HỒI THỨ TƯ

Bến Bình-than hội đồng đại nghị,
Bãi Đông-bộ điểm tướng duyệt binh.

Vua Nhân-tôn được tin Lương-Uất về báo, ngài ngự thuyền rồng ra sông Bình-than (thuộc về huyện, Chí-linh tỉnh Hải-dương), để hội các vương hầu lại nghị kế. Bấy giờ Tướng-quốc Thái-úy là Trần-quang-Khải, Khâm-thiên đại-vương là Trần-nhật-Hiệu, Chiêu-văn vương là Trần-nhật-Duật, Hưng-đạo vương là Trần-quốc-Tuấn, cùng là các quan văn võ ra hội tại cả đấy.

Chiêu-văn vương Nhật-Duật tức là con thứ sáu vua Thái-tôn, vào hàng chú vua bấy giờ. Khi mới sinh ra, có hai chữ « Chiêu-văn » in trên bàn tay, bởi thế phong làm Chiêu-văn vương. Đến khi cả nhớn có gan có trí, đủ cả văn võ tài lược. Trong năm Thiệu-bảo thứ hai, có giặc ở Đà-giang[1] khởi loạn, tướng giặc tên là Trịnh-giốc-Mật, kiệt hiệt một góc sơn-lâm. Triều-đình sai Nhật-Duật đi dẹp đám ấy. Nhật-Duật cho người vào dụ giặc ra hàng. Trịnh-giốc-Mật nói rằng: « Chiêu-văn vương dám xuất thân đến dụ ta, thì ta mới hàng. » Nhật-Duật thấy nó nói vậy đi ngay. Các tướng sĩ can lại nói rằng: « Bụng giặc bất trắc, đại-vương biết thế nào mà đã dám mang thân vào hang hổ. » Nhật-Duật cười nói rằng: « Giặc có ý thử ta, nếu ta không đi, thì tất nó cười ta là nhát. Vả lại ta đi, đem bụng thực thà xử với nó, chắc là nó cũng không bụng nào hại ta; mà cho nó có giết ta nữa, thì triều-đình chẳng thiếu gì người, can gì các ngươi phải lo sự ấy. » Nói đoạn chỉ đem 5, 6 đứa tiểu-đồng, điếu tráp thung dung đến thẳng trại giặc. Quân Mán thấy Nhật-Duật đến, dàn ra hai bên, gươm tuốt trần, cung giương sẵn, trông cả vào Nhật-Duật. Nhật-Duật cứ dịu dàng đi vào, coi như không vậy. Trịnh-giốc-Mật thấy người cả gan, mà đi chân tay không cả, mới ra mời vào ngồi chơi, làm rượu khoản đãi. Nhật-Duật vốn thuộc tiếng Mán, mới lấy nhời tử tế dỗ dành và có ý dọa để dụ ra hàng. Hai bên trò chuyện một hồi, ăn uống vui đùa. Quân Mán thấy vậy lấy làm hả dạ, mới cùng dủ nhau ra hàng. Từ đó vua yêu mến trọng dụng, có việc gì to thường hỏi đến.

Trong khi vua đi thuyền xuống bến Bình-than lại gặp thuyền Nhân-huệ vương Trần-khánh-Dư. Khánh-Dư khi trước vì cớ tư thông với Thiên-thụy công-chúa, phải tội cách hết chức tước, tịch ký cả gia-sản, đuổi ra ở huyện Chí-linh. Khánh-Dư ra đó nghèo lắm, làm nghề bán than kiếm ăn. Khi nay gặp thuyền của vua, Khánh-Dư đang lúc chở than đi bán, đầu đội nón mê rách rưới, mình mặc áo ngắn lôi thôi. Khánh-Dư nghĩ mình bệ-rạc, tránh thuyền vào ven bờ, vua nhác trông thấy cho đòi đến. Khánh-Dư cứ ăn mặc như thế đi lại. Vua động lòng thương nói rằng:

— Không ngờ tài giai, mà khốn khổ như thế, nay trẫm tha tội và phục chức cho.

