XXI.— BỐC PHỆ

Lối bốc phệ khởi trước từ vua Phục-Hi, xem tượng Hà-Đồ mà vạch ra tám quẻ: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Tám quẻ ấy là tám quẻ chính. Mỗi quẻ chính lại nhân ra tám quẻ trùng quái, tám tám thành ra 64 quẻ. Mỗi quẻ trùng quái có sáu nét vạch gọi là sáu hào, sáu mươi bốn quẻ thì cả thảy có 384 hào.

Trong 384 hào, mỗi một hào biến động lại hóa ra quẻ khác, cho nên cai quát hết muôn việc biến hóa của trời đất. Mà muôn việc trong trời đất thì không điều gì ra được ngoài lẽ âm dương ngũ hành. Phép bốc phệ chỉ suy lẽ âm dương ngũ hành mà đoán hết được mọi việc.

Sau vua Phục-Hi có vua Văn-Vương đặt ra thoán từ là lời đoán từng quẻ; ông Châu-Công đặt ra hào từ là lời đoán từng hào. Đến Đức Khổng-Tử lại đặt ra tượng từ là lời giải-nghĩa các thoán-từ, hào-từ của Văn-Vương, Châu-Công, từ đó các nhà bói toán cứ theo lời ấy mà đoán quẻ.

Phép bói dịch thì chỉ có hai cách: một là bói rùa, hai là bói cỏ thi. Các nhà thuật số về sau, lại suy diễn cái lẽ âm dương ngũ hành mà đặt ra nhiều phép bói như là ưởng bốc (bói bằng tiếng), ngõa bốc (bói bằng ngói), mễ bốc (bói bằng gạo), hoa thảo bốc (bói bằng cành hoa, lá cỏ), v.v... Kể ra thì nhiều cách lắm, song tục ta theo dùng thì đại để có mấy lối kể sau này:

1.— Thi bốc là phép bói cỏ thi. Phép này, trước hết phải có một bộ 50 chiếc cỏ thi, cắt đều nhau dài chừng ba bốn tấc, bỏ vào một cái túi, để cho sạch sẽ cẩn thận. Khi có việc gì cần phải bói thì mới đem bộ cỏ thi ra đặt trên một cái yên, thành kính mà đem việc của mình nghi ngờ, khấn xin thần minh chỉ giáo. Đoạn bỏ riêng một chiếc cỏ thi vào trong túi, để sánh với thái cực, còn bốn mươi chín chiếc chia làm đôi mà đặt xuống hai cái khấc một mảnh ván con, rồi tay tả cầm lấy một nắm cỏ thi ở phía tả, lại lấy một chiếc cỏ thi ở cái khấc phía hữu cài vào khe ngón tay bên tả, để sánh với tam tài. Đâu đấy mới lấy tay hữu mà đếm nắm cỏ thi bên tay tả, cứ bốn một mà đếm, nghĩa là thủ tượng với tứ thời. Đếm như thế rồi còn thừa số sau cùng hoặc một, hai, ba, bốn chiếc thì cài vào trong khe ngón tay vô danh. Đó gọi là giả số lẻ mà cài vào trong ngón tay để sánh với tháng nhuận.

Đếm xong thì lại trả những số đếm rồi để vào chỗ khấc lớn phía tả, rồi cầm lấy một nắm ở phía hữu mà đếm bằng tay tả. Cách đếm cũng như trước, rồi còn số thừa thì cài vào khe ngón tay giữa. Đoạn lại trả số đã đếm rồi để vào khấc lớn phía hữu.

Xong thì hợp cả ba số cài trên tay mà đặt xuống một khấc nhỏ thứ nhất trên mảnh ván.

Đó là một lần đếm. Lần thứ hai dồn những cỏ thi để hai khấc lớn làm một, rồi chia ra đặt hai bên, lại theo cách trước mà đếm. Lần thứ ba cũng làm như vậy. Ba lần đếm như thế rồi hợp cả số đã đếm còn được ba mươi sáu chiếc thì là hào lão dương, gọi là trùng, khuyên một cái vòng tròn làm dấu; còn ba mươi hai chiếc là thiếu âm, gọi là sách, vạch hai nét như hình chữ bát làm dấu, còn hai mươi tám chiếc là thiếu dương gọi là đơn, vạch một chữ nhất làm dấu, còn hai mươi bốn chiếc là lão âm gọi là giao, vạch tréo chữ thập làm dấu.

