HỒI THỨ MƯỜI SÁU

Nghiêm thưởng phạt, phép nước công minh,
Vui sơn thủy, đại vương cáo lão.

Hưng-đạo vương bình định xong quân Nguyên, vua thấy ngài có công to với nước, kính trọng muôn phần, tiến phong cho ngài lên làm Thái-sư thượng-phụ Thượng-quốc-công Bình-bắc-đại-nguyên-súy Hưng-đạo đại-vương. Cho phép khi vào chầu được ngồi, tấu đối không phải xưng danh. Vua gọi đến ngài cũng gọi là thượng-phụ, chớ không dám gọi đến tên.

Bấy giờ Thái-úy Trần-nhật-Hiệu, Thượng-tướng Trần-quang-Khải đã mất cả rồi. Công việc triều-đình, nhất thiết do tự Hưng-đạo đại-vương và Chiêu-văn vương Trần-nhật-Duật.

Qua sang tháng tư, bàn định công bình Nguyên, phong cho Hưng-võ vương Nghiễn làm Khai-quốc-công, Hưng-nhượng vương Tảng làm Tiết-độ-sứ, Hoài-văn-Hầu Quốc-Toản cũng được tiến tước phong vương. Còn Hưng-trí vương Nghê vì trái tướng lịnh, chặn đường lúc quân Nguyên tha về, không được tiến trật.

Các tướng khác họ, ai có công to thì cho quốc-tính. Đỗ-khắc-Chung được làm Đại-hành-khiển, Nguyễn-Khoái được phong tước hầu, cho ăn lộc một làng Khoái-lộ[1], Phạm-ngũ-Lão làm quản Thánh-dực-quân, Nguyễn-chế-Nghĩa được phong làm Nghĩa-xuyên-công, Đỗ-Hành được phong làm Quan-nội-hầu. Còn bọn Dã-Tượng, Yết-Kiêu, Cao-Mang, Đại-Hành, cùng là các tướng, hết thẩy được chức tướng-quân.

Khi trước quân Nguyên mới sang, vua sai Phùng-sĩ-Chu bói một quẻ. Sĩ-Chu bói rồi đoán rằng tất đại-thắng. Vua lại sai Trần-thời-Kiến bói một quẻ nữa. Thời-Kiến gieo quẻ được quẻ Dự biến thành quẻ Trấn, đoán rằng: « Mùa hạ sang năm, quân Nguyên tất thua to. » Thứ sau quân Nguyên đến, vua lại sai Thời-Kiến bói một quẻ, thì bói được quẻ Quán biến thành quẻ Hoán, đoán rằng: « Quẻ này là điềm li-tán, quân Nguyên tất phải thua. » Đến khi phá được quân Nguyên, quả nhiên nghiệm cả. Bởi thế phong cho Phùng-sĩ-Chu làm Hành-khiển, Trần-thời-Kiến làm An-phủ-sứ ở châu An-khang.

Trương-hán-Siêu tham tán có công, được cất làm Hàn-lâm-học-sĩ.

Phạm-Ngộ, Phạm-Mại, hai anh em mưu trí nhiều khi giúp được việc to, được thưởng 80 mẫu ruộng ở làng Kim-đôi, tỉnh Hải-dương[2].

Chúa mường là bọn Lương-Uất, Hà-Bổng, Hà-tất-Năng, Hà-Chương có công đem dân binh ra cự giặc, cũng được phong hầu.

Ban thưởng đâu đấy cho các tướng ăn yến một tiệc, rồi ai nấy lĩnh chức thăng quan.

Vua lại sai văn-thần ghi chép công trạng của các tướng, hợp biên làm một quyển sách, gọi là Trung-hưng-thực-lục. Lại sai thợ vẽ tranh truyền thần các tướng, treo trong gác công-thần.

Ban thưởng cho các công-thần đâu đấy, rồi nghị đến tội hàng giặc. Khi quân Nguyên đang cường thịnh, triều-thần lắm kẻ hai lòng, có giấy má đi lại với quân Nguyên. Khi bình định xong, bắt được một tráp biểu hàng của các quan tư thông với giặc. Đình-thần muốn lục ra xét để trị tội. May có thượng-hoàng mở lòng nhân đức, thương kẻ ngu dại, sai đốt cả tráp ấy đi, không lục đến làm gì. Duy những người nào quả thực đã hàng với giặc, thì mới trị tội, hoặc đem đầy, hoặc xử tử. Vì thế bọn Trần-Kiện, Trần-văn-Lộng tuy đã chết rồi, nhưng con cháu phải tước họ tôn-thất, phải đổi làm họ Mai. Trần-ích-Tắc khi trước theo Thoát-Hoan chạy về Tàu, về sau hai nước giao hòa, lại giở về nước Nam. Vua nghĩ tình cận-thân, không nỡ tước họ, nhưng phải đổi gọi là ả Trần, nghĩa là bảo nhút nhát như đàn bà, gọi thế để cho sỉ nhục.

