Việt Nam phong tục/III.11
XI.— GIA-TÔ GIÁO
Đạo Gia-Tô gốc ở Do-Thái mà ra. Nguyên dân Do-Thái (Juifs) ở về phía tây Tiểu-á-tế-á, xưa nay vẫn sùng phụng một vị thần Jehovah. Dân tin rằng thần Jehovah sáng lập nên trời đất và tạo thành ra muôn vật, sau lại tạo ra người theo như hình dung của thần, đàn ông thì gọi là Adam, đàn bà thì gọi là Eve, cho ở vườn cực lạc để cai quản các giống thú vật và được ăn các thứ hoa quả, chỉ trừ ra không được ăn quả cây táo của thần cấm mà thôi. Đến sau, quỉ thấy người được sung sướng, mới xúi Eve ăn quả cây táo và đem cho chồng ăn nữa. Khi ăn rồi mới biết mình trần truồng là xấu hổ. Đến lúc thần lại thăm vườn thì người ấy chạy đi trốn. Thần giận bèn đuổi người xuống phàm trần, để cho chịu những điều cực khổ, nhưng lại hứa rằng sau sẽ sai người xuống chuộc tội cho.
Ấy là những sự tôn tín của dân Do-Thái. Dân Do-Thái bị dân Ai-cập (Egypte) áp chế bắt đi làm nô lệ, chịu nhiều điều cực khổ. Mãi về sau mới có một người tên là Moïse đem dân về xứ Gia-lộ-tát-lĩnh (Jérusalem) làm đền thờ thần Jehovah mà theo giữ lời thập giới. Có một đảng thầy tu giữ đền và cai quản dân. Trong bọn thầy tu thường có những người tiên tri gọi là Prophète, bảo dân Do Thái rằng: thần Jehovah sắp sai người xuống chuộc tội cho dân và cho dân được vinh hiển hơn dân khác.
Sau các thầy tu gọi là bọn Pharisiens cứ vin tiếng thần ra để làm điều bậy bạ và ăn hiếp dân, bấy giờ mới có Đức Gia-Tô (Jésus) ra đời, cải lương đạo khác, gọi là đạo Thiên-chúa.
Cứ theo sách của bác-sĩ Âu-châu thì Đức Gia-Tô sinh tại thành Nã-tát-lặc (Nazareth) là một tỉnh nhỏ ở xứ Gia-lị-lị (Galillée) ở đông Thổ-nhĩ-kỳ (tức là Tiểu-á-tế-á) vào chừng năm Nguyên thủy đời vua Hiếu-bình nhà Hán. Lịch tây kỷ nguyên, bắt đầu ngày từ năm ấy.
Sách bác-sĩ lại nói: Phụ thân Ngài là Joseph, mẫu thân Ngài là Maria, và Ngài cũng có nhiều anh em. Nhưng cứ lời tục truyền thì bà Maria cảm thần mộng mà sinh ra Ngài mà ông Joseph là cha nuôi mà thôi. Tính ngài rất thông minh, trước học theo đạo Do-Thái, sau thấy bọn thầy tu làm nhiều chuyện bậy bạ hại dân thì mới lập ra môn đạo khác để cứu đời. Mục đích đạo Thiên-Chúa thì chỉ cốt dạy người ta lấy sự yêu mến tôn kính đức Thiên-Chúa làm gốc, mà sự thờ kính cốt ở trong lòng không cần gì trang sức bề ngoài. Đối với người ta thì cốt giữ bụng từ bi nhân thứ, coi nhau như anh em ruột một nhà, mà ai ai cũng bình đẳng cả.
Môn đồ tin theo mỗi ngày một đông. Bọn thầy chùa đạo Do-Thái sợ mất lợi quyền, mới xui quan La-Mã làm hại; song dẫu đức Gia-tô bị hại mà người tin theo lại càng nhiều. Sau này các môn đồ lại đem đạo ấy mà truyền bá đi các nơi. Ông Saint Pierre thì sang truyền giáo bên La Mã, ông Saint Paul thì sang truyền giáo bên Hi-Lạp, rồi rải rác đi khắp nơi, ai ai cũng tôn Ngài là con của Thiên-Chúa, thay cha mà xuống cứu dân.
