TIẾT THỨ VII

Luận về văn-chương thời trung cổ

Trung cổ kể từ thời nhà Hán cho đến cuối thời nhà Tống. Trong khoảng đó, trừ ra văn-chương chế cáo của các nhà vua, còn hiển hách nhất là văn-chương của các nhà đại nho, nhà Hán thì có Giả-Nghị, Đổng-trọng-Thư, Dương-Hùng, Tư-mã-Thiên; nhà Tùy thì có Văn-trung-Tử; nhà Đường thì có Hàn-Dũ; nhà Tống thì có Âu-dương-Tu, Tô-đông-Pha, Chu-liêm-Khê, Trình-minh-Đạo, Trình-y-Xuyên, Trương-hoàng-Cừ, Thiệu-khang-Tiết, Chu-hối-Am, Hồ-nguyên-Định v. v. Đó toàn là những nhà trứ thư lập ngôn, có công vệ đạo với thánh kinh hiền truyện, song cũng có hơn kém hay giở khác nhau, nay luận qua văn-chương của từng nhà như sau này:

Hán nho

Đổng-trọng-Thư. — (Đổng-tử). Học thuật của Đổng-tiên-sanh, tỏ hết cả ra ba bài đối sách « Thiên nhân ». Xem trong ba bài sách ấy, có nhiều điều rất hợp với đạo thánh hiền. Như nói rằng: « Lễ nghĩa liêm sỉ, thị vị tứ duy, tứ duy bất trương, quốc nãi diệt vương », nghĩa là điều lễ, điều nghĩa, điều liêm, điều sỉ, là bốn cái gường-mối làm cho nước được vững vàng: bốn giường-mối đó mà không giương lên được thì nước phải diệt mất. Trong một nước, nếu không có lễ phép, thì còn ra thể thống gì; nếu không có đạo nghĩa, thì còn ra luân lý gì; nếu không có liêm tiết thì toàn là kẻ tham lam, còn ra phẩm hạnh gì nữa; nếu không biết sỉ nhục thì toàn là đồ vô sỉ, còn ra nhân cách gì nữa. Cho nên bốn điều ấy đều là mối hệ trọng của tâm-lý người ta, ai ai cũng giữ được bốn điều ấy, mới nên một nước có giáo dục, nếu để cho bốn giường đổ nát thì người nào chỉ biết lợi riêng người ấy, thành ra nhân tâm ly tán, tài nào mà khỏi được diệt-vong.

Trong bài sách lại có câu rằng: « Quân-tử chính kỳ nghị bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đạo bất kế kỳ công », nghĩa là người quân-tử phàm làm việc gì chỉ cốt cho to cái nghĩa vụ, chớ không cầu đến lợi; chỉ cốt để cho rõ cái đạo lý, chớ không kể đến công. Lời ấy thực tả ra cái bụng cao nghĩa của người quân-tử. Quân-tử sở dĩ khác tiểu-nhân, chỉ bởi một tấm lòng trọng đạo nghĩa hơn là công lợi, động làm việc gì, trước hết tính xem có hợp đạo nghĩa hay không, chớ không khi nào tính đến công lợi trước. Còn như tiểu-nhân hơi làm việc gì, trước hết hãy tính đường công lợi, có khi trông thấy mối công lợi to tát, thì dù trái đạo nghĩa đến đâu cũng làm, ấy là cái bờ chắn ngang quân-tử và tiểu-nhân vậy.

Lại như những câu: « Chính tâm dĩ chính triều-đình, chính triều-đình dĩ chính bách quan v. v. », nghĩa là ông vua ngay thẳng lòng mình để khiến cho triều-đình phải ngay thẳng, triều-đình ngay thẳng để khiến cho trăm quan phải ngay thẳng. Lại có câu: « Miễn cưỡng học-vấn, miễn cưỡng hành đạo », nghĩa là người ta phải gắng gỏi mà học vấn, gắng gỏi mà làm việc đạo nghĩa. Các lời ấy đều là hợp với lời thánh hiền. Tựu trung, chỗ thuyết lý nói chưa được đến nghĩa tinh vi, như câu « Tính giả sinh chi chất », câu ấy lấy cái khí chất mà giải nghĩa chữ « tính » thì là sai. Vì tính là một cái thiện lý của giời phú bẩm cho người, mà chất thì là khí chất hình chất, không gọi là tính được. Ông Chu-tử nói rằng: « Đổng-trọng-Thư nói đến đạo lý, tựa như người ngồi trên tường mà trông vào trong nhà », nghĩa trông được mập mờ, chớ không biết được đích xác.

Giả-Nghị. — Trong bài sách « Trị an » của tiên-sanh, nói đến thế tình bấy giờ rất là kích thiết, như nói « Có ba điều nên khóc, có sáu điều nên thở dài ». Những điều ấy toàn là kể cái bạc tục của thói đời. Nói rất ráo riết, dễ làm cho cảm động lòng người, cũng là có công với việc giáo hóa. Song hiềm vì tính khí nóng nẩy, cho nên phát ra văn-chương chỉ những giọng cấp bách sầu oán, mà rút lại thì không thi thố được việc gì.

Đại phàm người có tính nóng nẩy, việc gì cũng muốn làm cho đến mục-đích ngay; mà hơi không được thỏa chí thì sinh ngay ra bụng tức giận oán hờn. Giả tiên-sanh chính là một người nóng nẩy, cũng may gặp được vua Văn-đế là một vị hiền-quân, biết trọng nhân tài, trong một năm bốn lần thiên chức cho đến đại-phu, để cho tiên-sanh thi thố được hết học thuật. Song vì tính muốn chóng đó mà rồi phải bọn quyền thần không ưa, đến nỗi sau phải đầy ra Tràng-sa, tức giận mà chết, xem bài phú « Viếng ông Khuất-Nguyên » của tiên-sanh, toàn là giọng sầu oán bức bối, thì đủ tỏ cái tính của tiên-sanh vậy.

Dương-Hùng.— Dương tiên-sanh làm ra sách « Thái-huyền », để so với kinh Dịch. Trong Dịch kể từ một nhân thành hai, hai nhân thành bốn, bốn nhân thành tám, tám nhân thành 64 quẻ. Thái-huyền thì kể từ một nhẩy lên ba, rồi ba nhân thành chín, chín nhân thành 27, 27 nhân thành 81 bài. Đó là bắt chước lối suy diễn cái số âm dương tiêu trưởng để mà giải nghĩa lý. Song số trong Dịch là số tự nhiên của thiên địa tạo hóa; mà số của Thái-huyền thì là miễn cưỡng mà ghép lại. Cốt để giải nghĩa Dịch mà thành ra trái với nghĩa Dịch. Trình tiên-sanh có bác rằng: « Dương-Hùng làm sách Thái-huyền cốt để giải tỏ nghĩa Dịch mà hóa lại tối đi, không ích gì đến Dịch, chẳng qua chỉ thêm phiền, tựa như dưới cái nhà lại làm cái nhà khác, hay là trên cái gường lại chồng cái giường nữa ». Nghĩa là chỉ thêm việc ra đó thôi.

Tuy vậy, nói đến văn-chương thì hùng văn đại-bút, bàn nói việc xưa nay, mạnh mẽ như khơi tháo sông Giang sông Hán, mặt nước mông mênh, không biết đâu là bờ, người sau làm văn chưa dễ mấy người bằng được.

Tư-mã-Thiên (Tư-mã-tử-Tràng). – Tư-Mã tiên-sanh soạn nên một bộ sử-ký chép công việc từ thời vua Hoàng-đế đến thời vua Hán Võ-đế, gọi là bộ Thực-lục. Văn-chương bút lực rất hùng. Xem như trong một thiên, kể vài chục việc một lúc, mà phô tự lần lượt rất khéo, không sót một việc gì, mà cũng không trùng một ý gì. Đến những chỗ một việc rất thô bỉ, dùng một lời rất quê kịch. mà cũng điểm hóa cho ra văn thanh nhã, đó mới thực là đại tài. Lại xem như bài tựa của Mã-Tồn tặng Cáp-bang-Thức nói văn-chương của tiên-sanh do ở sự lịch lãm mà hay, (bài ấy đã dẫn ở trên tiết IV), thì đủ biết cái tài của tiên-sanh vậy.

Tùy nho

Vương-Thông (Văn-trung-Tử).— Vương tiên-sanh cũng là một bậc ẩn quân-tử thời nhà Tùy. Soạn những văn chế cáo của thời nhà Hán để tục vào kinh Thư; nhặt những thơ của Tào-Thực, Lưu-Trinh, Thẩm-Ước, Tạ-Diêu để tục vào kinh Thi, lại tán đạo kinh Dịch, chính lại phép lễ nhạc, và làm ra bộ Trung-thuyết để sánh với sách Luận-ngữ. Chí khí cũng muốn làm như đức Khổng-tử, song kiến thức hẹp hòi, chẳng qua như đứa trẻ làm cái nhà nhỏ bằng gạch để chơi vậy.

