Quốc văn trích diễm/Quan Âm Thị Kính truyện

Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
Quan Âm Thị Kính truyện

QUAN-ÂM THỊ-KÍNH TRUYỆN

Vô-danh thị

Truyện này là truyện bà Thị-Kính người nước Cao-Ly, nguyên kiếp trước là đàn ông, tu hành đắc đạo sắp thành Phật, nhưng đức Thích-Ca muốn thử lòng, mới bắt đầu-thân xuống làm con gái nhà họ Mãng, rồi suốt đời bắt gặp nhiều cảnh oan khổ để xem sao.

I. Lớn lên có tài sắc, có nết na, cha mẹ gả cho một người thư-sinh tên là Thiện-Sĩ con nhà họ Sùng. Hai vợ chồng ăn ở với nhau rất hòa thuận. Một đêm chồng ngồi đọc sách, bà ngồi cạnh khâu, chợt khi chồng mệt tựa bên mình ngủ, bà trông trên cầm chồng, thấy râu mọc ngược, sẵn con dao cầm tay mà sắp cắt đi. Bỗng chồng giật mình thức dậy, thấy thế tưởng vợ có bụng hại mình, liền kêu (la) lên; cha mẹ chạy đến cứ một mực đổ riết cho bà, rồi sai mời cha bà sang trách móc và trả lại con.

II. Bà về nhà cha mẹ, nỗi oan-uổng, tình âu-sầu, không thổ-lộ cho ai biết được; thoạt tiên bà toan bề tự tận, nhưng nghĩ mình là con một, cha mẹ thì già, không nỡ dứt tình; bà bèn quyết chí đi tu cho tròn quả phúc để đền ơn sinh-thành. Bà mới giả hình nam-tử, đổi tên Kính-Tâm, trốn nhà đến tu ở chùa Vân-tự.

III. Kính-Tâm nương-náu cửa chùa, mối sầu nguôi dần. Bỗng đâu một cái tai vạ bất kỳ sẩy đến. Nguyên ở gần chùa có một người con gái là Thị-Mầu đương kén chồng, thường đến lễ chùa, thấy Kính-Tâm dáng người có duyên, sinh ra phải lòng, Kính-Tâm thì vẫn hờ-hững thờ-ơ; nhưng Thị-Mầu lửa dục đã nhóm lên khó dập tắt được, mới thông-dâm với đứa thương-đầu (đầy tớ) thành ra có mang. Làng biết gọi ra tra hỏi. Thị-Mầu đổ cho Kính-Tâm. Kính-Tâm khó bề biện-bạch, làng mới sai đánh và bắt khoán: thế lại mắc oan tầy đình lần thứ hai nữa.

IV. Được ít lâu Thị-Mầu sinh đứa con trai đem ra chùa bảo trả Kính-Tâm. Kính-Tâm nghĩ thương thằng bé mới đem về nuôi nấng chỉ mình biết lòng mình; được ba năm, đứa bé đã khôn lớn, coi bộ khôi-ngô, thì Kính-Tâm bỗng bị đau mất: thế là Phật đã cho siêu thân rồi đó. Trước lúc chết viết một bức thư để lại cho cha mẹ.

V. Sau sư vãi trong chùa ra thăm, xét di-hài mới biết Kính-Tâm là đàn-bà, bấy giờ làng mạc mới biết tình oan của bà. Lại đến khi nhà xem bức thư tuyệt-mệnh (mạnh) mới biết tội giết chồng là oan. Chồng từ khi bà đi cũng có lòng thương nhớ, đến khi thấu tình đầu, bèn cùng với cha mẹ bà sang bên chùa ma chay, rồi cũng trọn đời tu hành ở đấy. Sau đức Phật xét bà quả là người tu hành đắc-đạo cho bà làm Quan-âm bồ-tát.

Xét trong kinh Phật, bồ-tát (bodhisattva) là bậc tu-hành gần trọn đạo còn một kiếp nữa là thành Phật. Đức Quan-Âm cứ trong kinh Ấn-Độ tức là Avalokiteçvara, ngài sắp thành phật nhưng còn muốn cứu thoát cả chúng-sinh trong trần-thế rồi mới thăng Phật. Đến khi đạo Phật truyền sang Trung-quốc mới nhân truyện một vị nữ-thần là bà Thị-Kính mà đem làm Phật Quan-Âm. Kể đối với lịch-sử thì cũng có một phần sai lạc, nhưng cứ xét tình-tiết trong truyện thời thật là hay mà một người có bụng từ-bi như bà Thị-Kính này cũng đáng vào bực bồ-tát.

Đến như lời văn quyền (cuốn) truyện này thì dù không réo-rắt như văn Cung-oán, không sắc thép như văn truyện Kiều, nhưng thật thanh thoát tao nhã, nhiều đoạn không kém gì văn hai quyển kia mà không có chỗ nào quê kệch, câu nào non ép, thật cũng là một quyển truyện có giá trị trong quốc-văn ta.