Trong khoảng đệ ngũ thế kỷ, các nước bên Âu-châu tôn tín đạo Thiên-Chúa rất thịnh. Mở ra một tòa Giám đốc tại kinh đô La-Mã mà công cử một người làm Giáo-Hoàng để coi việc giáo. Từ đệ thập thế kỷ trở về, các nước có việc gì to cũng phải xin phép đến Giáo-Hoàng. Các vua nối ngôi, được Giáo-Hoàng làm lễ gia miện (đội mũ) cho là vinh hiển lắm. Mà quyền chính trị cũng về tay Giáo hoàng.
Vào hồi thập lục thế kỷ, có người Nhật-nhĩ-man tên là Mã-đinh-lộ-đắc (Martin Lurther) và người học trò tên là Ước-hàn-gia-nhĩ (người Pháp) dựng ra môn giáo mới để phản đối với đạo Thiên chúa, vì thế trong tôn giáo phân ra làm hai đảng đánh nhau chết hại rất nhiều. Giáo Hoàng khi ấy quyền hành không mạnh bằng khi trước, mới tìm cách để truyền đạo ra hoàn cầu.
Đạo Thiên Chúa truyền sang nước ta, kể cũng đã lâu. Cứ trong Quốc sử chép thì đời Nguyên Hòa nguyên niên nhà Lê (1523), người nước Hà-Lan tên là I-nê-Khu, mới bắt đầu đến các địa phương Nam-Chân, Dao-Thủy (thuộc tỉnh Nam-Định) giảng đạo Thiên-chúa. Ở sách tây thì chép rằng: các thầy Dòng bên Âu-châu năm 1615 đến xứ Nam kỳ, 1626 thì đến xứ Bắc-kỳ; các thầy ấy là người nước Pháp, nước Tây-ban-nha và người nước Nhật-nhĩ-man.
Vậy thì đạo truyền sang nước ta, chắc là bắt đầu là người Hà-Lan, mà người các nước là tiếp theo đến sau để truyền giáo cả.
Trong năm 1765, Giáo hội cử thầy Bá-đa-Lộc (Pigneau de Béhaine) sang giảng giáo ở các miền Xiêm-la, Tây-trúc, Cao-man: Năm 1780 thì thầy Bá-đa-Lộc đến miền Biên-hòa, dựng nên nhà thờ để giảng đạo. Năm 1783 Gia-Long bấy giờ là chúa Nam-kỳ, nhân vì đánh nhau với Nguyễn-Huệ bị thua phải tránh nạn, gặp Bá-đa-Lộc ở núi Cà-mau, nói chuyện với nhau vui lòng lắm. Đức Gia-Long mới cậy Ngài đem Hoàng tử Cảnh về cầu cứu bên nước Pháp, rồi vì thế mà khôi phục được nước và nhất thống cả nước Nam.
Đến đời Thiệu-Trị, Tự-Đức thì nước ta nghiêm cấm người theo đạo Thiên Chúa, song chẳng bao lâu vì chuyện ấy mà gây nên mối hiềm khích cho nước Đại Pháp. Từ lúc vua nước ta và nước Pháp lập hòa ước thì đạo Thiên Chúa lại thịnh hành ở xứ ta.
Qui thức của người theo đạo Thiên chúa, mỗi người phải đeo một bộ câu rút, ở nhà thì thờ tượng Thiên Chúa và cây Thánh giá hình như chữ thập (十), tức là một thứ hình cụ khi Đức Chúa bị nạn thay tội cho trần gian. Đeo vào mình để làm một sự kỷ niệm cho lúc nào cũng trông thấy công đức của Chúa.
