XXIII.— TOÁN SỐ

Toán số là các sách đoán số cho người, phép này có cũng đã lâu. Từ đời nhà Hán đã có Hà-Thượng-Công soạn ra số tam-mịnh; đến đời nhà Đường có bọn Tăng-nhất-Hạnh, Tang-đạo-Mậu, Lý-hư-Trung đều thâm thúy về nghề toán số; đời Ngũ đại thì có Tử Bình soạn ra số Định Chân; đời nhà Tống thì có Lâm-hiếu-Công soạn ra số Lộc-mệnh. Lại có những số Ngũ tinh, Phạm vi, Hà-Lạc, Tử-vi, Tiền định, v.v...

Đại để số nào cũng suy tính âm dương, ngũ hành sinh khắc chế hóa, cũng tính theo chiền độ nhật nguyệt tinh thần hợp với ngày sinh tháng đẻ mà đoán số mệnh giàu nghèo, sang hèn, thọ yểu của người ta.

Trong phép toán số ấy, ta thường theo dùng chỉ có số Hà-lạc, số Tiền định và số Tử-vi.

Số Hà-lạc dùng bát tự, năm, tháng, ngày giờ thuộc về can chi gì, rồi tính theo số mục mà ghép vào quái hào trong dịch mà đoán. Phép này các nhà nho dùng nhiều.

Số Tiền định thì tục truyền của Quỉ-cốc tiên-sinh soạn ra, có lập cục sẵn các ngày sinh tháng đẻ, mỗi cục có mấy câu thơ thất ngôn và có mấy câu định cách để đoán việc hay dở của người ta, tục cho là linh nghiệm. Song lời lẽ thiển cận. Minh-nho cho là bọn thầy bói tầm thường đặt ra cho nên các người có học thức không mấy người tin.

Số Tử-vi thì tinh tường hơn các phép khác. Tục truyền là của ông Trần Đoàn nhà Tống soạn ra. Nhưng La-Luân thì nói thầy chùa núi Họa-Sơn tên là Vạn mới soạn ra sách ấy. Sách Vân-đài loại ngữ của ông Lê-Quí-Đôn thì cho là hậu nho đặt ra mà thác danh là ông Trần Đoàn.

Phép này trước hết phải chia âm dương can chi. Ví dụ: giáp, bính, mậu, canh, nhâm là dương can; tí, dần, thìn, ngọ, thân, tuất là dương chi. Người ta sinh về các năm ấy gọi là dương nam, dương nữ. Ất, đinh, kỷ, tân, quí là âm-can; sửu, mão, tị, mùi, dậu, hợi là âm-chi. Người ta sinh về các năm ấy gọi là âm nam, âm nữ.

Phân âm dương rồi phải dùng phép lục giáp nạp âm mà lập cục, để xem người sinh thuộc về cục gì trong ngũ hành, hoặc hỏa lục cục, hoặc mộc tam cục, v.v...

Kế phải an thân, mệnh. Phép này tính đốt bàn tay trái, trước hết khởi từ cung dần, tính xuôi từ tháng giêng đến tháng sinh; lại ở ngay đốt ấy khởi giờ tý, tính ngược cho đến giờ sinh thì an « mệnh », tính xuôi cho đến giờ sinh thì an « thân ».

An thân-mệnh rồi phải tính theo mệnh cung mà bày mười hai cung là: mệnh-viên, huynh-đệ, thê-thiếp, tử-tức, tài-bạch, giải-ách, thiên-di, nô-bộc, quan-lộc, điền-trạch, phúc-đức, phụ-mẫu.

Phân cung rồi thì theo phép mà an mười bốn vị nam-bắc-đẩu là Tử-vi, Thiên-cơ, Võ-khúc, Thái-dương, Thiên-đồng, Liêm-trinh, Thiên-phù, Thái âm, Tham-lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát, Phá quân.

Rồi cứ lần theo phép mà an các vị sao cát tinh, hung tinh, tứ hóa, thập nhị thần, thập nhị tướng, tuần triệt, v.v...

Phép đoán cần nhất phải xem mệnh và thân đứng về cung nào, rồi xem các vị sao chính-chiếu, hợp chiếu, giáp chiết cát hung thế nào, mà đoán vận mệnh hay dở. Chính-chiếu là cung đối hướng với bản cung, như tí đối ngọ mão đối dậu, v.v... Hợp-chiếu là cung tam hợp với bản cung, như thân, tý, thìn, hợp với nhau, dần, ngọ, tuất hợp với nhau, v.v... Giáp-chiếu là hai cung đứng đôi bên bản cung như tý thì hợi, sửu là giáp, ngọ thì tỵ, mùi là giáp, v.v...

Ba mươi năm về trước thì đoán về cung mệnh, ba mươi năm về sau thì đoán về cung thân. Cũng có người thân mệnh đồng cung, thì tiền vận hậu vận, cũng như nhau.