Khánh-Dư lạy tạ ơn vua. Vua liền ban cho cái áo-ngự, rồi cho theo ngồi hàng dưới các vương hầu.

Các vương hầu văn võ dần dần đến hội cả đấy, vua phán rằng:

— Nguyên chúa cất 50 vạn đại quân, muốn mượn đường nước ta sang đánh nước Chiêm-thành, chưa biết hư thực thế nào, các ngươi nghĩ làm sao?

Khâm-thiên đại-vương là Trần-nhật-Hiệu tâu rằng:

— Nguyên triều nước nhớn, binh cường, đánh đâu phá đấy, nay mượn đường sang đánh Chiêm, nếu ta không cho mượn thì tất sinh sự khích bác, quân ta cự sao cho nổi, chi bằng ta cho mượn đường là hơn.

Thượng-tướng là Trần-quang-Khải tâu rằng:

— Nguyên chúa chỉ vì một nỗi bệ-hạ không vào chầu, muốn gây truyện sinh sự, mới mượn đường sang đánh Chiêm-thành. Nếu ta cho mượn thì có cơ nguy, mà cự lại thì không nổi, thiết tưởng lại sai sứ sang cầu hòa, chịu nộp thêm đồ cống hiến, để cho Nguyên chúa đi đường khác mà sang Chiêm thì tiện hơn.

Trần-khánh-Dư tâu rằng:

— Tâu bệ-hạ, bệ-hạ đã thứ tội cho tôi, để tôi được theo hầu hội nghị, vậy tôi nghĩ được thế nào, xin tâu lên bệ-hạ nghe. Quân Nguyên thị hùng khinh ta đã lâu, mấy năm nay, thường thường muốn sinh sự tranh lấn; chuyến này chắc là giả tiếng sang đánh Chiêm-thành, kỳ thực là đến úp ta đó, xin bệ-hạ liệu kế mà phòng giữ mới được.

Vua lấy nhời ấy làm phải, hỏi Hưng-đạo vương rằng:

— Hưng-đạo vương nghĩ làm sao?

— Tâu bệ-hạ, Nhân-huệ vương nói chí phải, xin bệ-hạ cho chia quân ra đóng giữ các nơi hiểm yếu, sai đại-tướng thống lĩnh đại-quân, giữ chặn cửa ải, nhất định không cho mượn đường, nếu có sinh sự đánh nhau, thì ta liệu thế tùy cơ mà đánh, bằng cho nó mượn đường, thì không khác nào mở cửa cho hùm vào trong nhà.

— Đã đành ngươi nói thế là rất phải, nhưng trẫm chỉ e rằng thế lực của Nguyên-triều, gấp mười gấp trăm của nước ta, không biết đánh có nổi được không?

Hưng-đạo vương lại tâu rằng:

— Quân Nguyên tuy mạnh hơn ta, nhưng tự bên ấy sang bên này, đường sá xa xôi, muôn non nghìn nước, trải bao nhiêu vất vả mới đến được đây. Nếu ta văn võ đồng lòng, trên dưới hiệp sức, biết dùng mưu đặt mẹo mà đánh, thì chắc là phá được.

Vua lấy làm hợp ý lắm.

Chiêu-văn vương Nhật-Duật bước ra tâu rằng:

— Quân Nguyên chỉ chăm sự tranh bờ lấn cõi, tham lam vô cùng, không khác nào giống lợn lòi, rắn độc, nếu vua tôi chuyến này không hết sức đồng lòng mà đánh, thì để vạ về sau còn nhiều.

Vua thấy nhiều người chủ về mặt đánh, cũng hợp với ý mình, mới hỏi rằng:

— Các ngươi nói sự đánh, thì trẫm cũng thuận lắm, nhưng trong các vương hầu có ai làm được Nguyên-súy, thống lĩnh đại quân ra đánh giặc cho trẫm không?

