XXII.— ĐỊA LÝ

Tục ta trọng việc địa-lý, phàm việc xây thành, lập quách, cất đình, dựng chùa, hoặc là làm nhà, để mồ để mả đều phải tìm nơi hình thẳng và chỗ cát-huyệt. Đất lập cửa nhà gọi là dương cơ, đất để mả gọi là âm phần. Dương-cơ trọng hơn âm-phần. Có câu rằng nhất dương thắng thập âm. Song dương-cơ thì thường dân ít kén chọn, chỉ cốt lấy hướng cho được thuận thì thôi; còn âm phần thì thường nhờ thầy địa-lý đi tìm tòi cẩn thận lắm.

Phép địa lý có đã lâu. Từ đời nhà Tần đã có một người ẩn-sĩ soạn ra kinh « Thanh-nang », đến đời nhà Hán thì có ông Trương-tử-Phòng soạn ra bộ « Bình-xa ngọc xích », nhà Tần có ông Quách-Phác soạn ra « Táng-kinh », đời nhà Tống có ông Trương-tử-Vi soạn ra bộ « Ngọc-tủy chân-kinh », ông Trần Đoàn soạn ra bộ « Kim-tỏa bí-quyết », đời nhà Nguyên có ông Lưu-bỉnh-Trung soạn ra bộ « Kim-đẩu quyết táng pháp ». Còn nhiều nữa không kể xiết được.

Từ đó phép địa-lý truyền khắp đất Tàu, mà nước ta cũng mộ theo phép ấy. Nước ta có ông Nguyễn-đức-Huyên người làng Tả-Ao huyện Nghi-xuân tỉnh Nghệ-An, về đời nhà Lê, sang học phép địa lý bên Tàu giỏi lắm, trở về nước nhà làm đất, nổi tiếng lừng lẫy, hẳn bây giờ ai ai cũng còn biết tiếng ông Tả-Ao.

Sau lại có ông Hòa-Chính là tiến sĩ, cũng sang Tàu học được phép địa lý, có làm bộ sách để lại.

Phép địa lý trước hết phải phân biệt hình đất. Đất có 5 hình chính là: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Thủy là hình miếng đất lè phè, hỏa là hình miếng đất nhọn, mộc là hình miếng đất dài, kim là hình miếng đất tròn, thổ là hình miếng đất vuông. Lại có nhiều các biến hình nữa, ví như: trong miếng đất vuông có hình tròn gọi là thổ phù kim; miếng đất dài có nảy nhánh ra gọi là mộc sinh nha, v.v...

Mỗi đất lại có một kiểu riêng, kiểu nào trông địa thế giống như hình gì thì gọi là kiểu ấy. Có kiểu gọi là lục long tranh châu; có kiểu gọi là phượng hoàng ẩm thủy; có kiểu gọi là tê ngưu vọng nguyệt; có kiểu gọi là quần tiên hội ẩm; có kiểu gọi là nhất hổ trục quần dương v.v... Đất có hợp vào kiểu mới là đại địa.

Lại có chỗ gọi là con rùa, con cá chép, con voi, con ngựa, cái cờ, miếng ấn, ngòi bút, thanh kiếm v.v... cũng tùy theo kiểu đất hình đất và phương hướng nào mà đặt tên.

Phép đi tìm đất, trước hết phải tìm tổ sơn, rồi dò theo long mạch mà tìm huyệt. Long mạch có chỗ cao như các gò đống núi non thì gọi là âm long, chỗ đất bình dương thì gọi là dương long. Đi tìm phải trải qua gò nọ đống kia, xét xem hình thế khởi phục nghênh tống thế nên. Khi nào đến chỗ có hai dòng nước giao với nhau, chỗ ấy mới là gần đến huyệt trường.

Huyệt trường tất phải có tiền án, hậu trẩm, tả-long, hữu hổ; và phía trước phải có minh-đường-thủy tụ hội, phía sau phải có long-mạch thu thúc, phía ngoài phải có bàng-sa triều củng, cốt phải tụ khí tàng mới là chân huyệt; nếu chỗ sơn cùng thủy tận, thì gọi là tuyệt địa; hoặc chỗ huyền-võ tàng đầu (rùa giấu đầu), xương long vô túc (rồng không chân), bạch hổ hàm thi (cọp ngậm thây), chu tước bi khốc (chim kêu sầu) thì là đất hung địa; đất ấy chắc bị tàn hại.

Nhà phong thủy đại để chia làm ba môn:

Một là nhật gia học. Môn này tinh về việc xem thái-dương chiền độ. Tính toán từng phân từng ly cái hoành độ của nhật, nguyệt, ngũ tinh và nhị thập bát tú xem ngày giờ nào chiếu về địa phận nào rồi mới làm đất. Có khi biết trước được ngôi đất đến năm tháng ngày giờ nào thì phát những thế nào.

Hai là hình gia học. Môn này chỉ xem xét hình đất mà làm. Ví như hình đất như con khuyển thì táng tại bụng, hình đất như con voi thì táng tại vòi, v.v... Lối ấy cốt phải xem cho tường hình đất, chớ sai lầm một chút cũng không được.