Ông Chu-tử nói rằng: « Văn-trung-Tử ban đầu muốn làm như sự nghiệp Y, Chu, sau thấy đạo của mình không được thi dụng với đời, mới lại chăm chăm làm đức Khổng-tử. Chí của ông ta cũng không vừa, nhưng cũng bởi không đè nén được cái bụng hiếu cao dục tốc, cho nên lại hóa thành lụy. Ông ta lấy trứ thư lập ngôn làm trách nhiệm của mình, bèn nhặt nhạnh những văn tự quê mùa cùng là những công việc nhỏ nhặt, tìm những chuyện hơi giống nhau, bắt chước làm ra sáu kinh, rồi gượng lấy người này người khác, đem lên so sánh với Nhị-đế, Tam-vương. Nay xét xem trong bộ Trung-thuyết, mà biết cái quy mô đại khái của ông ta. Kìa như ông ta tán Dịch, há đủ biết cái thể dụng của Tiên-thiên Hậu-thiên; mà chế sắc của Cao, Văn, Võ, Tuyên (các vua nhà Hán), có đâu được như đạo « tinh nhất chấp trung » ở trong kinh Thư; những thơ của Tào, Lưu, Thẩm, Tạ, có đâu được như nhời dạy « vật tắc dân di » ở trong kinh Thi; lễ nhạc của Thúc-tôn-Thông, Công-tôn-Thuật, Tào-Bao, Tuân-Húc, há sánh được với lễ nhạc của Bá-Di, Hậu Qùy, Chu-Công. Đến như từ đời Tống, Ngụy giở về, một nam một bắc, so sánh công đức, vị tất ai đã hơn ai, cái thống tự kế thừa thiên hay chính, hà tất phải bàn, vậy mà vung tay nghị luận, khen kẻ nọ chê kẻ kia, để sánh với kinh Xuân-thu sao được. Ông ta không tự biết mình không đủ làm nổi được Chu, Khổng, lại không biết hai nhà Hán không làm nổi được Tam-vương, lại muốn cầu ở trong ảnh-hưởng tương tự, mà đem so sánh với nhau, đã tự-đắc là sách của ta đủ nối được thánh-nhân đời xưa mà lưu truyền dạy cho các vua về sau, nhưng không biết rằng quyển sách ấy chỉ đủ làm trò chơi cho trẻ con vậy ».

Tuy vậy, học thuật của Văn tiên-sanh cũng hơi gần với chính đạo, và cũng có nơi thực dụng. Xét cái ý hướng bình sinh của tiên-sanh, dẫu chưa khỏi được cái thói phóng đãng, phù hoa của nhà văn-sĩ và cái bụng công danh phú quí của thế-tục, nhưng mà rộng xem những sự biến xưa nay, mong đem học thuật để thi thố ra sự nghiệp, cũng chưa ai gắn bó và có điều lý phân minh bằng tiên-sanh vậy.

Đường nho

Hàn-Dũ (Hàn-xương-Lê).— Thời tiên-sanh, lối học của Phật, Lão đang thịnh, nhân tâm say đắm về lý tưởng thanh tĩnh tịch diệt, cho những việc cần dùng của hàng ngày như cái bã giả, coi những cương thường luân lý như cái bướu thừa. Hàn tiên-sanh thấy vậy, e rằng đạo Phật, Lão thịnh hành, thì đạo giáo của thánh hiền ắt phải suy biến. Tiên-sanh bèn làm ra các thiên « Nguyên-đạo », « Nguyên-tính », « Sư-thuyết » để giãi tỏ đạo lý của thánh hiền. Tiên-sanh nói đạo thì gốc ở nhân nghĩa, nói tính thì chia làm ba bậc, mà đạo ấy tính ấy chẳng qua cũng phát hiện ra trong phận vua tôi cha con, thi hành ra các việc lễ nhạc hình chính, khiến cho công dụng của đạo lý, lại rõ ràng ra thiên-hạ, ấy là công của tiên-sanh.

Cái công vệ-đạo của tiên-sanh bấy giờ, tựa như kéo lại cái sóng đã đổ, chắn lấp trăm ngọn sông mà cho chẩy về đông, nghĩa là làm cho nhân tâm tỉnh cả lại, thực là có công to với thánh hiền. Vậy nên sĩ phu khi đó, coi tiên-sanh rất trọng vọng, như là núi Thái-sơn và sao Bắc-đẩu. Ông Tô-Thức có khen tiên-sanh rằng: « Mình là một kẻ thất-phu mà làm thày cho muôn đời, lấy một lời nói mà làm phép cho thiên-hạ ». Lại nói rằng: « Từ nhà Đông-Hán giở về, đạo thánh hiền sa đắm, bọn dị đoan tranh nhau mà nổi lên; trải đến thời Trinh-quán, Khai-nguyên nhà Đường, có Phòng, Đỗ, Diêu, Tống mà cũng không cứu lại được. Duy có tiên-sanh, xuất thân là người áo vải, chỉ cười cợt bàn nói mà làm đổ được bọn dị-đoan, để cho thiên-hạ xô về chính-đạo, đã được 300 năm nay ». Lời ấy chính là kể cái công vệ-đạo của tiên-sanh vậy.

Duy ở trong thiên Nguyên-đạo có một câu rằng: « Bác ái chi vị nhân », nghĩa là rộng yêu gọi là nhân, câu ấy thì tiên-sanh khí sai bởi vì « nhân » là một cái nguyên lý lương tâm của người ta, vì có lương tâm ấy mới biết rộng yêu chủng loại. Vậy thì sự rộng yêu là công dụng của lòng nhân, mà nhân thì là bổn thể của sự rộng yêu. Nay nói rộng yêu tức là nhân thì là nói bên dụng mà sót mất bên thể. Vả lại trong thiên đó, tiên-sanh nói hết cả đến các việc đói ăn rét mặc, cửa nhà thành quách, bày các tiết mục, để tỏ rằng cái công dụng của đạo lý khắp ra thiên-hạ, song tiên-sanh chỉ nói những công dụng ấy mà không suy nguyên đến gốc đạo thể, cho nên tiên-nho thường chê tiên-sanh rằng học chưa thấu đến ngọn nguồn.

Tuy vậy, chỉ có vài nơi khiếm khuyết, nhưng công tiên-sanh vẫn là to. Ông Trình-tử có nói rằng: « Thiên Nguyên-đạo dẫu còn có chỗ chưa tận thiện, nhưng từ thời Mạnh-tử giở về, mới thấy người này là nhiều kiến thức to tát ».

Đến như văn-chương của tiên-sanh thì lại càng có công lắm. Vì từ thời Đông-Hán giở về, trải qua 8 triều, văn-chương ủy mĩ. Đến tiên-sanh mới lấy văn lục kinh, xướng suất cho chư nho, từ đó văn-chương mới lại có khí mạnh mẽ. Có câu khen rằng: « Văn của tiên-sanh, phấn khởi được cái khí suy nhược của tám triều ».

Tống nho

Âu-dương-Tu.— Tự Hán, Tấn giở về, thiên-hạ say đắm về Phật, Lão hầu không biết đến đạo giáo Khổng, Mạnh là gì. Hơn 500 năm, mới có Hàn-xương-Lê tiên-sanh, ra sức đạp đổ mối dị đoan mà binh vực lấy chính-đạo. Sau 300 năm nữa lại có Âu-dương tiên-sanh suy rộng những ý kiến của Hàn, Mạnh, để phát minh đạo Khổng-tử cho rõ ràng thêm ra. Vậy nên thiên-hạ ai nấy đều tôn trọng tiên-sanh, gọi là « Kim chi Hàn-Dũ » tiên-sanh thời nay.

Văn-chương của tiên-sanh, phát hiện ở trong tập « Cổ-văn » và trong tập « Bát đại gia văn » rất nhiều. Lắm bài tự nhiên nẩy ra tứ cao kỳ, không mấy người nghĩ đến. Xem như bài phú « Thu thanh », nhân cái tiếng gió mùa thu, làm cho cây cối vàng úa rụng lá, mà cảm súc đến việc người, bởi nghĩ ngợi lắm mà hóa ra chóng già; bài phú « Tăng sương giăng » nhân con nhặng xanh bay làm cho biến mùi vật thực mà ghét đến kẻ gian nịnh, hay làm cho điên đảo thị phi. Văn của tiên-sanh thường thường nhân cái đề-mục nhỏ mà phát ra cái tư-tưởng to, đại khái như thế cả.

Nhà Tống khởi lên hơn 70 năm, những nhà văn-sĩ vẫn còn noi theo lối cũ, văn khí rất nhu nhược. Tự khi có tiên-sanh, đem đạo học ra để cổ động cho thiên-hạ, sĩ-phu từ đó tranh nhau mài dũa, lấy việc thông kinh học cổ làm cao, lấy việc dùng đạo ra giúp đời làm quí. Cuối năm Gia-hựu, thành ra trong nước lắm tay hiền-sĩ, phần nhiều là bởi cái công tác thành của tiên-sanh.

Tô-đông-Pha. — Tô tiên-sanh khi còn trẻ tuổi, chí khí rất hào mại, và có lưu tâm về sự kinh luân. Xem như bài bàn việc sinh tài, thì nói rằng nên bỏ những sự vô ích mà phải thu nhặt từng hào từng ly; bàn việc dụng binh, thì nói rằng nên bắt dân phải ra lính 30 năm, mà giữ đâu phải 10 năm mới đổi. Các nhời ấy đều có ý muốn làm cho nước giầu, dân mạnh. Tiên-sanh lại tự quyết rằng: « Nếu dùng lời của tiên-sanh thì có thể đánh được Khiết-đan ». Đến sau tiên-sanh thấy Vương-an-Thạch kinh doanh hai việc lớn đó đều sinh ra nhiều sự khó khăn mà không thành hiệu gì, mới không nói đến cái việc ấy nữa.