Đặng-Long trước là cận thần, vì không được thăng làm Hàn-lâm-học-sĩ, căm tức theo hàng với Nguyên, khi sau lại bị bắt được, nghị vào tội trảm quyết.

Còn quân dân thì thứ tội cho, duy có hai làng: Bàng-hà, Ba-điểm, trước hết hàng giặc, cả làng phải đồ làm binh lính, không khi nào được làm quan.

Triều-đình khu xử trong việc thưởng, phạt, rất là công minh, quan, dân ai cũng vui lòng.

Bấy giờ thiên-hạ vô sự, bốn phương thái-bình, kế được mùa luôn mấy năm, trăm họ vui vẻ. Thượng-hoàng nghĩ đến công đức Hưng-đạo đại-vương, sai quan về nơi dinh cũ của ngài ở Vạn-kiếp, sửa sang một tòa sinh-từ, thực là tráng-lệ, để thờ sống Hưng-đạo đại-vương. Thượng-hoàng lại thân soạn ra một bài văn bia, kể công trạng của ngài, so sánh ngài với Thái-công-thượng-phụ nhà Chu khi xưa, tứ thời bát tiết, sai quan đem lễ về tận nơi sinh-từ tế bái.

Tháng năm, năm Canh-dần, thượng-hoàng thăng hà.

Qua sang năm Tân-mão, Nguyên chúa sai Thượng-thư là Trương-lập-Đạo sang sứ dụ vua vào chầu. Vua liền sai sứ sang cống hiến, xin từ việc vào chầu. Nguyên chúa ưng nhời, từ đó cứ ba năm một lần sang cống như thường.

Năm Quí-tị, vua nhường ngôi cho thái-từ, tức là Anh-tôn hoàng-đế.

Anh-tôn lên ngôi, tôn Nhân-tôn lên làm thượng-hoàng, cải niên hiệu gọi là Hưng-long thứ nhất. (Niên hiệu Chí-nguyên thứ 30 nhà Nguyên, lịch tây 1293.)

Hưng-đạo vương bấy giờ đã già, danh tiếng quyền thế lừng lẫy một nước, mà từ vua đến dân, ai ai cũng mến đức ngài, dù đến người bên Nguyên-triều, cũng tôn kính ngài, gọi ngài là Hưng-đạo đại-vương, chớ không dám gọi tên.

Ngài muốn cáo lão về nhà hưu dưỡng, mới dâng biểu tâu với Thượng-hoàng và vua xin giao giả quyền chính, trí sĩ về nhà.

Vua không muốn để ngài về, nhưng thấy ngài khẩn khoản xin mãi, vua không nỡ trái ý ngài, mới thưởng cho ngài 5.000 lạng bạc, 3.000 lạng vàng, gấm vóc 5.000 tấm, cùng là ngựa, quí, xe bít ngọc không thiếu thức gì, lại sai mở tiệc đại yến để khoản đãi tiễn hành, trăm quan đều ra bái tiễn ngày về hưu trí. Vua cũng thân tiễn ngài ra khỏi thành 10 dặm mới giở lại.

Ngài có dinh cũ ở Vạn-kiếp, và mới có sinh-từ của Thượng-hoàng lập cho, ngài về tại đó hưu dưỡng.

Khi nào triều-đình có công việc gì to tát, hoặc gặp có lễ triều, lễ cận, thì ngài lại vào chầu, xong việc lại về nghỉ ngơi.

Đền sinh-từ lập ở trên núi Vạn-kiếp, hình núi như tay long ngai, tục thường gọi là núi Tay-ngai. Mé sau rựa vào núi Huyền-đăng, có hàng mấy trăm ngọn cao trờ vờ. Mé trước trông xuống sông Lục-đầu, ngoài sông có một bãi cát, hình như lưỡi kiếm. Hai bên tả hữu lại có hai ngọn núi: Gọi là Nam-tào, Bắc-đẩu, hình thế quanh co, trùng trùng điệp điệp, trông ra rất là ngoạn mục. Trong sân đền có hai cái giếng, một bên trong, một bên đục.

Hưng-đạo vương được chỗ thiên nhiên cảnh thắng ấy, thực là một nơi vui vẻ trong lúc cảnh già. Có khi dắt hai ba tiểu đồng, trèo núi nọ qua đồi kia, nhìn xem phong cảnh; có khi đem một vài đầy tớ, túi đàn, hồ rượu, bơi một chiếc thuyền nhỏ, thung thăng chơi giữa dòng sông. Hoặc có lúc vui cùng bạn hữu, đánh chén trong vườn hoa; hoặc có lúc dắt díu một hai thầy tăng, chơi giăng trước cửa động. Thường thường lại hội vợ con đầy tớ mở cuộc vui vầy. Khi nhàn thì xem sách vịnh thơ chơi. Ngài có soạn ra một bộ binh-thư, nói các mưu cơ dùng binh huyền diệu, gọi là sách Vạn-kiếp-tôn-bí-truyền.

