Việt Nam phong tục/III.12
XII.— CHÍNH TRỊ
Chính trị nước ta xưa nay, tường đủ ở trong quốc-sử và trong hội điển, nhưng cũng xin nói qua ra đây một đôi chút, gọi là cho đủ mặt hàng.
Chính thể xưa kia là một lối chính thể chuyên chế, quyền chính trong một nước do tự triều đình thi thố, chớ dân không phép nào được dự biết đến. Trên thì có vua chủ trương mọi việc, ở giữa thì có văn võ trăm quan phò tá, ở ngoài thì có các quan tỉnh, phủ huyện thi hành, ở dưới cùng thì có hàng tổng lý thừa lệnh quan mà làm việc. Còn dân thì chỉ biết tuân theo cấm lệnh mà thôi.
Quan chế: từ chánh nhất phẩm cho đến tùng cửu phẩm, chia làm chín phẩm mười tám cấp, có phẩm phục phân biệt trên dưới, ai có công thì được thăng hàm thăng trật, ai có lỗi thì phải giáng cấp hoặc là truất quan.
Binh chế: năm người gọi là một ngũ, mười người gọi là một thập, năm thập gọi là một đội, năm đội gọi là một cơ hay là một vệ. Mỗi đội có bốn đội trưởng, bốn ngũ trưởng, một thơ lại; mỗi cơ có một chánh quản cơ, một phó quản cơ, một điển ty, mười suất đội. Vệ thì có một chánh vệ úy và một phó vệ úy, còn cũng như cơ.
Binh ở kinh chia làm ba hạng: thân binh, cấm binh, tinh binh. Binh ở các tỉnh ngoài thì tùy tỉnh to nhỏ mà đặt nhiều ít cơ vệ, mà mỗi tỉnh lại có quân hiệu riêng, ví như Hà nội thì gọi là cơ chấn, cơ định, Nam-Định thì gọi là cơ cường, cơ tiệp, Hải Dương thì gọi là cơ kiên, cơ duệ, Sơn Tây thì gọi là cơ hùng, cơ dũng, v.v...
Binh thủy chỉ chuyên việc phòng ngữ các nơi cửa bể, hoặc đánh thủy, hoặc coi việc vận tải. Binh bộ thì coi về việc đánh bộ và phòng ngự các nơi đồn ải. Binh kỵ thì duy trong kinh có hai vệ gọi là khinh kỵ, phi kỵ mà thôi.
Khi có việc giặc giã, triều đình sai phái cơ vệ thuộc tỉnh nào đi dẹp giặc thì cơ vệ ấy phải làm lễ tế binh gia tổ sư rồi mới cất quân đi. Nếu có giặc to, cất đại binh đi đánh thì phải đợi cho các đạo họp đủ tại nơi quân thứ, trước hết bày đàn, dàn cắm cờ giáo chung quanh, ông chủ tướng mặc đồ nhung phục lên đàn làm lễ, các tướng tá đều phải nhung trang vào lạy, gọi là tế cờ. Tế xong, chủ tướng đọc mấy lời thệ quân, rồi cất quân đi. Lúc đánh giặc, hễ được trận, lập tức đưa tin báo về kinh, gọi là hồng kỳ cáo tiệp (cờ đỏ báo tin mừng). Đợi khi nào triều đình ban dụ chỉ cho rút quân thì mới đem về, gọi là khải hoàn. Về đến nơi mở tiệc khao thưởng tướng sĩ, gọi là ẩm chí. Nếu khi nào có việc quan thiệp với địch quốc thì thiên tử ban cờ kiếm, tướng ấn cho một đại tướng để thay vua đi đánh gọi là khâm sai. Khi thắng trận trở về, nộp trả kiếm ấn và nộp tù giặc thì Thiên tử họp trăm quan ăn mừng, ngài thân rót chén rượu để an ủy công lao đại tướng. Ai được như vậy rất là danh giá vinh hiển. Tục có câu rằng : thứ nhất đẻ con trai, thứ hai đi đánh giặc, có ý trọng về sự lập quân công vậy.
Việc tế tự: Tế tự thì trọng nhất là tế Nam-giao (tế trời đất), tế tôn miếu (tế tổ tôn nhà vua) và tế Giám (tế Đức Khổng Tử). Các lễ ấy Thiên-Tử thường phải thân vào chủ tế. Còn các đền miếu khác, tuy cũng thuộc về quốc tế nhưng sai quan đi mà thôi. Mỗi một vị Thiên-Tử lên ngôi hoặc Thiên-Tử gặp khánh tiết nào đàm ân thì phong tặng cáo-sắc cho cả bách thần. Khi có việc kỳ tình đảo võ hoặc việc gì cần đến kỳ đảo thì Thiên-Tử thân tế, hoặc sai quan đến tại đền linh ứng nào mà kỳ đảo, hễ kỳ đảo hiệu nghiệm thì có lễ tạ hoặc phong thêm chữ mỹ tự cho bách thần.
Tài chính: Thuế đinh, điền thổ gọi là chính ngạch, thuế quan tân, thị độ gọi là ngoại ngạch. Việc chi thu không mấy cho nên dân gian đóng góp nhẹ nhàng dễ chịu, nhưng cũng vì ít tiền công khố, mà muôn việc không việc gì chỉnh đốn theo được cách văn minh.
