Quốc văn trích diễm/92
92 — BÀ THỊ-KÍNH NUÔI CON THỊ-MẦU
Tiểu đương tụng niệm khấn nguyền,
Bỗng nghe tiếng trẻ dưới hiên giật mình.
Ngảnh đi thời dạ chẳng đành,
Nhận ra thì hóa ra tình chẳng ngay.
Gớm thay mặt dạn[1] mày dầy!
Chân-chân rằng: « Trả con đây » mà về.
Cơ thuyền kể đã khắt-khe,
Khéo xui ra đứa làm dê-đêu mình.
Nhưng thôi trong dạ hiếu sinh 1,
Phúc thì làm phúc, dơ đành phận dơ.
Cá trong đáy nước sởn-sơ,
Thời nay chẳng cứu còn chờ khi nao.
Chẳng sinh cũng chịu cù-lao 2,
Xót tình măng sữa nưng vào trong tay.
Buổi sau sư-phụ mới hay,
Dạy: « Như thế ấy thì thầy cũng nghi.
« Nếu như khác máu ru thì,
« Con ai mặc nấy can gì đa mang? »
— Bạch rằng: « Muôn đội thầy thương,
« Xưa nay thầy dạy mọi đường nhỏ to.
« Dẫu xây chín đợt phù-đồ 3,
« Sao bằng làm phúc cứu cho một người.
« Vậy nên con phải vâng lời,
« Mạng người khôn lấy làm chơi mà liều ».
Sư nghe thưa thốt mấy điều,
Khen rằng: « Cũng có ít nhiều từ-tâm.
« Ngỡ là nước lã mà lầm,
« Cũng đem giọt máu tình thâm hòa vào ».
Mẹ vò thì sữa khát khao,
Lo nuôi con nhện 4 làm sao cho tuyền.
Nưng niu xiết nỗi chuân chuyên,
Nhai cơm mớm sữa để nên con người.
Đến đâu ai cũng chê cười,
Tiểu kia tu có trót đời được đâu.
Biết chăng một đứa thương-đầu 5.
Mình là hai, với Thị-Mầu là ba.
Ra công nuôi bộ thực là,
Nhưng buồn có trẻ hóa ra đỡ buồn.
Khi trống gióng, lúc chuông dồn,
Tiếng chuông lẫn tiếng ru con tối ngày.
Phù trì như thổi ra ngay,
Lọ phương hoạt-ấu 6 lọ thầy bảo anh 7.
Độ trì đã sẵn kim-kinh 8,
Ma-vương 9 kia cũng phải kinh lọ là.
Thoi đưa tháng trọn ngày qua,
Mấy năm mà đã lên ba tuổi rồi.
Con mày 10 mà giống cha nuôi,
Hình dung ý tứ khác vời bản sinh.
Mai ngày đến lúc trưởng thành,
Cơ-cừu 11 dễ sáng tiền-trình hơn xưa.
CHÚ THÍCH — 1. Muốn cho được sống. — 2. Cù lao nghĩa là nhọc nhằn luôn (hoài), thường dùng để nói công ơn cha mẹ, đây là nói người trông nom nuôi nấng một đứa bé. — 3. Phù-đồ là tháp nhà chùa. — 4. Theo câu ca dao ta: « Tò vò mà nuôi con nhện... ». Ý nói nuôi con của người khác. — 5. Thương-đầu là đứa đã thông dâm với Mầu-thị mà đẻ ra đứa bé ấy. — 6. Hoạt-ấu là làm cho đứa bé sống. — 7. Bảo-anh là giữ gìn trẻ thơ. — 8. Là kinh vàng, chỉ kinh Phật. — 9. Là các ma quỷ. Ý nói nhờ đức Phật mà phù hộ cho đứa bé được mạnh khỏe. — 10. Con mày: con của người khác, mình xin về nuôi. — 11. Thúng và áo cừu; nói một người con nối nghiệp cha mà lại giỏi hơn cha, như con thợ uốn cung lại biết thêm nghề đan thúng, con thợ rèn biết thêm nghề làm áo cừu.
Chú thích
- ▲ Dặn.