Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
91 — Bà Thị-Kính xuất gia đi tu của Vô danh thị

91 — BÀ THỊ-KÍNH XUẤT GIA ĐI TU

Phòng riêng vò-võ hôm mai,
Trông ngày đằng-đẵng lại dài hơn năm.
Thương chàng giọt ngọc đầm-đầm.
Mùi ăn chẳng nhớ, giấc nằm chẳng ngon.
Nực cười sự cỏn còn con,
Bằng lông mà nẩy ra cồn Thái-sơn.

Vẻ chi chút phận hồng-nhan,
Cành hoa nở muộn thời tàn mà thôi.
Tủi thay tóc bạc (hạc) da mồi,
Vì ai nên phải đứng ngồi chẳng khuây.
Vò giày chút phận thơ ngây,
Sự vui chẳng thấy, thấy ngay sự phiền.
Lấy chi báo đức sinh-thiềng 1,
Để đem má phấn mà đền trời xanh?
Có khi dốc chí tu-hành,
Lánh mình trần-tục, nương mình thuyền-môn 2.
Độ-trì nhờ đức Thế-tôn 3,
Nhỡ nhàng[1] thuở trước, vuông tròn mai sau.
Nghiêm-từ 4 dành phúc về sau,
Họa đền nghĩa nặng ân sâu nghìn trùng[2].
Thượng-thừa 5 là phật là tăng,
Xích-thằng đã ải, kim-thằng 6 hẳn dai.
Chỉn e thưa gửi rõ bài,
Thương con ắt chẳng nỡ hoài cho đi.
Thôi thôi xuất cáo làm chi,
Thân này còn quản thị-phi được nào.
Bàn thầm mọi lẽ thấp cao,
Ba mươi sáu chước, chước nào là trên 7?
Xuất gia quyết một tâm liền,
Phụ tinh, đới nguyệt 8 bước lên dặm tràng.
Quần chân áo chít dịu-dàng,
Giả hình nam-tử ai tường căn-nguyên.

CHÚ THÍCH. — 1. Đức sinh-thiềng (hay thành) là công ơn cha mẹ đẻ ra mình và gây dựng cho mình. — 2. Là cửa Phật. — 3. Đức Thế-tôn là đức Phật tổ. — 4. Nghiêm từ là cha mẹ: Chữ nghiêm nói về cha, chữ từ nói về mẹ. — 5. Là cỗ xe lớn, ý nói phép Phật như cỗ xe lớn đưa người ta đi đến cõi Phật. — 6. Xích-thằng là dây đỏ như chữ tơ-hồng, chỉ việc nhân-duyên vợ chồng; Kim-thằng là dây vàng, chỉ phép Phật mầu-nhiệm. (Điển trong kinh Phật). — 7. Tích lấy ở Nam-bắc-triều: Đàn-công bảo Vương kính-Tắc: « Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách » nghĩa là trong ba mươi sáu chước, chước chạy là hơn. Xem câu trong truyện Kiều: « Ba mươi sáu chước chước gì là hơn ». — 8. Nghĩa là đầu đội sao trăng; ý nói lúc ban đêm.

   




Chú thích

  1. Lỡ-làng. —
  2. Có bản chép: ân sân gọi rằng.