Ban đầu, tiên-sanh cũng cố sức mà bài bái lối học Phật, Lão. Song đến nửa chừng thì lại có ý quay về lý tưởng phóng khoáng tiêu diêu. Xem trong bài phú « Xích bích », nhân bơi thuyền chơi giăng ở dưới núi, trông thấy cảnh nước và mặt giăng, mà nghĩ ra sự biến đổi và không biến đổi ở cuộc đời. Nói đến sự biến đổi thì giời đất cũng chỉ trong một cái chớp mắt; nói đến sự không biến đổi thì ai ai cũng có thể không bao giờ hết được. Vì cái cảm khái đó mà lấy những cảnh giăng trong gió mát làm vui, có khác gì cái bụng phóng của Lão-Trang. Bởi cái lẽ đó mà tiên-nho chê tư-tưởng của tiên-sanh trước sau chia ra làm hai đoạn khác nhau.

Ông Chu-tử lại bác tiên-sanh rằng: « Học giả cốt quí ở biết đạo, như Tô-công này, lúc trước thì nhặt những giọng thừa thõi của Tô, Trương (Tô-Tần, Trương-Nghi), đến sau lại say về cái bã giả của Lão, Trang, gọi là biết đạo sao được ».

Song nói đến văn-chương của tiên-sanh thì thực là đại thủ bút, sánh ngang với Âu-dương tiên-sanh. Ông Chu-tử khen rằng: « Tô-công đem cái văn-chương hùng thâm mẫu diệu mà quạt bỏ những thói biến ảo khuynh nguy ». Lại có câu khen rằng: « Văn đáo Âu, Tô phương thị sướng », nghĩa là văn-chương đến Âu, Tô hai tiên-sanh mới là văn-chương nở nang phổng pháp.

Chu-thúc-Mậu (Liêm-Khê). — Tiên-sanh sinh ở sau khi thánh-học đã thất truyền hơn 1.000 năm, không đợi ai truyền thụ cho, mà tự mình lĩnh hội được đạo thể. Học thuật tư tưởng của tiên-sanh, tỏ hết cả ra một thiên « Thái-cực đồ thuyết » và thiên « Thông thư ».

Trong Thái-cực đồ có vẽ năm cái vòng tròn, vòng thứ nhất vẽ trống không là thái-cực, chỉ cái lẽ huyền-diệu tự-nhiên của Tạo-hóa; vòng thứ hai là vòng âm dương, âm thì tĩnh mà dương thì động, cho nên một nửa vẽ trắng và một nửa vẽ đen. Song trong dương phải có âm, trong âm phải có dương, cho nên trong nét trắng lại có nét đen, mà trong nét đen lại có nét trắng; vòng thứ ba là vòng ngũ hành, ngũ hành cũng gốc ở âm-dương mà giao lẫn với nhau, cho nên nét bên tả vẽ giao sang bên hữu, mà nét bên hữu lại vẽ sang bên tả. Vòng thứ tư lại vẽ trống là vòng kiền-nam khôn-nữ; vòng thứ năm cũng vẽ trống là vòng vạn vật hóa sinh.

Phía dưới, tiên-sanh có lập thuyệt để giải nghĩa năm cái vòng ấy. Đại khái trong giời đất có một lẽ huyền-diệu vô cùng tuy không có hình tích gì mà thực là cái then chốt của tạo-hóa và là cái cỗi gốc của muôn vật. Cái lẽ ấy tức là cái lẽ thái-cực. Cái lẽ thái-cực ấy động là dương mà tĩnh là âm; có dương động thì cái công dụng của lẽ ấy mới thi hành, có âm tĩnh thì cái bổn thể của lẽ ấy mới đứng vững. Vì có âm dương mới sinh ra khí ngũ-hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Khí ngũ-hành phối hợp với khí âm dương, rồi phần dương thì thành ra nam (đàn-ông và các giống đực), phần âm thì thành ra nữ (đàn-bà và các giống cái), đó là lúc đầu tiên mới có nam nữ do ở khí hóa mà sinh ra. Từ lúc có nam nữ rồi thì hai khí giao cấu với nhau mà người và muôn vật mới sinh sinh hóa hóa vô cùng, đó là bởi hình hóa mà sinh ra vậy.

Người ta và muôn vật đều bởi cái lẽ thái-cực và khí âm dương, ngũ-hành mà sinh ra. Song người ta lại bẩm thụ được cái khí tinh anh hơn muôn vật, cho nên trí thức cũng hoàn toàn hơn cả muôn vật. Tuy vậy, người ta bẩm thụ cái khí ấy lại có kẻ trong người đục, kẻ thuần người tạp khác nhau, cho nên trí-thức kẻ khôn người dại, tính tình có kẻ thiện người ác cũng khác nhau. Duy có thánh-nhân là bẩm thụ được cái khí tinh-anh mà lại tinh-anh hơn cả loài người, cho nên trí thức rất thông minh, tính tình rất thuần thúy, mà toàn được hết lẽ tự nhiên của thái-cực, tức là những đức trung chính nhân nghĩa, mà lập nên cái đạo rất mực cho người ta noi theo.

Nói tóm lại thì chương này chỉ là suy nguyên cái lẽ sở dĩ có giời có đất, có người có muôn vật, mà kết vào cái đạo lý của người ta nên noi theo. Lý tưởng ấy so với Âu học thì khác nhau nhiều. Song thử ngẫm trong cuộc giời đất, có vật gì là ra khỏi được hai mối âm dương; mà nếu không có một lẽ gì làm chủ tể thì đâu mà hóa sinh ra vạn vật; bảo rằng do ở khí-hóa vận động mà tự nhiên sinh ra, thì cớ sao tính chất hình sắc của vật gì, dù bao giờ cũng vẫn nguyên như thế, ví như giống nào ngọt thì bao giờ vẫn ngọt, giống nào chua thì bao giờ vẫn chua, giống nào tròn thì bao giờ vẫn tròn, giống nào dẹt thì bao giờ vẫn dẹt, giống động vật nào có hình chất gì cũng vậy, tựa như có một ông thần cầm quyền chủ tể, khiến cho muôn vật bao giờ cũng phải theo một khuôn phép nhất định mà không sai được một ly nào? Ấy tức là cái lẽ thái-cự đó.

Lời ấy xưa nay ta vẫn tin là một lời lý thuyết rất thâm thúy, rất chính đáng, hậu nhân ta cũng chưa biết thế nào mà dám bình luật phải trái. Song nói đến nhân đạo thì là một lời chí lý, dù bao giờ cũng không ai cãi được.

Còn như thiên Thông-thư thì đại-để cũng suy cái lẽ phân hợp của thái-cực, âm-dương, ngũ-hành, để làm kỷ-cương cho đạo thể; quyết cái đường thủ xả trong việc đạo nghĩa, văn từ, lợi lộc, để chấn khởi cho bọn tục-học. Và bàn rộng đến cách nhập đức, đến việc kinh thế. Nhời nào cũng thân thiết giản yếu, có thể đem ra thi hành được; mà điều lý rất chặt chịa, ý vị rất sâu xa, không mấy người đã nói được như thế.

Trương-nam-Hiên tiên-sanh nói rằng: « Từ đời Tần Hán trở về, người nói đến chính trị thì mắc vào đường « công lợi » của Ngũ-bá; người nói đến đạo-lý thì đắm vào nhời « không tịch » của dị-đoan. Cho nên chính trị không can thiệp gì đến đạo lý, mà đạo lý cũng không dính dáng đến chính trị. Duy có Liêm-Khê tiên-sanh, nổi lên ở sau nghìn năm, suy nguyên đến lẽ thái-cực, mới biết rằng người ta là một giống rất thiêng, cái tính của người ta rất lành, bởi đó muôn lẽ mới có chủ-trương, muôn việc mới có khuôn phép, cứ thế mà đem ra thi hành thôi. Mà các đứng tiên-vương thời xưa, sở dĩ trị yên được thiên-hạ, đều là theo một lẽ tự nhiên, chớ không phải dùng cái trí riêng vậy ».

Tăng-Thị cũng nói rằng: « Cái lý huyền diệu của tiên-sanh lĩnh hội được đó. không phải bởi ở trí suy-nghĩ, chỉ do ở tinh thần cảm xúc, tự nhiên mà ý hội được đến chỗ nguồn gốc đó thôi. Nếu không thế thì tiên-sanh hay thích xem cái dòng suối trong xanh, yêu cái cảnh hoa cỏ tươi tốt ngoài sân, bởi lẽ gì mà lại thích như thế!

Trình-minh-Đạo (Đại-trình).— Văn-chương của tiên-sanh, tán kiến ở các bài nghị luận trong kinh truyện. Tiên-sanh tư bẩm đã hơn người, mà lại có đạo lý để hàm dưỡng. Coi sắc tiên-sanh rất hòa nhã, tựa như khí ấm mùa xuân; nghe nhời nói của tiên-sanh rất ôn tồn, tựa như trận mưa phải thời. Từ hồi mới 15, 16 tuổi, nghe thấy Liêm-Khê tiên-sanh luận về đạo lý, bèn chán lối học khoa cử mà đến học tại cửa Liêm-Khê. Tiên-sanh có chí cầu đạo, nhưng chưa biết yếu ước làm sao, trước còn xem rộng cả học thuyết của các nhà và xem xét cả lối học của Phật, Lão rồi quay về tìm ở trong Lục-kinh, mới hội được lý thú. Tiên-sanh rõ hết mọi vật, xét đến nhân luân, biết rằng hết đạo của mình, phải gốc ở hai mối hiếu đễ; cùng lẽ huyền diệu phải do ở thông việc lễ nhạc. Biện các lời tự-hồ phải mà ra trái của bọn dị-đoan, để tỏ những điều nghi hoặc cho trăm đời. Tiên-sanh nói ra những lời bình dễ hiểu, khiến cho kẻ ngu người hiền đều được ích lợi, đã như xô nhau xuống uống nước sông, ai ai cũng được thỏa thích.

