Việt Nam sử lược/Quyển II/1928/Quyển IV/Chương V

CHƯƠNG V



CÔNG VIỆC HỌ TRỊNH LÀM Ở XỨ BẮC



1. Việc giao-thiệp với nhà Thanh. — 2. Việc lấy đất Cao-bằng của họ Mạc. — 3. Quan-chế. — 4. Việc binh-chế. — 5. Hình-luật. — 6. Thuế đinh thuế điền và sưu dịch. — 7. Các thứ thuế — 8. Sổ chi thu — 9. Việc khai mỏ — 10. Việc đúc tiền — 11. Sự đong-lường — 12. Việc in sách — 13. Việc học-hành thi-cử — 14. Trường học võ. — 15. Làm quốc-sử — 16. Sự đánh-dẹp giặc giã trong nước 1∘ Giặc Ngân già — 2∘ Giặc Ninh-xá — 3∘ Nguyễn-hữu-Cầu — 4∘ Nguyễn-danh-phương — 5∘ Hoàng-công-chất — 6∘ Lê-duy-Mật.



1. Việc giao-thiệp với nhà Thanh. — Năm quí-mão (1663), lúc ấy nhà Minh đã mất rồi, vua nhà Thanh có cho sứ sang dụ vua An-nam về triều-cống. Bấy giờ Trịnh-Tạc 鄭 柞 mới cho sứ đem đồ cống lệ sang Yên-kinh 燕 京 (tức là Bắc-kinh) để cầu phong cho vua Lê. Đến năm đinh-mùi (1667) vua Khang-hi nhà Thanh sai sứ sang phong cho vua Lê làm An-nam quốc-vương 安 南 國 王.

Từ đó hai nước thông sứ với nhau như thường. Về sau dẫu có lôi thôi về những việc giặc cướp và việc giới hạn ở phía thượng-du, nhưng bao giờ vua nhà Thanh cũng chủ lấy sự hòa-bình, cho nên việc gì cũng trang trải xong xuôi cả.

2. Việc lấy đất Cao-bằng của họ Mạc. — Năm ất-sửu (1625) Mạc-kính-Khoan đã xin về hàng, được phong làm Thái-úy Thông-quốc-công, cho giữ đất Cao-bằng. Song đến năm mậu-dần (1638) Kính Khoan mất, con là Mạc-kính-Vũ 莫 敬 宇 (có chỗ gọi là Mạc-kính-Hoàn 莫 敬 完) không nhận chức và không chịu về cống, lại tự xưng làm vua, hiệu là Thuận-đức 順 德

Từ đó họ Mạc cứ thỉnh thoảng đem quân về cướp phá ở mạn Thái-nguyên, quan quân đánh đuổi nhiều lần, nhưng không trừ hẳn đi được.

Năm đinh-vị (1667) Trịnh-Tạc 鄭 柞 đem đại binh cùng các tướng là Đinh-văn Tả 丁 文 左, Lê-Châu 黎 珠, Lê Hiến 黎 憲 lên đánh lấy đất Cao-bằng. Mạc kính-Vụ phải bỏ chạy sang Tầu. Trịnh Tạc mới treo bảng, chiêu tập dân sự về làm ăn, và đặt quan cai-trị, lại sai Vũ-Vinh 武 榮 làm đốc-trấn đất Cao-bằng, Đinh-văn-Tả làm trấn-thủ đất Thất-tuyền (tức đất Thất-khê bây giờ).

Mạc-kính-Vụ ở bên Tàu, lấy vàng bạc đút lót cho quan nhà Thanh để tâu xin với Thanh đế bắt họ Trịnh giả lại đất Cao-bằng cho họ Mạc. Thanh-đế cho Kính-Vụ về ở Nam-ninh 南 寧, rồi sai sứ sang thương nghị với Nam triều về việc ấy. Triều-đình An-nam và sứ nhà Thanh bàn đi bàn lại mãi, sau Trịnh-Tạc phải chịu trả lại cho họ Mạc đất 4 châu ở Cao-bằng là châu Thạch-lâm, Quảng-uyên, Thượng-lang, Hạ-lang và triệu quan đốc-trấn Vũ-Vinh về.

Về sau Ngô-tam-Quế 吳 三 桂 phản nhà Thanh ở đất Vân-nam và đất Quảng-tây, Mạc-kính-Vụ cũng về đảng với Tam Quế mà chống lại nhà Thanh. Đến khi Tam-Quế chết rồi, nhà Thanh đã lấy lại đất Quảng tây, họ Trịnh muốn nhân dịp ấy mà trừ họ Mạc cho xong, bèn một mặt sai ông Đinh văn-Tả 丁 文 左 và Nguyễn-hữu-Đăng 阮 有 登 lên đánh Mạc-kính-Vụ. Đến tháng tám năm đinh-tị (1667) ông Đinh-văn-Tả lấy được thành Cao-bằng, Mạc-kính-Vụ cùng họ hàng chạy sang Long-châu, bị quân nhà Thanh bắt giải sang trả cho An-nam.

Từ khi Mạc-mậu-Hợp phải bắt, họ Mạc thất thủ Thăng-long rồi, con cháu chạy lên mạn ngược, nhờ thế nước Tàu, được giữ đất Cao-bằng, tương truyền được 3 đời, là Mạc-kính-Cung, Mạc-kính-Khoan, và Mạc-kính-Vụ; đến nay mới mất hẳn. Dòng dõi họ Mạc hoặc bị bắt, hoặc về hàng, có nhiều người được tha, cho làm quan với họ Trịnh.

3. Quan chế. — Trước khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê thì quan chế vẫn theo như đời Hồng đức 洪 德, nhưng từ khi nhà Lê trung-hưng về sau, chính về họ Trịnh, cho nên quan chế có khác ít nhiều. Về đường văn giai thì trên các quan Lục-bộ Thượng-thư[1], có đặt thêm quan Tham-tụng 參 從 và quan Bồi-tụng 陪 從 để coi việc chính-trị, như quan Tể-tướng vậy. Đến năm mậu-tuất (1718) đời vua Dụ-tông, ông Trịnh-Cương 鄭 棡 lại đặt ra Lục-phiên 六 番 ở bên phủ chúa cũng như Lục-bộ ở bên nhà vua. Từ đó việc gì cũng ở bên Lục phiên làm cả, Lục-bộ không có quyền gì nữa. Về đường vũ giai thì trước vẫn có Ngũ-phủ tả hữu Đô-đốc[2]. Đến năm giáp-thìn (1664) đời vua Huyền-tôn, ông Trịnh-Tạc 鄭 柞 lại đặt thêm chức Chưởng-phủ-sự 掌 府 事 và Thự-phủ sự 署 府 事 để coi việc binh chính.

