Bình Ngô đại cáo (Mạc Bảo Thần dịch)

Bình Ngô đại cáo
của Nguyễn Trãi, do Mạc Bảo Thần dịch

Bản dịch của Nhượng Tống (ký tên Mạc Bảo Thần) trong Lam Sơn thực lục/Cuốn thứ ba.

Xem thêm:

Thay Trời giáo-hóa, Hoàng-thượng truyền rằng:

Làm việc trọng nhân vì nghĩa, cốt là yêu đám lương-dân.
Cất quân hỏi tội, cứu đời, trước phải trừ loài tàn-bạo!
Thử xét nước nhà: Đại Việt.
Vốn là xứ-sở văn-minh.
Cõi bờ của sông, núi đã chia.
Phong-tục của Bắc, Nam cũng khác.
Từ Triệu Đinh, Lý, Trần, đã dựng thành một nước;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, đều làm chúa một phương.
Dù mạnh yếu có lúc không đều;
Nhưng hào-kiệt chưa đời nào thiếu!
Cho nên: Triệu Tiết thích lớn mà mau mất!
Lưu Cung tham công mà hóa thua!
Mã Nhi đã chết ở bể Bạch-đằng!
Toa Đô lại tù ở ải Hàm-tử!

Xét về đời trước,
Gương đã rõ ràng!


Gần đây vì họ Hồ phép ngặt, lệnh phiền;
Đến nỗi khiến dân nước lòng lìa, dạ oán.
Giặc Minh dòm-dở, bèn mượn thế tàn dân!

Lũ nịnh gian-tham, nỡ cam lòng bán nước!
Dẩy con đỏ xuống hang tối!
Thui dân đen bằng lửa nồng!
Dối trời, lừa người, mẹo bày ra có nghìn muôn cách!
Tràn quân, gây chuyện, ác chứa lại ngót hai mươi năm!
Trái nghĩa, hại nhân, lẽ Trời Đất tưởng chừng tắt hẳn!
Thu nhiều, lấy nặng, lợi núi, chầm, vét chẳng sót đâu!
Kẻ khai mỏ vàng thì đào non, đãi cát, mà nước độc dám nài.
Người lấy ngọc trai thì lặn biển dấn thân mà rồng thiêng chẳng quản.
Giết-hại vật thì dệt ra lưới bắt chim trả!
Quấy rối dân thì đặt ra bẫy bắt hươu đen!
Bọn long-đong côi-cút, dều không tìm được chỗ nương thân!
Dù sâu, bọ, cỏ, cây, cũng không biết có ngày vui sống!
Béo nanh, miệng, bao phường kiệt-kiệt, rút-bòn máu-mủ sinh-linh!
Đẹp đền-đài khắp ngã công, tư, hoài-phí công trình xây-dựng.
Nơi châu-quận, thuế-sưu nặng lắm!
Miền nhà quê khung-cửi sạch không!
Tháo biển Đông cho cạn sông, không đủ để gột hết dơ!
Chặt núi Nam cho trụi tre, không đủ để chép hết tội!
Thần, Dân đều phải căm giận!
Trời, Đất, lẽ nào có dung!

Ta, cất bước núi Lam:
Nương thân nội cỏ.
Nghĩ thù nước, Trời không chung đội!
Thề giặc ngoài, thế chẳng sống đôi!
Vò đầu, nát ruột, kể đã hơn mười năm!
Nếm mật, nằm chông, nào phải mới một sớm!
Quên bữa chỉ vì lòng tức-bực, sách lược-thao thường vẫn đọc, bàn.
Theo xưa mà nghiệm việc đời nay, lẽ hưng-phế kỹ-càng suy-xét.
Tấm lòng khôi-phục.
Thức, ngủ không quên!
Quân nghĩa ta mới nổi lúc đầu,
Thế giặc nó chính đương còn mạnh.
Khốn nổi: tuấn-kiệt như sao buổi sớm!
Nhân-tài như lá mùa thu!
Bên mình thua, chạy, đã thiếu tay sai;
Trong trướng tính-toan lại ít người giúp.
Nhưng sốt ruột cứu bầy dân-chúng, thường bồn-chồn muốn đánh sang Đông;
Nên sắp xe đợi bậc hiền-tài, vẫn thành-kính bỏ không phía Tả.
Thế nhưng: mờ-mịt như trông ra bể, người có thấy ai!
Vội vàng hơn vớt đắm đò, ta nào nản dạ!
Giận lũ giặc chưa đến ngày tuyệt diệt!
Thương nước-nhà còn đương bước long-đong!
Cơm Linh-sơn chịu thiếu hàng tuần!
Quân Côi-huyện không còn thành đội!
Chắc trời muốn thử người để giao cho công-việc;
Nên Ta càng gắng chí, để vượt khỏi gian-nan!
Vỉ bẻ làm cờ, dân cầy-cuốc nổi theo tứ phía!