Khi tiên-sanh làm quan ở Hỗ-huyện có bài thơ rằng:

Vân đam phong khinh cận ngô thiên,
Bàng hoa tùy liễu quá tiền xuyên.
Thời nhân bất thức dư tâm lạc,
Tương vị thâu nhàn học thiếu niên.

Nghĩa là: đương lúc giời gần trưa có đám mây nhạt và cơn gió mát, ta đi men qua hàng hoa liễu đến chỗ con sông phía trước, người bấy giờ không ai biết cái bụng vui thú của ta, bảo ta là bắt trước như lũ thiếu niên rỗi rảnh mà dạo chơi.

Lại có một bài rằng:

Nhàn lai vô sự bất thung dung,
Thụy giác đông song nhật dĩ hồng.
Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc,
Tứ thời dai hứng dữ nhân đồng.
Đạo thông thiên địa hữu hình ngoại,
Tứ nhập phong vân biến thái trung,
Phú quí bất dâm bần tiện lạc,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.

Nghĩa là: gần nay rỗi rảnh, việc gì cũng thong thả, ngủ tỉnh dạy thì cửa phía đông mặt giời đã đỏ ối rồi. Ta lặng mà xem muôn vật đều có ý tự đắc cả, mà cái vui hứng trong bốn mùa, thì ai cũng vui. Cái đạo lý của ta suốt tới ngoài chỗ giời đất có hình, cái tình tứ của ta, lọt vào trong đám gió mây biến đổi màu vẻ. Ta thích cái thú riêng của ta, dù giầu sang ta cũng không say, mà dù nghèo hèn ta cũng vui, làm giai đến thế mới là hào hùng.

Xem hai bài thơ đó tỏ ra một tấm lòng ung dung khoan khoái, vui về đường đạo lý mà không để cho những điều trần lụy vướng tới mình, có cái khí tượng như cụ Tăng-Điểm tắm ở sông Nghi, hóng mát ở đền Vũ-vu, ngày xưa toàn là một khí tượng hòa nhã vui vẻ.

Lối học của tiên-sanh, lấy một chữ thành (thành thực) làm gốc. Trí biết khắp muôn vật mà không tự lấy làm cao; học thông cả tam tài (giời, đất, người), mà chưa lấy làm đủ; tính nết hợp với thần minh, ma không tự lấy làm lạ; trí thức soi thấu việc xưa nay, mà không tự lấy làm giỏi. Phi người học thức sâu, hàm dưỡng nhiều, thì sao được như thế.

Trình-y-Xuyên (Tiểu-Trình). — Tiên-sanh cùng với anh là Đại-Trình đều học Liêm-Khê tiên-sanh. Đạo đức của tiên-sanh rất thuần thúy, mà học vấn rất rộng rãi.

Văn-chương của tiên-sanh, cũng tán kiến ở các bài nghị luận trong kinh, truyện, nhời nhẽ mộc mạc mà ý vị sâu xa, có ngẫm nghĩ lắm mới hiểu được.

Tiên-sanh dạy học trò, bất ngoại hai việc « cư kính cùng lý », cư kính là trong bụng lúc nào cũng phải kính cẩn, cùng lý là gặp việc gì phải xét cho đến nơi, mà học điều gì phải thực hành điều ấy, ví như học đến điều hiếu thì phải làm theo ngay điều hiếu, học đến điều đễ thì phải làm theo ngay điều đễ v. v.

Hai anh em tiên-sanh, đều lấy Tứ-truyện, Lục-kinh làm tiêu chuẩn để đánh thức cho kẻ ngủ mê trăm đời, mà đưa vào cõi thánh hiền, cái công ấy khá sánh với công cụ Mạnh bài bác dị-đoan vậy.

Trương-hoành-Cừ.— Khi tiên-sanh dạy học trò, có soạn ra hai bài minh, dán ở hai bên cửa nhà trường. Bài phía tả gọi là Biên-ngu (Chữa cho kẻ ngu) tức là đông-minh; bài phía hữu gọi là Đính-ngoan (bảo cho kẻ dốt) tức là tây-minh.

Đại ý trong thiên tây-minh nói rằng: « Giời là cha đất là mẹ, người ta tức là con của giời đất. Dân là anh em đồng bào của ta. muôn vật là đồng loại với ta.

Ông vua là người con trưởng của cha mẹ ta, đại thần là người giúp việc cho anh trưởng. Ta tôn người tuổi cả, tức như như ta kính trọng anh; ta thương những người hèn yếu, tức như ta thương em bé ta; các bực thánh hiền là người khá ở trong hàng anh em, những kẻ tàn tật cô độc khổ sở là những anh em vận hạn của ta.
Vậy thì ta đối với giời đất, phải như con ở với cha mẹ, nghĩa là ta phải hết cái bổn làm người của ta.

Ta được phú quí phúc trạch, ấy là giời hậu đãi ta, để ta dễ làm điều thiện, tức như cha mẹ yêu ta, thì ta nên mừng mà không dám quên; ta phải nghèo hèn lo lắng, ấy là giời mài chuốt cho ta để ta gắng chí mà làm nên người, tức như cha mẹ dạy bảo ta, thì ta nên sợ mà không dám oán.

Nói rút lại thì ý của tiên-sanh coi thế-giới như một nhà, giời đất là cha mẹ, còn người thì toàn là anh em ruột của mình cả. Vì coi giời đất như cha mẹ, cho nên phải hết đạo làm người; vì coi dân như anh em, vật như đồng loại, cho nên phải rộng lòng nhân-ái. Song còn phân biệt người quí người tiện, người nhớn người nhỏ thì trong nhân-ái, cũng có thứ tự, chớ không như nghĩa kiêm-ái của Mặc-tử.

Còn như bài đông-minh thì tức là thiên Chính-mông. Trong thiên kê cứu những lẽ căn nguyên của giời đất, mặt giời, mặt giăng, quỉ thần, gió mây, sông núi, cùng là nhân tình vật lý, nói rất tường tận. Song những nhời lý-huyết của tiên-sanh, phần nhiều cũng theo những ý kiến của người trước, duy có câu luận đến tính là phát minh ra một nghĩa mới, các tiên-nho đều chịu là một nhời chính đáng, có công với Thánh-môn và có ích cho kẻ hậu-học. Nguyên từ khi cụ Mạnh-tử phát minh ra hai chữ « Tính thiện », nghĩa là cái tính của giời phú bẩm cho người ta ai cũng lành. Đến Tuân-Khanh thì nói: « Tính ác », là tính của người ta ai cũng ác; Dương-Hùng thì nói « Thiện ác hỗn », là tính lẫn cả thiện và ác; Hàn-văn-Công thì nói: « Tính hữu tam phẩm », là tính có ba bậc. Học-giả phân vân, chưa biết theo nhời nào là đích, mà ngẫm ra thì cũng chưa có bằng cớ nhất định nào mà tin được. Bảo rằng tính lành, làm sao lại có người bụng dạ độc ác? Bảo rằng tính ác, làm sao lại có người bụng dạ hẳn hoi? Bảo rằng tính lẫn cả thiện và ác, làm sao lại có người chỉ có thiện mà không có ác, hoặc chỉ có ác mà không có thiện? Bởi thế mà phân vân chưa quyết định nhời nào là phải. Đến tiên-sanh mới nói rằng: « Tính ư nhân, vô bất thiện, hình nhi hậu hữu khí chất chi tính, thiện phản chi tắc thiên địa chi tính tồn yên ». Nghĩa là tính ở người ta ai cũng lành, có hình thể rồi mới có cái tính khí chất, khéo đem lại thì giữ được cái tính tự nhiên của giời đất phú cho mình. Xem như câu đó, thì cái tính bổn nhiên của giời đất phú bẩm cho người ta, là bởi một cái lẽ chí thiện của giời đất, cho nên ai ai cũng lành. Song người ta đã đành chịu được cái lẽ ấy để thành tính, nhưng lại phải chịu cái khí của âm dương ngũ-hành mới thành được cái hình thể; mà khí âm dương ngũ-hành thì có trong đục, dầy mỏng khác nhau, ai bẩm được cái khí trong trẻo, dầy dặn thì mới sáng suốt hiền hậu, mà vẫn nguyên cái tính lành; còn người nào chịu phải cái khí vẩn đục, mỏng mẻo thì người ngu tối bạc bẽo, mà thành ra tính ác. Sở dĩ người ta có kẻ thiện người ác, là bởi cái khí chất đó. Tuy vậy, cái khí chất dẫu khiến cho người ta thành tính ác, nhưng ai biết sửa đổi tính ác thì lại giữ nguyên được tính lành là tính bổn nhiên của mình. Ví cũng như cái hạt quả kia, hạt nào cũng có một cái nhân của trời phú sẵn cho, cái nhân ấy vẫn có một nguyên lý tươi tốt, tức như cái tính thiện của người ta; đến lúc cái nhân ấy đem giồng xuống đất, đất có chỗ hậu khí, có chỗ bạc khí, mới thành ra có cây tốt cây xấu khác nhau, tức như cái tính khí-chất của người ta. Song cây giồng phải đất xấu, nếu biết bón mầu bồi bổ cho nó thì nó lại tốt, tức như người ta biết sửa nết thì lại giữ được tính tự nhiên.