Ở bên nhà vua thì gọi là Triều-đình 朝 廷, ở bên chúa thì gọi là Phủ-liêu 府 僚. Quan thì chia ra văn ban, vũ ban và giám ban[3].

Lúc ấy việc gì cũng ở bên phủ chúa quyết định cả, cho nên thường hay dùng chữ Phủ-liêu, chứ không mấy khi dùng chữ Triều-đình, là vì lẽ rằng Triều-đình không quyền gì nữa.

Sự kén chọn các quan lại thì lệ cứ mấy năm lại khảo hạch một lần, ai không xứng chức thì phải giáng xuống.

Khi nào quan viên về hưu-trí thì được ăn dân-lộc, như là quan nhất phẩm thì mỗi năm được 400 quan tiền dân-lộc của bốn năm xã; quan nhị phẩm được 300 hoặc 250 quan của hai ba xã; quan tam phẩm được 250 hoặc 150 quan của một hai xã; quan tứ phẩm được 150 quan của một xã; quan ngũ phẩm được 100 quan của một xã.

Đời bấy giờ lại đặt ra một phép rất hay như là cấm không cho các quan viên lập trang trại ở chỗ mình làm quan, bởi vì thường có nhiều người ỷ quyền thế mà hà-hiếp lấy ruộng đất của dân, rồi nuôi những đồ gian-ác làm tôi-tớ, để quấy nhiễu mọi người, đến nỗi có nhiều nơi dân phải xiêu tán đi. Ấy cũng là một việc đỡ hại cho dân, và lại có thể giữ liêm cho quan vậy.

Nhưng về sau, từ đời Trịnh-Giang 鄭 杠 trở đi, nhà chúa chơi-bời xa-xỉ, lại có nhiều giặc-dã, phải tìm cách lấy tiền, đặt ra lệ cứ tứ phẩm trở xuống ai nộp 600 quan thì được thăng chức một bậc. Còn những người chân trắng mà ai nộp 2 800 quan thì được bổ tri-phủ, 1.800 quan thì bổ tri-huyện[4].

Như thế, hễ ai có tiền là được quyền trị-dân, chứ không cần có tài năng gì cả, thành ra cái phẩm giá của những người làm quan đời bấy giờ cũng kém dần dần đi.

4. Việc binh-chế. — Khi nhà Lê trung hưng ra đánh họ Mạc, số quân chỉ có hơn 56.000 người mà thôi[5]. Về sau, từ lúc đánh được họ Mạc rồi, họ Trịnh chia ra làm hai thứ binh: một thứ gọi là ưu-binh 優 兵 thì lấy lính ở ba phủ đất Thanh-hóa và ở bốn phủ đất Nghệ-an, lệ cứ ba suất đinh lấy một tên lính. Một thứ gọi là nhất-binh 一 兵 thì lấy lính ở tứ trấn ở đất Bắc, là Sơn-nam, Kinh-bắc, Hải-dương, Sơn-tây, lệ cứ 5 suất đinh lấy một tên lính.

Lính ưu-binh thì đóng ở Kinh-thành, kén vào làm quân Túc-vệ để canh giữ những nơi đền vua phủ chúa. Những lính ấy đã được cấp cho công điền, lại được thêm chức sắc

Lính nhất-binh thì chỉ để đủ giữ các trấn, và hầu hạ các quan, còn thì cho về làm ruộng có khi nào cần dùng đến thì mới gọi, như là về đời ông Trịnh-Doanh 鄭 楹 có lắm giặc-dã, phải đánh dẹp nhiều nơi, thì mới gọi đến lính tứ-trấn, cả thảy được độ chừng 11.500 người, chia ra làm 20 vệ. Sau lại đổi ra làm cơ làm đội, mỗi cơ có 200 người, để 100 người ở tại ngũ, còn 100 người cho về làm ruộng, rồi cứ lần lượt thay đổi nhau mà về.

5. Hình-luật. — Hình-luật về đời ấy thì đại khái cũng như đời Tiền-Lê. Hình pháp thì chia ra làm 5 thứ gọi là ngũ hình: xuy, trượng, đồ, lưutử. Nhưng trước thì tội gì cũng được cho chuộc cả[6], đến đời vua Huyền-tôn, Trịnh-Tạc 鄭 柞 định lại: trừ những người được dự vào bát-nghị[7] ra, còn ai phạm tội gì cứ chiếu theo tội nặng nhẹ mà luận hình, chứ không cho chuộc nữa.

Trước thì ai đã phải tội lưu, lại phải tội chặt tay nữa. Đến đời vua Dụ-tôn, ông Trịnh-Cương 鄭 棡 mới bỏ cái luật chặt tay và đổi lại như là ai phải chặt hai bàn tay và phải lưu đi viễn-châu thì cải làm tội đồ chung thân; ai phải chặt một bàn tay và phải lưu ngoại-châu thì đổi làm tội đồ 12 năm; ai phải chặt hai ngón tay trỏ và phải lưu cận-châu, thì đổi làm tội đồ 6 năm. Còn như ai phạm tội trộm cướp thì không kể vào lệ ấy.

Ông Trịnh-Tạc lại định ra hai phép xử kiện. Chia những việc kiện tụng ra làm hai thứ. Những việc mưu, sát, đạo, kiếp thì gọi là đại tụng; những việc hộ, hôn, ẩu-đả thì gọi là tiểu tụng. Quan xử kiện mà không hợp lẽ thì phải phạt tiền, còn những việc đã xử phải lẽ rồi, người đi kiện còn đi kiện nữa, thì người ấy cũng phải phạt tiền.

Những việc án mạng, trộm cướp và những việc hộ, hôn, điền thổ thì phải theo thứ tự mà xét xử. Như việc án mạng thì quan phủ huyện xét rồi, đệ lên để Thừa-ti 丞 司 và Hiến-ti 憲 司 hội đồng xét lại. Việc trộm cướp, ở Kinh-đô thì do quan Đề-lĩnh 提 領 xét lại, ở các trấn thì do quan Trấn-thủ 鎮 守 xét lại.

Phàm những việc đại-tụng tiểu-tụng mà ở huyện, phủ hay là ở Thừa-ti, Trấn-ti xử không xong thì đến Hiến-ti xét lại. Ở Hiến-ti không xong thì đến Giám-sát 監 察 xét lại. Ở Giám-sát và Đề-lĩnh không xong thì đến Ngự-sử-đài 御 史 臺 xét lại.

Những việc nhân mạng thì hạn cho 4 tháng, việc trộm cướp điền thổ thì 3 tháng, việc hôn-nhân ẩu-đả thì 2 tháng, chứ lệ không cho để lâu, làm mất công việc của dân.

