BÀI TUỒNG


Lối tuồng xưa của ta là lối vận-văn. Thường là trích lấy một việc trong lịch-sử hay trong truyện xưa, đặt thành hồi, thành cảnh, diễn thành lời nói của người xưa để thuật lại sự-trạng tính-tình của các vai trong tấn tuồng. Trong lối tuồng cũ của ta không theo phép “tam nhất-chí” (règle des trois unités) như lối tuồng tây, thường nhiều bản kể công việc sẩy ra trong mấy năm trời ở nhiều nơi nhiều chỗ.

Gần đây mới có người soạn vở tuồng theo lối văn xuôi. Sau đây xin kể qua thể-cách lối tuồng cũ của ta.

Trong lối tuồng ta có nhiều giọng nói. Thường một vai mới ra đọc một vài câu gọi là câu xướng hay câu bạch, thường đặt theo lối thơ. Nói chuyện kể việc gọi là câu nói, đặt mỗi câu 4, 5 chữ hoặc 6, 7 chữ đối nhau, cứ chữ cuối câu thứ nhì tiếp vần xuống chữ cuối câu thứ ba mà câu cuối thường hạ tiếng trắc. Nói dứt lời thường hát một vài câu gọi là câu vãn: câu vãn thường láy lại mấy tiếng cuối câu trên, rồi hạ xuống một hai câu lục-bát. Đọc thơ gọi là ngâm. Gặp lúc buồn và sầu thảm đọc mấy câu gọi là câu than dùng lối thơ hay là lối lục-bát. Gặp lúc khoan-khoái thảnh-thơi đọc mấy câu gọi là câu khách thường dùng lối phú đặt bằng chữ nho. Hát cho bổ ý câu nói hay thi hành câu nói gọi là loạn, hoặc dùng lối thơ, hoặc dùng lối phú.