Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
86 — Hai bên thề nguyền cùng nhau của Nguyễn Huy Tự

86 — HAI BÊN THỀ NGUYỀN CÙNG NHAU

TIỂU DẪN. — Đoạn này là chỗ Lương-Sinh và Dao-Tiên hai người thề-nguyền gắn-bó với nhau.

Trên yên bút giá, hương bình,
Tiên hoa ngày trước để dành hai trương.
Tiên thề tay thảo một chương,
Lọn lời chép núi, đầy hàng tạc sông 1.
Chứng trên vằng-vặc vừng trong 2,
Lại ghi Hương, Nguyệt 3 trên dòng cuối trương.
Triện-thành 4 nghi-ngút tuôn nhang,
Mấy lời khấn nguyện mặc chàng trước sau.
Ép nài nể ý đôi hầu,
Vén xiêm ngồi xuống gật đầu vài phen.
Văn thề trao chịu hai tiên,
Kìa lòng vàng đá, nọ nguyền tóc tơ.
Ỷ hoa 5 song-sóng người thơ,
Bóng hồng chung vẻ hương đưa lẫn mùi.
Cờ lòng 6 nghe cũng láng-lai,
Trong khi gắn-bó ra bài lần-khân.

Nàng rằng: « Bồ-liễu 7 chút thân,
Móc đường 8 những lệ chúa xuân phải phiền.
Trăm năm nhẹ một tấm nguyền,
Vừng soi đã hổ với trên đỉnh đầu.
Thề lòng đợi bến hà-châu 9,
Đợi nhau trên Bộc trong dâu 10 ru mà!
Dám xin tính rộng toan xa,
Bảng vàng treo đã, đuốc hoa 11 vội gì.
Một chiều thêm một nể vì,
Lọ mây ngồi với mưa đi mới tình.
Chuyện-trò thêm gắn sắt đanh,
Dùi sương chợt mảng trên thành điểm năm.
Giục ai giọt lệ khôn cầm,
Rốn thêm căn-vặn, lưu tâm mấy lời.
Sầu đâu cũ mới xui người,
Bên băng gác tía, bên dời song thưa.

CHÚ THÍCH. — 1. Lời thề lâu bền tựa núi sông. — 2. Là vừng trăng; trên có mặt trăng chứng giám. — 3. Là tên hai con hầu của nàng Dao-Tiên lúc bấy giờ cũng có mặt ở đấy. — 4. Là cái nắp lư-hương con triện. — 5. Là ghế. — 6. Theo câu thơ cổ: Lòng ta phấp-phới như cờ bay. — 7. Là cây bồ cây liễu, hai thứ cây yếu-ớt ví như người đàn bà. — 8. Sương móc ngoài đường. Xuất điển ở câu kinh Thi: « Yểm-ấp hành lộ, khởi bất túc dạ, vị hành đa lộ ». (Ngoài đường đầm-đìa những sương móc, ta há chẳng muốn đi khuya đi sớm, vì sợ ngoài đường nhiều móc). Ý nói người con gái sợ ra đường gặp người ghẹo bỡn. — 9. Hà châu là bãi sông, xuất điển ở câu kinh Thi: « Quan-quan thư-cưu, tại chi châu, yểu-điệu thục-nữ, quân tử hảo-cầu. » (Ríu-rít chim thư-cưu, kêu ở ngoài bãi sông, yểu-điệu người thục-nữ, sánh đôi cùng người quân-tử). Thơ khen bà phi vợ vua Văn-vương nết-na đoan-chính. — 10. Bộc là sông Bộc. Đời Xuân-thu vua nước Vệ đi qua sông Bộc, nghe thấy có tiếng đàn dâm lắm, hỏi ra mới biết ngày xưa có quan Thái-sư vua Trụ trẫm mình ở đấy, nên những bài đàn (đờn) ấy vẫn lưu truyền tự đời vua Trụ. Trong dâu: chữ lấy trong kinh Thi: « Kỳ ngã vu tang trung » (hẹn ta ở trong bãi dâu), Trên bộc trong dâu: nghĩa bóng nói thói dâm-bôn. — 11. Bảng vàng là bảng biên tên các người thi đỗ (đậu); ý nói đi thi đỗ. Đuốc hoa đốt ở phòng vợ chồng mới; ý nói cưới vợ.