6. Thuế đinh, thuế điền và sưu dịch. — Trước tệ cứ sáu năm làm sổ hộ tịch một lần, rồi cứ tùy số dân đinh nhiều ít mà đánh thuế, gọi là « quí 季 » đồng niên mỗi tên đinh cứ tùy hạng, hoặc đóng một quan hay là một quan tám tiền, tức là thuế thân. Đến năm kỷ dậu (1669) đời vua Huyền-tông, quan Tham-tụng là ông Phạm-công-Trứ 范 公 著 xin đặt ra phép bình lệ 平 例, nghĩa là làm sổ đinh nhất định một lần, rồi làng nào phải đóng bao nhiêu suất đinh, cứ theo như thế mà đóng mãi chứ có đẻ thêm ra cũng không kể, mà có chết đi cũng không trừ.

Lập phép ấy là để cho dân khỏi phải làm sổ, mà quan cũng khỏi phải tra xét, nhưng phải một điều bất tiện là về sau số đinh hơn kém bao nhiêu, quan không biết được nữa. Đến năm quí-tị (1713) đời vua Dụ-tôn sử chép rằng số dân nội-tịch phải đóng thuế cho nhà vua cả thảy chỉ được 206.315 suất mà thôi.

Còn như thuế điền thì năm kỷ-hợi (1719) đời vua Dụ-tông, ông Trịnh-Cương 鄭 棡 sai các quan phủ huyện và quan Thừa-chính, Hiến-sát làm việc đạc-điền để mà chia tiền thuế cho các dân xã cho đều. Lệ bấy giờ cứ đo công điền công thổ mà đánh thuế, gọi là « thuế 税 », chia ra làm ba hạng: hạng nhất mỗi mẫu đồng niên đóng 1 quan, hạng nhì 8 tiền, hạng ba 6 tiền.

Những sưu-dịch như là việc tế tự trong đền vua phủ chúa, việc sửa sang trường-thi, việc làm cầu cống, đắp đường-sá, giữ đê điều v.v., thì cứ tùy nghi mà bổ cho các suất đinh để lấy tiền mà cung ứng cho đủ.

Ấy các thứ thuế trước đánh là vậy. Đến năm quí-mão (1723) quan Tham-tụng là ông Nguyễn Công-Hãn 阮 公 沆 theo phép 租 phép dung 庸 và phép điệu 調 của nhà Đường mà châm chước, sửa sang lại, như sau này:

Phép tô, tức là phép đánh thuế điền thổ, cứ mỗi mẫu công điền là phải nạp 8 tiền thuế, mà ruộng nào cấy hai mùa thì chia ba, quan lấy một phần thóc. Những đất bãi của quan, cứ mỗi mẫu nạp thuế 1 quan 2 tiền; chỗ nào giồng dâu thì nộp một nửa bằng tơ, chỗ nào không giồng dâu thì nộp cả bằng tiền.

Các ruộng tư điền ngày trước không đánh thuế, đến bấy giờ mới đánh: ruộng hai mùa mỗi mẫu 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu 2 tiền.

Phép dung, tức là phép đánh thuế thân, cứ mỗi suất đinh là đồng niên đóng 1 quan 2 tiền. Những người sinh-đồ, lão-hạng và hoàng-đinh[8] thì đóng một nửa.

Phép điệu, tức là phép bắt dân đóng tiền sưu-dịch, cứ mỗi một suất đinh, một năm hai mùa, mùa hạ phải đóng 6 tiền, mùa đông phải đóng 6 tiền. Quan lấy tiền ấy mà làm các việc, không phiền đến dân nữa.

7. Các thứ thuế. Đời bấy giờ đánh thuế các thứ thổ sản thuế mỏ, thuế đò, thuế chợ, v.v., nhưng mà những thuế ấy, khi đánh khi thôi, không có nhất định.

1. Thuế tuần-ti. — Các thuyền bè chở hàng hóa đi buôn bán ở trong sông cũng phải chịu thuế. Trong nước lập ra cả thảy 23 sở tuần-ti để thu thuế: như tre gỗ thì cứ 10 phần đánh thuế một phần; những đồ tạp-hóa thì 40 phần đánh thuế một phần.

2. Thuế muối. — Năm tân-sửu (1721) ông Trịnh-Cương đặt quan Giám đương 監 當 để đánh thuế muối, cứ 10 phần, quan lấy 2 phần. Những người buôn muối phải lĩnh thẻ của quan Giám-đương, thì mới được mua muối, mà trước phải mua của quan đã, rồi sau mới được mua của những người làm muối. Vì đánh thuế như thế cho nên giá muối cao đến một tiền một đấu muối, đân sự ăn uống khổ sở. Bởi vậy đến năm nhâm-tí (1732) ông Trịnh-Giang bỏ thuế muối không đánh nữa.

Đến năm bính-thìn (1746) Trịnh-Doanh lại lập lại phép đánh thuế muối, cứ chia ra 50 mẫu ruộng muối làm một bếp, mỗi bếp phải nộp 40 hộc muối thuế, mỗi một hộc đánh giá là 180 đồng tiền, tức là ba tiền.

3. Thuế thổ-sản. — Năm giáp-thìn (1724) ông Trịnh-Cương định lệ đánh thuế các thổ sản, như là vàng, bạc, đồng, kẽm, sơn, diêm tiêu, than-gỗ, than đá, tre, gỗ, tơ lụa, quế, cá, mắm, các đồ dụng-vật như là rượu, mật, dầu, và các đồ thập-vật như là giấy, chiếu, vải, v.v.

8. Sổ chi-thu. — Về thời ông Trịnh-Giang làm chúa có lắm giặc dã phải chi tiêu nhiều việc, cho nên năm kỷ-mùi (1731) các quan xin đặt quan để cùng với Hộ-phiên mà làm sổ biên rõ đồng niên thu vào được bao nhiêu và phát ra mất bao nhiêu, để liệu sự chi dụng cho vừa.

9. Việc khai mỏ. — Nước ta từ đời bấy giờ ở Tuyên-quang thì có mỏ đồng ở Tụ-long, mỏ bạc ở Nam-xương và ở Long-sinh. Ở Hưng-hóa thì có mỏ đồng ở Trinh-lan và Ngọc-uyển. Ở Thái-nguyên thì có mỏ đồng ở Sáng-mộc, Yên-hận, Liêm-tuyền, Tống-sinh, Vũ-nông; mỏ vàng ở Kim-mã, Tam-lộng; mỏ kẽm ở Cồn-minh. Ở Lạng-sơn thì có mỏ đồng ở Hoài-viễn.

