Nhạc xuân  (1940) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Hương cố nhân do nhà xuất bản Á Châu ấn hành vào năm 1941.

Hôm nay là xuân, mai còn xuân;
Xuân đã sang đò nhớ cố nhân.
Người ở bên kia sông cách trở,
Có về Chiêm Quốc như Huyền Trân?[1]

Hôm nay là xuân, mai còn xuân;
Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân.
Phận gái ví theo lề ép uổng,
Đã về Chiêm Quốc như Huyền Trân?

Hôm nay là xuân, mai còn xuân,
Lăng lắc đường xa nhớ cố nhân.
Nay đã vội quên tình nghĩa cũ,
Mà về Chiêm Quốc như Huyền Trân?

Hôm nay là xuân, mai còn xuân;
Một cánh đào rơi nhớ cố nhân.
Cung nữ như hoa vườn Thượng uyển.
Ai về Chiêm Quốc với Huyền Trân?

Hôm nay là xuân, mai còn xuân;
Rượu uống say rồi nhớ cố nhân.
Đã có yêu nhau là đến thế,
Đừng về Chiêm Quốc nhé Huyền Trân?

Đừng về Chiêm Quốc nhé Huyền Trân.
Ta viết thơ này gửi cố nhân,
Năm mới tháng giêng mồng một tết,
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.

Huyền Trân ơi!
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi.
Giờ đây chín vạn bông trời nở,
Riêng có tình ta khép lại thôi!


Khai bút năm Canh Thìn 1940

   




Chú thích

  1. Huyền Trân: công chúa thời Nhà Trần, từng được gả cho Quốc vương Chiêm Thành. Ngụ ý ở đây là Nguyễn Bính dẫu cho có nhớ nhung thì người cố nhân vẫn cứ đi, cũng như không thể ngăn cản được Huyền Trân theo chồng về Chiêm Quốc.

 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)