Từ khi có nhời ấy mới biện minh được nghĩa tính thiện của cụ Mạnh, mà giải quyết cho hai mối thiện ác của nhà nghị luận.

Thiệu-khang-Tiết (Nghiêu-phu).— Tiên-sanh tinh thông về Dịch-lý, bao nhiêu tâm thuật tinh vi của tiên-sanh, hết thảy phát hiện ra một bộ « Hoàng-cực kinh thế ». Tiên-sanh suy một lẽ âm dương cơ ngẫu, (tự một sinh hai, tự hai sinh bốn), cho nên phàm việc gì cũng lấy số bốn mà so sánh với nhau. Trong bộ sách này, lấy nhật (mặt giời), nguyệt (mặt giăng), tinh thần (các sao), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất), thạch (đá), cai hết sự thể, dụng của giời đất; lấy hàn (rét), thử (nắng), chú (ngày), dạ (đêm), vũ (mưa), phong (gió), lộ (móc), lôi (sấm), cai hết sự biến hóa của giời đất; lấy tính (tính có sẵn ở trong), tình (tình phát hiện ra ngoài), hình (hình sắc), thể (thể chất), tẩu (giống biết chạy), phi (giống biết bay), thảo (loài cỏ), mộc (loài cây), cai hết tình cảm ứng của muôn vật; lấy nguyên (12 hội), hội (30 vận), vận (12 thế), thế (30 năm), tuế (năm), nguyệt (tháng), nhật (ngày), thời (giờ), cai hết cuộc trước sau của giời đất; lấy hoàng (Tam-hoàng), đế (Ngũ-đế), vương (Tam-vương), bá (Ngũ-bá), dịch (Kinh dịch), lễ (Kinh lễ), thi (Kinh thi), xuân thu (Kinh Xuân thu), cai hết sự nghiệp của thánh hiền.

Cứ như ý tiên-sanh thì trông cái gì cũng thành ra bốn mảnh, ngoài bốn mảnh này lại có bốn mảnh khác, suy mãi cho cùng cực thành ra muôn vật muôn sự ở đời. Tiên-sanh lại suy một lẽ âm dương tiêu trưởng, cho cái cuộc thịnh suy bĩ thái ở đời, là số nhất định. Ví như từ giờ tý (12 giờ đêm) đến giờ ngọ (12 giờ trưa) là lúc âm tiêu dương trưởng, tức là hồi từ suy sang thịnh trong một ngày; lại từ giờ ngọ đến giờ hợi (10 giờ đêm) là lúc dương tiêu âm trưởng, tức là hồi từ thịnh sang suy trong một ngày. Nhân đó mà suy rộng mãi ra; cứ 12 giờ là một ngày; 30 ngày là một tháng, 12 tháng là một năm, 30 năm là một thế, 12 thế là một vận (360 năm), 30 vận là một hội (10.800), 12 hội là một nguyên (129.600 năm). Cái thịnh suy cứ lần lần theo từng bậc mà nhớn nhỏ khác nhau, hết thịnh lại suy, hết suy lại thịnh, kỳ cho đến khi nào hết một nguyên thì giời đất cũng phải tiêu diệt, mà lại dần dần sinh ra thế giới khác. Tiên-sanh lại kê cứu các việc trong sử sách, bắt đầu từ năm giáp-thìn là năm đầu thời vua Nghiêu, cho đến năm kỷ-mùi là năm thứ năm vua Hiển-đức thời ngũ đại lấy các việc hưng vong trị loạn ghép vào năm tháng để làm chứng cớ mà nghiệm sự thực. Cứ như số của tiên-sanh tính ra thì vua Nghiêu chính là vào khoảng giữa trong một nguyên, cho nên lúc bấy giờ là lúc thịnh trị, thiên cổ không bao giờ lại được như thế.

Lý-thuyết ấy cũng là một tư tưởng đặc biệt của tiên-sanh người chưa học thấu lý huyền diệu của tạo-hóa thì cũng chưa biết thế nào mà dám nghị luận. Còn như tính tình của tiên-sanh, phát tiết ra những thơ văn xem trong bài truyện « Võ danh công » cùng là trong tập thơ « Kích-nhưỡng » thì đủ tỏ ra tiên-sanh là một người điềm đạm tự nhiên và rất hào phóng. Xem như câu rằng:

Họa như hứa miễn, nhân tu xiểm;
Phúc nhược đãi cầu, thiên khả lương.

Nghĩa là: Vạ bằng tránh khỏi, người nên nịnh; phúc nếu cầu nên, giời cũng nhàm.

Lại như câu:

Phong nguyệt tính hoài,
Giang hồ tính khí.
Vô tương vô nghinh,
Vô câu vô kỵ.

Nghĩa là: Niềm phong nguyệt, tính giang hồ, không đưa đón lắm, chẳng gò gập chi.

Xem những câu đó, đủ rõ cái tính hào phóng tự nhiên.

Trình tiên-sanh có nói rằng: Nghiêu-phu tiên-sanh là một bậc người chấn thế hào kiệt. Xem như câu:

Hoàng vương đế bá kinh bao biếm,
Tuyết nguyệt phong hoa vị phẩm đề.

Nghĩa là: Những đời hoàng, vương, đế, bá, thì đã trải khen chê rồi; còn những cảnh tuyết, nguyệt, phong, hoa, thì chưa có ai bình phẩm được.

Lại có câu rằng:

Ngô đồng nguyệt hướng hoài trung chiếu,
Dương liễu phong lai diện thượng xuy.

Nghĩa là: Vầng giăng ở cây ngô đồng soi vào trong bụng, ngọn gió ở cây dương liễu thổi lên trên mặt, những câu ấy tả ra một cách hào hứng phong lưu vô cùng.

Tạ-thượng-Sái tiên-sanh nói rằng: « Nghiêu-phu thực là một bậc hào tài. Xem như câu rằng:

Châm hữu thiển thâm tồn nhiếp lý,
Ẩm vô đa thiểu hệ kinh luân.
Quyển thư vạn cổ hưng vong thủ,
Xuất nhập thiên trùng vân thủy thân.

Nghĩa là: Rót rượu khi vơi khi đầy, tức là một lẽ điều hòa; uống rượu không quản gì nhiều ít, đều quan hệ đến chí kinh luân cả. Cái tay hưng vong muôn thủa khi co khi ruỗi, cái thân mây nước nghìn trùng khi ra khi vào. Tế nhận ý vị câu đó, nếu tiên-sanh gặp thời loạn, chắc làm nổi thủ đoạn xưng bá một phương.

Chu tiên-sanh nói rằng: « Học thuật của Thiệu-tử bao quát cả vũ-trụ, thấu xuốt việc xưa nay. Xem như câu thơ rằng:

Nhật nguyệt tinh thần cao chiếu diệu
Hoàng vương đế bá đại phô thư.

Nghĩa là: Mặt giời mặt giăng, các ngôi sao rạng soi ở trên cao; các đời hoàng đế vương bá thi thố ra sự nghiệp rất lớn, câu đó tỏ ra một cái khí tượng nhân hào. Cái cốt tủy của lối học tiên-sanh, ở cả một thiên « Hoàng-cực kinh thế »; mà những cảnh hoa cỏ thì phát hiện cả ra thơ. Thơ của tiên-sanh phần nhiều là tả những ý tứ nhân tình vui vẻ. Song vẫn có ý tự tư tự lợi, cho nên không có thể trị được thiên-hạ.

Chu-hối-Am (Chu-Hi). — Tiên-sanh học rộng tài cao, diễn giải các nghĩa kinh, truyện rất là khúc chiết rõ ràng, hậu nhân ta xem sách mà hiểu được nghĩa lý sâu xa của thánh hiền, phần nhiều là nhờ ở công chú thích của tiên-sanh.

Tiên-sanh chẳng những là một nhà trứ-thuật lại là một nhà đạo đức có thực hành nữa. Xem bài của tiên-sanh tự đề vào bức tượng truyền thần, có nói rằng: « Khoan thai ở trong trường lễ pháp, thấm thía ở trong kho nhân nghĩa, ấy là bụng ta sở nguyện, mà sức ta chưa tới được. Ta ghi nhớ những nhời cách-ngôn của đứng tiên-sư, noi theo khuôn phép của bậc tiền-liệt, đầu mờ tối mà mỗi ngày rõ ra, hoặc ngõ hầu theo được lời ấy ». Xem bài đó rõ ra cái khí tượng của nhà đạo đức.