Những mỏ ấy đều là người Tàu sang khai cả, bao nhiêu quyền lợi về tay người Tàu hết, của 10 phần nhà nước không được một. Mà những phu Tàu sang làm mỏ thường hay quấy nhiễu dân sự. Tuy rằng năm đinh-dậu (1717) ông Trịnh-Cương đã định lệ rằng những người Tàu sang khai mỏ: Chỗ đông lắm chỉ được đến 300 người, chỗ đông vừa 200 người, chỗ ít 100 người mà thôi. Thế mà về sau có nơi phu khách đông đến hàng vạn người, rồi sinh sự đánh nhau, thường phải dùng đến binh lính đi đánh-dẹp mãi mới xong.

10. Việc đúc tiền. — Nhà Hậu-Lê trung hưng lên rồi vẫn tiêu tiền Hồng-đức, và ở trấn nào cũng có sở đúc tiền; nhưng vì có lắm sự nhũng lạm cho nên đến năm quí-dậu (1753) Trịnh-Doanh mới bỏ sở đúc tiền ở các trấn, mà chỉ để hai sở gần đất Kinh-sư mà thôi. Đến năm bính-thân (1776) đời Cảnh-hưng vua Hiến-tôn, khi họ Trịnh đã lấy được đất Thuận-hóa rồi, lại mở lò đúc tiền ở Phú-xuân, đúc ra 3 vạn quan tiền Cảnh-hưng nữa.

Đời bấy giờ cũng có đúc ra bạc lạng để tiêu dùng. Mỗi một lạng là 10 đồng, mỗi đồng giá hai tiền. Bạc ấy chặt ra mà tiêu cũng được.

11. Sự đong lường. — Sự đong lường thì trước vẫn theo lối cũ, cứ 6 hạp 合 là một thăng 升, nhưng từ năm giáp-thìn (1664) ông Phạm-công-Trứ định lại, lấy một cái ống gọi là hoàng-chung-quán 黄 鐘 管 làm chừng. Cái ống ấy đựng được 1.200 hộc thóc, gọi là một thược 龠, rồi cứ 10 thược làm một hạp, 10 hạp làm một thăng, 10 thăng làm một đấu, 10 đấu làm một hộc.

12. Việc in sách. — Người nước ta học hán tự đã lâu mà những sách học như là Tứ-thư Ngũ-kinh toàn thị dùng sách in của Tầu cả. Năm giáp-dần (1734) đời vua Thuận-tôn ông Trịnh-Giang mới bắt khắc bàn in, in các sách phát ra mọi nơi và cấm không cho mua sách in bên Tàu nữa. Ấy cũng là một sự lợi cho sự tài-chính của nước ta.

13. Việc học-hành thi cử. — Sự học-hành về đời Hậu Lê thì đại khái cũng giống như đời Tiền-Lê, trong nước ở đâu cũng lấy nho học làm trọng. Ở Quốc-tử-giám thì đặt quan Tế-tửu và quan Tư-nghiệp để làm giảng-quan, mỗi tháng một lần tiểu tập, ba tháng một lần đại tập.

Còn việc thi cử là việc nhà nước chọn lấy nhân tài để dùng làm việc nước, thì đời nào cũng có. Từ khi nhà Mạc và nhà Lê tranh nhau ngôi vua, Bắc-triều họ Mạc vẫn mở khoa thi ở Thăng-long; Nam-triều họ Lê vì bận việc binh cho nên đến mãi năm canh-thìn (1580) mới mở khoa thi Hội ở Tây-đô; từ đó về sau cứ ba năm một kỳ thi Hội, nhưng mà cách thức thi cử còn sơ lược, đến năm giáp-thìn (1664) đời vua Huyền-tôn, ông Trịnh Tạc mới định lại qui thức thi Hội.

Còn như thi Hương thì đến năm mậu-ngọ (1678) mới định các điều lệ rõ ràng. Từ đó cứ ba năm một kỳ thi Hương: Thanh-hóa, Nghệ-an, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải dương, Thái nguyên, Hưng-hóa, Tuyên-quang, Lạng-sơn, Yên-quảng đều có trường thi cả. Nhưng mà sự thi Hương bấy giờ hồ đồ lắm, không nghiêm như đời Hồng-đức, như là về đời vua Dụ-tôn, niên-hiệu Bảo-thái thì đặt lệ ai đi thi phải nộp tiền minh-kinh 明 經 để lấy tiền làm nhà trường và khoản đốn quan-trường.

Đến năm canh-ngọ (1750) đời Cảnh-hưng nhà nước thiếu tiền, lại đặt ra lệ thu tiền thông-kinh 通 經, hễ ai nộp ba quan thì được đi thi, mà không phải khảo hạch. Thành ra lúc bấy giờ những người đi làm ruộng, đi buôn, đi bán thịt, ai cũng được nộp quyển vào thi, đến nỗi lúc vào thi, người tranh nhau vào trường xéo đạp lẫn nhau, có người chết. Vào ở trong trường người thì dùng sách, kẻ đi thuê người làm bài, học-trò với quan trường thì thông với nhau, thành ra cái chợ thi. Phép thi-cử bấy giờ thật là bậy.

14. Trường học võ. — Đời vua Dụ-tôn, ông Trịnh-Cương lại mở ra trường học võ, đặt quan giáo-thụ để dạy, cho con cháu các quan vào học võ-kinh chiến-lược, cứ mỗi tháng một lần tiểu tập, ba tháng một lần đại tập. Mùa xuân mùa thu thì tập võ nghệ, mùa đông mùa hạ thì tập võ kinh.

Lại đặt ra lệ 3 năm một lần thi võ. Thi thì đại khái là phải bắn cung, múa giáo, múa gươm, phi ngựa mà bắn cung và chạy bộ mà bắn cung, rồi sau cùng hỏi nghĩa sách để xét học lực, hỏi phương lược để xét tài năng.

Năm canh-thân (1740) ông Trịnh-Doanh lập võ-miếu, chính vị thì thờ Vũ-thành-vương, Khương-thái-công, Tôn Võ-tử, Quản-tử, v.v. Ở đàng sau thì thờ Hưng-đạo-đại-vương Trần Quốc-Tuấn, và lại lập miếu riêng thờ Quan-công. Cứ xuân thu hai kỳ tế lễ.

15. Làm quốc-sử. — Từ khi ông Vũ Quỳnh 武 瓊 làm sách Đại Việt-thông-giám 大 越 通 鑑, mãi đến đời vua Lê Huyền-tôn nhà Hậu-Lê ông Trịnh-Tạc mới sai quan Tham-tụng là Phạm Công-Trứ 范 公 著 soạn sách Việt-sử-toàn-thư 越 史 全 書 kể từ vua Trang-tôn nhà Hậu-Lê cho đến vua Thần-tôn, chia làm 23 quyển; nhưng mà bộ sử ấy không in. Đến năm bính-thìn (1676) đời vua Hi-tôn sai ông Hồ-Sĩ-Dương 胡 士 楊 xét lại bộ quốc-sử, nhưng chẳng bao lâu ông ấy mất, lại sai Lê-Hi 黎 僖 và Nguyễn Quí-Đức 阮 貴 德 chép nối từ vua Huyền-tôn cho đến vua Gia-tôn, thêm vào 13 quyển, gọi là Quốc-sử thực-lục 國 史 實 錄.