Đại để cung thân mệnh nên có những tài-tinh, phúc-tinh. Văn-tinh chủ về việc văn, mà lại đóng vào cung miếu vượng và hợp cách thì chắc là người văn hoa tư tảo. Võ-tinh chủ về việc võ, mà lại đóng về cung đắc địa và không phá cách thì chắc là người hùng võ uy quyền. Tử, Phủ, Nhật, Nguyệt giáp với mệnh cung, mà đắc vị, chắc là người quí cách; Phá, Sát, Tham, Liêm giáp với mệnh cung mà hãm chắc là kẻ hung tàn, v.v... Nhưng phải cốt về cung phúc-đức.

Lại nên xem đại hạn, tiểu hạn. Đại hạn chủ việc họa phúc trong mười năm, tiểu hạn thì chủ việc hay dở trong một năm.

Xem số đàn bà nên xem cung mệnh, cung phu tử, cung phúc đức, nếu thân mệnh đứng vào đất không vong thì chắc là người cô độc; mà nếu có đào-hoa chiếu mệnh thì chắc là người đa tình, ở vào đất lạc hãm thì chắc là kẻ hạ-tiện.

Trong số Tử-vi có những vì sao đứng hợp cách thì gọi là nhập cách, nói qua vài cách sau này:

Ví dụ: Tử-vi, Đế-vượng, Tham-lang, Võ-khúc, Phá-quân đứng vào đất miếu vượng, mà thân mệnh lại nhiều cát tinh, gọi là thọ cách. Cung mệnh-thân có Tử, Phủ, Quyền, Lộc lại được Xương, Khúc, Khôi, Việt chiếu vào gọi là phú quí cách. Mệnh đứng vào cung tý, ngọ, dần, thân, có Thất-sát triều đẩu, chủ về uy võ lừng lẫy. Tham, Lộc đóng hai cung thân-mệnh lại có các vì hung tinh đắc địa, gọi là cách Tham-lộc thủ-cung, chủ về làm nên công danh hách dịch, v.v...

Dùng tinh tú mà đoán họa phúc nhất sinh của người đời, thực là một sự viển vông, không lẽ nào đủ làm bằng cứ cho tin được. Vậy sao từ xưa các bậc thông minh cũng có người tin và cũng nhiều người cho là linh nghiệm, có lẽ sai lầm cả sao?

Thiết tưởng các nhà âm dương bày đặt ra số mệnh, cũng có một kiến thức riêng. Song một câu thực thì một trăm câu hư, một người nghiệm thì một ngàn người không nghiệm. Người xem số thấy nghiệm được một đôi điều, cho ngay là thần thánh; mà những điều không nghiệm thì có ai hỏi đến đâu. Cái nghiệm đó chẳng qua cũng như một trăm bó đuốc phải bắt được con ếch mà thôi.

Ông Đào-Tiềm là bậc hiền sĩ nhà Tấn có nói rằng: « Đạt nhân tiền bất khả ngôn mệnh », nghĩa là trước mặt người đạt lẽ không nên nói chuyện số mệnh, ấy là lời nói rất phải.

Ông Lã-Tài người nhà Đường cũng bác rằng: « Người phú quí ở đất Nam-dương (hai mươi tám tướng) không lẽ người nào cũng được cung lục hợp; quân bị chôn ở đất Tràng-bình (bốn chục vạn người) không lẽ người nào cũng phạm phải hạn tam hình ». Hai lời ấy đều là của nhà âm dương tinh học nói ra, đó là một cái bằng cớ không số mệnh nào. Ta nên phải biết trọng ở sức người, dù giàu, dù nghèo, dù sang, dù hèn, dù sống lâu, dù chết non, việc gì cũng bởi tự người làm ra cả. Nếu cho là đã có số nhất định của trời, thì thử khoanh tay ngồi một xó, không chịu làm ăn gì, xem có giàu được không? Thử không học hành gì, cứ việc ăn chơi cho thỏa xem có lập nên công nghiệp gì không?

Hẳn là không! Vậy sao không chịu là tại mình mà còn đổ cho tại số?

Có người nói rằng: cái số hay thì tự nhiên trời xui giục cho được gặp hay, cái số dở thì tự nhiên trời dun rủi cho phải gặp dở. Lời ấy cũng xin cãi rằng không phải. Nghề ở đời, tài nào lại không có cái may cái rủi. Song sự may rủi đó là sự ngẫu nhiên, chớ bao giờ việc gì cũng thành tại có chí, mà bại bởi vô chí. Người có chí, dẫu rủi ro không thành được ngay, nhưng cố gắng mãi thì quyết phải được, người vô chí dẫu may mắn mà được một dịp may, nhưng chẳng bao lâu cái may ấy nó cũng hết đi.

Sách có câu rằng: « Nhân định thắng thiên » nghĩa là người đã nhất định thì thắng được cả trời. Tục ngữ có câu: có công mài sắt có ngày nên kim. Vậy thì số nào cho bằng bụng người được.

Những người không biết suy xét cho cùng, động mở miệng là nói cái số trời bắt mình như vậy, bắt khổ phải chịu khổ, bắt nghèo phải chịu nghèo, bắt đau đớn phải chịu đau đớn. Ấy là những lời vô chí, phải sao chịu ép một bề, không biết cựa cái sức mình để tranh lấy quyền tạo hóa, chính mình tự bao tự khí cái thân mình.