Ba lần đếm mới thành một hào. Thành một hào rồi thì hợp cả lại mà đếm như trước. Đếm hai mươi tám lần thì được sáu hào, mới thành một quẻ. Thành quẻ rồi thì xem hào nào động biến làm sao, rồi cứ chiếu các lời của Văn-Vương, Châu-Công, Khổng-Tử; hoặc là xét trong quái hoạch của Phục-Hi mà đoán. Bói hay dở chỉ tại người đoán cao đoán thấp mà thôi.

Tục ta cho phép bói dịch rất thiêng liêng, cho nên khi xưa nhà vua có việc gì to tát quan hệ thường sai bói dịch. Các nhà thi thư nước ta tin mến đạo dịch, cũng nhiều nhà chứa sẵn một bộ cỏ thi, để vào túi gấm rất cẩn thận và hương hoa thờ phụng quanh năm. Khi có việc quan trọng đem ra bói, cũng nhiều khi có điều linh nghiệm, nhưng có cao đoán mới hay.

2.— Mai-hoa bốc là phép bói chiết tự. Phép này của ông Thiệu-Khang-Tiết đời nhà Tống đặt ra, đã đặt sẵn từng quẻ và có sẵn những lời giải đoán. Ai có việc gì muốn bói thì tùy ý mình, muốn viết chữ gì thì viết, phải viết ra một chữ, rồi mới trông hình trạng chữ hoặc đếm nét chữ mà khép vào quẻ, xem lời quẻ thế nào mới đoán được. Hoặc lấy ý nghĩa trong chữ mà đoán.

Ví dụ một người bói việc cầu hôn có thành không, viết ra một chữ tử. Người đoán: chữ tử trên chữ nhất dưới chữ uyên. Thế là nhất sàng cẩm bị túc uyên-ương (một giường chăn gấm chim uyên-ương ngủ), tất là việc cầu hôn thành. Lại một người xem vợ đi xa đã đến chưa, viết ra một chữ dạng. Người đoán: chữ dạng tựa như chữ ân, mà trên không có đầu; lại giống chữ nghĩa, mà dưới không có chân. Thế là đoạn ân tuyệt nghĩa, tất là không được gặp nhau, v.v... Phép này cách đoán cũng mông mênh lắm, ta đôi khi mới có người xem chơi mà thôi.

3.— Kim-tiền bốc là phép bói gieo tiền đồng. Phép này thì từ Kính-Phòng đời nhà Hán đặt ra. Về sau ông Giã-Hạc lại lập sẵn các quẻ, và nghị luận thêm tinh tường, cho nên lại gọi là phép bói Giã-Hạc. Phép này giản tiện hơn cả các cách khác cho nên ta theo dùng nhiều, mà nhất là các thầy bói lại chỉ chuyên về phép ấy.

Phép bói phải có ba đồng. Người xem bói, hoặc hỏi việc công danh, hoặc hỏi việc tài lợi, v.v... thì nói cho thầy bói biết. Thầy bói khấn rồi gieo quẻ. Hễ ba đồng ngửa cả gọi là trùng, ba đồng sấp cả gọi là giao, một sấp hai ngửa gọi là đơn, một ngửa hai sấp gọi là sách.

Mỗi lần gieo là một hào: Trùng là hào thái dương, giao là hào thái âm, đơn là hào thiếu dương, sách là hào thiếu âm.

Gieo sáu lần thành một quẻ, bấy giờ mới xem hào nào động, hào nào tĩnh mà đoán.

Sáu hào ăn theo năm việc là phụ mẫu, thê tài, huynh đệ, tử tôn, quan quĩ. Hễ hào nào động thì chủ về việc ấy, ví như hào phụ mẫu động thì chủ về việc cha mẹ, hào tử tôn động thì chủ về việc con cháu, v.v...

Đoán quẻ cốt nhất phải tính ngũ hành sinh khắc.

Ngũ hành tương sinh: Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc.

Ngũ hành tương khắc: Mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc.

Lại cần nhất là phải xem thế ứng đứng vào hào nào. Thế tức là mình ứng là người ngoài, hễ mình đứng vào đâu là chủ vào mình quan hệ với việc ấy.

