Việt Nam sử lược/Quyển II/1971/Phần V/Chương III

CHƯƠNG III

THÁNH-TỔ (1820 - 1840)
(tiếp theo)

  1. Sự giặc-giã
  2. Giặc ở Bắc-kỳ
  3. Phan bá Vành
  4. Lê duy Lương
  5. Nông văn Vân
  6. Giặc ở Nam-kỳ
  7. Án Lê văn Duyệt và Lê Chất
  8. Giặc Tiêm-la
  9. Việc Ai-lao
  10. Việc Chân-lạp
  11. Việc giao-thiệp với những nước ngoại dương
  12. Sự cấm đạo
  13. Vua Thánh-tổ mất

1. SỰ GIẶC-GIÃ. Vua Thánh-tổ thật là hết lòng lo việc chính-trị, điều gì ngài cũng xem-xét đến, việc gì ngài cũng sửa-sang lại, có ý muốn cho nước thịnh dân giàu, nhưng phải mấy năm về sau, trong nước có lắm giặc-giã, quan quân phải chinh nam phạt bắc, phải đánh Tiêm, dẹp Lào, thành ra dân-sự không được yên nghiệp mà làm ăm.

Xét sự giặc-giã về đời vua Thánh-tổ là do ở ba lẽ cốt-yếu :

Một là khi nhà Nguyễn thất thế ở Nam, quân họ Trịnh thua ở Bắc, nhà Nguyễn Tây-sơn còn phải lo việc trong nước, lúc bấy giờ nước Tiêm-la nhân lấy dịp ấy mà giữ quyền bảo-hộ nước Chân-lạp và hiếp-chế các nước ở đất Lào. Đến khi vua Thế-tổ nhất-thống nam bắc, thanh thế lừng-lẫy, nước Chân-lạp lại xin về thần-phục nước Nam, và các nước Ai-lao, Vạn-tượng, đều sang triều cống nhà Nguyễn. Từ đó nước Tiêm-la đối với nước Nam, bề ngoài tuy không ra mặt cừu địch, nhưng bề trong chỉ tìm cách mà sinh sự để cướp lại cái quyền bảo-hộ ở Chân-lạp và ở các nước Lào. Bởi vậy cho nên về phía tây và phía nam bao giờ cũng có giặc Tiêm và giặc Lào quấy-nhiễu mãi.

Hai là ở Bắc-kỳ tuy đã là thống thuộc về nhà Nguyễn rồi, nhưng còn có người mong nhớ nhà Lê, thỉnh-thoảng lại có nơi nổi lên, hoặc muốn khôi-phục cho nhà Lê, hoặc để chống cự với quan nhà Nguyễn, bởi thế cho nên ở đất Bắc cứ phải loạn-lạc luôn.

Ba là quan-lại cứ hay nhũng-nhiễu, làm cho lòng người không được thỏa-thuận, và trong đám quan-trường thường hay có thói bới-móc nhau để tâng công tâng cán. Nhà vua lại có tính hẹp-hòi, không bao-dong cho những kẻ công-thần, hay tìm chuyện làm uất-ức mọi người, mà ở với thần-dân thì nghiêm-khắc quá, cho nên mới thành ra nhiều sự rối-loạn.

Bởi những lẽ ấy, cho nên ở ngoài thì có giặc Tiêm đánh phá, ở trong thì có ngụy Khôi dấy loạn ở phía nam. Lê duy Lương và Nông văn Vân dấy binh ở phía bắc. Lúc bấy giờ cũng nhờ có tôi hiền tướng giỏi như Trương minh Giảng 張 明 講, Tạ quang Cự 謝 光 巨, Lê văn Đức 黎 文 德, Nguyễn công Trứ 阮 公 著 v.v. đều ra công đánh-dẹp, cho nên không những là giặc trong nước dẹp yên được, mà lại thêm được bờ-cõi rộng-rãi hơn cả những đời trước.

2. GIẶC Ở BẮC-KỲ. Sự giặc-giã ở đất Bắc thì từ năm Minh-mệnh thứ hai (1822) trở đi, thỉnh-thoảng ở các trấn vẫn có những giặc cỏ quấy-nhiễu ở các châu huyện. Còn những giặc có thanh-thế to mà quan-quân phải đánh-dẹp khó nhọc, thì có Phan bá Vành 潘 伯 鑅 khởi ở Nam-định, Lê duy Lương 黎 維 良 khởi ở Ninh-bình và Nông văn Vân 農 文 雲 khởi ở Tuyên-quang.

3. PHAN BÁ VÀNH. Năm Minh-mệnh thứ 7 (1826), ở Nam-định có Võ đức Cát 武 德 葛 cùng với Phan bá Vành 潘 伯 鑅 và Nguyễn Hạnh khởi binh đánh phủ Trà-lý và Lân-hải, giết quan thủ-ngự là Đặng đình Miễn 鄧 廷 勉 và Nguyễn trung Diễn 阮 忠 演. Quan trấn-thủ ở Nam-định là Lê mậu Cúc 黎 茂 菊 đem quân xuống đánh, cũng bị giặc giết mất. Quan quân ở các trấn phải về tiễu trừ, bắt được tên Võ đức Cát. Còn tên Vành và dư đảng thì chạy tan cả. Nhưng đến tháng chạp năm ấy, Phan bá Vành và Nguyễn Hạnh lại thông với đảng giặc Khánh đi cướp ở ngoài bể, rồi lại đem quân về đánh phá ở huyện Tiên-minh và huyện Nghi-dương ở Hải-dương.

Nhà vua thấy thế giặc to lắm, bèn sai quan Tham-biện Thanh-hóa là Nguyễn công Trứ 阮 公 著, quan Tham-biện Nghệ-an là Nguyễn đức Nhuận 阮 德 潤 đem binh-thuyền ở Thanh, Nghệ ra cùng với quan Hiệp-trấn Bắc-thành là Nguyễn hữu Thận 阮 有 慎 đi đánh giặc.

Tháng giêng năm đinh-hợi (1827) là năm Minh-mệnh thứ 8, Vành lại về đánh lấy phủ Thiên-trường và phủ Kiến-xương, sau lại về vây quan quân ở chợ Quán. Phạm văn Lý và Nguyễn công Trứ đem quân đến đánh giải vây, Vành thua chạy về giữ Trà-lũ. Quan quân vây đánh, bắt được Vành và cả đảng hơn 765 người.

4. LÊ DUY LƯƠNG. Khi dẹp xong giặc Vành thì trong xứ yên được một độ, nhưng còn có dòng-dõi nhà Lê muốn khôi-phục nghiệp cũ, bởi vậy đến tháng ba năm quí-tị (1833) là năm Minh-mệnh thứ 14, ở Ninh-bình có Lê duy Lương 黎 維 良, là con cháu nhà Lê nổi lên, xưng là Đại-Lê Hoàng-tôn 大 黎 皇 孫, cùng với bọn thổ-ti là Quách tất Công 郭 必 功, Quách tất Tế 郭 必 濟, Đinh thế Đức 丁 世 德, Đinh công Trịnh 丁 功 鄭, đem binh đi đánh phá các phủ huyện và chiếm giữ được 3 châu huyện là Lạc-thổ, Phụng-hóa và Yên-hóa. Lê duy Lương lại sai quân đến vây đánh thành Hưng-hóa nguy-cấp lắm.

Vua Thánh-tổ sai quan tổng-đốc Nghệ-Tĩnh là Tạ quang Cự 謝 光 巨 đem quân ra Ninh-bình cùng với tổng-đốc Thanh-hóa là Nguyễn văn Trọng 阮 文 仲 đi đánh Lê duy Lương.

Lê duy Lương ở Ninh-bình thế cô lắm, chống không nổi mấy đạo quan quân, chỉ đương được vài ba tháng thì bị bắt, đóng cũi giải về Kinh trị tội. Còn bọn Quách tất Công, Quách tất Tế thì chẳng được bao lâu mà tan.

Vì có chuyện Lê duy Lương dấy binh, cho nên nhà vua truyền bắt dòng-dõi nhà Lê đem đày vào ở Quảng-nam, Quảng-nghĩa, Bình-định, cứ chia cho 15 người ở một huyện và phát cho 10 quan tiền và 2 mẫu ruộng để làm ăn.

5. NÔNG VĂN VÂN. Ở Bắc còn đang dẹp loạn Lê duy Lương chưa xong, thì ở Nam Lê văn Khôi 黎 文 儴 làm phản, chiếm giữ thành Gia-định. Nguyên tên Khôi là người Bắc, có họ-hàng bà-con mạn Tuyên-quang, Cao-bằng, bởi vậy nhà vua sai quan tìm bắt anh em của tên Khôi đem về Kinh làm tội. Bấy giờ ở Tuyên-quang có người anh vợ tên Khôi là Nông văn Vân 農 文 雲 bị quan bắt-bớ, bèn nổi lên đánh phá trong hạt Tuyên-quang, Thái-nguyên, Cao-bằng và Lạng-sơn. Giặc Nông khởi từ tháng 7 năm quí-tị (1833) cho đến tháng 3 năm ất-mùi (1835) dai-dẳng trong non hai năm trời, làm cho quan quân thật là vất-vả.