Người sau có bài tràng-thiên vịnh phong cảnh và thú hứng của ngài như sau này:

Giời Nam riêng một cõi Doanh-bồng,
Sơn thủy thiên nhiên cảnh lạ lùng!
Bắc-đẩu, Nam-tào chia tả hữu,
Huyền-đăng trăm ngọn đá chông vông.
Mấy chòm cổ thụ bóng sầm uất,
Một rẫy cao phong thế trập trùng.
Bãi nổi xè xè hình lưỡi kiếm,
Nước trong leo lẻo một dòng sông.
Véo von vượn hót trên đầu núi,
Lác đác hươu ăn dưới gốc thông.
Dáng tỏa chiều hôm chim ríu rít,
Mây tuôn ban sớm khói mịt mùng.
Phong quang bốn mặt trông như vẽ,
Một tọa lâu đài cao sát không.
Rèm ngọc sáng quang mây núi bắc,
Gác hoa bóng lộn sóng triều đông.
Đại-vương khi nhàn rê trượng trúc,
Theo sau một vài gã tiểu-đồng.
Khi đeo bầu rượu qua sườn núi,
Lúc dạo cung đàn bơi giữa dòng.
Thủng thỉnh cuộc cờ khi gió mát,
Ung dung ngâm vịnh lúc giăng trong.
Nghĩ mình thú hứng vui ngày sót,
Ngắm cảnh giang sơn thỏa khúc lòng!
Tuổi già, cảnh thú, công danh trọn,
Than ôi! Đại-vương thực anh-hùng!

Bấy giờ Hưng-đạo vương dưỡng lão ở nhà, các con và các đầy tớ thì làm quan tại triều, hoặc trấn thủ ở ngoại quận. Vua thường thường sai quan mang rượu thịt, hoặc là vị thuốc quí đến thăm nom ngài. Cũng có khi vua ngự giá đến nhà hỏi thăm.

Một hôm ngài đương chơi núi, sực có đầy tớ chạy lại báo rằng:

— Bẩm đại-vương, có thánh-giá đến.

Ngài vội vàng xuống núi về dinh, thì thấy Nhân-tôn thượng-hoàng, Hoàng-thái-hậu (tức là con gái ngài) và vua, cùng các quan thị-vệ đã ở cả trong nhà.

Ngài vội vã lạy mà tâu rằng:

— Lão-thần không được biết trước thánh-giá đến đây, lỗi sự nghinh tiếp, xin thánh-thượng cùng bệ-hạ thứ tội cho.

Vua vội vàng đỡ ngài đứng dậy, mời ngồi một bên, rồi nói rằng:

— Thượng-hoàng, Thái-hậu và trẫm, lâu nay không thấy đại-vương vào kinh, có lòng mong nhớ, cho nên đến thăm.

Thượng-hoàng, Thái-hậu cũng lấy nhời phủ úy đại-vương rằng:

— Trẫm và Thái-hậu khi trước ngày nào cũng được quyến luyến với đại-vương, lâu nay xa vắng, trẫm lấy làm khát khao lắm.

Hưng-đạo vương tạ ơn Thượng-hoàng, Thái-hậu và vua.

Vua lại hỏi rằng:

— Lâu nay đại-vương có được mạnh khỏe không?

— Tâu bệ-hạ, lão-thần nhờ hồng phúc nhà nước, vẫn được bình yên như thường.

Vua sai thị-vệ mở hòm lấy ra một vò rượu ngự-tửu, 10 cân quế Thanh và 10 cặp nhung ban cho ngài, mà nói rằng:

— Trẫm ban cho đại-vương hai thứ này, để đại-vương thưởng chơi lúc nhàn nhã, cho bổ dưỡng thêm tuổi già.

Hưng-đạo vương lạy tạ.

Hôm ấy đại-vương mở tiệc dâng tiến Thượng-hoàng, Thái-hậu, cùng vua và thết đãi các quan thị tụng, rất là vui vẻ.

Thượng-hoàng, Thái-hậu, cùng vua nghỉ lại trong dinh một đêm, sáng hôm sau xa-giá về cung, ngài tiễn ra 3 thôi đường đất rồi giở về.

Tự đó vua thường thường răm ba tháng lại ngự giá đến thăm một lần.

Đó là:

Cảnh thú vui vầy non nước cũ,
Ơn trên quyến cố móc mưa nhuần.

Chưa biết về sau thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.

   




Chú thích

  1. Tức là phủ Khoái bây giờ.
  2. Tức là tổ họ Phạm ở làng ấy bây giờ.