Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
87 — Hai bên lại gặp nhau của Nguyễn Huy Tự

87 — HAI BÊN LẠI GẶP NHAU

TIỂU-DẪN. — Đoạn này là lúc Lương-Sinh ly-biệt Dao-Tiên đã lâu lại gặp nàng rồi cùng kể tâm-sự cho nhau nghe.

Tưởng bây giờ là bao giờ?
Song song đôi mặt còn ngờ chiêm-bao.
Bấy lâu mưa khóa gió rào.
Ngoài muôn nghìn dặm biết bao nhiêu tình.
— « Biết đâu hương lửa ba-sinh,
« Còn trăng còn gió còn dành duyên ta.
« Dịp đâu đã nhỡ[1] lại hòa,
« Mới là tơ vận, mới là nguyệt xoay. »
Nàng nghe giọt tủi thêm đầy,
Cạn lời lại giãi niềm tây mọi lời.
— Rằng: « Vâng mừng trộm cho người.
« Đã duyên đằm-thắm lại vời giầu sang.
« Tiếc thay sương tuyết cũ càng.
« Lối duyên ai nghĩ tự chàng rắc gai.
« Thề hoa vì tiếng hơi hơi,
« Vẫn ghi lòng kẻo thẹn lời với hoa.[2]
« Soi người còn đó trăng già,
« Ai ngờ vàng đá xẩy ra cát lầm.
« Duyên đâu nữa để mà làm!
« Dện[3] vương lại mấy phen nhầm[4] nữa đây.
« Bấy lâu chút mảnh riêng tây,
« Ái-ân này đến đêm này là xong.
« Tiên thề dù hãi chút lòng,
« Trên mồ một chén, rượu trong cũng là.
« Thói thường ấm lạnh thế mà,
« Trách ai rẻ-rúng cho ta sượng-sùng.
« Giãi lòng với mảnh trăng trong,
« Tạ lòng vâng đã biết lòng thế thôi. »
Trước lan so bóng ngán lời,

Trăng mờ gương lạnh, dế rời khúc ngâm.
Gió thương mây thảm âm-thầm,
Dần-dần ngọn hạnh như đầm hạt mưa:
— « Chủ-trương kia hỡi ông tơ!
« Nào ai gió lật trăng lừa với ai!
« Mảnh gương ai bẻ làm hai,
« Biết đâu mà được giãi bày duyên-do.
« Mảnh son 1 dầu được giải cho,
« Thì cam há quản tươi khô 2 đâu mà.
« Kể từ doanh-liễu dời xa,
« Cửa Lưu 3 khi ép, đình ba 4 khi tìm.
« Bắc nam dặm dứt đường chim 5,
« Vì ai bèo nổi mây chìm bấy lâu!
« Nắm xương mai, sá nghĩ đâu,
« Nghĩ chăng, nhưng nghĩ lầm nhau tại mình.
« Hay đâu cơ-hội còn dành,
« Gác vàng lại nhủ gió thanh đưa đường.
« Buổi này hợp mặt tròn gương,
« Mới hay còn có lửa hương kiếp này.
« Nhân sao nương náu chi đây?
« Những sao nông-nổi bấy nay dạy cùng. »
Càng nghe càng một não-nùng,
Ai hay ai cũng còn lòng chưa quên.
Tình kia nào phụ chi duyên!
Gió run mưa rẩy cho nên cớ nào!
Sự-tình kể hết tiêu-hao:
« Đã đành chiếc bách 6 sóng đào lênh-đênh.
« Thương ôi muôn dặm biên thành,
« Xa-xôi nào thấu dữ lành tin hơi.
« Xót lời nên mới ngỏ lời,
« Gặp nhau cùng khách quê người biết sao. »
Một cơn gió giật mưa dào,
Nhẽ này người quyết dạ nào đinh-ninh.

— « Bụi Hồ 7 quét sạch sành sanh,
« Ơn trên sau nữa nghĩa mình giả[5] xuôi.
« Hẳn dù nhầm nhỡ[6] lứa đôi,
« Trót thề để chút đền bồi cũng xong.
« Họa khi trời cũng chiều lòng,
Một chuông vàng 8 một chỉ hồng 9 cũng hay!
« Bọc da 10 dù đến thân này,
« Cũng đành tỏ chút tình ngay với người.
« Kiếp này đã dở dang rồi,
« Ra chi mà có tiếc đời làm chi!
« Thôi thì thôi có nghĩ gì,
« Thiệt mình mà giả[5] được nghì cũng nên ».

CHÚ THÍCH. — 1. Là tấm lòng, tâm sự mình. — 2. Là sống chết. — 3. Là cửa nhà họ Lưu; đây Lương-Sinh nói đến việc cha mẹ ép phải lấy con gái Lưu Tể-tướng. — 4. Là « đình Vọng-ba » (đình ngồi xem sóng) là nơi Lương-Sinh và Dao-Tiên thề nguyền cùng nhau; đây Lương-Sinh nói việc sang tìm nàng ở chốn cũ. — 5. Đường chim: xuất điển ở câu thơ ông Đỗ-Phủ: « Quan tái cực thiên duy điểu đạo » (cửa ải ngất trời, chỉ có đường chim đi được). — 6. Là thuyền (ghe) gỗ bách; đây ví thân phận lênh-đênh như chiếc thuyền ở giữa bể. — 7. Là giặc rợ Hồ. — 8. Dịch nghĩa chữ Kim-chung; chỉ sự làm quan. — 9. Dịch nghĩa chữ xích thằng: nói về việc hôn-nhân. —10. Là chết ở chiến trường lấy da bọc thây.

   




Chú thích

  1. Lỡ
  2. Huê
  3. Nhện
  4. Lầm.
  5. a ă Trả. —
  6. Lầm lỡ.