CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI


Rừng là quan trọng thế nào


Rừng là bạn rất thân của người ta, thế nhưng người ta thường không lấy tình bằng-hữu mà đối với rừng. Người bản-xứ ở miền đồng bằng, nghe nói đến rừng rú là kinh sợ, vì là nơi độc nước. Ta thường nói: những miền rừng là lam-chướng, hay sinh ra bệnh ngã-nước, vả nào cọp, nào báo, nào rắn độc chỉ làm hại người ta mà thôi. Ở lắm miền rừng, dân Mường và dân Thái đẵn gỗ chặt cây, vì lợi to mà phá hoại lâm-sản, chỉ cốt đem bán lấy tiền, chớ hề nghĩ đến cuộc bảo-thủ mà cấy lại rừng. Ở miền núi, dân Mán thiêu-hủy rất tàn-hại, đốt cháy những quãng rừng mênh-mông, rút cục họ cấy lúa cũng chẳng được là bao.

Sau khi miền rừng bị phá hoại rồi thì người ta mới tỉnh-ngộ là khờ dại.

Rừng đã trơ trụi rồi thì không còn gì để ngăn cản cái thế-lực của nước mưa, mà gây nên những nạn hồng-thủy rất dữ dội ở trong nước. Mặt đất không có cây cối thì vỡ lở, đất phù-xa cùng là cát chảy theo dòng nước, làm lấp các lòng sông, khiến cho cuộc vận-tải thường bị ngăn trở. Gió bể thì đưa cát lên trên bờ, làm cho đồng bằng đầy cát, thành ra không cấy cầy gì được nữa. Các thứ gỗ quí, các thứ lâm-sản cũng dần dần hiếm hoi mãi đi.

Nước nào biết tu-bổ các miền rừng thì rừng là một cái kho tài-sản rất là quí báu.

Chỉ có những rừng chưa khai-phá mở mang thì mới là nơi chướng khí mà thôi. Rừng xanh núi đỏ, sở dĩ lam-chướng là vì cành cây lá cây, cùng là biết bao nhiêu những cây chết phủ kín mặt đất; biết bao nhiêu những chất dơ-bẩn làm cho những suối nước có nhiều chất độc; vả lại cây cối rậm rạp đến nỗi ánh sáng mặt giời không chiếu qua được mà thấm xuống đất, lại không thoáng khí, mà thành ra hôi hám. Vì thế người ta phải khai phá, tu bổ rừng rú. Cây cối cũng như các loài súc-vật, bao giờ cũng có cuộc chiến-tranh rất là dữ dội.

Những dây liên-lý thì cuốn xung quanh những cây cổ-thụ mà làm cho ngạt hơi, chẳng khác nào con chăn nó cuốn ngang mình con chiên mà thắt cho chết đi; những cây leo thì hút nhựa cây lớn như là giống đỉa hút máu người. Loài thực-vật cũng tương tàn tương hại nhau mà tranh nhau đất để sinh-sản, tranh nhau không-khí và ánh sáng để hô hấp.

Giã-hương là một cây rất có ích.
Vì người ta hạ giã-hương nhiều quá, nên làm cho xứ Bắc-kỳ hiếm có thứ cây này.

Những nhà lâm-nghiệp chuyên-môn thì phân-biệt trong loài thực-vật, thức nào là đắc dụng, lựa lấy hạt cây mà gieo ở những miếng đất đã bón sới để lấy giống; phải giữ gìn những cây mới mọc cho đến ngày đã đủ sức khỏe để chống lại được với những cây vô-ích, là những thứ chỉ bám vào cây khác mà làm hại. Nhà lâm-nghiệp chuyên-môn Đại-pháp cũng như là người đánh-cá bản-xứ ở cõi Hồ-tây Hanoi. có đặt cành cây ở lắm chỗ để cho những cá nhỏ ẩn-núp trong khi bị những cá lớn đuổi theo. Nhà lâm-nghiệp chuyên-môn thì cắt đứt những dây leo, những cây vô-ích và những bương sậy. Như vậy thì những cây lớn có thể sinh-hoạt một cách tự-do, không phải cạnh-tranh với những cây khác; trong thân cây thì lấy những chất bổ ở dưới đất, luyện thành nhựa tốt lành; lá cây ở trên cành thì hô hấp không-khí, vì loài thảo-mộc cũng cần-dùng không-khí như là người ta vậy.

Nhà lâm-nghiệp chuyên-môn, chẳng những là khai-phá và tu-bổ rừng rú mà thôi, lại tìm hết cách để lợi-dụng những đồi-núi bỏ hoang cùng là những miền duyên-hải xưa nay có cát bồi che lấp.

Miền duyên-hải Trung-kỳ toàn là những bãi cát, vì rằng sóng bể ngày đêm lúc nào cũng đưa cát lên bờ bể, rồi gió lại thổi cát đi xa nữa mà làm cho đồng-bằng không cầy cấy gì được cả. Các viên kiểm-lâm ở Bến-thủy đã tỏ ra rằng người ta có thể ngăn cản để cho cát không bay vào đồng bằng: là ở miền duyên-hải thì giồng những cây sậy và cói thành ra những hàng rào để chắn, đàng sau cái hàng rào thì giồng thứ cây lấy giống ở xứ Réunion, gọi là cây filao. Thứ cây này lên mau lắm, khi nào cây mọc cao hơn cái hàng rào thì có đủ sức khỏe mà chống cự với sức gió, làm cho cát không bay đi xa quá hàng rào được; khi bây giờ thì gió mà thổi cát đến gốc cây là thành ngay ra đất. Nhờ có cái hàng rào cây này thì gió mặn ở bể cũng bị cây ngăn cản lại mà không làm hư hại mùa màng nữa. Nông-gia được nhờ vì thế, cấy được mùa luôn luôn. Cây filao giồng đã bốn hay năm năm thì sản ra một thứ gỗ làm củi rất tốt; cây nào đã tám hay mười năm thì dùng để làm nhà, như là các thứ gỗ làm nhà khác. Gỗ filao dùng để làm nhà gianh ở miền nhà-quê thì tốt lắm; các sở mỏ cũng hay dùng thứ gỗ này để chống ở trong các hầm khai mỏ.

