X.— LÃO-TỬ-GIÁO

Lão-Tử-giáo tức là đạo giáo. Lão-Tử họ Lý, tên là Nhĩ, tự là Bá-Dương, thụy là Đam, người làng Khúc-Nhân huyện Hỗ nước Sở, sinh năm thứ ba vua Định-Vương đời Đông-Châu cũng đồng thời với Khổng-Phu-Tử. Bà mẹ mang thai tám mươi năm mới sinh ra ông ấy, lúc sinh thì đầu đã bạc cho nên gọi là Lão-Tử.

Lão-Tử làm quan Trụ-hạ-sử đời Châu, rồi thấy nhà Châu suy nhược bèn thôi làm quan mà đi ẩn.

Lão-Tử thấy thời bấy giờ chuộng việc lễ nghĩa, nhiều điều vụn vặt, muốn uốn nắn lại cái tệ ấy, bèn soạn ra một bộ kinh Đạo-Đức, cả thảy hơn năm ngàn câu nói, chủ ý cốt theo cách tự nhiên thanh tĩnh, không cần phải làm gì, nghĩa là muôn việc cứ phó mặc tự nhiên, không cần phải lo lắng nghĩ ngợi, mới hưởng được sự khoái lạc tiêu diêu.

Sử ký chép rằng: Khổng-Tử hỏi lễ, Lão-Tử đáp: « Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân không. Ta nghe: Người buôn bán giỏi khéo chứa của, như người không có gì; người quân tử có đức tốt, coi diện mạo như người ngu. Bỏ cái khí kiêu căng và lòng ham muốn, cùng là cái sắc dục và cái dâm chí của người; ấy đều là vô ích cho mình người cả. »

Xem mấy lời đó thì đủ biết tôn chỉ của lối học Lão-Tử.

Lão-Tử không biết mất về năm nào. Sau có Liệt-ngữ-Khâu soạn ra sách Liệt-Tử, Trang-Chu soạn ra sách Trang-Tử, cũng đều là lưu phái của đạo giáo.

Trung quốc mãi đến đời Tấn, Ngụy thì lối học của Lão-Tử mới thịnh hành. Trên từ vua chúa, dưới đến sĩ phu, ai ai cũng tôn sùng đạo giáo và tôn Lão-Tử là Thái thượng Lão Quân.

Đạo Lão-Tử truyền sang nước ta, cũng từ buổi nội thuộc ấy. Bây giờ sùng tín thế nào thì không biết. Song đến đời vua Đinh-Tiên-Hoàng sai Trương-ma-Ni làm Tăng-lục đạo-sĩ, Lý-anh-Tôn dùng cả tam giáo thi học trò. Lê-trần Tôn thì cho phép Trần-Lộc lập ra Đạo-nội-tràng, ấy là cái chứng cớ của người nước ta sùng tín đạo giáo.

Đạo giáo tuy không thịnh hành như đạo nho, đạo Phật, nhưng các bậc cao nhân dật sĩ phần nhiều là tiêm nhiễm đạo giáo mà lĩnh hội được cái tinh thần. Phàm người phóng khoáng, người có mưu cơ, người biết nhẫn nhục, người ưa thanh tĩnh; người chán việc đời đều là hội được cái tinh thần của đạo giáo cả.

Còn cái hình thức bề ngoài, như các việc ma quỉ, thần tiên, kiêng khem, cấm kỵ, nhương tai, kỳ phúc, thì ta tin theo cũng nhiều, nhưng bất cứ hạng người nào, ai tin thì tin không có đạo phái môn đồ nào ép buộc. Còn chính đạo phái môn đồ thì chẳng qua lác đác có mấy nhà phù thủy đạo sĩ mà thôi. Mà bọn này thì cũng chẳng qua theo thể thức cũ, bùa bèn ấn quyết, trừ ma trừ quỉ, dùng cách ấy để làm nghề kiếm ăn trong vòng hạ lưu xã hội, chớ kỳ thực thì không biết tôn chỉ đạo giáo là gì.

*

* *

Đạo Lão-Tử cốt lấy thanh tĩnh tự nhiên làm tôn chỉ, cái ý tưởng ấy rất cao xa, không phải người tầm thường hiểu thấu được. Người ta có biết đích xác được cái thân là cái nguồn khổ sở, cái trí khôn là cái gốc phiền lụy, thì mới biết được cái tôn chỉ ấy là cao; lại phải xét cho thấu hết việc đời, hiểu cho rõ hết tính người, đem một tấm lòng nhạt nhẽo hư không mà giao thiệp với đời, không có một sợi tơ sợi tóc nào vướng vít đến trước mắt, thì mới biết được đạo ấy có một cái thú ung dung, nhàn nhã, sung sướng, khoan thai. Còn các việc đời tùy xảy đến việc gì thì ứng đối việc ấy, không cần phải khó nhọc hơi sức, lao tổn tinh thần, dùng cái lẽ tự nhiên mà thù ứng các việc tự nhiên, mà đâu ra đấy cả.

Vậy thì đạo ấy cũng là một lối học rất cao, một ý tưởng rất lạ, không dễ mà bỉ bác được. Duy học theo đạo ấy thì phàm việc gì cũng cho là phù phiếm hư không, chỉ biết nhàn thân sướng riêng lấy một mình, mà không thiết tưởng gì đến đời, cho nên đạo Nho cũng bác đi mà không cho là chính đạo.

Còn cái lưu phái đạo Lão-tử, về sau biến ra thành lối thuật số, cách tu luyện, đạo phù thủy, thì là các môn đồ đạo phái nhân trong tôn chỉ mà suy diễn ra, toàn là các mối dị đoan, làm cho dân trí hư hoại, không có ích gì cho sự thực dụng.

Nước ta bây giờ tuy không có môn phái đạo Lão-tử, nhưng cái tính mê tín dị đoan thì tiêm nhiễm đã lâu, cũng là bởi đạo ấy di truyền lại. Mà lòng người mê tín dị đoan, thì lại là bởi không hiểu đến tôn chỉ của đạo ấy. Chớ nếu hiểu được tôn chỉ thì dầu chẳng được như Thánh-nhân hưng công lập nghiệp, nhưng cũng làm nên một bậc người chí hướng cao ký, tiêu diêu ở ngoài cõi phong trần. Vậy ta chớ nên vì mấy bác thầy cúng, mấy kẻ tin dị đoan mà vội khinh bỉ đạo Lão được.

*

* *