Nông văn Vân làm Tri-châu châu Bảo-lạc. Nhân thấy quan quân tìm bắt họ hàng Lê văn Khôi, bèn nổi lên tự xưng là Tiết-chế thượng-tướng quân 節 制 上 將 軍, và bắt viên tỉnh-phái thích chữ vào mặt rằng: « Quan tỉnh hay ăn tiền của dân », rồi đuổi về.

Nông văn Vân chia quân ra đánh phá các tỉnh, quan sở-tại chống không nổi, phải xin quân cứu viện. Vua Thánh-tổ được tin ấy, bèn sai Sơn-Hưng-Tuyên Tổng-đốc là Lê văn Đức 黎 文 德 làm Tam-tuyên tổng-đốc quân-vụ, và sai Hải-An thự tổng-đốc là Nguyễn công Trứ 阮 公 著 làm tham-tán, đem quân hội với Ninh-Thái Tổng-đốc là Nguyễn đình Phổ 阮 廷 普 đi tiễu trừ giặc Nông.

Quân giặc vây đánh Cao-bằng và Lạng-sơn ngặt quá, nhà vua lại sai An-Tĩnh tổng-đốc là Tạ quang Cự 謝 光 巨 làm tổng thống đại-thần, lên đánh ở mạn Cao-bằng và Lạng-sơn.

Nông văn Vân nhân được chỗ mường-mán lắm núi nhiều rừng, bèn chia quân đi tản ra mọi nơi, tìm chỗ hiểm-yếu mà ẩn-nấp, hễ có quan quân đến, đánh được thì tiến, không đánh được thì lui, cứ ra vào bất trắc, lui tới không nhất định. Quan quân đi đánh thật là khó-nhọc và lại hao binh tổn tướng rất nhiều.

Tháng chạp năm quí-tị (1833) đạo quân của Tạ quang Cự giải được vây tỉnh Lạng-sơn và lấy lại được thành Cao-bằng. Đạo quân của Lê văn Đức và Nguyễn công Trứ vào đến Vân-trung 雲 中 (tức là Bảo-lạc) là chỗ sào-huyệt của giặc. Nông văn Vân phải chạy trốn sang Tàu.

Nhưng mà khi quan quân rút về, thì Nông văn Vân lại về rủ đảng đánh phá như cũ. Nhà vua lại sai các đạo quân tiến lên phòng giữ các tỉnh mạn ngược.

Đến tháng 9 năm giáp-ngọ (1834) Lê văn Đức và Phạm văn Điển đi từ Sơn-tây lên Tuyên-quang; Tạ quang Cự, Nguyễn tiến Lâm, và Hồ Hữu đi từ Cao-bằng; Nguyễn đình Phổ và Nguyễn công Trứ đi từ Thái-nguyên, ba mặt quân cùng tiến lên hội tiễu. Quan quân đi đường-sá khó-khăn, lương-thực vận-tải không tiện, nhưng mà quân-sĩ đều cố hết sức, đi đến đâu quân giặc tan đến đấy. Tháng chạp năm ấy, cả ba đạo cùng đến hội ở Vân-trung, rồi sai người đưa thư sang nói với quan nhà Thanh phòng giữ, đừng cho quân giặc chạy sang bên ấy. Quả nhiên Nông văn Vân lại chạy sang Tàu, bị quân Tàu đuổi bắt, lại phải trở về Tuyên-quang.

Tháng 3 năm ất-mùi (1835), Phạm văn Điển được tin biết chỗ tên Văn Vân ở, liền đem quân đi đuổi. Văn Vân chạy ẩn vào trong rừng, Phạm văn Điển bèn vây 4 mặt, rồi phóng hỏa đốt rừng, Văn Vân bị chết cháy. Quan quân chém lấy đầu đem về Kinh báo tiệp.

6. GIẶC Ở NAM-KỲ. Đất Nam-kỳ là đất của nhà Nguyễn khai sáng ra, và cũng bởi đấy mà vua Thế-tổ lập nên cơ-nghiệp bản-triều bây giờ, thế mà lại có sự phản-nghịch là tại làm sao? Có phần là tại vua Thánh-tổ không dong thứ cho những kẻ cựu-thần, có phần là tại những người gian-nịnh, muốn chiều ý vua để lấy công, làm ức-hiếp người ta, cho nên mới thành ra sự loạn lớn ấy.

Nguyên mấy năm trước, Lê văn Duyệt làm Tổng-trấn 總 鎮 ở Gia-định thành, có uy-quyền lắm, mà lòng người ai cũng kính-phục. Chỉ vì ông ấy là quan võ, tính-khí nóng-nảy, lắm khi ở chỗ triều-đường tấu đối không được hợp thể, vua Thánh-tổ lấy làm không bằng lòng, nhưng ông ấy là bậc khai-quốc công-thần, cho nên ngài cũng làm ngơ đi. Đến khi ông ấy mất, thì vua Thánh-tổ bãi chức Tổng-trấn thành Gia-định, và đặt chức tổng-đốc, tuần-phủ, bố-chính, án-sát, lĩnh-binh, như các tỉnh ở ngoài Bắc.

Tỉnh Phiên-an (tức là tỉnh Gia-định) có Nguyễn văn Quế 阮 文 桂 làm tổng-đốc, Bạch xuân Nguyên 白 春 元 làm bố-chính, Nguyễn chương Đạt 阮 章 達 làm án-sát. Nhưng Bạch xuân Nguyên vốn là người tham-lam tàn-ác; khi đến làm bố-chính ở Phiên-an, nói rằng phụng mật-chỉ truy-xét việc riêng của Lê văn Duyệt, rồi đòi-hỏi chứng cớ, trị tội bọn tôi-tớ của ông Duyệt ngày trước.

Trong bọn ấy có Lê văn Khôi 黎 文 儴. Nguyên trước tên ấy gọi là Nguyễn hữu Khôi 阮 祐 儴, người ở Cao-bằng, nhân cớ khởi binh làm loạn, bị quan quân đuổi đánh, mới chạy vào Thanh-hóa, gặp Lê văn Duyệt làm kinh-lược ở đấy, nó xin ra thú. Ông Duyệt tin-dùng cho làm con nuôi, đổi tên họ là Lê văn Khôi, rồi đem về Gia-định cất nhắc cho làm đến chức phó-vệ-úy.

Bấy giờ Lê văn Khôi bị bắt giam, phần thì tức giận, phần thì sợ tội, bèn mưu với mấy người đảng của nó để dấy loạn; ở Gia-định lại có những người có tội ở Bắc-kỳ đem đày vào, hoặc cho làm-ăn với dân-sự, hoặc bắt làm lính gọi là hồi-lương 回 良; những lính ấy đều theo tên Khôi cả.

Đến đêm ngày 18 tháng năm, năm quí-tị (1833) là năm Minh-mệnh thứ 14, Khôi cùng với 27 người lính hồi-lương vào dinh quan Bố, giết cả nhà Bạch xuân Nguyên, rồi ra gặp quan tổng-đốc là Nguyễn văn Quế đem người đến cứu, chúng cũng giết nốt. Còn quan Án và quan Lãnh thì chạy thoát được.

Bấy giờ những quân kinh đóng ở Phiên-an phần nhiều theo về Lê văn Khôi. Lê văn Khôi bèn tự xưng làm Đại-nguyên-súy 大 元 帥, phong cho đảng mình là bọn Thái công Triều 蔡 公 朝 và Lê đắc Lực quản trung-quân, Nguyễn văn Đà và Nguyễn văn Tông quản tiền-quân, Dương văn Nhã, Hoàng nghĩa Thư quản tả-quân, Võ vĩnh Tiền và Võ vĩnh Tài quản hữu-quân, Võ vĩnh Lộc và Nguyễn văn Bột quản hậu-quân, Lưu Tín và Trần văn Tha quản thủy-quân, Nguyễn văn Tâm và Nguyễn văn Chân quản tượng-quân v.v. Lại đặt các quan chức như một triều-đình riêng vậy. Đoạn rồi Lê văn Khôi sai bọn Thái công Triều đem quân đi lấy các tỉnh-thành, chỉ trong một tháng mà 6 tỉnh Gia-định thuộc về giặc cả.

Triều-đình được tin ấy, liền sai Tống phúc Lương 宋 福 樑 làm Thảo-nghịch tả-tướng-quân 討 逆 左 將 軍 và Nguyễn Xuân 阮 春 làm tham-tán, sai Phan văn Thúy 潘 文 璻 làm Thảo-nghịch hữu-tướng-quân, Trương minh Giảng làm tham-tán, cùng với Bình-khấu tướng-quân là Trần văn Năng 平 寇 將 軍 陳 文 能 đem thủy-bộ binh tượng vào đánh Lê văn Khôi.