Năm ất-vị (1775) đời Cảnh-hưng ông Trịnh-Sâm sai ông Nguyễn-Hoàn 阮 俒, Lê Quí-Đôn 黎 貴 惇, Ngô Thời-Sĩ 吳 時 仕, Nguyễn-Du 阮 攸 soạn quốc-sử chép thêm từ Hi-tôn cho đến đời Ý-tôn, gọi là Quốc-sử tục-biên, cả thảy là 6 quyển.

16. Sự đánh-dẹp giặc dã trong nước. — Về thời ông Trịnh-Tạc, ông Trịnh-Căn, ông Trịnh-Cương làm chúa, thì ông nào cũng hết lòng lo việc trị dân, và lại nhờ có những người tôi giỏi như Phạm Công-Trứ 范 公 著, Nguyễn Công-Hãng 阮 公 沆 v.v., đều hết sức giúp đỡ, cho nên sửa sang được nhiều việc, nước được yên trị. Nhưng mà từ khi ông Trịnh-Giang lên nối nghiệp chúa, giết vua Lê, hại cả các quan đại-thần như Nguyễn Công-Hãng và ông Lê Anh-Tuấn 黎 英 俊. Tính ông ấy đã tàn ngược lại hay tiêu dùng xa-xỉ, thuế-má một ngày một nhiều, sưu-dịch một ngày một nặng, dân tình khổ sở, giặc-dã nổi lên khắp cả mọi nơi, đường sá trạm dịch đi không được, phải làm đồn hỏa-hiệu ở trên đỉnh núi để phòng khi có việc gì thì đốt lửa báo tin.

Bấy giờ trong Triều thì có mấy người tôn-thất như là ông Lê Duy-Mật 黎 維 樒, Lê Duy-Qui 黎 維 槻 Lê Duy-Chúc 黎 維 祝[9] cùng với mấy người triều thần là ông Phạm Công-Thế 范 公 勢, ông Võ-Thước 武 鑠 định đốt kinh-thành để trừ họ Trịnh, nhưng chẳng may việc lộ ra phải bỏ chạy. Ở ngoài các trấn thì chỗ nào cũng có giặc, ở Hải-dương thì có tên Nguyễn-Tuyển 阮 選, Nguyễn-Cừ 阮 遽 nổi lên ở làng Ninh-xá 寧 舍 (thuộc huyện Chí-linh), tên Võ Trác-Oánh 武 卓 瑩 nổi lên ở làng Mộ-trạch 慕 澤 (thuộc huyện Đường-an), ở đất Sơn-nam thì có tên Hoàng Công-Chất 黄 公 質 đều lấy tiếng phù Lê giệt Trịnh làm cớ, bởi vậy cho nên dân mặt đông-nam mang bừa vác gậy đi theo giặc. Toán nào đông thì kể có hàng vạn người, toán nào ít thì cũng có đến hàng trăm hàng nghìn người, rồi đi cướp phá ở các hương thôn và vây các thành ấp, quan quân đánh dẹp không được.

Đang lúc giặc cướp như thế, Trịnh-Giang cứ dâm dật vô độ, lại đào hầm làm nhà ở dưới đất để cho khỏi sợ sấm sét, còn việc chính-trị thì để cho những hoạn-thần là bọn Hoàng Công-Phụ 黄 公 輔 chuyên quyền làm bậy. Các quan ở phủ-liêu là bọn ông Nguyễn-quí-Cảnh 阮 貴 憼, Nguyễn-công-Thái 阮 公 寀, Võ-công-Tế 武 公 宰 bèn truất Trịnh-Giang mà lập em là Trịnh-Doanh lên làm chúa để lo việc đánh dẹp cho yên giặc-dã.

Đời bấy giờ giặc cướp thì nhiều, nhưng mà những giặc to phải đánh lâu, thì có Nguyễn-Tuyển 阮 選, Nguyễn-Cừ 阮 遽 và Võ-trác-Oánh 武 卓 瑩 ở đất Hải-dương; Hoàng-công-Chất 黄 公 質, Võ-đình-Dung 武 廷 容 ở Sơn-nam; Nguyễn-danh-Phương 阮 名 芳, Nguyễn-Diên 阮 延, Tế 濟, Bồng 蓬 ở Sơn-tây; Nguyễn-hữu-Cầu 阮 有 求 ở mặt đông nam; Lê-duy-Mật 黎 維 樒 ở mặt Thanh hóa và Nghệ-an. May lúc ấy lại có những quan đánh giặc giỏi như Hoàng-nghĩa-Bá 黄 義 伯, Hoàng-ngũ-Phúc 黄 五 福, Phạm-đình-Trọng 范 廷 重, Nguyễn-Phan 阮 潘, Bùi-thế-Đạt 裴 世 達 v.v. cho nên Trịnh-Doanh và Trịnh-Sâm mới dần dần dẹp yên được các nơi.

1. Giặc Ngân-già. — Năm canh-thân (1740) trong khi đất Hải-dương, ở làng Ninh-sá, có bọn Nguyễn-Tuyển, Nguyễn Cừ làm loạn, thì đất Sơn-nam, ở làng Ngân-già, có Vũ đình-Dung, Đoàn-danh Chấn, Tú-Cao cướp phá rất dữ, giết cả quan Đốc lĩnh là Hoàng-kim-Qua 黄 金 瓜. Thế giặc mạnh lắm, Trịnh Doanh phải tự làm tướng đem binh đi đánh, bắt được lũ Võ-đình-Dung đem chém, và đổi tên xã Ngân-già làm Lai-cách (nay là Gia-hòa).

2. Giặc Ninh-xá. — Bọn Nguyễn-Tuyển, Nguyễn-Cừ, Vũ-trác-Oánh và Nguyễn-Diên dấy binh từ năm kỷ-mùi (1739) làm loạn ở Hải-dương rồi vẫy vùng ở đất Từ sơn, Thuận-thành Nam-sách và Hồng-châu. Nguyễn-Cừ thì giữ đất Đỗ-lâm ở Gia-phúc, Nguyễn-Tuyển thì giữ núi Phao-sơn ở Chí-linh, làm đồn xây lụy liên lạc với nhau, quân lính kể có hàng mấy vạn người, quan quân đi đánh có nhiều người phải bắt.