Chiêu-văn vương tâu rằng:

— Chúng tôi tài nhỏ trí mọn, không ai làm nổi được đại-tướng. Duy có Hưng-đạo vương văn võ toàn tài, trí mưu xuất sắc, bệ-hạ nên cất làm đại-đô-đốc, thì mới có thể phá được giặc.

— Phải lắm! Hưng-đạo vương nên giúp cho trẫm việc này.

Hưng-đạo vương từ nói rằng:

— Tâu bệ-hạ, tôi học còn thiển, không kham nổi được tài đại-tướng, xin bệ-hạ cử người khác cho.

— Thôi! trẫm đã biết tài sức của vương, vương chớ từ nữa.

Hưng-đạo vương bấy giờ mới chịu nhận.

Bàn định một hồi rồi bãi hội. Bấy giờ có Hoài-văn hầu là Trần-quốc-Toản, mới 15, 16 tuổi cũng theo ra hội, vì còn ít tuổi không được dự bàn, chỉ đứng ngoài nghe lóng, Quốc-Toản lấy làm xấu hổ, căm tức vô cùng, trong tay cầm quả cam bóp vỡ nát ra lúc nào không biết.

Khi tan hội, các vương hầu ai nấy về dinh, sắm sửa khí giới, thuyền bè, chiêu mộ quân-sĩ, dự phòng đi đánh giặc. Quốc-Toản về nhà, cũng tụ họp được hơn một nghìn thân-thuộc, sửa đồ khí giới, may cờ đề sáu chữ: « Phá cường-địch, báo hoàng-ân » lăm lăm chực đi đánh giặc.

Trần-khánh-Dư vì chuyến này nghị luận hợp ý vua, vua phục chức cho làm Phó-đô-tướng-quân, cho theo Hưng-đạo vương đi đánh giặc.

Tháng mười năm ấy, tức là năm Quí-mùi, niên-hiệu Thiệu-bảo thứ năm, (năm Chí-nguyên thứ 20 nhà Nguyên, lịch tây 1283) vua Nhân-tôn cất Hưng-đạo vương làm Quốc-công, tiết chế thống lĩnh hết quân mã các đạo, đốc binh ra phòng giữ quân Nguyên.

Hưng-đạo vương phụng mệnh về nhà, thu dùng hào kiệt, chiêu mộ quân sĩ, sửa sang chiến thuyền, khí giới, dự phòng việc đi đánh giặc.

Nói về con gái Hưng-đạo vương là Trinh công-chúa và một con nuôi là Nguyên công-chúa, bấy giờ đã 15, 16 tuổi, hai nàng cùng nhan sắc, mắt phượng, mày ngài, tóc mây, da tuyết, miệng cười tươi hơn hoa nở, mắt nhìn sáng tựa sóng thu, có dáng nghiêng nước đổ thành, nhạn sa cá lặn. Từ khi nhỏ hai chị em vẫn ở riêng một lầu, học hành, thêu dệt. Một bữa nhân lúc mùa xuân, trăm hoa đua nở, hôm ấy vào giữa hôm dầm tháng ba, bóng giăng ròi rọi, vẻ hoa trập trùng. Hai chị em nhân lúc cảnh vui thú, rủ nhau xuống lầu, ra vườn hoa sau nhà thưởng giăng, gót sen lững thững, dạo quanh trong vườn, mùi lan thơm nức góc tường hoa, bóng thỏ sáng choang trong giếng nước. Hai chị em ngắm nghía nhìn lên trên không, lấy làm thích chí; một nhát đi đến gốc cây mai, hai chị em sai thị-tỳ bày bàn ghế, dọn một mâm rượu, hái mấy quả mơ, đốt lò hương ngũ-vị, hai chị em uống rượu ngâm thơ. Đang khi vui vẻ, bỗng nhiên trông lên thấy có một đám mây ngũ sắc, tỏa ra bốn bề, rồi kết lại thành một đám, từ từ bay xuống vườn hoa; văng vẳng trên mây có tiếng đàn sáo, lại thoang thoảng mùi hương. Hai chị em lấy làm lạ, đứng dậy nhìn xem, thì đám mấy ấy tà tà gần đến đất, rồi thấy một vì tiên-mẫu, tay cầm một cái đuôi-chủ, ngồi trên đám mây, hai bên có hai nàng tiên-nữ đứng hầu. Hai chị em kinh hãi, thụp xuống đất lạy.