Ở xứ Bắc-kỳ, nhất là hạt Quảng-Yên, có nhiều những rừng thông. Trong những rừng thông thì không-khí rất tốt lành cho sức khỏe người ta. Nhựa thông thì dùng làm một thứ nhựa để cất dầu săng và một thứ nhựa là hai chất rất quí. Làm sa-phòng thì phải dùng đến nhựa này. Những kẻ điên-dại, những quân tham-tàn, thường hay thiêu-hủy những rừng thông, thực là một cái tội ác rất là tàn-bạo. Rừng thông tuy không có nhiều, nhưng trong nước có lắm những khu rất lớn đất bỏ hoang, có thể dùng để cấy loài thông được. Những kẻ đang tâm thiêu hủy những rừng thông thì đối với chủng-loại, tức là kẻ thù nghịch. Thực thế, vì rằng nhà-quê ta mà cấy thông để sinh tức thì nhiều hạt ắt được sung-túc, về đường vệ-sinh lại được khỏe mạnh nữa.

Dân thổ miền Lạng-sơn có lẽ khôn ngoan hơn, vì bản-hạt có một thứ cây rất quí, là cây hồi. Quả hồi có chất thơm, là một chất có giá-trị lớn ở thương-trường. Dân thổ cấy những rừng hồi một cách rất xiêng năng: bởi vậy dân Thổ ở hạt này thì phong túc lắm.

Hạt Phú-Thọ, dân-cư sở dĩ sung túc là có cái nghề giồng thứ cây đay và cây cọ.

Ở bản-xứ có rất nhiều những cây rất đắc dụng, mỗi hạt có một thứ cây riêng, rất có ích cho người ta. Bởi thế, quan Thống-sứ mới đây, có thi hành nhiều cách để khích-khuyến các miền nhà-quê về việc cấy và việc tu-bổ những loài cây có ích. Quan Thống-sứ lưu-tâm nhất là về việc dạy bảo trẻ con những cách giồng cây.

Có lắm thứ cây mọc rất trậm trạp, có khi tới hai mươi năm trời thì lại càng có giá-trị. Lắm kẻ nghĩ bụng rằng: hai mươi năm trời, lâu quá, đợi sao được. Vậy phải vấn tâm rằng người ta sinh ra đứa con, cũng hai mươi năm trời thì đứa con mới tới kỳ khôn lớn. Những người biết lo xa thì mỗi lần sinh đứa con, lại nên giồng bón một gốc cây. Trong cái thời-kỳ đứa bé còn thơ ấu thì người cha tự phải săn sóc, bón xới cái gốc cây. Đứa bé dần dần khôn lớn thì kế nghiệp cha mà vun sới những gốc cây đồng-thời của nó, tức là những gốc cây mà nó được hưởng phần lợi. Đến ngày nó đã trưởng-thành, ngoài hai mươi tuổi rồi, có gia-thất riêng thì cứ việc hạ cây lấy gỗ làm nhà mà ở, khi bấy giờ cây nào cũng trở nên một thứ gỗ rất tốt đẹp, đáng giá tới năm hay sáu chục đồng bạc.

Trong rừng có rất nhiều các thứ sản-vật. Thuộc về những rừng mà có người đã khai-phá và tu-bổ thì các thứ sản-vật lại càng rất nhiều, mà thức nào thức ấy cũng dễ lấy đi được. Như là củ nâu, cánh kiến, giã-hương, cây cậy, cây mây, v. v.

Rừng là một kho vô-tận của một nước. Đường thực-tế mà càng phát đạt thì các thứ gỗ lại càng thêm giá-trị. Như là phải cần dùng gỗ để lát ngang đường xe-lửa, để lát cầu, làm xà nhà, cùng là để làm sân những nhà lịch-sự hơn ngày xưa; gỗ lại để đóng các món đồ dùng, để đóng thuyền, đóng xe, v. v.

Vậy cuộc khai-phá rừng thì phải có thứ-tự. Mỗi lần hạ một cây gỗ thì lập tức phải cấy ngay hai gốc cây khác. Nhà nước, chỉ vì cái lý-thuyết đó mà khích-khuyến các miền nhà-quê về việc cấy rừng. Sở Kiểm-lâm thì vừa phát cho dân nhà-quê những hạt giống các thức cây, lại phát tiền thưởng nữa. Ở các nhà tràng, thầy giáo cũng phát hạt giống cho các học-trò! Cậu nào mà gây cho hạt giống nở ra cây thì đều được thưởng. Những làng có công cấy rừng thì về sau là chủ-quyền những rừng ấy, chỉ trong ít lâu thì được hưởng-thụ các phần lợi một cách rất lâu dài. Về phần nhiều, cái công lao bố mẹ thì con cái được hưởng phần lợi-tức, vậy người thiếu-niên thì rất nên kính-mến các cụ thuộc về những bậc tiền-bối, lại rất nên kính-mến những bậc tổ-phụ đã quá cố vậy.