Năm tân-sửu (1745) quan Thống-lĩnh Hải dương là Hoàng-nghĩa-Bá 黄 義 伯 phá được các đồn của giặc ở Phao-sơn, ở Ninh-xá và ở Gia-phúc, Nguyễn-Tuyển thua chạy rồi chết, Võ-trác-Oánh không biết đi đâu mất. Còn Nguyễn-Cừ thì chạy lên Lạng-sơn được mấy tháng lại về Đông-triều, nhưng vì hết lương phải vào nấp ở núi Ngọa vân-sơn, bị quan Hiệp-đồng là ông Phạm-đình-Trọng 范 廷 重 bắt được đóng cũi đem về kinh làm tội. Từ đó giặc Cừ và giặc Tuyển mới tan.

3. Nguyễn-hữu-Cầu. — Nguyễn-hữu-Cầu 阮 有 求 tục gọi là quận He, người Hải dương, trước đi ăn cướp, sau theo Nguyễn-Cừ làm giặc. Đến khi Nguyễn-Cừ bị bắt rồi, Nguyễn-hữu-Cầu đem đồ đảng về giữ núi Đồ-sơn và đất Vân-đồn. Năm quí-hợi (1743), Hữu-Cầu giết được quan Thủy-đạo đốc-binh là Trịnh-Bảng 鄭 榜, rồi tự xưng làm Đông-đạo Thống-quốc Bảo-dân Đại-tướng-quân, thanh thế lừng lẫy ở mạn ấy. Sau bị Hoàng-ngũ-Phúc 黄 五 福, đem binh đến vây ở núi Đồ-sơn, Hữu-Cầu phá vây ra về đánh lấy thành Kinh-bắc, quan Trấn-thủ là Trần-đình Cẩm 陳 廷 錦 và quan Đốc-đồng là Võ-phương-Đề 武 方 㮛 đánh thua ở Thị-cầu phải bỏ ấn tín mà chạy; ở Kinh-sư được tin ấy náo động cả lên.

Hoàng-ngũ-Phúc đem binh về, cùng với Trương-Khuông 張 洭 lấy lại thành Kinh bắc, nhưng thế Nguyễn-hữu-Cầu vẫn mạnh, phá quân của Trương-Khuông ở làng Ngọc-lâm (thuộc huyện Yên-dũng), đuổi quân của quan Thống-lĩnh Đinh-văn-Giai 丁 文 佳 ở Xương-giang (thuộc huyện Bảo-lộc) rồi lại về vây dinh Thị-cầu.

Trịnh-Doanh sai Hoàng-ngũ-Phúc và Phạm-đình-Trọng đem binh đến đánh Hữu Cầu ở Xương-giang, giết được tướng của giặc là tên Thông 通, lấy được quân nhu chiến-mã thật là nhiều.

Nguyễn-hữu-Cầu là một người kiệt-hiệt nhất trong bọn làm giặc thời bấy giờ, mà lại quỉ quyệt, ra vào bất trắc lắm: có khi bị vây hàng mấy vòng, mà chỉ một mình một ngựa phá vây ra, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo. Vì rằng ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn đem cho dân nghèo, cho nên đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có.

Các tướng sĩ ai cũng sợ, duy chỉ có ông Phạm Đình-Trọng là đánh được nó mà thôi, cho nên nó đào mả mẹ ông ấy đổ xuống sông. Từ đó ông Phạm-Đình-Trọng thề không cùng sống ở đời với Nguyễn-Hữu-Cầu. Cũng vì lẽ ấy cho nên năm bính-dần (1746) Hữu-Cầu cho người đem vàng về đút lót cho Đỗ Thế-Giai 杜 世 佳 và người nội-giám là Nguyễn Phương-Đĩnh 阮 芳 挺 để xin về hàng. Trịnh-Doanh thuận cho và lại phong cho làm Hướng-nghĩa-hầu 向 義 侯, lại sai quan Thiêm-tri 僉 知 là Nguyễn Phi-Sảng 阮 丕 爽 đem tờ dụ ra bảo ông Phạm Đình-Trọng đừng đánh Nguyễn Hữu-Cầu nữa.

Phạm Đình-Trọng khăng khăng một mực không chịu, bảo Nguyễn Phi-Sảng rằng: « Những người làm tướng ở ngoài dẫu có mệnh vua cũng có điều không nên chịu. Ông vâng mệnh vua đi gọi giặc về hàng, thì ông cứ đi, tôi vâng mệnh vua đi đánh giặc, thì tôi cứ đánh. » Nói xong, cất quân đi ngay.

Lúc ấy ông Phạm Đình-Trọng có mộ người ở huyện Thanh-hòa, huyện Tú-kỳ, huyện Vĩnh-lại và huyện Thượng-hồng, đặt làm 4 cơ, giao cho hai người thủ-hạ cai-quản. Ở phủ-liêu bọn Đỗ Thế-Giai nhân lấy điều ấy mà nói dèm với Trịnh-Doanh. Nhưng Trịnh-Doanh vốn biết ông Phạm Đình-Trọng là người trung thành không nói gì đến việc ấy, lại làm một bài thơ đưa ra cho ông ấy để ông ấy yên lòng.

Nguyễn hữu Cầu tuy đã xin về hàng, nhưng vẫn cứ cướp phá các nơi, sau lại về phá ở đất Sơn-nam. Một hôm ông Phạm Đình-Trọng đánh đuổi nó ở Cẩm-giàng, nó bảo với thủ-hạ rằng: ta vừa mới thua có tin về Kinh, tất nhiên không ai phòng bị, nay ta lẻn về đánh có lẽ được. Nói đoạn, ngay đêm hôm ấy kéo quân về bến Bồ-đề. Đến nơi thì trời vừa sáng; có tin báo, Trịnh-Doanh tự đem quân ra giữ ở bến Nam-tân. Phạm Đình-Trọng biết tin ấy lập tức đem quân về đánh mặt sau, Hữu-Cầu lại thua bỏ chạy.

Từ khi thua trận Bồ-đề rồi, Hữu Cầu về cùng với Hoàng Công-Chất cướp ở huyện Thần-khê và Thanh-quan. Phạm Đình-Trọng và Hoàng Ngũ-Phúc lại đem binh xuống đánh đuổi.

Hoàng Công-Chất chạy vào Thanh-hóa, Hữu-Cầu chạy vào Nghệ-an hợp đảng với tên Diên 延 ở Hương-lãm (thuộc huyện Nam-đường), Phạm Đình-Trọng đem quân vào đánh phá trại giặc, rồi đuổi Hữu-Cầu ra đến làng Hoàng-mai bắt được, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh. Bấy giờ là năm tân-vị (1751) đời Cảnh-hưng thứ 12.