Rượu hòa thêm nước, quân cha-con vốn dốc một lòng!
Đánh người hoặc nhân lúc hở cơ, yếu đè được mạnh!
Bày kế thường đặt quân mai phục, ít địch nổi nhiều.
Rút lại: lấy đại-nghĩa mà diệt lũ hung-tàn;
Lấy chí-nhân mà thay được phường cường-bạo.
Quân Đồ-bằng sấm vang, chớp nhoáng!
Giặc Trà-lân nứa chẻ, tro bay!
Hăng-hái vì thế tăng thêm;
Tiếng-tăm từ đó lừng-lẫy!
Lũ Trần Trí, Sơn Thọ, vía tan theo gió!
Bọn Lý An, Phương Chính, sống tạm từng hơi!
Thừa thắng đuổi dài, chiếm-cứ được thành Tây-kinh trước.
Kén tài tiến đánh, thu phục hết đất Đông-đô xưa!
Ninh-kiều máu chảy thành sông, tanh lây muôn dặm!
Tốt-động thây nằm đầy nội, để thối nghìn thu!
Lý Lương là sâu mọt dân, ta đã đem phanh xác!
Trần Hiệp là tay chân quân giặc, cũng bị bêu đầu!
Vương Thông dẹp loạn mà nơi cháy lại cháy thêm.
Mã Ánh gỡ đòn mà kẻ giận càng giận dữ!
Trí đã cùn, sức đã kiệt, chúng bó tay đợi chết biết sao!
Phá bằng mưu, công bằng lòng, ta không đánh mà được là thế.
Tưởng chúng tất biết nghĩ và đổi bụng-dạ.
Nào ngờ còn gây chuyện để thêm tội-tình.
Gieo tai-vạ cho kẻ khác, chỉ chấp theo ý-kiến riêng mình.

Làm trò cười cho người đời, bởi tham được thành công chốc lát.
Xui-khiến thằng nhãi ranh Tuyên đức, không chán dụng binh!
Bèn sai phường tướng khổ Thạnh, Thăng, đem dầu chữa cháy!
Tháng chín Đinh-mùi Liễu Thăng tự dẫn quân do Ôn-khâu tiến đánh.
Tháng mười năm ấy, Mộc Thạnh cũng chia ngả từ Vân-nam kéo sang.
Ta: Trước đã kén quân phục nấp nơi hiểm-yếu, đánh cho tan đội tiên-phong.
Sau lại cho kỳ-binh chẹn lối đi về, cắt cho đứt đường lương-thực.
Ngày mười-tám, mắc mưu ở ải Chi-lăng, Liễu Thăng đã bị ta đánh bại!
Ngày hai-mươi, thua trận ở núi Yên-ngựa, Liễu Thăng lại bị ta chém đầu!
Ngay hai mươi lăm, Bảo-định-bá là Lương Minh, trận vỡ phải liều mình.
Ngày hai mươi tám, Thượng thư Tào là Lý Khánh kế cùn tự đâm cổ!
Ta đã tiến đâu được đấy!
Nó liền giở giáo đánh nhau,
Kế đó thêm quân bốn mặt để bao vây!
Hẹn đến trung tuần tháng mười là diệt hết!
Bèn sai các tướng nanh-vuốt,
Đem theo những lính hùm-beo,
Voi uống mà cạn nước sông!
Dao mài đủ lở đá núi!
Một trận mà băm kình, chém ngạc!
Hai trận mà xẩy nghé, tan đàn!

Tưới tổ kiến bằng thế nước tràn!
Rung lá khô bằng làn gió mạnh.
Đô-đốc Thôi Tụ quỳ gối mà đưa lễ;
Thượng-thư Hoàng Phúc, trơ mặt mà nộp mình!
Xác chết đầy cả đường Lạng-sơn, Lạng-giang!
Máu chảy đỏ cả nước Bình-than, Xương-thủy!
Muôn dặm gió, mây, đổi màu ảm-đạm!
Hai vầng nhật, nguyệt. ánh-sáng lu lờ!
Quân Vân-nam bị ta chẹn lối ở Lê-quan, tự ngờ sợ, bàng-hoàng, mà vỡ cả mật!
Bọn Mộc Thạnh bị ta đánh bại ở Cần-trạm, tự giầy xéo, tan vỡ, chỉ thoát được thân!
Lãnh-câu máu chảy trôi chầy, nước sông khóc thảm!
Đan-xá thây chồng bằng núi, cỏ nội đẫm hồng!
Quân cứu hai đường, chưa kịp quanh chân đã vỡ!
Giặc tàn các ngả, cùng nhau cởi giáp xin hàng!
Tướng giặc bị tù, thú sa bẫy đã vẫy đuôi xin mạng!
Oai thần không giết, Trời chí công nên mở lượng hiếu sinh!
Bọn Tham-tướng Phương Chính, Nội-quan Mã Kỳ, cấp trước cho hơn năm trăm thuyền, vượt bể rồi mà vẫn hồn xiêu, vía lạc.
Bọn Tổng-binh Vương Thông, Tham-chính Mã Ánh, về nước rồi mà còn lòng khiếp người run!
Nó đã tham sống, sợ chết, mà thực bụng giảng hòa.
Ta lấy toàn quân là hơn, để cho dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu-kế thực sâu-xa tột bực!
Mà cũng xưa nay chưa nghe thấy bao giờ!
Non sông rày đã khác xưa!

Xả-tắc từ đây yên vững!
Ánh Ác, Thỏ tối rồi lại sáng!
Lẽ Kiền-khôn cùng mãi phải thông!
Để gây-dựng nền thái-bình cho muôn đời!
Để gội-rửa nhục vô-cùng cho cả nước!
Cũng là nhờ Trời, Đất, Tổ-tông linh-thiêng, đã ngấm-ngầm phù-hộ mà được như thế này!
Than ôi! Mảng giáp dẹp yên hết cả, gây được nên công-nghiệp phi thường.
Bốn phương phẳng-lặng từ nay, bảo cho biết cuộc đời đổi mới.
Bá cáo thiên-hạ,
Đâu đấy đều hay!

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)