Khi quan quân vào đến Gia-định không biết tại cớ gì, mà trung-quân của ngụy là Thái công Triều xin về đái tội lập công. Nguyên Thái công Triều là người ở Thừa-thiên, trước làm quan vệ-úy, coi vệ biền-binh đóng ở Gia-định, sau theo tên Khôi làm phản. Nay lại trở về với triều-đình, đem quân đi đánh Lê văn Khôi lấy lại các tỉnh.

Lê văn Khôi biết thế không chống nổi, vào thành Phiên-an 藩 安 đóng cửa lại, rồi chia quân ra chống-giữ, và lại sai người đi sang Tiêm-la cầu cứu. Quân Tiêm nhân dịp ấy, chia làm mấy đạo sang đánh nước Nam. Việc ấy sẽ nói ở mục sau.

Quan quân một mặt thì đánh đuổi quân Tiêm, một mặt thì vây đánh thành Phiên-an, Lê văn Khôi hết sức chống giữ, nhưng đến tháng chạp năm ấy thì phải bệnh chết. Tuy vậy, quân ngụy ở trong thành cứ chống-giữ mãi, non ba năm trời quan quân mới hạ được thành.

Thành Phiên-an là thành của ông Lê văn Duyệt xây xong năm Minh-mệnh thứ 11 (1830). Xây toàn bằng đá ong, thành cao và rộng, hào sâu, ở trong thành lại có đủ cả lương-thực khí-giới, cho nên quan quân đánh thành lần nào cũng bị chết hại nhiều người, mà không lấy được. Mãi đến tháng 7 năm ất-tị (1835), quân ngụy ở trong thành đã mỏi-mệt lắm rồi, tướng quân là Nguyễn Xuân 阮 春 và Nguyễn văn Trọng 阮 文 仲 mới hạ được thành và vào bắt giết quân giặc cả thảy đến 1.831 người, đem chôn vào một chỗ, nay gọi là « mả ngụy ». Còn những người thủ-phạm thì đóng cũi đem về Kinh trị tội.

Ông J. Silvestre chép truyện Lê văn Khôi khởi loạn ở Gia-định[1] nói rằng trong 6 người thủ-phạm phải đóng cũi giải về Huế, có một ông linh-mục người nước Pháp tên là Marchand (bấy giờ gọi là cố Du), một người khách tên là Mạch tấn Giai và một đứa con của Khôi, mới lên 7 tuổi.

Việc ông cố Marchand thì đã nhiều người bàn đi bàn lại: người thì bảo ông ấy có ý muốn làm như ông Bá-đa-lộc, để giúp Lê văn Khôi lập nên một nước theo đạo Thiên-chúa ở Gia-định, người thì bảo ông ấy bị Lê văn Khôi bắt vào trong thành. Việc ấy vẫn phân-vân không rõ hẳn ra thế nào.

Đến khi về đến Huế thì ông Marchand và 5 người kia đều phải tội lăng-trì. Thiết-tưởng dẫu thế nào mặc lòng, đem một đứa con vô tội và 2 người ngoại quốc ra làm cái tội thảm hình ấy, thì thật gớm-ghê quá. Tục Á-đông ta trước hay dùng những nhục hình như là tội lăng-trì, tội ngựa xé, tội voi dày v.v. thì thật là dã-man vô cùng, ngày nay ai nghĩ đến cũng phải ghê mình.

7. ÁN LÊ VĂN DUYỆT VÀ LÊ CHẤT. Lê văn Duyệt. Quan quân bình xong giặc Lê văn Khôi rồi vua Thánh-tổ sai phá thành Phiên-an đi, xây lại chỗ khác và ngài xuống chiếu định truy tội Lê văn Duyệt 黎 文 悅 và tội Lê Chất 黎 質.

Cứ bình tình mà xét, thì chẳng qua là vua Thánh-tổ vốn có ý không ưa hai ông ấy, rồi đình-thần lại nhân đó mà bới việc ra để chiều ý ngài, cho nên thành ra hai cái án thật là không đáng.

Nay cứ theo trong sách « Đại-nam chính-biên liệt-truyện 大 南 正 編 列 傳 » mà chép ra, để mọi người đều được lấy lẽ công-bằng mà phán-đoán.

Từ khi tên Khôi khởi loạn, vua Thánh-tổ thường ban trách Lê văn Duyệt che-chở quân phỉ-đảng, để gây nên hoạn loạn.

Năm ất-vị (1835), ở Đô-sát-viện có Phan bá Đạt 潘 伯 達 dâng sớ nói rằng: Lê văn Duyệt trước ở Gia-định, lấy bọn nghịch Khôi, nghịch Nhã 雅, làm trảo-nha, lấy binh Bắc-thuận, Hồi-lương[2] làm tâm-phúc. Bọn ấy vốn là quân hung-ác, không phải là người lương-thiện, cho nên Duyệt mất chưa bao lâu mà bọn nghịch Khôi, nghịch Nhã, đã đem quân Hồi-lương, Bắc-thuận cùng với bọn thủ-hạ giữ thành làm phản; lại làm phiến-hoặc nhân tâm, để vạ lây đến các tỉnh Nam-kỳ, mà khó-nhọc đến đại đội quan quân phải tiến tiễu. Năm tỉnh nay dẫu thu-phục rồi, song thành Phiên-an tặc đảng vẫn còn thiết cứ, quan quân tiến tiễu, lắm người thương vong, cái vạ ấy nói sao cho xiết. Nay Duyệt mất rồi, sự-trạng dẫu không có thể tường cứu được, nhưng cứ xem con nuôi là Lê văn Hán 黎 文 漢, trước đây vào ra trong thành, nhập đảng với nghịch Khôi, và đem Bạch xuân Nguyên 白 春 元 làm đuốc để tế từ-đường, thì tâm-tích của Duyệt tưởng không phải xét cũng đã rõ. Nếu không bắt tội e không làm gương được cho đời sau. Vậy xin truy đoạt quan-chức của Duyệt, còn vợ con thì giao về Hình-bộ tra-minh nghiêm-nghị, để tỏ phép nước. »