Tiên-sanh lại có nói rằng: « Kẻ học-giả nếu chưa hiểu được đạo lý thì nên học sách để mà suy xét cho đến tinh vi; mà nếu đã hiểu rồi cũng nên xét vào sách, cho có chứng nghiệm; huống chi ta sở dĩ ràng buộc được tấm lòng, cũng chỉ nhờ có sách, há nên rày vò kinh truyện, bảo rằng bã giả của thánh hiền, mà không xem nữa hay sao? Vậy ta xem sách, nên phải để lòng mà ngẫm nghĩ, đem mình mà noi theo, chớ đừng coi làm nhời nói xuông, mới được ». Nhời đó dạy người ta lấy cách học sách rất phải. Nếu người xem sách mà không được như thế, thì chẳng được ích gì cho tấm thân của mình.

Ngoại giả các sách Dịch, Thi, Dung, Học, Ngữ, Mạnh, tiên-sanh đều có chú thích đã đành, còn như Tam-lễ, Hiếu-kinh, cho đến các văn của Khuất-nguyên, Hàn-tử, các sách của Chu, Trình, Trương, Thiệu; sử-ký của Tư-mã-Thiên, cũng đều có nghị-luận đến cả. Nhờ có công nghị-luận đó mà đạo thống của thánh hiền từ nhà Chu giở về, trải hơn nghìn năm, đã hơi mờ tối, một mai lại được rõ ràng sáng sủa, như vầng mặt giời chiếu giữa giời.

Ông Lý-quả-Trai có bài luận khen tiên-sanh rằng: « Tiên-sanh đi đứng sánh cùng với đạo, nghĩa lý thì tinh, đạo đức thì thịnh. Vào trong thờ vua thì mong cho vua làm được như vua Nghiêu, Thuấn; ra ngoài trị dân thì mong cho dân sung sướng được như dân thời Đường, Ngu. Những ngôn-luận truyền ra, những điều lịnh ban bố, đều có thể làm khuôn phép cho đời. Mà cái công đính chính sách vở, lập nên mực thước, khiến cho kẻ học-giả có chỗ y cứ, để bước vào con đường thánh hiền, là cái công-nghiệp to tát nhất của tiên-sanh vậy ».

Ông Ngụy-hạc-Sơn cũng có bài luận khen tiên-sanh rằng: « Giời sinh ra nhân dân, tất sinh ra bậc người xuất loại (hơn người) để làm vua, làm thầy mà gánh vác lấy trách-nhiệm dạy dân. Song trách-nhiệm ấy không phải một người làm nổi, tất phải sinh ra năm bẩy người để giúp lẫn cho nhau, rồi đạo mới rõ mà mới thành được giáo-hóa. Cho nên có vua Nghiêu, Thuấn, thì phải có bọn bày tôi như Võ, Cao v. v.; có vua Thang, Văn, thì phải có bọn bày tôi như Y-doãn, Thái-công v. v. Vua nào tôi ấy, để làm những bổn-phận nên làm, rồi sau lẽ giời mới rõ, đạo người mới mở, mà dựng cái nêu cho muôn đời. Tự khi trách-nhiệm làm vua, làm thầy, dời sang đức Khổng-tử thì lại có bọn học trò như Nhan, Tăng, Nhiễm, Mẫn v. v. xúm vào giúp đỡ với ngài, rồi những nhời tinh vi, những nghĩa to tát, mới lại rõ ràng. Khi ngài mất rồi, thì có các cụ Tử-tư, Mạnh-tử lại vì ngài mà triển minh các nghĩa cao xa mờ tối, nếu không phải lòng giời thì sao có được như vậy. Còn từ Tần, Hán giở về đây, có hơn nghìn năm, lúc nào là chẳng có người. Song thường thường cô lập một mình, có người xướng mà ít người họa vậy. Đến khi Tống-triều nổi lên, đạo học cũ ngày một thịnh. Phía nam từ Tương-hồ, phía bắc đến Hà-lạc, phía tây đến Quan-lãng, chỗ nào cũng có đại-nho kéo ra từng lũ, tranh nhau mà giảng diễn những nhời nghĩa lý, nào là giải nghĩa chữ « thái-cực » nào là giải nghĩa chữ « thành » nào là giải nghĩa chữ « trung », chữ « thứ », chữ « tính mệnh », chữ « khí chất » chữ « thiên lý », chữ « nhân dục » v. v. Các chữ ấy đều là các nghĩa tinh vi yếu ước của thánh-môn giảng học, nhờ có nghị-luận mà nghĩa lý rõ ràng, khiến cho cái thói nông nổi hủ lậu truyền nhiễm trong khoảng hơn nghìn năm, đến bấy giờ phải tan đi cả; mà giấc mê của người đời lại sực tỉnh ra. Song tuyệt đã lâu cho nên đem lại cũng khó, người truyền thì ít mà người đứng ngoài đánh trống lấp vẫn còn nhiều. Đến như ông Chu-văn-Công tiên-sanh, mới đem cái chí mạnh mẽ, cái kiến thức rộng rãi, muốn cất mình vượt lên cao bổng hơn người. Từ khi thụ nghiệp ở cửa Lý-diên-Bình tiên-sanh mới thu bớt niềm văn hoa mà quay về thực thà, bỏ bớt chí rộng rãi mà giở về tính ước. Đến khi hàm súc đã lâu, nghĩ ngợi đã chín, suốt cả tinh thô, hợp cả trong ngoài, bấy giờ mới diễn giải nghĩa lý các kinh, truyện, cùng là nghị-luận các sách, bởi vậy mà những qui mô kinh thế của đế-vương, những học thuật tân dân của thánh hiền, lại được rõ ràng hưng thịnh. Than ôi! đế-vương không dấy mà phép dạy ở Thù-tứ mới lên, nếu không có cụ Mạnh-tử, ta chưa biết chính-đạo với dị-đoan, đã hẳn đằng nào thua mà đằng nào được vậy! Thánh hiền đã tắt mà lối học ở Quan-lạc mới nổi, nếu không có thầy Chu-tử, ta cũng chưa rõ thánh-truyền với tục-học đã hẳn đằng nào tối mà đằng nào sáng vậy! Hàn-tử bảo rằng công cụ Mạnh-tử không kém gì công vua Vũ, ta thì bảo rằng công của thầy Chu-tử không kém gì công của cụ Mạnh-tử.

Hồ-an-Định (Ngũ-phụng).— Tiên-sanh giải nghĩa kinh Xuân-thu, những nhời nghị-luận chính đại, làm cho tủng động lòng người bấy giờ, vì những nhời đó mà giúp được đạo tam-cương, tỏ được nghĩa lớn, đè nén được các nhời dị-đoan, đính chính cho lòng người, cũng là có công với thánh đạo vậy.

Các nhà văn-nho thi-sĩ. — Trên này kể qua mấy nhà trứ danh đại nho, tuy kiến thức có thuần tạp thiển thâm khác nhau, nhưng điều là có công trước tác, phụ dực cho đạo thống của thánh hiền. Còn những tay văn-nhân thi-sĩ thì thời nào cũng có, như thời nhà Hán thì có Tống-Ngọc, Tương-Như, Vương-Bao, Lưu-Hướng v. v.; về thời nhà Ngụy, nhà Tấn thì có Tào-Thực, Lưu-Trình, Thẩm-Ước, Tạ-Diêu, Vương-hi-Chi, Đào-Tiềm, Nguyễn-Tịch v. v.; về thời nhà Đường thì có Lý-Bạch, Đỗ-Phủ, Vương-Duy, Mạnh-hạo-Nhiên, Vương-Bột, Liễu-tôn-Nguyên v. v.; về thời nhà Tống thì có Tư-mã-ôn-Công, Dương-quý-Sơn, Vy-trọng-Tố, Thạch-man-Khanh v. v. Những nhà ấy toàn là những tay đại thủ bút, có văn-chương thơ từ truyền tụng đến giờ. Nếu cứ kể riêng văn-chương của từng nhà thì nói không sao xuể được, vậy đây bất cứ của nhà nào, hễ gặp được bài nào hay, câu nào thú thì trích ra mà giải nghĩa và bình phẩm thêm một đôi lời, để ghi lấy những nhời tao nhã của cổ-nhân.

Về thời nhà Hán, mới có ca phú mà chưa có thơ. Ca như bài « Đại-phong » của vua Cao-Tổ, bài « Thu-phong » của vua Võ-Đế; phú như mấy bài « Hiệu-liệp », « Tràng-dương » của Dương-Hùng, bài « Tam-đô » của Tả-thái-Sung, bài « Lưỡng-kinh » của Trương-Hành v. v. Các bài ấy đều có khí vị hùng hồn, mà đã hơi tỏ ra có ý phù hoa. Đến thời Tấn, Ngụy thì mới có thơ. Trong khoảng đó thì nổi danh thơ văn nhất là bọn Tào, Vương, Đào, Tạ. Nay xem bài thơ « Lưỡng ngưu tương đấu » và bài « Chử đậu » của Tào-tử-Kiến (tức là Tào-Thực), mỗi bẩy bước vịnh song một bài thơ, vừa nhanh lại vừa có ý nhị, thực là có tài mẫn tiệp vô cùng.

Hai bài ấy, một bài trên là Ngụy Văn-đế nhân có bức tranh treo chỗ ngồi chơi, trong bức tranh vẽ hai con châu trọi nhau ở dưới bức tường, một con sa xuống giếng mà chết. Văn-đế chỉ vào bức tranh ấy mà ra đầu đề, lại cấm không được dùng phạm đến chữ đầu bài. Một bài dưới để cho Tào-Thực tùy ý mà vịnh, không có đầu bài.