4. Nguyễn Danh-Phương. — Năm canh-thân (1740) tên Tế và tên Bồng làm loạn ở đất Sơn-tây, quan Chinh-tây đại-tướng-quân là Võ Tá-Lý 武 佐 理 đánh bắt được cả hai đứa ở huyện An-lạc (thuộc phủ Vĩnh-tường). Bấy giờ thủ-hạ tên Tế là Nguyễn Danh-Phương, tục gọi là quận Hẻo đem dư-đảng về giữ núi Tam-đảo. Một mặt thì mộ quân trữ lương và một mặt thì cho người về nói dối xin hàng.

Lúc bấy giờ tên Cầu tên Chất đang làm loạn ở phía đông-nam, cho nên Trịnh-Doanh cũng tạm cho hàng.

Năm giáp-tí (1744) tên Phương đem hơn một vạn quân về giữ đất Việt-trì, sang phá cướp ở bên huyện Bạch-hạc. Bấy giờ quan Đốc-xuất Sơn-tây là Văn Đình-Ức 文 廷 億 đem binh đến vây đánh, Danh-Phương chạy sang giữ làng Thanh-linh (huyện Bình-xuyên đất Thái-nguyên). Từ đó Danh-Phương lập đại đồn ở núi Ngọc-bội (giáp huyện Bình-xuyên và huyện Tam-dương), trung-đồn ở đất Hương-canh, ngoại-đồn ở đất Ức-kỳ, rồi tự xưng là Thuận-thiên khải-vận đại-nhân, làm cung điện, đặt quan thuộc, thu các thứ thuế ở đất Tuyên-quang, thanh thế lừng lẫy trong non 10 năm trời, thành ra một nước riêng trong nước Nam vậy.

Năm canh-ngọ (1750) Trịnh-Doanh tự đem đại quân đi đường Thái-nguyên đến đánh phá được đồn Ức-kỳ. Khi quân tiến lên đến đồn Hương-canh giặc bắn súng, đạn ra như mưa, quan quân không tiến lên được. Trịnh-Doanh mới lấy gươm cho ông Nguyễn-Phan 阮 潘 mà bảo rằng: « Đồn này không phá được thì lấy quân pháp mà trị! » Ông Nguyễn-Phan đem quân sấn vào rồi cổi áo chiến bào ra, xuống ngựa đi bộ, và bảo những người thủ-hạ rằng: « Quân sĩ có tên ở trong sổ sách, việc gì đã có quân pháp. Chúng bay là người riêng của ta mà hôm nay là buổi ta phải bỏ mình để giúp nước, và lại chính là ngày chúng bay đền ơn cho ta. Vậy ai có cha già con dại thì cho lui ra, còn thì nên cùng với ta mà liều một trận sống chết để báo đền ơn nước, cho khỏi phụ cái tiếng râu mày! » Thủ-hạ không ai chịu lui, đều xin cùng xông vào, phá được đồn Hương-canh. Danh-Phương rút quân về giữ đồn Ngọc-bội, quân Trịnh-Doanh tiến lên đuổi đánh. Nguyễn-Phan sai thủ-hạ cầm đồ đoản binh cho tự tiện đi trước mà vào, đại quân theo sau. Giặc giữ không nổi bỏ chạy tan cả, Nguyễn-danh-Phương chạy vào núi Độc-tôn, quan quân đuổi đến làng Tĩnh luyện ở huyện Lập-thạch thì bắt được. Trịnh-Doanh đem quân về Kinh-đô, đi đến làng Xuân hi, huyện Kim-anh, gặp người của Phạm-đình-Trọng giải Nguyễn-hữu-Cầu đến. Trịnh-Doanh bèn mở tiệc khao quân bắt tên Phương dâng rượu, tên Cầu thổi kèn, ba quân hôm ấy thật là vui vẻ.

Về đến Kinh-sư, tên Cầu và tên Phương đều phải chém cả.

5 ∘ Hoàng-công-Chất — Hoàng-công-Chất cùng với bọn Nguyễn-Tuyển, Nguyễn-Cừ nổi lên một lúc. Trước phá ở đất Sơn nam về hạt Khoái-châu và Xuân-trường. Đến năm ất-sửu (1745) nó lại bắt được và giết quan trấn thủ Sơn nam là Hoàng-công Kỳ 黄 公 琦, sau vì quan quân đuổi đánh, nó chạy vào Thanh hóa rồi ra Hưng hóa cùng với tên Thành 成 làm loạn ở vùng ấy. Năm tân tỵ (1761) tên Thành bị quan quân bắt được, tên Chất chạy lên giữ động Mãnh-thiên 猛 天 峒 (phía bắc Hưng-hóa) rồi chiếm giữ cả mấy châu gần đấy, đồ đảng của nó đông có hàng vạn người. Từ đó tên Chất cứ cướp phá ở đất Hưng-hóa và đất Thanh-hóa. Mãi đến năm Kỷ-sửu (1769) Trịnh-Sâm mới sai quan Thống-lĩnh là Đoàn nguyễn Thục 段 阮 俶 đem quân Sơn-tây lên đánh động Mạnh-thiên. Khi quan quân lên đến nơi thì Hoàng-công-Chất đã chết rồi, con là Hoàng-công-Toản 黄 公 纘 chống giữ không nổi, bỏ chạy sang Vân-nam. Đồ-đảng tan cả.

6. Lê duy-Mật. — Năm mậu-ngọ (1738) đời vua Ý-tôn, bọn hoàng-thân là Lê-duy-Mật, Lê-duy-Quí và Lê-duy-Chúc định mưu giết họ Trịnh, nhưng chẳng may sự không thành phải bỏ chạy vào Thanh-hóa. Sau Duy-Quí và Duy Chúc phải bệnh mất, còn Duy-Mật giữ đất thượng-du phía tây-nam. Những người đồng mưu với Duy-Mật đều bị họ Trịnh bắt được giết cả. Bấy giờ có bắt được ông Phạm-công Thế 范 公 勢 đem ra hỏi rằng: « Ông là người khoa giáp sao lại theo nghịch? » — Ông Công-Thế cười mà nói rằng: « Đã lâu nay danh phận không rõ, lấy gì mà phân thuận nghịch? » Nói rồi, giương cổ ra chịu hình.

Lê-duy-Mật từ khi chạy về Thanh-hóa, chiêu tập binh sĩ, rồi từ năm canh thân (1740) là Cảnh-hưng năm đầu về đánh ở đất Hưng-hóa và Sơn-tây, sau lại cùng với giặc là tên Tương 將 giữ đồn Ngọc-lâu (thuộc huyện Thạch-thành). Đến khi tướng họ Trịnh phá được đồn Ngọc-lâu, tên Tương tử trận, Lê-duy-Mật lại chạy vào Nghệ-an, rồi sang Trấn-ninh giữ núi Trình quang 呈 光 làm căn bản.