Vua dụ Nội-các rằng: « Lê văn Duyệt xuất-thân từ kẻ yêm hoạn, vốn là một đứa đầy-tớ trong nhà. Xảy gặp hồi trung-hưng, rồng mây gặp-gỡ, đánh dẹp Tây-sơn, cũng dự có phần công-lao. Đức Hoàng-khảo ta nghĩ tới nó thủa nhỏ sai-khiến ở trong cung, mới đem lòng tin-cậy, nhiều lần cho nó cầm quyền đại-tướng. Không ngờ bọn ấy phần nhiều là quân bất lương, mỗi ngày sinh ra kiêu-căng, manh-tâm phản-nghịch, sinh chí làm càn, ăn-nói hỗn-xược. Vì nó còn e Hoàng-khảo ta thánh minh, cho nên dẫu có lòng gian mà chưa dám lộ. Mà Hoàng-khảo ta đến vãn niên cũng đã biết rõ. Nhưng lại nghĩ hắn dẫu có lòng gian, song thiên-hạ đã yên rồi, thần-dân ai còn theo kẻ thị-hoạn đó, thì chắc hắn cũng chẳng làm gì được. Đến khi trẫm lên ngôi, cựu-thần không còn mấy, vả lại nghĩ nó tuổi đã già, cho nên cũng tạm khoan-dung, hoặc là hắn biết nghĩ mà chừa đi, để cho toàn vẹn công-danh, thì cũng là việc hay. Không ngờ kẻ kia lòng như rắn-rết, tính tựa sài-lang, càng ngày càng sinh kiêu-ngạo, dám nói xấu Triều đình trước mặt chúng nhân, mà khoe cái tài riêng của mình. Năm trước các quân tù phạm xứ Thanh, Nghệ cùng là những kẻ hung-ác, hắn đều chiêu-dụ ra thú, tâu xin ghép vào trướng-hạ để làm nanh-vuốt. Lê văn Khôi là quân vô-lại, thì tiến-cử đến chức vệ-úy, theo dưới cờ hắn, để làm phúc tâm. Thổ-hào như bọn Dương văn Nhã 楊 文 雅, Đặng vĩnh Ưng 鄧 永 膺 thì hắn ngầm ngấm vời dùng; nhân thích như bọn Võ vĩnh Tiền 武 永 錢, Võ vĩnh Lộc 武 永 祿 thì hắn âm-thầm lập đảng. Những kẻ tù phạm Bắc-kỳ phát phối vào đó, hắn cho ở trong thành, rồi tha cho làm lính; lại kén lấy những voi khỏe đem ra nơi đồn thú; vét lấy những thuyền bè khí-giới trong 6 tỉnh Nam-kỳ chứa vào thành Phiên-an; rồi lại nghe tên Trần nhật Vĩnh 陳 日 永 mà hút hết cao huyết của dân Nam-kỳ. Đắp thành Phiên-an, tiếm bằng Kinh-thành, hào thì đào sâu hơn. Nếu bảo thành cao hào sâu để phòng giặc Tiêm, thì đường bể phải phòng ở Hà-tiên, đường bộ phải phòng ở Chân-lạp, có lẽ nào bỏ bốn tỉnh An, Hà, Long, Tường không giữ, mà lại giữ ở Phiên-an hay sao? Thế là rõ rằng phòng Triều-đình, chứ không phải phòng ngoại hoạn. Cứ suy điều đó, thì ruột-gan hắn, dẫu người đi đường cũng biết, ai không căm-tức, chỉ giận vì ai không chịu nói rõ cho Triều-đình biết sớm mà thôi. Đến nỗi ngày nay như nuôi cái nhọt bọc để nên đau, mỗi ngày mầm vạ một lớn, cho nên kẻ quyền-yêm dẫu chịu tội minh-tru, mà bọn nhỏ-nhặt còn dám giữ thành làm phản. Ví dù quan cai-trị không hèn-đốn như Nguyễn văn Quế 阮 文 桂, tham-tàn như Bạch xuân Nguyên 白 春 元, thì chúng nó có ngày làm phản chứ không sao khỏi được. Vì bọn tiêu-hạ hắn toàn là quân hung-đồ, quen làm những việc bất-thiện. Chúng nó đã quen thấy hắn dối chúa, lấn trên, đều bắt-chước hắn. Thậm chí hắn nói với người ta rằng hắn vào trấn Gia-định, vốn là phong vương để giữ lấy đất, chứ không phải như các tổng-trấn tầm-thường khác. Mả của cha hắn, em hắn, cũng tiếm gọi là lăng; hoặc dám đối với người ta, tự xưng là Cô, để cho bộ-hạ tập quen thành thói, chỉ biết có Lê văn Duyệt mà không biết đến Triều-đình. Thầy Hữu-tử 有 子 nói rằng: « Không ưa phạm người trên mà ưa làm loạn, chưa có lẽ ấy bao giờ ». Vậy thì ưa phạm người trên và không ưa làm loạn, cũng chưa có lẽ thế bao giờ. Mối vạ gây nên đã lâu, lẽ nào mà muốn cho bọn tiêu-hạ không làm phản được? Vậy nên hắn chết chưa bao lâu, mà bọn Lê văn Khôi đã khởi loạn, cháu hắn cũng đồng tình tạo phản, để cho cả bọn bộ-khúc của hắn đều theo giặc cả, không một tên nào trốn đi, rồi nó kết tử-đảng, cậy có thành cao, hào sâu, lương-thực như núi, khí-giới tinh-nhuệ, đồ-đảng lại nhiều, kháng-cự lại vương-sư, chầy đến 3 năm trời, nhiều lần mở đường sống cho nó, mà chúng nó không biết hối tội đầu thành, đến nỗi binh dân gan-óc lầy đường, nói ra đau-xót đến gốc-nguồn thì tội hắn kể từng cái tóc cũng không xuể. Nay hãy đem những công-việc của hắn làm, rõ-ràng ở tai mắt người ta, để gây nên hoạn-loạn, hiểu-thị cho ai nấy đều biết. Còn như Lê văn Duyệt và con-cháu hắn nên xử tội thế nào, thì giao cho đình-thần nghị xử. »

Vài hôm sau, nội-các là Hà Quyền 何 權, Nguyễn tri Phương 阮 知 方, Hoàng Quýnh 黄 炯 tâu rằng: Duyệt che-chở cho quân phỉ loạn, gây nên sự biến, cái tai vạ tích lại đã lâu. Nay xét những giấy-má của y ngày trước, rõ ra hình-tích bội-nghịch, có 6 điều:

1. Năm Minh-mệnh thứ 4, y tự tiện sai người riêng là bọn Phan Đạt 潘 達 giả danh đi thám, đi thuyền sang nước Diến-điện. Trong thư chắc có giao-thông. Cứ lấy nghĩa « làm tôi không có phép được giao-thông với nước ngoài », thì tâm-sự của y đã rõ, ấy là một tội.

2. Đến khi sứ-thần nước Diến-điện đến thành, mới tâu vào Triều-đình. Đã có chỉ-dụ nói việc đó quan-hệ đến đại nghĩa, không nên khinh-thường, nghe lời ngoài mà bỏ tình hòa-hiếu, gây việc cừu-thù. Vậy mà y cố xin dung-nạp. May mà Triều-đình trả đồ cống-vật cho sứ Diến-điện về nước, thì danh-nghĩa nước lớn ta mới tỏ giải ra thiên-hạ. Thế là y chẳng những mưu việc nước không ra gì, mà lại cố giữ lấy ý riêng để che điều lỗi, ấy là hai tội.

3. Năm Minh-mệnh thứ 7, tàu bạt phong nước Anh-cát-lợi đậu vào cửa Bình-thuận, đã có chỉ sai sở-tại hộ tống, mà y cố xin đưa vào Gia-định, và nói rằng: « Quan trấn kiềm-thúc, không bằng thần có quyền, khiến cho kẻ kia sợ tướng-lệnh và biết binh oai ». Hai chữ « có quyền » từ xưa vẫn lấy làm răn, mà y dám ngất-ngưởng tự nhận, kiêu-tứ dường nào, ấy là ba tội.

4. Năm Minh-mệnh thứ 4, thị-vệ là Trần văn Tình 陳 文 情 nhân việc công-sai ở Gia-định về, có tâu việc Trần nhật Vĩnh làm riêng phố ngói, mua trộm các món. Y nghe chuyện làm vậy, năm sau vào chầu, cố xin bắt Trần văn Tình giao cho y để y chém, nếu không giao thì y xin trả chức tổng-trấn; rồi y xin từ chức thực. Có ý yêu quân như vậy, tội gì còn to bằng tội ấy. Vả y xin giết một Trần văn Tình, thế là bắt người ta phải khóa lưỡi, không ai dám nói nữa, rất là dụng tâm nham-hiểm, ấy là bốn tội.

5. Trần nhật Vĩnh đã có chỉ bổ thụ ký-lục Vĩnh-thanh, mà y cố xin lưu ở lại trong thành. Lê đại Cương 黎 大 綱 có chỉ tuyên-triệu, mà y cố xin lưu lại làm việc phủ Lạc-hóa, đều là có ý vi chiếu. Trong tập tâu của y lại nói rằng: « Chuẩn cho thần cầu xin việc ấy, thì hầu có ích cho việc ngoài biên-cương »; lại ở trong tập tâu xin chi-bổng cho bọn thơ-lại, cơ, đội, các vệ, có câu rằng: « Lão-thần xa ở ngoài biên-khổn, chỉ e Triều-đình tin dùng không được vững-bền ». Trong lời-lẽ ấy đều là không kính, ấy là 5 tội.

6. Năm Minh-mệnh thứ 6, y tâu xin tăng thọ cho Lê Chất, có nói rằng: « Ấy là vị thánh-dược khởi tử hồi sinh, tiếc gì mà không làm ». Y là chức biên-khổn dám kết đảng tư tình như thế, rất trái với đạo làm tôi, ấy là 6 tội. Vả lại nghe y bình nhật thường khoe chuyện với người ta rằng: y xin được quẻ thẻ có 4 câu thơ:

Tá Hán tranh tiên chư Hán-tướng,
Phù Chu ninh hậu thập Chu-thần.
Tha niên tái ngộ Trần-kiều sự,
Nhất đán hoàng-bào bức thử thân.

DỊCH NÔM

Giúp Hán há thua cùng tướng Hán,
Phò Chu nào kém bọn tôi Chu.
Trần-kiều nếu gặp cơn binh biến,
Mảnh áo hoàng-bào dễ ép nhau!

Giá y không phải là người sẵn có bụng bất trung, thì không khi nào dám khoe bài thơ ấy với người ta. Bởi vậy bọn tiêu-hạ tập quen thành thói, cho nên thây y chưa lạnh mà đã có việc này. Vậy xin giao cả lời tâu này cho đình-thần kết án để chính tội. Vua ưng cho.