Hình luật: chia làm năm bực thụ hình là tử, lưu, đồ, trượng, xuy. Tử là tội phải chết, lưu là tội phải đày, đồ là tội phải giam, trượng là tội đánh trượng, xuy là tội đánh roi. Trong năm bực lại chia làm hơn ba trăm điều, tùy theo tội nặng nhẹ mà gia giảm, dân gian không có phép được xem luật, nghĩa là sợ dân biết luật thì dễ sinh thói gian, cho nên cấm mà không cho chứa sách luật. Song cũng vì đó mà dân quê dễ phạm tội.
Công chính: công chính là việc tạo lập đền đài thành quách, và sửa sang đồ quân khí, chiến thuyền. Khi có việc tạo tác gì, quan Công bộ phải trù tính trước, xem dùng hết bao nhiêu vật liệu và chi phí bao nhiêu tiền, rồi giao cho quan nào đứng hưng công, cứ số ấy mà dùng, không được hơn kém. Lắm khi quan Công bộ tính làm một cái đền, hết bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạch, bao nhiêu gỗ, bao nhiêu vôi, bao nhiêu công thợ, rồi quả nhiên như thế cả.
Cách dùng người: dùng người trọng nhất là do chân khoa cử, mới gọi là chính đồ. Còn người do chân tập ấm, do chân võ biện, do chân lại điển đều cho là tạp lưu. Cho nên ông quan nào có chân đỗ hoàng giáp, tiến sĩ, cử nhân, làm quan vẫn có danh giá hơn người khác; còn người không có khoa mục, dẫu làm to thế nào mặc lòng, thiên hạ vẫn không tôn quí gì lắm.
Cách giáo dục: Ở kinh thì có quan Tế-tửu, quan Tư nghiệp để dạy những hạng cử, tú, ấm sinh, giám sinh. Ở các tỉnh ngoài thì có Đốc-học, giáo-thụ, huấn-đạo để dạy học trò trong nước, cách dạy thì ngoài khoa văn chương, khoa luân lý không còn có khoa học nào nữa...
Thôi nói qua mấy điều đại cương, còn muốn tường cứu thì phải xem đến quốc sử mới biết.
*
* *
Xét cách chánh trị của ta, từ khi Ngô Quyền chế ra triều nghi, đặt ra trăm quan, rồi dần dần về sau, mỗi khi lại bắt chước Tàu mà sửa sang thêm một ít, kể ra thì lối cai trị cũng đã đủ, điển hình pháp độ chẳng thiếu cách nào. Song xét cho kỹ thì phần nhiều còn là cẩu thả giản lược chưa đến tinh vi, mà so với chính cách văn minh, thì còn khiếm khuyết nhiều điều. Từ khi có nhà nước bảo hộ, chỉnh đốn lại các điều hủ bại, bổ thêm vào những nơi khuyết điểm thì đã dần dần đem nước lên bực phú cường, sánh với khi xưa đã thấy khác nhiều lắm. Kìa như binh chính thủa trước, một năm mới có một lần ứng điểm, ngọn giáo để rỉ quèn không đánh, tên lính bắn khẩu súng không nên, lúc binh thời thì bán phòng, lúc ứng điểm thì mượn người đi thế, biết bao nhiêu thói hủ bại, nay thử coi đội lính tập nghe tiếng kèn tiếng trống, trong lúc đứng lúc đi, hùng dũng biết gấp mấy ngày xưa. Tài chánh thủa trước, một năm hai vụ thu thuế, kể tiếng chẳng mấy đồng, mà thu bổ hàng năm sáu tháng không xong, nào làng này thiếu, nào làng kia bỏ, quan sai lính về bắt bớ lôi thôi, mà nào có xong việc, lại chỉ tổ hại cho dân. Đến lúc dân nộp thuế, thì thầy đề nọ vòi cân chè, thầy bộ kia đòi buồng cau, chờ cho khi nộp được đã mệt sức, kể ra biết bao nhiêu nỗi xấu xa; nay đến vụ thuế, dân làng đóng răm rắp, nộp cũng chỉ một ngày là xong, tiện lợi biết gấp mấy khi xưa. Đường xá ngày xưa thế nào, bẩn thỉu hẹp hòi, trông mà ghê gớm, nay thì nào đường hỏa xa, nào quan lộ, rộng rãi sạch sẽ biết chừng nào. Giáo dục ngày xưa như thế nào, chỉ đua nhau trong sự bút nghiên lều chiếu, còn được nghề gì, nay thì nào trường bách công, nào trường trung đẳng, trí thức mở mang biết chừng nào. Ngày xưa làm gì cho có nghị viện, có báo quán, bây giờ thì mới theo đòi được đôi chút văn minh. Ngày xưa thì làm gì cho có điện báo có ngân hàng, bây giờ thì đã mở mang ra nhiều sự ích lợi.
Nói rút lại thì trong cách chánh trị của ta, thực là nhờ có Đại Pháp mới ra tuồng được hơn trước, chớ như ta thì thực là không có một điều gì là có thể ganh đua được với hoàn cầu. Từ nay về sau, lại mong nhờ nhà nước bỏ hết những thói hủ cho ta, mà dắt ta hẳn cho đến nơi đến chốn đường tân hóa, thì ta mới có ngày mở mặt được ở cõi Á-Đông này.