Xem quẻ lại phải xem nhật-thần (ngày), nguyệt-tướng (tháng). Hễ nhật nguyệt sinh phù vượng trợ cho mình là tốt, hình sung khắc hại với mình là xấu. Lại xem việc mình sở chủ, như mình chủ cầu công danh thì xem hào quan quĩ, chủ việc buôn bán thì xem hào thê tài v.v... Việc sở chủ được sinh vượng thì hay, phải hình sung thì dở.

Phép bói này giản tiện mà cao đoán cũng hay. Nhưng nghề thầy bói thì chỉ thuộc lòng các lề lối, xem gia sự, hễ thấy hào quan quĩ động thì cho ngay là có ma làm, đã xui nhà chủ phải cúng cấp thế này thế khác; xem cầu tài, thấy hào thê tài động hoặc bị nhật thần nguyệt tướng sung khắc thì cho ngay là thất lợi, xui người ta giữ gìn cho khéo kẻo mất trộm. Thầy bói phần nhiều là nói dựa, may ra một trăm điều, cũng trúng một hai điều thì đã nổi tiếng là hay.

Ngoài các phép trên này, ta còn cách bói Kiều, bói âm dương nữa. Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy-Kiều, Kim-Trọng xin cho mấy cân dòng nào, rồi mở cuốn sách Kiều, bất kỳ chỗ nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thứ mấy ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi, nhưng cũng nhiều khi có người cho là nghiệm. Bói âm dương là mình có việc gì cầu khẩn với thần thánh, không biết việc ấy có nên không, hoặc hay dở thế nào thì lễ mà khấn xin một keo âm dương. Hễ gieo hai đồng tiền trên cái đĩa, một đồng sấp một đồng ngửa là sở cầu như nguyện; hai đồng sấp cả hoặc ngửa cả đều là không nên việc. Hoặc một đồng ngã một đồng còn quay thì là thần thánh cười chưa cho quyết bề nào, lại phải kêu xin gieo quẻ khác cho được biết chắc.

*

* *

Nước ta tin việc quỉ thần, cho nên cũng theo cách Tàu mà chuộng việc bói toán. Bói cốt là đem việc mình mà hỏi quỉ thần, để quyết cái lòng mình ngờ vực, định cái sự mình hồ nghi, cho đặng biết đường hay lẽ phải để theo về đường lành mà lánh đường dữ.

Việc bốc phệ là của các tiên thánh đặt ra, mà xét trong sử sách, phép bói cũng nhiều điều nghiệm lắm. Các thầy bói giỏi như Quản-Lộ, Quách-Phác xưa kia, đoán trăm quẻ trúng cả trăm, còn rành rành để chuyện lại đời sau, không nên cho là điều vô lý cả được.

Duy một điều: phần ứng nghiệm thì ít mà phần viển vông thì nhiều; mà cũng chẳng mấy khi có người cao đoán, chẳng qua các thầy bói nói rờ nói rẫm, trăm điều làm sao chẳng tin được một hai điều.

Vả lại, người ta nên tin ở sức mình tài mình. Việc gì mình đã có chí thì phải làm nên được. Sự hay sự dở, do ở mình mà ra; mà mình làm việc gì thì tất mắt mình trông thấy trước, can gì phải hỏi đâu. Mình cứ một mục đích theo lẽ phải, dù may dù rủi mặc dầu, can gì phải hỏi xem hay dở thế nào nữa. Ví dầu có thần thánh cũng dạy mình theo lẽ phải, không có lẽ thần thánh thấy mình phải mà lại bảo không nên làm được. Còn như cái họa phúc, bảo rằng bói để nhờ thần thánh dạy cho, để biết đường trước mà liệu mình. Lời ấy thì lại thiển lắm. Họa phúc là mình làm lấy, chớ không tự đâu. Mà nếu có sự bất kỳ, một may một rủi, thì chẳng qua là sự xảy ra, chớ người hay, dẫu nghèo khổ cơ cực, trăm nghìn năm vẫn còn tiếng người hay; người dở, dẫu giàu sang sung sướng, trăm nghìn năm vẫn là tiếng người dở, can gì phải liệu mình.

Vậy thì phép bói, dù linh nghiệm dù không linh nghiệm thế nào mặc lòng, thiết tưởng người ta không nên tin, nghĩa là tin cũng vô ích không giúp thêm được việc gì mà lại thêm làm ngại lòng cho người ta nữa.