Đến khi nghị án xong, trích ra các lời nói, việc làm, bội nghịch, có 7 tội nên trảm:

1. Sai người đi riêng sang Diến-điện, âm kết ngoại-giao.

2. Xin giao tàu Anh-cát-lợi đến thành, để tỏ có quyền.

3. Xin giết thị-vệ là Trần văn Tình, để khóa miệng người ta.

4. Kháng sớ xin lưu quan-viên bổ đi chỗ khác.

5. Lập đảng mà xin tăng thọ cho Lê Chất.

6. Giấu chứa giấy ngự bảo.

7. Mộ cha, tiếm gọi là lăng, đối với người ta, tự xưng là cô.

Có 2 tội nên giảo: 1. cố xin dung-nạp Diến-điện để che-chở cái lỗi của mình; 2. nói chuyện với người ta xin được quẻ thẻ có câu thơ hoàng-bào.

Một tội nên phát quân: tự tiện sai biền binh tu-tạo tàu-thuyền.

Sự biến Phiên-an, y thực là đầu vạ nên chiếu theo luật mưu-phản, khép vào tội lăng-trì; song y đã chịu minh-tru, vậy xin truy-đoạt cáo sắc, bỏ quan-quách giết thây, để tỏ gương răn cho người khác. Còn như tằng-tổ, tổ-phụ của y được phong tặng cáo sắc, thì xin truy-đoạt cả; tiên phần có tiếm dụng trái phép nào thì tước-hủy đi; con, cháu, vợ cả, vợ lẽ, đều phân-biệt nghị tội; tài-sản thì tịch-biên hết.

Án ấy đệ lên. Những tội nguyên nghị trảm quyết đổi làm giam-hậu, con cháu từ 15 tuổi trở xuống, tạm hãy nghiêm cấm; trẻ thơ-ấu chưa biết gì thì tha không bắt; ba họ phải phát nô cũng đều tha; nguyên nghĩ lục thì cũng thôi.

Lại sai Hình-bộ sao bản văn án phát cho tổng-đốc, tuần-phủ các tỉnh, cho cứ ý-kiến riêng mà tâu về. Hộ-phủ Lạng-bình là Trần huy Phác 陳 輝 樸 xin điều phép tội trảm quyết. Hộ-phủ Quảng-yên là Lê dục Đức 黎 育 德 xin người nào từ 16 tuổi trở lên đều chém, còn thì đều y như đình nghị. Tổng-đốc Bình-phú là Võ xuân Cẩn 武 春 謹, Tổng-đốc Ninh-thái là Hoàng văn Trạm 黄 文 站 cũng đều xin y đình nghị. Lại nói kèm một câu rằng: hoặc nên lấy công bù tội châm-chước ít nhiều thì tự Thiên-ân.

Dụ rằng : « Xem vậy thì đủ biết lẽ trời không sai, mà công đạo ở lòng người không ai giấu được. Kẻ quyền-gian kia gây vạ, thiên-hạ ai ai cũng căm-tức, muôn miệng cùng lời, đủ tỏ cái án sắt nghìn xưa. Tội Lê văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan-quách mà giết thây, cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, và đã truy-đoạt quan tước, xương khô trong mả, không bõ gia hình. Vậy cho tổng-đốc Gia-định đến chỗ mả hắn, san làm đất phẳng và khắc đá dựng bia ở trên viết to những chữ « Chỗ này là nơi quyền-yêm Lê văn Duyệt phục pháp », để chính tội danh cho kẻ đã chết, mà tỏ phép nước về đời sau, làm gương cho kẻ quyền-gian muôn đời.

Không những Lê văn Duyệt là họa thủ tội khôi, mà tên cháu y là Lê văn Hán cũng giao thông với giặc, thì thân-thuộc phải tội, trong luật đã có điều nói rõ rồi. Song nghĩ nó chẳng qua cuồng-dại một lúc, qua lại với giặc mà thôi, sánh với kẻ trước sau theo giặc kháng-cự quan quân, hơi có khác nhau. Và đã xử cực hình, cũng đủ tỏ phép nước rồi. Những kẻ thân-thuộc khác, khép tội trảm giam hậu, cũng đủ cho nó phục tội. Lời dụ này chuẩn lục-tống phát cho mỗi tỉnh một đạo, để cho ai nấy đều biết Triều-đình xử rất công, rõ-ràng cái cân ba thước mà nghiêm như rìu búa nghìn thu. »

Án Lê Chất. Án Lê văn Duyệt phát ra năm trước thì năm sau có quan Lại-bộ tả thị-lang là Lê bá Tú 黎 伯 秀 truy tham những tội bất thần của Lê Chất 黎 質, có 6 tội nên chết:

1. Chất cùng Duyệt toan mưu làm việc Y, Hoắc (phế lập), bị hai đứa ở nói hở ra ngoài, bèn giết chúng nó để buộc miệng, là một tội.

2. Mấy lần cố xin thưởng cho hoàng-tử để làm con nuôi, muốn bắt chước lối cũ của Dương Kiên, là hai tội.

3. Muốn cho con gái chính vị trong cung, không được thỏa chí, nói ra những lời oán vọng, là ba tội.

4. Thường nói chuyện với Lê văn Duyệt rằng: « Người ta thường nói trời, vua và cha mẹ, người làm con, làm tôi dù có điều bất bình, cũng không dám giận, mà một mình tôi dám giận » là bốn tội.

5. Lại nói rằng: « Vua cậy có Trịnh hoài Đức, Nguyễn hữu Thuận phúc tâm, chỉ đem độ vài trăm người vào chầu, quát to một tiếng, bọn ấy cũng phải phục xuống đất, rồi ta muốn làm gì ta làm » là năm tội.

6. Lại nói rằng quốc-tính đổi làm tôn-thất, đều là bọn Hoài Đức a-dua xui-giục, nên đem chém ở trước cửa miếu để chính tội, là sáu tội.

Lại có 10 tội tiếm lạm: 1. Khi y ở Bắc-thành, đầu năm điểm binh, dám lên lầu Ngũ-môn ngồi chính giữa.

2. Đệ niên thuyền tải ngoài bể, y lấy của riêng mà tải vào thuyền công.

3. Cùng với Lê văn Duyệt dâng biểu từ chức để bắt bí nhà vua.

4. Việc sinh sát dữ đoạt, hay tự tiện.

5. Trái phép, ăn lễ, giàu đến nghìn vạn.

6. Tấu sớ không hợp phép, có chỉ không cho, mà cứ nhất định nộp lại, có Lê văn Duyệt ngăn đi mới thôi.

7. Nuôi những cung-nữ tiên triều, không biết kiêng-nể gì.

8. Nơi công-sảnh tiếm làm gác chuông, gác trống.

9. Tội án Lê duy Thanh đã thành, lại còn cùng với Lê văn Duyệt cố xin nghị lại.

10. Điều bổ cơ binh, phủ binh, xin lấy chức quan văn mà thi-hành.

Vậy xin giao cho đình nghị, để chính tội danh làm gương cho kẻ gian trăm đời.

Vua dụ rằng: « Chất, tính vốn sài-lang, nết như ma-quỉ, làm tôi thì bất trung, bất chính, xử việc thì đại ác đại gian, việc nào cũng càn-rỡ, ai là chẳng tức giận, chẳng những là 16 tội mà thôi đâu. Trước kia trẫm nghĩ hắn cùng với Lê văn Duyệt, dẫu mang lòng bất thần, nhưng người ta không chịu theo, thì chắc không dám gây sự. Vả hắn là nhất-phẩm đại-thần; dù có mưu gian mà thần-dân chưa cáo-tố, thì không nỡ bắt tội. Kể đến hắn lại chịu tội minh-tru rồi thì lưới trời tưởng cũng không thoát, cho nên cũng chẳng kể làm gì nữa. Nay đã có người tham-hạch, vậy thì phải trái cho công, đã có triều-đình pháp-luật. Chuẩn cho đình-thần đem 16 điều tội của hắn mà định rõ tội danh, vợ con cũng án-luật mà nghị-xử, duy con gái nào đã xuất giá, cùng là cháu trai còn nhỏ thì tha. »

Đình-thần nghị rằng: Chất, bất pháp bất trung, đại gian đại ác, có 6 tội nên lăng-trì, 8 tội nên trảm, 2 tội nên giảo. Những tội phạm phận, âm-mưu điều bất quỉ, thì khép vào tội bạn-nghịch mà xử lăng-trì. Song y đã chịu tội minh-tru, vậy xin truy-đoạt cáo sắc, bổ áo quan, lục thây, khiêu thủ để thị giới. Còn cáo sắc phong cho cha mẹ y, cũng xin truy đoạt; vợ là Lê thị Sai 黎 氏 差 từng đồng mưu bạn với chồng, nghĩ trảm lập quyết. Lại phát cho các tổng-đốc, tuần-phủ, mỗi nơi một đạo văn-án, để cho đem ý riêng bày-tỏ tâu về, cho công lòng chúng. Các địa phương tâu về, đều xin y đình nghị.