Tiên-mẫu ngồi trên mây nói rằng:

— Hai con chớ ngại, ta là Tây vương-mẫu, xuống trần có việc đây.

Hai nàng định thần, vái và tâu rằng:

— Chẳng hay tiên-mẫu xuống đây có việc gì, chúng con mắt trần, xin tiên-mẫu thứ tội cho.

Tiên-mẫu nói:

— Các con ơi! Mẹ phụng mệnh Ngọc-hoàng, đem thanh gươm này xuống cho cha con. Thanh gươm này gọi là Phi-thiên thần-kiếm, mai sau gặp tướng giặc có yêu thuật, phi gươm này không chém nổi, vậy Ngọc-hoàng ban cho cha con, để cha con giúp nước cho được vẹn toàn.

Nói đoạn, sai một tiên-nữ đưa ra một thanh gươm vàng, trao cho hai công-chúa.

Hai công-chúa nhận lĩnh thanh gươm, ngồi quì xuống đất lạy tạ và nói rằng:

— Lạy mẹ! Hai chúng con người trần, không ngờ được hầu hạ mẹ, xin mẹ thư chân, dạy bảo cho chúng con một vài điều.

— Con ơi! Hai con khi xưa cũng là đồ-đệ mẹ, cho nên mẹ mới xuống thăm hai con nhân thể. Cha con cũng là thanh-tiên giáng thế, mới được ban gươm này.

— Lạy mẹ, các con đã là đồ-đệ của mẹ, xin mẹ dạy cho các con ít phép, để con có thể giúp được cha con chăng?

Tiên-mẫu tủm tỉm cười nói rằng:

— Cha con có tài có trí, không cần gì phải phép, duy có khi nào giặc dùng yêu thuật, thì chỉ dùng thanh gươm thần này là phá được. Hai con mai sau: Một con có duyên với đương triều hoàng-đế, làm đến hoàng-hậu; một con lấy được chồng anh-hùng xứng đáng, không phải học đến phép thuật làm gì.

Nói đoạn, bỗng nhiên nổi cơn gió mát, mây bốc lên trên không. Hai công-chúa trông theo lạy, rồi một phút thì thấy đám mấy biến mất.

Trinh công-chúa cầm lấy thanh gươm, hai chị em rủ nhau về lầu nghỉ ngơi. Đêm nằm ngẫm nhời tiên dạy, lại nghĩ đến nhân duyên mình, thổn thức năm canh, mối tình giằn giọc; mới biết nhời thần tiên là thế, nhưng chưa chắc hư thực làm sao. Một nàng thì thấy dạy lấy được chồng anh-hùng, nhưng chưa biết anh-hùng là ai, mặt mũi thế nào, mà đã chắc gì có thực thế hay không. Hai nàng nghĩ ngợi thâu đêm không sao ngủ được.

Sáng hôm sau, Trinh công-chúa cầm thanh kiếm lên nhà trên, thuật lại truyện với mẹ là Thụy-ngọc phu-nhân. Phu-nhân không tin, gọi Nguyên công-chúa đến hỏi truyện, thì quả nhiên có việc ấy. Phu-nhân mới thuật truyện với Hưng-đạo vương, nói hết đầu đuôi như thế. Hưng-đạo vương vốn cũng không tin việc thần-tiên, nhưng trông thấy thanh gươm vàng, có khảm ngọc bốn chữ: « Phi-thiên-thần-kiếm », quả nhiên là gươm quí, ngài mới cầm lấy bỏ túi cất đi một chỗ, để nghiệm về sau xem ra làm sao.