Năm giáp-tí (1764) Lê-duy-Mật sai người đem thư vào cầu cứu với chúa Nguyễn là Vũ-vương. Nhưng chúa không muốn gây sự với họ Trịnh, cho nên không giúp.

Năm đinh-hợi (1767) được tin Trịnh-Doanh vừa mất, con là Trịnh-Sâm lên làm chúa, Lê-duy-Mật đem quân về đánh ở đất Hương-sơn và đất Thanh-chương rồi lại rút về Trấn-ninh. Trịnh-Sâm cho người đưa thư sang dỗ về không được, mới quyết ý dùng binh để giứt mối loạn.

Năm kỷ-sửu (1769) Trịnh-Sâm sai Bùi-thế-Đạt 裴 世 達 làm thống-lĩnh đất Nghệ-an, Nguyễn-Phan 阮 潘 làm chánh-đốc-lĩnh đất Thanh-hóa, Hoàng-đình-Thể 黄 廷 體 làm đốc-binh đất Hưng hóa, cả ba đạo đều tiến sang đánh Trấn-ninh. Khi quân của Bùi Thế-Đạt và Nguyễn-Phan đến vây Trịnh-Quang, Lê-Duy-Mật định cứ giữ hiểm không ra đánh. Không ngờ người con rể là Lại Thế-Chiêu 賴 世 招 làm phản, mở cửa lũy cho quân họ Trịnh vào. Duy-Mật biết có nội biến, bèn cùng với vợ con tự đốt mà chết.

*

* *

Tóm lại mà xét, thì những công việc của họ Trịnh sửa đổi ở xứ Bắc cũng nhiều, và có thể chia ra làm ba thời-kỳ: Thời-kỳ thứ nhất vào khoảng ông Trịnh-Kiểm, Trịnh-Tùng và Trịnh-Tráng. Lúc bấy giờ còn phải đánh họ Mạc ở phía bắc, rồi lại chống với họ Nguyễn ở phía nam, cho nên trong thời-kỳ ấy chỉ có việc chiến tranh ở ngoài mà thôi, còn những công việc trong nước không sửa sang được mấy.

Thời-kỳ thứ hai là vào khoảng ông Trịnh-Tạc, Trịnh-Căn và Trịnh-Cương. Lúc bấy giờ việc chiến tranh đã yên, trong nước bình trị, cho nên trong thời-kỳ ấy các chúa mới sửa-sang và chỉnh-đốn lại những phép tắc, luật lệ, việc thuế khóa, sự học hành, thi-cử, v.v.

Thời-kỳ thứ ba là vào khoảng ông Trịnh-Giang, Trịnh-Doanh và Trịnh-Sâm. Vì Trịnh-Giang thất chính cho nên trong thời-kỳ này có lắm giặc-dã, quan quân phải đánh đông dẹp bắc trong ba bốn năm trời, thành ra không làm được việc gì ích lợi, đến nỗi dân nghèo nước yếu, chính trị điêu tàn, bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà nhà Trịnh đổ, nhà Lê cũng mất.



  1. Lục-bộ là Lại-bộ, Hộ-bộ, Lễ-bộ, Binh-bộ, Hình-bộ, Công-bộ. Mỗi bộ có quan Thượng-thư làm đầu.

    Lại-bộ thì coi việc chuyển bổ các quan viên, việc thăng hàm thưởng tước, việc cách chức giáng trật, nghĩa là coi mọi việc riêng về quan lại trong nước. — Hộ-bộ thì coi việc điền thổ nhân dân, kho tàng thuế khóa, và việc lương tiền thu vào phát ra thế nào — Lễ bộ thì coi việc lễ nghi tế tự, việc học-hành khoa cử, việc làm áo mũ ấn phù việc làm chương làm biểu, việc đi sứ nước nọ nước kia việc coi thiên-văn, làm thuốc, bói toán, việc tăng đạo, việc đàn nhạc ca xướng, những việc ấy đều ở bộ Lễ coi cả. Hình-bộ thì coi việc hình pháp, kiện tụng. — Công-bộ thì coi việc thành trì, cầu cống, đường sá, sông ngòi, rừng-núi, và các đền đài dinh điện ở trong nước.

  2. Ngũ phủ là Trung-quân-phủ, Đông-quân-phủ, Tây quân-phủ, Nam quân-phủ, Bắc-quân-phủ. Mỗi một quân có đặt Đô-đốc-phủ, có quan tả hữu Đô-đốc để coi việc binh trong quân. Về đời vua Thánh-tôn thì thanh-hóa, Nghệ-an thuộc về Trung-quân; Hải-dương, An-bang thuộc về Đông-quân; Sơn-nam, Thuận-hóa, Quảng-nam, thuộc về Nam-quân; Tam giang, Hưng-hóa thuộc về Tây-quân; Kinh-bắc, Lạng sơn thuộc về Bắc quân
  3. Về sau họ Trịnh yêu dùng các quan nội-giám thường cho ra làm quan coi việc triều chính cho nên mới đặt ra giám ban, mà đến cuối đời Cảnh-hưng mới bỏ
  4. Việc bán phẩm-hàm đã có từ đời vua Dụ-tôn nhà Trần và đời vua Thánh-tôn nhà Lê. Nhưng mà bấy giờ chỉ cho lấy hư hàm mà thôi, chứ không thực chức.
  5. Khi vua Lê Thái-tổ ra đánh nhà Minh thì số binh bấy giờ được 25 vạn, chia ra làm 5 quân, gọi là trung-quân, tiền-quân, hậu-quân, tả-quân, hữu-quân.

    Đến khi đánh dẹp xong rồi, cho 15 vạn về làm ruộng, còn để lại 10 vạn chia làm 5 đạo, gọi là đông-đạo, tây-đạo, nam-đạo, bắc-đạo và hải tây-đạo.

  6. Tội trượng thì cứ mỗi một trượng là quan tam phẩm phải chuộc 6 tiền, quan tứ phẩm phải chuộc 4 tiền, quan ngũ phẩm 3 tiền, quan thất bát phẩm 2 tiền, từ cửu phẩm cho xuống đến thứ nhân thì 1 tiền.

    Tội đồ làm lính coi truồng voi thì phải chuộc 60 quan, làm lính đồn-điền thì 100 quan

    Tội lưu cận-châu thì phải chuộc 130 quan, viễn-châu thì 290 quan.

    Tội tử thì phải chuộc 330 quan.

  7. Đã nói ở đời vua Lê Thái-tổ.
  8. Lão-hạng là những người từ 50 tuổi đến 60 tuổi. Hoàng-đinh là người mới có 17 đến 19 tuổi.
  9. Duy-Mật và Duy-Qui là con vua Dụ-tôn, Duy-Chúc là con vua Hi-tôn.