Ngài dụ rằng: « Như vậy đủ rõ lẽ trời ở tại lòng người, công-luận không bao giờ mất. Kẻ gian-thần chứa vạ, muôn miệng cùng một lời, đủ làm án sắt thiên cổ. Vả Lê Chất cùng với Lê văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giá thử bổ áo quan giết thây, cũng không là quá. Song lại nghĩ Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bổ áo quan giết thây, thì nắm xương khô của Chất nay cũng chẳng màng bắt tội. Vậy cho Tổng-đốc Bình-phú Võ xuân Cẩn 武 春 謹 san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ « Chỗ nầy là nơi Lê Chất phục-pháp » để làm gương cho kẻ gian-tặc muôn-đời. Còn vợ hắn là Lê thị Sai cùng ở một nhà, dự biết mưu bạn-nghịch, xử vào cực hình, cũng là phải, song kẻ đàn bà chẳng cần vội vàng chính pháp. Vậy Lê thị Sai cùng con là Lê Cẩn 黎 瑾, Lê Trương 黎 張, Lê Thường 黎 常, Lê Kỵ 黎 騎, đều cải làm trảm giam hậu. Lại tịch-biên gia-sản, được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho[3].

8. GIẶC TIÊM-LA. Nước Tiêm-la 暹 羅 tự khi mất quyền bảo-hộ ở Chân-lạp, vẫn có ý muốn sinh sự với nước Nam, nhưng còn sợ thế-lực Nguyễn-triều chưa dám làm gì, chỉ thỉnh-thoảng sang sinh sự với những nước ở Lào. Hễ khi nào Tiêm và Lào đánh nhau, thì nhà vua sai quan quân phòng giữ những chỗ biên-thùy, và sang cứu-viện những nước bị người Tiêm bắt nạt. Như năm đinh-hợi (1827) là năm Minh-mệnh thứ 8, nước Tiêm đánh lấy nước Vạn-tượng (Vientiane). Quốc-trưởng nước ấy là A Nỗ 阿 弩 chạy sang cầu-cứu, vua Thánh-tổ sai quan thống-chế là Phan văn Thúy 潘 文 璻 làm kinh-lược biên-vụ đại-thần đem binh tượng sang cứu A Nỗ.

Tháng chín năm ấy, bọn Lê đức Lộc 黎 德 祿, Nguyễn công Tiến 阮 公 進 đem binh ở Nghệ-an chia làm hai đạo đi đường Qui-hợp và đường Lạc-phàm qua Trấn-ninh sang cứu A Nỗ. Đi đến đâu vẽ những sông núi hình-thế hiểm-trở rồi gửi về Kinh.

A Nỗ mất nước không lấy lại được, phải theo quân An-nam về Nghệ-an, đợi thu-xếp quân-sĩ để về đánh báo thù. Đến năm mậu-tí (1828), A Nỗ nói rằng quân Lào tụ-hợp được đủ rồi, xin cho quan quân đưa về nước. Vua Thánh-tổ sai Phan văn Thúy 潘 文 璻 làm kinh-lược đại-thần, Nguyễn văn Xuân 阮 文 春 làm phó, Nguyễn khoa Hào 阮 科 豪 làm tham-tán, đem 3.000 quân và 24 con voi, đưa A Nỗ về Trấn-ninh.

Đến Trấn-ninh, A Nỗ xin đem quân Lào về Vạn-tượng (Vientiane). Phan văn Thúy cho hai đội quân Thần-sách đi hộ tống. Về đến Vạn-tượng, A Nỗ đem quân đi đánh quân Tiêm, quân-sĩ chết hại rất nhiều, rồi lại sai người sang Nghệ-an xin viện binh.

Vua Thánh-tổ thấy A Nỗ hay sinh sự đánh nhau mà không được việc gì, bèn không cho quân sang cứu, chỉ xuống lệnh truyền cho các hạt ở Lào phải phòng giữ những chỗ biên-thùy. A Nỗ không có quân cứu viện, bị quân Tiêm đến đánh, lại phải bỏ thành mà chạy sang Trấn-ninh. Được ít lâu, Chiêu Nội 昭 内 là thủ-lĩnh Trấn-ninh bắt A Nỗ đem nộp cho Tiêm-la.

Quân Tiêm-la phá được Vạn-tượng rồi, lại xâm vào đến các châu phụ-thuộc về nước Nam, ở mạn gần Quảng-trị. Vua Thánh-tổ sai thống-chế Phạm văn Điển 范 文 典 kinh-lý mọi việc ở Cam-lộ, sai Lê đăng Doanh 黎 登 瀛 làm tham-tán quân-vụ, cùng với quân các đạo ở Lào đi tiễu-trừ.

Phạm văn Điển, một mặt thì cho người đem thư sang trách nước Tiêm-la sinh sự, một mặt thì chia quân làm ba đạo tiến lên đánh.

Tướng Tiêm-la viết thư trả lời một cách khiêm-nhường lắm, rồi rút quân về. Từ đó nước Tiêm bề ngoài vẫn thông sứ đi lại để giữ sự hòa-hiếu, nhưng ngầm-ngấm cứ tìm cách quấy-nhiễu nước Nam. Ở phía tây-nam, người Tiêm vẫn dung-túng những người phản-nghịch nước Chân-lạp, mà ở phía tây-bắc thì vẫn cứ hà-hiếp Vạn-tượng và các nước nhỏ khác. Dù thế mặc lòng, vua Thánh-tổ không muốn gây việc binh đao, cứ dùng lời nói ngọt mà trang-trải mọi việc.

Đến cuối năm quí-tị (1833) nhân có ngụy Khôi khởi loạn ở đất Gia-định và tên Khôi lại cho người sang cầu cứu, vua Tiêm-la bèn sai quân thủy-bộ chia ra làm 5 đạo sang đánh Việt-nam.

Đạo thứ nhất thủy-quân đem hơn 100 chiếc thuyền vào đánh lấy Hà-tiên; đạo thứ nhì bộ quân sang đánh Nam-vang (Phnom-penh), rồi tiến lên đánh lấy Châu-đốc và An-giang; đạo thứ ba đánh lấy mặt Cam-lộ; đạo thứ tư đánh Cam-cát, Cam-môn, đạo thứ năm đánh Trấn-ninh.

Tuy rằng quân nghịch năm đạo cùng tiến, nhưng chủ-đích của Tiêm-la là cốt đánh Chân-lạp và Nam-kỳ, còn các đạo khác là để phân quân-lực của nước Nam mà thôi.

Vua Thánh-tổ được tin báo cấp, liền xuống chiếu sai quan quân phòng ngự các nơi. Phía tây-nam thì sai quân thứ ở Gia-định, chia quân cho Trương minh Giảng 張 明 講 và Nguyễn Xuân 阮 春 đi tiến tiễu ở mặt An-giang. Phía tây-bắc thì sai Lê văn Thụy 黎 文 瑞 giữ mặt Cam-lộ, thuộc Quảng-trị, Phạm văn Điển 范 文 典 giữ mặt Nghệ-an. Lại sai Nguyễn văn Xuân 阮 文 春[4] làm kinh-lược đại sứ đi tiễu trừ quân Tiêm và quân Lào ở Trấn-ninh.

Trương minh Giảng và Nguyễn Xuân đại phá quân Tiêm-la ở sông Cổ-cắng. Quân Tiêm-la ở Chân-lạp cũng bị người bản xứ đánh phá. Chỗ nào quân nghịch cũng thua to chết hại rất nhiều; chỉ trong một tháng mà quan quân lấy lại Hà-tiên và Châu-đốc, đuổi quân Tiêm ra ngoài bờ cõi, rồi tiến lên đánh lấy thành Nam-vang và đưa vua Chân-lạp là Nặc ông Chân về nước.

Trương minh Giảng và Nguyễn Xuân từ Nam-vang tiến lên đánh quân Tiêm, liền phá mấy trận, chém tướng bắt binh lấy được súng-ống khí-giới không biết ngần nào mà kể. Tướng Tiêm-la là Phi Nhã Chất Tri 丕 雅 質 知 đem bại binh chạy về nước, quan quân đuổi đánh lấy lại thành Phú-túc (Pursat) rồi cho người Chân-lạp ở lại giữ các nơi: chỗ nào hiểm-yếu thì làm đồn đắp lũy, để phòng ngự quân giặc.

Những đạo quân Tiêm và quân Lào sang đánh ở mặt Quảng-trị, Nghệ-an và Trấn-ninh, đều bị tướng quân là Nguyễn văn Xuân 阮 文 春, Phạm văn Điển 范 文 典 và Lê văn Thụy 黎 文 瑞 đánh đuổi, chỗ nào quan quân cũng được toàn thắng, giữ được bờ cõi nguyên như cũ cả.

Quân Tiêm sang đánh từ tháng giêng năm giáp-ngọ (1834), đến tháng năm năm ấy, thì quan quân đã bình xong cả mọi nơi. Vua Thánh-tổ mừng-rỡ, ban thưởng cho các tướng-sĩ và bố cáo ra cho mọi nơi đều biết.