Ba là pháp gia học. Môn này chỉ chuyên về lý-khí, cốt phải tinh về lý âm dương ngũ hành. Phải biện cho rõ chỗ nào là âm, chỗ nào là dương, chỗ nào là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Cốt làm sao cho sinh khắc chế hóa hợp độ mới được.

Địa-lý giỏi thường kiêm cả ba môn, mà ai chuyên về môn nào cũng được.

Làm đất cần phải có cái tróc-long và địa bàn. Tróc-long nhỏ hơn địa bàn để giắt trong mình đi tìm đất cho tiện. Địa-bàn thì có đủ các tinh thần chiền độ và đủ các vòng thu sa nạp thủy, tường hơn tróc long, khi phân kim điểm huyệt mới phải dùng đến.

Phân kim điểm huyệt phải cần biết thập nhị thần là tràng-sinh, mộc-dục, quan-đái, lâm-quan, đế-vượng, suy, bịnh, tử, mộ, tuyệt, thai, dưỡng. Thập nhị thần ăn theo mười hai phương, hễ được phương sinh, vượng, mộ, dưỡng, thì tốt; suy, bịnh, tử, tuyệt thì xấu. Có câu rằng: « sinh lai hội vượng, thông minh chí tử phương sinh; vượng khứ nghênh sinh, phú quí chi kỳ sậu chí » nghĩa là được hưởng sinh vượng thì đẻ ra con thông minh và làm nên giàu sang.

Lại có câu rằng: « mộc dục thủy đáo đường chủ hoang thai, tử tuyệt thủy đáo đường chủ yểu chiết » nghĩa là nước ở phương mộc dục đến trước huyệt thì chắc có con gái lẳng lơ, nước phương tử tuyệt đến huyệt thì trong nhà có người chết yểu.

Lúc hạ huyệt, lại phải đợi đến giờ hoàng đạo, hay giờ tam hợp mới tốt.

*

* *

Đời vua Hán Võ-đế, cái chuông ở trong cung Vị-Ương không ai đánh mà tự nhiên kêu. Vua hỏi ông Đông-phương-Sóc. Thưa rằng: đồng là con núi, núi là mẹ đồng, khí loại tương cảm với nhau. Nay vô cớ mà chuông kêu, hẳn là có núi đồng đổ chăng. Ba ngày nữa, quả nhiên ở Nam quận báo tin về có núi đồng đổ. Sách địa-lý dẫn điển trên này, cho rằng địa lý cũng một lẽ cảm ứng như vậy. Có nói rằng: người ta chịu cái di thể của cha mẹ, hễ hài cốt của cha mẹ được chỗ sinh-khí thì con cái cũng được mát mặt, nghĩa là huyết mạch liên can với nhau.

Lại xét các nhà phong thủy có tiếng xưa nay, như bọn Quách-Phác, Trần-Đoàn bên Tàu, ông Tả-Ao, Hòa-Chính bên ta, cứ như lời ghi chép trong sách lưu truyền lại thì cũng lắm điều linh nghiệm, không dám quả quyết là lời hoang đường cả. Song cứ mục kích bây giờ thì chỉ thấy những ông phong thủy nói thánh thì nhiều, mà không thấy gì là hiệu nghiệm. Ông nào cũng có được vài ba bộ sách địa-lý, đi đâu cũng có tróc long, có địa bàn, cũng dò dẫm tìm tòi chỗ gò cao nơi nước dễu, chỗ này trỏ con kim, chỗ kia gọi con thỏ. Ông thì tự đắc học được phép cụ Tả-Ao, ông thì tự đắc là tìm được kiểu đất Cao-Biền, ông lại nói ngoa rằng mắt trông thấu xuống ba thước đất.

Nghe lời các ông bàn bạc thì rắn trong lỗ cũng phải bò ra, ai chưa học đến địa-lý cũng phải chịu. Song chỉ hiềm tai nghe thì hay mà mắt không được trông thấy cái hay đó. Hoặc giả sách vở đời trước, cũng như lời các ông chăng?

Thôi như mà địa-lý dù có dù không, chưa có người kê cứu cho hết lẽ, thì cũng chưa biết thế nào mà dám nói. Duy có một điều mà lại chính là lời của nhà địa-lý dạy, là câu tiên tích đức hậu tầm long (chứa đức trước rồi sau sẽ tìm đất), thì người ta quí hồ cách ăn ở cho phải đạo, chớ bất tất phải vị công danh phú quí mà chỉ chăm một đường đi tìm đất. Vả địa lý chính bởi Tàu mà ra, mà Tư-mã Ôn-công là danh tiếng nước Tàu lại xin cấm hết sách địa-lý đi, cho là một sự càn dở, làm cho cổ hoặc nhân tâm. Ngươi Lữ-Tài cũng bài bác phép địa-lý là yêu vọng, xem vậy thì đủ biết người xưa cũng đã nhiều người không tin.

Lại xem như các nước văn-minh bây giờ, có tin gì địa-lý, chôn người chết có cần gì long gì hổ, quản gì phương gì hưởng, vậy sao mà lắm người giàu có thiên vạn ức triệu, ấy lại là cái tang chứng rõ ràng không cần gì phải địa-lý vậy.