Bài trên tả cảnh trong bức tranh, dẫu là hay, nhưng còn nhờ có đầu bài sẵn. Đến bài dưới, trong khi thảng thốt mà tự ý nghĩ ngay ra được một vật hợp cảnh với mình thì thực là tài.

Bài dưới có bốn câu rằng:

Chử đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phũ trung khấp.
Bổn thị đồng căn sinh,
Tương tiền hà thái cấp.

Nghĩa là: Dùng cái cẳng đậu mà đun hạt đậu, hạt đậu khóc ở trong nồi. Khóc rằng: vốn cùng một gốc sinh ra, sao bây giờ đốt nhau dữ thế. Bài ấy văn tứ tự nhiên mọc ra mà ý vị vô cùng. Tạ-linh-Vận nửa ngày ngâm xong trăm bài thơ, cũng vào bậc đại tài. Thơ của Đào-uyên-Minh thì bình đạm tự nhiên, song ý vị đậm đà, lộ ra cái khí hòa nhã, có ngẫm nghĩ mới biết là hay. Xem như bài « Di cư » (Dời chỗ ở) rằng:

Tích dục cư Nam thôn,
Phi vị bốc kỳ trạch,
Văn đa tố tâm nhân,
Lạc dữ sác thần tịch,
Hoài thử phải hữu niên,
Kim nhật tòng tư dịch,
Tệ lư hà tất quảng,
Thủ túc tế sàng tịch,
Thuấn khúc thời thời lai,
Kháng ngôn đàm tại tích,
Kỳ văn cộng hân thưởng,
Nghi nghĩa tương dữ tích.

Nghĩa là: Từ trước vẫn muốn ở Nam-thôn, không phải vì muốn làm nhà đâu, là bởi nghe chỗ đó nhiều người thực thà, muốn sớm tối chơi cùng bọn ấy cho vui đó thôi. Bụng ta nghĩ thế đã lâu, hôm nay mới dời đến ở. Nhà bất tất phải rộng làm gì, quí hồ che kín chỗ giường chiếu là đủ. Thỉnh thoảng có cơn gió mát đưa đến, ganh nhau bàn nói chuyện xưa; có văn-chương lạ thì cùng nhau vui chơi có nghĩa nào nghi thì cùng nhau phân giải cho rõ ràng.

Thơ Uyên-Minh đại để như thế cả, mới đọc thì không thấy gì làm lạ, nhưng càng ngẫm thì mới càng thấy hay.

Văn-chương thời nhà Tấn thì phần nhiều là văn-chương ngông. Xem như bài « Tửu-đức-Tụng » của Lưu-Linh, có mấy câu rằng: « Lấy giời đất làm một buổi sớm, lấy muôn năm làm một giây phút, mặt giời mặt giăng làm cửa-sổ, tám cõi làm sân, giời là mùng, đất làm chiếu, tha hồ muốn đi đâu thì đi »; lại như thư của Dương-Vận báo cho Tôn-Hội có mấy câu rằng: « Sau khi rượu đã nóng tai, ngửng mặt lên giời, gõ vào cái phẫu[1] mà hát khúc « ô ô ». Người ta nên làm vui, chờ đợi phú quí thì biết bao giờ ». Bấy giờ chuộng về thói phóng khoáng, văn-chương đại để như thế.

Qua sang thời Lục-triều thì văn-chương rất hoa lệ, nhưng lại phần nhiều là nhời dâm đãng. Xem như thơ « Nhạc-phủ » có câu rằng:

Bích nguyệt dạ dạ mãn,
Quỳnh thụ chiêu chiêu tân.

Nghĩa là vầng mặt giăng như ngọc bích đêm nào cũng đầy, cây quỳnh sớm nào cũng mới. Lại như những khúc « Ngọc thụ hậu đình hôn » khúc « Lâm xuân » đại để đều là nhời tả cái sắc đẹp của bọn cung-tần. Nhời nhẽ có đẹp, nhưng văn khí thì rất uỷ mỹ, ôi cũng là một buổi văn-chương suy đốn vậy.

Kế đến thời nhà Đường thì thơ văn rất thịnh, tiên-nho cho là một buổi trung-hưng của nhà làm thơ. Trong thời ấy thì nổi danh nhất là thơ Lý-Bạch, Đỗ-Phủ, Cụ Lý mỗi một đấu rượu, ngâm xong trăm bài, người ta đã gọi là Thánh thơ. Thơ của cụ rất tự nhiên mà chí khí rất phiêu dật hào phóng. Xem như khi cụ say rượu đáp lại Hồ-châu Tư-mã có câu rằng:

Thanh liên cư sĩ Trích-tiên nhân,
Tửu tứ đào danh tam thập xuân.
Hồ châu Tư-mã hà tu vấn,
Kim lập Như-lai thị hậu nhân.

Dịch nôm:

Thanh liên cư sĩ Trích-tiên đây,
Ba chục năm giời tỉnh lại say.
Tư-mã Hồ châu bằng muốn hỏi,
Như-lai phật ấy tức thân này.

Lại xem như bài « Tương tiến-tửu » có mấy câu rằng:

Cổ lai thánh hiền dai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Chung cổ soạn ngọc bất túc quí,
Đãn nguyện tràng túy bất nguyện tinh.

Nghĩa là xưa nay thánh hiền đều tẻ ngắt cả, chỉ có người uống rượu là để tiếng về sau. Vậy nên những chuông trống, những soạn ngọc cũng chẳng quí gì, ta chỉ muốn liên miên say hoài mà không muốn tỉnh. Xem các lời đó đủ nghiệm được cái chí phóng khoáng của cụ. Thơ của cụ tả cảnh lại rất tinh thần. Xem như câu:

Thanh thủy xuất phù-dung,
Thiên nhiên khứ điêu sức.

Nghĩa là đầm nước trong nẩy mọc ra cây phù-dung (hoa sen), tự nhiên không phải trang sức gì. Câu đó tả cảnh cây sen rất thần-tình, như vẽ ra cái cảnh đẹp của cây sen. Thơ cụ lại thường tự nhiên mà nẩy ra tứ thần kỳ, như câu:

Dạ tĩnh bất kham đề tuyệt cú,
Khủng kinh tinh đẩu lạc giang hàn.

Nghĩa là đêm lặng không dám đề câu thơ tuyệt cú, e rằng sao trên giời kinh động mà sa xuống sông bị rét. Cụ nhân lúc đêm khuya trèo lên núi cao mà vịnh câu này, tự nhiên mọc ra tứ lạ lùng, người thường không ai nghĩ đến thế.

Thơ cụ Đỗ-Phủ ban đầu thì rất tinh tế, về sau thì xốc vác mạnh mẽ lắm. Như bài « Đăng giang lâu » có câu:

Cẩm-giang xuân sắc lai thiên địa,
Ngọc-lũy phù vân biến cổ kim.

Nghĩa là sắc xuân ở sông Cẩm-giang đưa giời đất đến, đám mây ở Ngọc-lũy làm cho biến đổi xưa nay. Câu ấy chỉ là tả cảnh đứng trên lầu trông ra, mà văn khí mạnh mẽ biết chừng nào.

Lại như bài « Tả bóng phản chiếu » có câu:

Phản chiếu nhập giang phiên thạch bích,
Qui vân ủng thụ thất sơn thôn.

Nghĩa là bóng phản chiếu vào sông làm cho sườn núi đá phải nghiêng, đám mây bay về phủ kín đám cây làm cho mất cả một làng trên núi. Câu ấy ý vị cũng hùng lắm.

Pháo-minh-Viễn thơ cũng hùng kiện. Như bài tả cảnh ra ngoài biên tái có câu rằng:

Tật phong xung tái khởi,
Sa lịch tự phiêu dương.
Mã mao súc như vị,
Giốc cung bất khả trương.

Nghĩa là cơn gió giật nổi lên ngoài ải, sỏi đá tự nhiên bay vù vù, làm cho lông ngựa cúp lại như lông nhím, cung bằng sừng cứng ra không sao giương được. Mấy câu đó như vẽ ra một ông quan võ đem binh ra ải.

Đỗ-tử-Mỹ (tức Đỗ-Phủ) có câu:

An đắc đại hạ thiên vạn gian,
Đại tý thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan.

Nghĩa là sao cho được cái nhà nghìn muôn gian, để che hết cho hàn-sĩ thiên-hạ, cho đều mở mặt vui cười.

Bạch-lạc-Thiên cũng có câu:

An đắc đại cừu thiên vạn trượng,
Nhất thời đô cái Lạc dương thành.

Nghĩa là sao cho được cái áo cừu to nghìn muôn trượng để trùm hết cho người trong thành Lạc-dương. Hai câu ấy cùng một ý vị, cùng một khí tượng.

Ví-ứng-Vật có câu rằng:

Quái lai thi tứ thanh nhân cốt,
Môn đối hàn lưu tuyết mãn sơn.

Nghĩa là lạ thay cái tứ làm thơ mát đến xương người, tựa như ngoài cửa ngảnh vào dòng nước lạnh và lại có tuyết đầy trên núi. Câu đó tả cái tứ thơ hay tuyệt, ý vị lạnh lùng, giá thử dán chỗ ngồi chơi, có thể giảm bớt được khí nóng bức.

Thạch-man-Khanh có câu rằng:

Ý trung lưu thủy viễn,
Sầu ngoại cựu sơn thanh.

Nghĩa là trong ý mình dòng nước chẩy xa, ngoài cái buồn rầu của mình, núi cũ vẫn xanh. Câu ấy càng ngẫm nghĩ ý vị càng hay.