Truyện ấy dần dần bay đến tai vua. Vua nghe tin làm vậy, cho đòi Trinh công-chúa vào cung, mắt rồng trông ra, quả nhiên một vì hằng-nga giáng thế, mới lập lên làm quí-phi. Quí-phi đã nhan sắc, lại có đức hiền, vua sủng ái muôn phần, rồi lập làm hoàng-hậu. Từ bấy giờ Hưng-đạo vương thấy nhời tiên nghiệm, mới có ý tìm kén anh-hùng, để gả chồng nốt cho con nuôi.

Hưng-đạo vương tự khi phụng mệnh đổng nhung, thu xếp thuyền bè, khí giới, dần dần đã đủ. Qua sang tháng tám năm Giáp-thân, truyền hịch cho các vương hầu, hội hết quân-sĩ tại bến Đông-bộ-đầu để điểm duyệt.

Các vương hầu ai nấy dẫn quân bản bộ đến hội, kẻ năm ba nghìn, người một vài vạn, quân thủy, quân bộ lục tục kéo đến bờ sông.

Cạnh bờ sông lập một chòi cao hai từng. Trước chòi dựng một lá cờ thêu sáu chữ Súy. Trên chòi dàn cắm cờ tiết-mao, lưỡi phủ-việt. Ở giữa đặt một hòm ấn, và một thanh thần-kiếm, một lá cờ lịnh. Từng dưới dàn cắm qua, mâu, thương, kích, cờ ngũ-hành, cờ tứ-phương, cờ bát-quái.

Sáng hôm sau, các vương hầu hội tại trên chòi. Hưng-đạo vương ngồi giữa, hai bên hơn 100 tay đao-phủ đứng lưỡng-dực; vương hầu theo ngôi thứ ngồi ra hai hàng. Các tướng-sĩ dàn ra hai bên vệ đường, người nào người nấy, đai nịt chỉnh tề, khí giới sáng quắc. Dưới sông dàn một rẫy chiến-thuyền, mỗi chiếc thuyền cắm một lá cờ đỏ trên mũi.

Trên bộ thì quân mã ở trước, quân bộ ở sau, cuối cùng đến các xe lương thảo, cả thảy quân thủy, bộ hơn 20 vạn quân.

Trên chòi nổi ba hồi trống, Hưng-đạo vương xuống chòi, cưỡi ngựa diễu quanh một lượt, xem xét các cơ các đội, cho đến thuyền bè dưới sông đâu đấy, rồi nổi ba hiệu súng, cơ nào đội ấy, kéo đi diễu vòng quanh một hồi, chiêng trống vang giời, tinh kỳ rợp đất. Ở dưới sông thì chiến thuyền chèo đi một lượt, lượn đi lượn lại, cờ bay phấp phới, thuyền tựa lá tre.

Trong vài giờ đồng hồ, hồi chiêng thu quân, lại đâu về đấy như cũ.

Hưng-đạo vương truyền lịnh cho các vương hầu và các tướng sĩ rằng:

— Bản-chức phụng mệnh thống đốc quân sĩ ra phá giặc. Các vương hầu và các tướng sĩ, ai nấy phải cẩn giữ phép tắc, đi đến đâu không được nhiễu dân, và phải đồng lòng hết sức đánh giặc, chớ thấy thua mà ngã lòng, chớ thấy được mà sinh hợm, việc quân có luật, phép nước vô thân, các ngươi phải giữ.

Các vương hầu cùng xin vâng lịnh.

Hưng-đạo vương trước hết sai Trần-bình-Trọng làm tiên-phong đại tướng, cho cất quân đi trước đóng đồn một rẫy trên sông Bình-than phòng giữ. Sai Trần-khánh-Dư đem quân ra giữ mặt Vân-đồn (thuộc Quảng-yên). Còn các vương hầu thì chia đóng ra các nơi hiểm yếu. Ngài thì đóng đại quân tại Vạn-kiếp (bây giờ thuộc về Hải-dương) để tiếp ứng cho các nơi.

Đó là:

Bắn hổ nên phòng cung nỏ tốt,
Câu ngao phải sắm lưới chài tươm.

Chưa biết việc sau thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.



  1. Tức là sông Bờ.