9. VIỆC AI-LAO. Nước Nam ta về đời vua Thánh-tổ thì to rộng hơn cả, là vì quân Tiêm-la cứ hay sang quấy-nhiễu cho nên các xứ ở Lào đều xin về nội thuộc nước ta.

Năm đinh-hợi (1827), người Nam-chưởng (Luan-Pra-bang) thông với Tiêm-la, rồi cứ đem quân xuống quấy-nhiễu đất Trấn-ninh. Tù-trưởng là Chiêu Nội 昭 内 xin đem đất Trấn-ninh về nội thuộc Việt-nam. Vua Thánh-tổ phong cho Chiêu Nội làm Trấn-ninh phòng-ngự-sứ 防 禦 使 cai-quản cả 7 huyện, lại phong cho những thổ-mục làm thổ tri-huyện và thổ huyện-thừa. Chiêu Nội dâng sổ dân đinh và điền thổ, cả thảy được 3.000 suất đinh và 28 sở ruộng.

Lại có đất Tam-động và Lạc-phàn (trước thuộc về Vạn-tượng) cũng xin nội thuộc. Triều-đình chia những đất ấy ra làm hai phủ là Trấn-tĩnh-phủ 鎮 靖 府 và Lạc-biên-phủ 樂 邊 府. Năm ấy lại có xứ Xa-hổ (?), Sầm-tộ (Sam-teu), Mường-soạn (?), Mang-lan (Mường-lam), Trình-cố (Xiêng-khô), Sầm-nứa (Sam-neua), Mương-duy (?) và ở Ngọc-ma có Cám-cát (Kham-keut), Cam-môn và Cam-linh (?) đều xin về nội thuộc. Vua Thánh-tổ chia những đất ấy ra làm ba phủ là Trấn-biên 鎮 邊, Trấn-định 鎮 定 và Trấn-man 鎮 曼.

Phủ Trấn-biên có bốn huyện là Xa-hổ, Sầm-tộ, Mang-soạn, Mang-lan; phủ Trấn-định[5] có 3 huyện là Cam-cát, Cam-môn, và Cam-linh. Hai phủ ấy đều thuộc về Nghệ-an. Còn phủ Trấn-nam có 3 huyện là Trình-cố, Sầm-nứa, Man-duy thì thuộc về Thanh-hóa.

Ở miền Cam-lộ thuộc Quảng-trị lại có những mường Mang-vang (?), Ná-bí (?), Thượng-kế (?), Tả-bang (?), Xương-thịnh (?), Tầm-bồn (?), Ba-lan (?), Mang-bổng (?), Lang-thời (?), xin về nội thuộc, chia ra làm 9 châu, cho chiếu lệ triều-cống.

Đại-khái là đất Sầm-nứa, đất Trấn-ninh, đất Cam-môn và đất Savannakhet bây giờ, thủa ấy thuộc về Việt-nam ta cả.

10. VIỆC CHÂN-LẠP. Ở nước Chân-lạp thì từ khi quan quân phá được giặc Tiêm rồi, tướng quân là Trương minh Giảng 張 明 講 và tham-tán là Lê đại Cương 黎 大 綱 lập đồn An-nam ở gần Nam-vang để bảo-hộ Chân-lạp.

Cuối năm giáp-ngọ (1834), vua nước Chân-lạp là Nặc ông Chân mất, không có con trai, quyền cai trị trong nước về cả mấy người phiên liêu là bọn Trà Long 茶 龍 và La Kiên 羅 堅. Những người này đều là người Chân-lạp mà lại nhận quan chức Việt-nam. Đến năm ất-vị (1835), Trương minh Giảng xin lập người con gái của Nặc ông Chân tên là Angmey lên làm quận-chúa, gọi là Ngọc Vân công-chúa 玉 雲 公 主, rồi đổi nước Chân-lạp ra làm Trấn-tây-thành 鎮 西 城, chia ra làm 32 phủ và 2 huyện. Đặt một tướng-quân 將 軍, một tham-tán đại-thần 參 贊 大 臣, một đề-đốc 提 督, một hiệp-tán 協 贊, và 4 chánh phó lĩnh-binh 領 兵, để coi mọi việc quân dân. Ở các chỗ yếu-hại, lại đặt chức tuyên-phủ 宣 撫, an phủ 安 撫 để phòng-ngự.

Năm canh-tí (1840), nhà vua sai Lê văn Đức 黎 文 德 làm khâm-sai đại-thần, Doãn Uẩn 尹 蘊 làm phó và cùng với Trương minh Giảng để kinh-lý mọi việc ở Trấn-tây-thành, khám-xét việc buôn-bán, đo ruộng đất, định thuế đinh, thuế thuyền-bè buôn-bán dưới sông.

Nhưng vì quan-lại Việt-nam ta sang làm nhiều điều trái lẽ, nhũng-nhiễu dân-sự, lại bắt Ngọc Vân quận-chúa đem về để ở Gia-định, bắt bọn Trà Long và Lê Kiên đày ra Bắc-kỳ, dân Chân-lạp ai cũng oán giận, chỗ nào cũng có giặc-giã nổi lên đánh phá. Lại có em Nặc ông Chân là Nặc ông Đôn khởi nghĩa, có người Tiêm-la giúp-đỡ, thành ra quan quân đánh mãi không được. Về sau đến khi vua Thánh-tổ mất rồi, quan quân phải bỏ thành Trấn-tây mà rút về An-giang.

Ấy cũng là vì người mình không biết bênh-vực kẻ hèn-yếu, chỉ đem lòng tham-tàn mà ức-hiếp người ta, cho nên thành ra hao-tổn binh-lương, nhọc-mệt tướng-sĩ, mà lại phải sự bại-hoại, thật là thiệt hại cho nước mình.

11. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NHỮNG NƯỚC NGOẠI-DƯƠNG. Việc giao-thiệp của nước Nam ta với các nước ngoại-dương mà ngăn-trở là bởi có hai lẽ: một là vì sự cấm giảng đạo Thiên-chúa; hai là vì người nước mình lúc bấy giờ không hiểu thời thế, cứ tự-đắc mình là văn-minh hơn người, không chịu học-tập như người ta mà theo đường tiến-bộ.

Nước ta từ đời thập-thất thế-kỷ, về nhà Hậu-Lê đã có người Âu-la-ba ra vào buôn-bán, hoặc ở Phố-hiến (Hưng-yên), hoặc ở cửa Hội-an (Faifo), đều không có việc gì ngăn-trở cả. Chỉ có sự giảng đạo Thiên-chúa ở trong nước là hay bị sự ngăn-cấm. Ngày trước chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã có dụ nghiêm-cấm. Đến đời Nguyễn Tây-sơn thì trong nước rối loạn, còn phải lo việc chiến-tranh, cho nên không nói đến việc cấm đạo. Về sau, khi vua Thế-tổ nhất-thống cả nam bắc, thì ngài nhớ ơn bên đạo có công giúp rập trong lúc gian-truân, vẫn để các giáo-sĩ được phép đi giảng đạo mọi nơi. Mãi đến đời vua Thánh-tổ thì việc nước đã yên, nhà vua lưu ý về sự giáo-hóa, lấy Nho-đạo làm chính đạo và cho các tôn-giáo khác làm tả đạo, bắt dân-gian phải bỏ tà theo chính. Sự cấm đạo lại khởi đầu phát ra nữa.

Mà cũng vì sự cấm đạo, cho nên sự buôn-bán của những người ngoại-dương ở nước ta, thành ra ngăn-trở. Bởi vì Triều-đình thấy thỉnh-thoảng có chiếc tàu buôn lại, thì có một vài người giáo-sĩ vào giảng-đạo, ngăn-cấm thế nào cũng không được, tưởng là có ý do-thám gì chăng, cho nên lại càng nghi-ngờ lắm.

Vả lại về đời nhà Nguyễn lúc bấy giờ, ở trong nước cũng không có người ngoại quốc ra vào buôn-bán, chỉ có người Pháp-lan-tây trước đã theo giúp vua Thế-tổ, rồi ở lại làm quan tại triều là Chaigneau và Vannier. Khi vua Thế-tổ hãy còn, thì Chaigneau có xin về nước Pháp nghỉ ba năm, đến năm tân-vị (1821), ông ấy trở sang thì lại nhận chức lãnh-sự và chức khâm-sai của vua Louis XVIII, đem đồ phẩm-vật và tờ quốc-thư sang điều-đình việc thông thương với nước Nam. Chaigneau sang đến nơi, thì vua Thế-tổ mất rồi, vua Thánh-tổ tiếp đãi Chaigneau cũng tử tế, và ngài sai quan trả lời cho Pháp-hoàng rằng nước Nam và nước Pháp không việc gì mà phải làm điều-ước về việc thương-mại. Việc vào buôn bán ở nước Nam, thì cứ theo luật nước Nam, không điều gì ngăn-trở cả.