Mỗi ngày trước khi hai bữa ăn cơm và lúc đi ngủ, lúc mới thức dậy, phải chỉ tay lên trán, hai vai và ngực, gọi là làm dấu, rồi tụng một bài cầu nguyện, nghĩa là chúc tụng công đức của Thiên Chúa mà cầu Chúa cho mình được cái lòng yêu mến Ngài mãi mãi. Mỗi một chủ nhật và ngày lễ thì các người có đạo phải đến nhà thờ quì trước tượng Thiên Chúa mà cầu kinh, đoạn rồi vào một nhà riêng quì trước mặt ông cố mà thú tội. Ông cố ban cho ăn một miếng bánh thánh cho được gội nhuần ơn Chúa.
Người theo đạo chỉ được phép lấy một vợ một chồng. Khi mới cưới, vợ chồng phải đem nhau đến nhà thờ làm phép cưới, ông cố chúc cho một vài câu rồi rảy nước phép mà rửa tội cho. Khi sinh con, khi chết, cũng đều đem đến nhà thờ rửa tội.
Mỗi năm có ngày thứ tư gọi là ngày vào mùa (Cendres) và một ngày chủ nhật gọi là ngày ra mùa (Pâque). Trong khoảng hai ngày ấy cả thảy bốn mươi ngày thì nhà theo đạo cứ ngày thứ tư và thứ sáu phải ăn chay (kiêng thịt, còn cá và trứng thì ăn được). Nghĩa là trong những ngày Đức Chúa bị nạn thì phải kiêng kỵ, đến ngày ra mùa là ngày Phục sinh thì mới thôi. Còn quanh năm thì thường ngày thứ sáu bao giờ cũng phải ăn chay.
Mỗi năm về ngày 25 tháng Décembre là ngày sinh nhật Đức-Chúa thì các nhà thờ làm lễ Noël, ngày mười lăm tháng Août là ngày Thánh-Mẫu lên trời thì các nhà thờ làm lễ Assomption. Người có đạo đến lễ đông lắm. Lại có một ngày nhà thờ rước đi quanh phố, gọi là lễ Fête Dieu, rước vui lắm.
Người đi tu chia làm hai thứ: một thứ vào nhà tu, chỉ chuyên nghề tụng niệm suốt cả đời, mà cách ăn ở thì rất khổ hạnh. Một thứ thì phải học cho giỏi khoa thần học và biết đủ mọi lễ nhà thờ, ai thi đỗ thì mới được phép làm lễ ở nhà thờ và được cử đi làm cố, làm giám mục, v.v...
*
* *
Nước ta khi trước rất mộ Nho giáo, mà Nho giáo thì trọng nhất là việc tế tự, thấy đạo Thiên chúa chỉ sùng bái riêng một thần, ngoại giả không lễ bái gì nữa, cho nên coi là đạo phản đối mà sinh ra lắm sự tàn ngược. Song cứ xét cái chủ ý của đạo Thiên Chúa thì chỉ cốt khuyên người ta phải thương yêu nhau, cũng chẳng khác gì lòng nhân thứ của đạo Nho, lòng từ bi của đạo Phật. Vậy mới biết Thánh nào cũng vậy, cũng chỉ dạy người ta lấy sự làm lành mà thôi. Người ta không xét đến nơi đến chốn mà cứ thấy lạ tai lạ mắt thì đem lòng hiềm nghi lẫn nhau, chẳng qua chỉ gây nên mối họa loạn, mà hại lẫn nhau, thực là điều trái với tôn chỉ của đạo giáo mình cả.
Vả lại lòng tin tưởng của người ta nên mặc cho người ta được tự do, sao nên lấy ý riêng của mình mà ngăn cấm, ấy lại là trái với lẽ công bằng nữa.
Bây giờ thì nước nào cũng đã rõ cái lẽ tự do tôn giáo, đạo thịnh hay suy chỉ cốt bởi lòng người tôn tín nhiều hay ít, chớ không còn thói ghen ghét nhau như xưa nữa.