Trong Đường-thi có mấy bài Ngũ-ngôn tứ tuyệt, nhời thì ngắn mà ý vị vô cùng. Như bài « Vợ nhớ chồng » có bốn câu rằng:

Đả khởi hoàng oanh nhi,
Mạc giao chi thượng đề.
Đề thời kinh thiếp mộng,
Bất đắc đáo Liêu-tê.

Nghĩa là đuổi con chim vàng-anh đi, đừng để nó kêu trên cành, vì nó kêu làm cho kinh động giấc mộng của thiếp, không được mơ màng đến Liêu-tê thăm chồng.

Bài « Hai người tương tư » có bốn câu rằng:

Xuân tại Tương-giang đầu,
Thiếp tại Tương-giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương-giang thủy.

Nghĩa là chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, nhớ nhau không được trông thấy nhau, chỉ cùng uống nước sông Tương mà thôi. Đại để những bài đó, càng đọc càng thấy ý vị bát ngát, thế mới là hay.

Thơ của Hàn-thoái-Chi phần nhiều là thơ bi ai, tiên-sinh cả thẩy làm ra 360 bài mà có 30 bài thương khóc việc đời. Thơ của Bạch-lạc-Thiên phần nhiều là thơ uống rượu, tiên-sinh cả thẩy làm ra 3.800 bài mà nói về việc uống rượu đến 900 bài.

Trịnh-Hậu bình phẩm thơ đời nhà Đường có nói rằng: Lý-trích-Tiên là rồng trong thơ, quằn quại dữ dội, không ai kiềm thúc được; Đỗ-Phủ thì như kỳ-lân chơi vườn Uyển-hựu, phượng-hoàng kêu chốn Chiêu-dương, là một giống thiêng ở chốn nhân-gian; Đào-uyên-Minh thì như con hạc bay bổng trên giời, con cò nhởn nhơ bơi ngoài bể; Pháo-minh-Viễn thì như con sếu bay tít trên đám mây xanh, con hạc làm vỡ đám sương mù; Mạnh-đông-Dã thì như con dế kêu trong đám cỏ mùa thu; Bạch-lạc-Thiên thì như con chim oanh mùa xuân ở dưới bóng cây liễu. Mỗi người có một tài riêng, song đều là một cảnh đẹp của tạo-hóa.

Đến thời nhà Tống thì thịnh về lối học đạo lý, thơ của các bực đại nho phần nhiều là thơ bình đạm và toàn là mùi đạo đức nẩy ra. Như bài vịnh cái ao:

Bán mẫu phương-đường nhất giám khai,
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi.
Vấn cừ na đắc thanh như hử,
Vị hữu nguyên đầu hoạt thủy lai.

Nghĩa là nửa mẫu ao vuông trong như một cái gương, lấp lánh những ánh sáng của giời và bóng đám mây. Hỏi vì cớ sao mà được trong như thế, vì là có nước trong ở đầu nguồn chẩy lại. Bài này là nói ví với đức tính của người ta, vì trong bụng trong trẻo, không có tục lụy đục vẩn, cho nên trí khôn sáng láng như gương.

Bài vịnh cảnh xuân.

Thắng nhật tầm phương Tứ thủy tân,
Vô biên quang cảnh nhất thời tân.
Đẳng nhàn thức đắc đông phong diện,
Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân.

Nghĩa là gặp ngày mát giời đi dạo cảnh trên sông Tứ, xem ra những quang cảnh đều mới mẻ cả. Nhân đó mà biết được mặt gió đông, muôn tía nghìn hồng đều là xuân cả. Bài này nói đi chơi xuân mà tỏ được sinh ý của giời đất. Đó là những nhời đạo lý. Song thời bấy giờ, văn của Vương-an-Thạch thì hay có ý cầu kỳ, văn của Tô-đông-Pha thì hay có ý mỉa mai. Xem như Vương-an-Thạch có câu:

Minh-nguyệt sơn đầu khiếu,
Hoàng-khuyển ngọa hoa tâm.

Minh-nguyệt là giăng sáng, sơn đầu khiếu là kêu trên đầu núi; hoàng-khuyển là con chó vàng, ngọa hoa tâm là nằm trong ruột cái hoa. Giăng làm sao lại kêu, chó làm sao lại nằm được ở trong hoa, rất là vô lý. Bởi vậy Tô-đông-Pha chữa lại rằng:

Minh-nguyệt sơn đầu chiếu,
Hoàng-khuyển ngọa hoa âm.

Nghĩa là giăng sáng soi trên đầu núi, chó vàng nằm ở dưới bóng hoa. Chữa một chữ « khiếu » ra chữ « chiếu », một chữ « tâm » ra chữ « âm » thì thành ra một câu có nghĩa. Song nghĩa đó thì thiển quá, không còn gì làm lạ nữa. Cho nên Vương-an-Thạch cười Tô-công là kiến thức hẹp hòi. Về sau nhân Tô-công có lỗi, An-Thạch đầy ra một nơi. Tô-công đến đó, mới biết có con chim « minh-nguyệt » và con sâu « hoàng-khuyển », mới phục câu văn của An-Thạch. Song dẫu có nghĩa mặc lòng, cũng là tính hiếu kỳ mới đặt câu văn làm cho ai cũng phải ngạc nhiên như thế.

Thơ của Tô-đông-Pha chỉ trích về thời sự có câu rằng:

Độc thư vạn quyển bất đọc luật,
Trí quân Nghiêu Thuấn chung vô thuật.

Nghĩa là đọc sách muôn quyển mà không học luật, cũng không tài nào giúp được vua cho bằng vua Nghiêu vua Thuấn.

Lại có câu rằng:

Khởi thị văn Thiều[2] vong nhục vị,
Nhĩ lai tam nguyệt thực vô giêm.

Nghĩa là há phải nghe nhạc Thiều mà quên mùi thịt, chỉ vì ba tháng nay không có muốn ăn.

Lại như bài:

Trượng lê phù phạn khứ thông thông.
Quá nhãn thanh tiền chuyển thủ không.
Mãi đắc nhị đồng tiếu âm hảo,
Nhất niên cường bán tại thành trung.

Nghĩa là chống cái gậy gỗ lê, mang cơm, lật đật mà đi lĩnh tiền vay của nhà vua, nhưng đồng tiền vay đó chỉ qua mắt rồi lại tay không ngay. Lúc mới vay thì cũng mua được cái vui cười cho đám trẻ một lúc, song biết đâu vì đó mà trong một năm phải quá nửa năm làm việc vất vả ở trong thành.

Mấy câu này của Tô-công, câu trên có ý chê thời đó trọng về luật học; câu thứ hai có ý chê thời đó thuế má nặng nề, đến nỗi không có muối ăn; bài sau cũng có ý chê thời đó cho dân vay tiền đến nỗi dân phải khổ sở. Song giọng thơ thì toàn là giọng nói mát, mỉa mai. Tiên-sinh cũng vì những thơ ấy mà đắc tội với người cầm quyền bấy giờ.

Tổng luận

Trải xem văn-chương trung-cổ, mỗi thời sở trường riêng một lối, đại để như nhà Hán thì hay về văn nghị-luận và sử-ký; nhà Đường thì hay về thơ phú; nhà Tống thì hay về văn lý học. Văn nhà Hán thì hùng hồn, văn nhà Đường thì hoa mỹ, văn nhà Tống thì tinh vi. Xem văn lại nghiệm ra mỗi một thời, có một khí tượng khác nhau, như nhà Hán thì khí tượng hơi mộc mạc mà cứng cỏi, nhà Tấn thì khí tượng ngông nghênh, nhà Đường thì có ý phù hoa, song cũng mạnh mẽ, nhà Tống thì có khí tượng trang nghiêm mà hơi nhu nhược Đó là kể đại khái văn-chương của từng thời. Nếu kể riêng mấy nhà danh-gia ở trong thời-đại đó thì cũng nhiều nhà có chỗ chỉ nghị được; như văn Đổng-trọng-Thư thì thuần chính, song có ý đắm tin về đường tai dị; văn Giả-Nghị thì lẫn với ý Tuân, Hàn; văn Dương-Hùng thì theo về lối Lão, Trang; văn của Hàn-văn-Công, có kiến thức hơn người nhưng lại kém về công phu tế mật; văn của Tô-đông-Pha thì hùng thâm mẫn diệu, nhưng lại hiềm vì nhiều câu bàn không trúng lý. Duy có mấy bậc đại nho như Chu, Trình, Trương, Chu, là nghị-luận hợp với đạo thánh hiền mà thôi.

Còn thơ nổi danh nhất thì là thơ Lý-Bạch, Đỗ-Phủ; phú nổi danh nhất thì là phú Vương-Khởi, Hoàng-Thao; văn tứ lục tài nhất là Vương-Bột, Lạc-tân-Vương; văn nghị-luận giỏi nhất là Hàn, Liễu, Âu, Tô. Còn thì những tay văn-sĩ cũng nhiều, không thể nói hết được.


   




Chú thích

  1. Đồ nhạc, tức là cái trống gõ bốc bốc.
  2. Nhạc Thiều là khúc nhạc của vua Thuấn, đức Khổng-tử nghe khúc nhạc ấy, ngài mải vui đến nỗi ba tháng giời ngài quên cả mùi ăn thịt.