Năm nhâm-ngọ (1822) có chiếc tàu chiến của Pháp tên là Cléopâtre vào cửa Đà-nẵng, người quản tàu tên là Courson de la Ville Héllio nhờ Chaigneau xin phép cho vào yết-kiến vua Thánh-tổ; ngài không cho. Tháng 7 năm ấy, có tàu Anh-cát-lợi vào Đà-nẵng xin thông thương, nhà vua cũng không cho.

Chaigneau thấy nhà vua càng ngày càng nhạt-nhẽo với mình, và cũng không làm được công-việc gì có ích, bèn cùng với Vannier xin từ chức, rồi đến cuối năm giáp-thân (1824), hai người xuống tàu đi qua Gia-định về Pháp.

Tháng giêng năm ất-dậu (1825), lại có thủy-quân đại-tá nước Pháp là ông Bougainville đem hai chiếc tàu chiến là Thétis và Espérance vào cửa Đà-nẵng, đem đồ phẩm-vật và quốc thư, xin vào yết-kiến vua Thánh-tổ. Ngài nói rằng nước Pháp và nước Anh là hai nước cừu địch, mà nước ta trước đã không tiếp sứ Anh-cát-lợi, lẽ nào nay lại tiếp sứ nước Pháp. Vả lúc bấy giờ Chaigneau và Vannier đã về cả rồi, ngài bèn sai quan đem đồ vật ra ban thưởng cho sứ nước Pháp và nói rằng ở trong Triều không có ai biết tiếng Pháp, cho nên không thể tiếp được.

NƯỚC NAM VỀ ĐỜI MINH-MỆNH

Qua năm sau (1826) chính-phủ Pháp lại sai cháu ông Chaigneau sang làm lĩnh-sự thay cho chú, nhưng sang đến nơi, Triều-đình nước ta không nhận, đến năm kỷ-sửu (1829) lại phải trở về.

Từ đó cho đến 10 năm về sau nước Pháp tuyệt giao với nước Nam ta. Mà lúc bấy giờ chỉ trừ mấy người giáo-sĩ đi giảng đạo ở chỗ thôn-dã ra, thì trong nước cũng không có người ngoại-dương nào ở nữa.

12. SỰ CẤM ĐẠO. Từ khi vua Thánh-tổ lên ngôi, ngài đã có ý không cho người ngoại-quốc vào giảng đạo ở trong nước. Đến năm ất-dậu (1825), khi chiếc tàu Thétis vào cửa Đà-nẵng, có một người giáo-sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, vua Thánh-tổ nhân dịp ấy mới có dụ cấm đạo, và truyền cho các quan phải khám-xét các tàu-bè của ngoại quốc ra vào cửa bể. Trong dụ nói rằng: « Đạo phương Tây là tả đạo, làm mê-hoặc lòng người và hủy-hoại phong-tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo ».

Ngài lại sai tìm bao nhiêu những giáo-sĩ ở trong nước đem cả về Huế để dịch những sách Tây ra chữ Việt-nam, chủ-ý là không phải vì việc dịch sách, nhưng là để cho khỏi đi giảng đạo ở chốn hương-thôn.

Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh-tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan-lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo lại càng nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào mặc lòng, trong nước vẫn có người đi giảng đạo, nhà vua lấy điều đó làm trái phép, lại có dụ ra lần nữa truyền cho dân bên giáo phải bỏ đạo, và ai bắt được giáo-sĩ đem nộp thì được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo-sĩ phải xử giảo, và ở các nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo.

Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc, chỗ nào cũng có giặc-giã nổi lên, nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càng cấm nghiệt: từ năm giáp-ngọ (1834) cho đến năm mậu-tuất (1838), có nhiều giáo-sĩ và đạo-đồ bị giết, nhất là từ khi bắt được cố Du (P. Marchand) ở Gia-định rồi, sự giết đạo lại dữ hơn trước nữa.

Nhà vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn-điều ra để khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy-quyền để giết-hại bao nhiêu, thì dân-sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin-tưởng của người ta không sao ngăn-cấm được. Vả lại đạo Thiên-chúa cũng là một đạo tôn-nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân-ái, việc gì mà làm khổ dân-sự như thế? Các giáo-sĩ bấy giờ cứ một niềm liều sống chết đi truyền giáo cho được, có người phải đào hầm mà ở dưới đất hàng mấy tháng để dạy đạo. Những người có chí bền chặt như vậy, thì hình-phạt cũng vô ích mà thôi. Năm mậu-tuất (1838), vua Thánh-tổ thấy cấm thế nào cũng không được những người đi giảng đạo trong nước, ngài bèn sai sứ sang nước Pháp để điều-đình với chính-phủ Pháp về việc ấy. Song khi sứ-thần Việt-nam sang đến nơi, thì hội Ngoại-quốc truyền-đạo xin Pháp-hoàng là vua Louis Philippe đừng tiếp[6]. Sứ-thần ta phải trở về không; khi về đến Huế thì vua Thánh-tổ đã mất rồi.

Về sau việc cấm đạo cứ dai-dẳng mãi đến khi nước Pháp sang bảo-hộ mới thôi.

13. VUA THÁNH-TỔ MẤT. Vua Thánh-tổ mất năm canh-tí (1840), thọ được 50 tuổi, và trị vì được 21 năm, miếu-hiệu là Thánh-tổ Nhân-hoàng-đế 聖 祖 仁 皇 帝.

Trong đời vua Thánh-tổ làm vua, pháp-luật, chế-độ, điều gì cũng sửa-sang lại cả, làm thành một nước có cương-kỷ. Nhưng chỉ vì ngài nghiêm-khắc quá, cứ một mực theo cổ, chứ không tùy thời mà biến-hóa phong-tục; lại không biết khoan-dung cho sự sùng-tín, đem giết hại những người theo đạo, và lại tuyệt giao với ngoại quốc làm thành ra nước Nam ta ở lẻ-loi một mình.

Đã hay rằng những điều lầm-lỗi ấy là trách-nhiệm chung cả triều-đình và cả bọn sĩ-phu nước ta lúc bấy giờ, chứ không riêng chi một mình ngài, nhưng ngài là ông vua chuyên-chế một nước, việc trong nước hay dở thế nào, ngài cũng có một phần trách-nhiệm rất to, không sao chối-từ được. Vậy cứ bình-tình mà xét, thì chính-trị của ngài tuy có nhiều điều hay, nhưng cũng có nhiều điều dở: ngài biết cương mà không biết nhu, ngài có uy-quyền mà ít độ-lượng, ngài biết có dân có nước mà không biết thời-thế tiến-hóa. Bởi vậy cho nên nói rằng ngài là một ông anh-quân thì khí quá, mà nói rằng ngài là ông bạo-quân thì không công-bằng. Dẫu thế nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông-minh, có quả-cảm, hết lòng lo việc nước, tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công-việc hơn ngài vậy.

  1. Xem tập tạp-chí « Revue Indochinoise » số 7-8 năm 1915 và quyển An-nam sử lược « Abrégé de l'histoire d'Annam » của ông A. Schreiner.
  2. Bắc-thuận 北 順, Hồi-lương 回 良, là những người ở Bắc-kỳ bị tội phải đày vào làm lính ở Nam-kỳ.
  3. Đến năm tự-đức nguyên-niên (1847) quan Đông-các Đại-học-sĩ là Võ xuân Cẩn 武 春 瑾 làm sớ tâu xin gia ân cho con cháu Nguyễn văn Thành. Trong bài sớ có lắm câu thảm thiết. Có chỗ nói rằng: « Nguyễn văn Thành, Lê văn Duyệt và Lê Chất đều có lòng theo mây đợi gió, xông pha chỗ mũi tên hòn đạn, thân làm đại-tướng, tước đến Quận-công, sau hoặc vì con dại, hoặc vì cậy công mà làm thành tội.... Dù bọn Nguyễn văn Thành có tội, thì tội đã trị rồi, mà công thì không hỏi đến, chẳng hóa ra đem cái công-lao bách-chiến mà để đến nỗi cái tàn hồn phải bơ-vơ như ma-trơi ngoài đồng, khác nào quỉ Mạc Ngao không ai thờ cúng không? » Vua Dực-tông xem bài sớ ấy lấy làm cảm-động bèn truy-phong cho bọn Nguyễn văn Thành, và cấp phẩm-hàm cho các con cháu.
  4. Nguyễn Xuân 阮 春 thì làm tham-tán đại-thần theo Trương minh Giảng, Nguyễn văn Xuân 阮 文 春 thì làm hữu-quân lĩnh An-tĩnh tổng-đốc đi đánh mặt Trấn-ninh.
  5. Ở gần địa-hạt Hà-tĩnh bây giờ.
  6. Sách Histore de la Cochinchine Francaise của ông Cultru.