Đây là nói hồi vua Gia-Long tự Xiêm về thu phục được thành Gia-định. — 10. Điển cũ: vua Câu-Tiễn nước Việt khi mất nước thường nằm trên gai, nếm mật đắng để nghĩ kế khôi phục; ý nói chịu nỗi khổ sở. — 11. Là Khánh-hòa và Bình-thuận. — 12. Sơn phong là gió núi; khi đức Gia-Long đóng ở đảo Côn-lôn, quân Tây-Sơn chợt đến vây nguy cấp lắm, bỗng dưng trời nổi bão to, thuyền giặc đắm cả, vua mới thoát vây. Hải lễ là nước ngọt ở bể: khi vua Gia-Long đương phải chạy trốn ở ngoài bể, hết cả nước ngọt uống, vua mới khấn trời, chợt thấy ở dưới bể có dòng nước ngọt, múc nước uống mới khỏi khát. — 13. Đây ví vua Gia-Long cũng như vua Hán Cao-tổ và Hán Quang-vũ là hai ông vua sáng nghiệp trung hưng ở bên Tàu. — 14. Đồ-bàn là kinh-đô cũ của người Xiêm-thành, tức la thành Bình-định; Nam, Ngãi là Quảng-nam Quảng-ngãi; Phú-xuân là Huế; Thăng-long là Hà-nội. — 15. Là đạn nhiều như mưa, thang cao giáp mây. — 16. Đây ví các thành tỉnh ấy cũng hiểm cố như đất Lũng là Lũng-tây (ở tỉnh Thiểm-tây) và đất Thục là Tứ-xuyên ở bên Tàu. — 17. Điển cũ: Lời Tư-mã-Thiên nói: « Người ta ai cũng chết mà cái chết có người nặng như núi Thái, cũng có người nhẹ như nắm lông hồng ». — 18. Điển cũ: Lời Mã-Viện nói: « Đứng tài trai nên chết ở nơi chiến-trận lấy da ngựa bọc thây »; ý nói chết ở nơi chiến-trường. — 19. Là nơi tối tăm mênh mang. — 20. Là nơi đất khách quê người. — 21. Là chỗ bến đò ngày xưa. — 22. Đoản là ngắn, tu là dài, ý nói kẻ chết non người sống lâu. — 23. Kim là người đời nay, người còn sống, cổ là người đời xưa, người đã chết. — 24. Bóng bạch câu: Điển cũ: đời người thấm thoắt như bóng ngựa trắng chạy qua cửa sổ thoáng mắt đã mất; ý nói số mệnh (mạng) các quân sĩ ngắn-ngủi. — 25. Phế phủ là buồng phổi và phủ tạng trong người. — 26. Điển cũ: vua Đường Thái-tôn bên Tàu vẽ hình công-thần treo ở Yên-các (gác khói), vua Hán Minh-đế vẽ tranh công-thần treo ở Vân-đài (đài mây); ý nói tuy không được vinh dự như các bực công-thần danh-tướng. — 27. Có công được thêu tên vào cờ cân cờ thường. — 28. Là ơn vua ví như mưa móc thấm nhuần. — 29. Nói xe vua trở về; đây nói vua Gia-Long khi đã lấy Bắc-hà rồi trở về Phú-xuân. — 30. Là bốn tỉnh Quảng (Quảng-bình, Quảng-trị, Quảng-nam, Quảng-ngãi), Thuận-hóa, Nghệ-an và Thanh-hóa. — 31. Từ năm 1798 đến năm 1801. — 32. Thủy là lúc đầu, chung là lúc cuối. Ý nói lúc hoạn nạn thì còn sống mà đến lúc thái bình thì đã thác (phản) rồi. — 33. Theo chữ can qua phủ định: việc đánh dẹp vừa yên. — 34. Vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, hai đời vua thái bình sánh với đời vua Gia-Long. — 35. Là vua Thang vua hai đời vua thịnh trị bên Tàu sánh với đời vua Gia-Long. — 36. Máy trời đất xoay vần bí-mật và thần diệu. — 37. Ý nói: nếu sống lại kiếp sau thì nên đến cửa dinh tiền-quân mà nhận. — 38. Ý nói: nếu có khôn thiêng thì nên phù hộ nhà vua được thái bình để ngôi vua (ngôi bảo tộ) truyền mãi đến muôn đời về sau.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Mục-đích bài này thế nào? Tóm đại-ý các đoạn trong bài này.

2. Tác-giả trông thấy cảnh-tượng gì mà nhớ đến những kẻ đã thác?

3. Chí khí công-trạng các tướng sĩ thế nào? Đem những việc nói trong bài này đối chiếu với lịch-sử.

4. Số phận các người ấy thế nào? Tại sao mà đáng tiếc những bực ấy.

5. Tác-giả yên ủi khuyên nhủ các trận vong tướng sĩ thế nào?

II. Lời văn. — Tác-giả lấy những cảnh-tượng gì để tả sự thống-nhất và cuộc bình định lúc bấy giờ? — Nghĩa những chữ: sinh ký, tử qui, mệnh yểu, danh thọ. — Cung tên ngang dọc, cơm áo nặng dầy: những chữ ấy nói về ý gì? — Son sắt, tuyết sương: nghĩa bóng những chữ ấy trong bài này. — Mài nanh, giũa vuốt: nghĩa đen và nghĩa bóng. — Thù không đội trời chung là thù thế nào? — Vén cánh, nương vây: nghĩa đen và nghĩa bóng. — Cõi bắc là đâu? — Phận truy tùy là phận những người nào? — Thích rõ nghĩa những chữ , duyên, mệnh, số. — Gan vàng, mệnh bạc: ý nói gì? — Nghĩa chữ bạc ở đây. — Phép trọng, thân khinh là thế nào? — Xương đồng da sắt: nghĩa bóng những chữ đồng và sắt ở đây. — Bảo kiếm: nghĩa đen là gì? Đây nói về ai? — Màn sương đệm gió, cõi suối làng mây: những chữ ấy nói ý gì? — Ngọn còi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui, dịp trống dồn hoa, chốn tươi chốn ủ: sao thế? — Nghĩa những chữ trường oanh-liệt, hội tao-phùng. — Mùi chung đỉnh, vẻ áo xiêm: nói ý gì? — Kẻ khuất người còn là nói những ai? — Ai là thầy, ai là tớ? — Cảm thông, linh thính là thế nào? — Nghĩa chữ oan ở đây. — Biểu dương, tồn tuất là thế nào? — Theo lý-thuyết của ta thế nào là linh thiêng? — Nói qua về lý-thuyết sinh hóa của ta.

2. Nhặt (lặt) trong bài văn này những đoạn nào là thống-thiết, là hùng-hồn? — Tác-giả dùng những cách gì để làm cho người nghe phải cảm-động, kích-thích (thành-thực, ký-ức)? Tại sao ta đọc bài văn này thấy cảm-động kích-thích? Có phải vì lòng thành-thực và mối cảm-tình của tác-giả chính là một người chủ-động trong các việc kể trong bài này không?

3. Cứ xem bài văn này thì một bài văn-tế hay khác các bài văn lề-lối tán-tụng vì những điều gì?


   




Chú thích

  1. Mạng.
  2. Ghe
  3. Quá. —
  4. Biển.