TIẾT THỨ IV

Luận về lý thú văn-chương.

Phàm các cuộc chơi của thiên-hạ, cuộc nào cũng có một lý thú riêng, như đánh cờ, uống rượu, gẩy đàn, chơi cung cảnh v. v. tuy là một cách tiêu khiển nhỏ nhặt, nhưng ngẫm ra thì cũng đều có một lý thú. Mưu tính nước cao nước thấp, có thể nghiệm ra được các sự khôn dại ở đời; ngật ngù chén tạc chén thù, có thể quên được hết các sự phiền não ở đời. Nước chẩy non cao, tính tình nẩy ra ngoài mấy tiếng nỉ non thánh thót; hoa thơm cỏ rậm, hứng thú gửi vào trong đám nghìn tía muôn hồng, cái lý thú đó dẫu tầm thường, nhưng cũng có thể di dưỡng được tinh thần của người ta, mà cũng phải là người đạt giả mới lĩnh hội được.

Văn-chương cũng là một nghề chơi, mà nghề chơi lại thanh nhã, lại hữu dụng, cho nên cái lý thú cũng to hơn các cuộc chơi khác.

Muốn biết cái lý thú của văn-chương thì trước hết phải biết cái hay của văn-chương.

Thế nào là cái hay của văn-chương?

Văn-chương không phải gọt từng chữ luyện từng câu là hay, không phải đặt lấy kinh hiệu, đọc lấy rền rĩ là hay, cũng không phải chắp chỉnh câu biền câu ngẫu, kỳ khu chổ phượng chạm rồng là hay. Hay là hay ở tư-tưởng cao, hay là hay ở kiến thức rộng, hay là hay ở nhời bàn thấu lý, hay là hay ở câu nói đạt tình.

Có cái hay kỳ cổ, có cái hay hùng kiệt, có cái hay hồn hậu, có cái hay thanh sảng, có cái hay bóng bẩy như vầng giăng dưới nước, như cành hoa trong gương; có cái hay man mác như gió phẩy mặt nước, sao mọc trên giời; có cái hay rực rỡ như thêu hoa dệt gấm, có cái hay quý báu như nhả ngọc phun châu.

Văn-chương lại ở tự tâm-khí nữa. Ông Mạnh-đông-Giã có nói rằng: « Văn-chương là tâm-khí của hiền-nhân, tâm-khí vui thì văn-chương chính, tâm-khí trái thì văn-chương không chính ».

Văn-chương lại hay ở tự học-thức nhiều. Ông Phó-cảnh-Nhân có nói rằng: « Tay áo dài khéo múa, lắm tiền khéo buôn. Ta chỉ nên lấy sách cổ-nhân, học cho thuộc và hiểu cho đến nghĩa tinh vi, thì tự nhiên nẩy ra văn-chương, rõ ràng như dáng mùa xuân, thơm tho như mùi lan huệ ».

Văn-chương lại hay ở sự lịch duyệt nữa. Xem bài tựa của Mã-Tồn kể cái hay của Tư-mã-Thiên nói rằng: « Tử-trường bình sinh tính hay chơi đang lúc còn trẻ tuổi, hăng hái tự phụ, không dừng chân ở nhà mấy khi, không phải là đắm mê chơi dong đâu, nghĩa là xem cho trải biết cảnh lạ lùng thiên hạ, để giúp cái khí văn-chương, rồi mới nhả ra mà làm sách. Nay xem trong sách của ông ấy thì tựa như trông thấy cảnh-tượng lúc đi chơi.

« Ông ta phía nam vượt sông Tràng-hoài, ngược dòng Đại-giang, trông thấy ngọn sóng cuồn cuộn, tiếng gió ầm ào, vật ngang tạt ngửa, cho nên văn-chương trôi chẩy man mác, mạnh mẽ vô cùng.

« Chơi xem trên hồ Vân-mộng, hồ Đỗng-đình và hồ Bành-lãi, thấy nước rộng minh mông, rập rờn sóng biếc, hàng muôn ngọn sông dồn vào cũng không đầy, cho nên văn-chương tràn chứa mà sâu thăm thẳm.

« Trông thấy núi Cửu-nghi quanh co, núi Vu-sơn chót vót, đám mây buổi sớm đỉnh Dương-đài, lớp khói buổi chiều núi Sương-ngô, lan man nghi ngút, màu vẻ biến đổi vô thường, lúc thì đượm đà như dáng mùa xuân, lúc lại phai nhạt như cảnh mùa thu, cho nên văn-chương tươi đẹp mà rườm rà.

« Bơi đò trong sông Nguyên, chèo thuyền trên sông Tương, viếng hồn ông Khuất-Nguyên, xót thương bà Nga-Hoàng, trông trên đám trúc còn vết nước mắt, mà không biết xương thịt còn nguyên ở trong bụng cá hay không, cho nên văn-chương bực rọc mà xót xa rầu rĩ.

« Lại chơi qua phía bắc, tới gò Đại-lương, xem chỗ chiến-tràng của đời Hán, Sở khi trước, tựa như còn nghe thấy tiếng Hạng-Vương ậm oẹ quát tháo, tiếng Cao-Tổ chửi mắng om sòm, như rồng bay, như cọp nhẩy, như có muôn binh nghìn ngựa, cung to giáo dài, đuổi nhau mà reo lên ầm ầm, cho nên văn-chương hùng dũng mạnh mẽ, khiến cho người ta phải sởn ốc rùng mình.

« Nhà ở gần núi Long-môn, nhớ đến công vua Vũ đào sông xẻ núi; sang phía tây đi xứ nước Ba-thục, qua con đường núi Kiếm-các vừa lọt con chim bay, ngửng lên thấy sườn núi cao ngất mây, mà không thấy vết rìu búa nào chạm tới, cho nên văn-chương cũng cao ngất ngàn chót vót mà không ai với kịp.

« Đi học bên đất Tề Lỗ, được xem cái di-phong của đức Khổng-Tử, phảng phất như trên sông Vấn-dương và trên sông Thù, sông Tứ, cho nên văn-chương hào nhã đứng đắn, tựa như dáng người quân-tử chính-nhân.

« Phàm muôn vật ở trong giời đất, những cảnh đáng sợ đáng hãi, hoặc đáng vui lòng, làm cho người ta sinh mừng sinh sợ, sinh lo sinh buồn, hết thảy đem dùng làm văn-chương, vậy nên biến hóa ra vào như muôn thứ cảnh tượng bầy trong bốn mùa, không lúc nào hết. Muốn học cái văn của Tử-Trường, trước hết phải nên học cái chơi của Tử-Trường mới được ».

Xem các nhời trên này, thì cái hay của văn-chương có nhiều nhẽ; mà có hiểu được cái hay của văn-chương thì mới hội được cái thú của văn-chương. Cái thú tức ở trong cái hay mà ra. Kìa như những cảnh tượng của tạo-hóa, ảo ảo huyền huyền, kỳ kỳ quái quái, nghìn hình muôn trạng, biến hóa vô cùng, ai trông cho hết, ai biết cho đủ, nhờ có văn-chương mà biết được hầu không sót điều gì. Kìa như nhân-tình thế-thái, nào thiện nào ác, nào nịnh nào trung, nào những dạ ngoắt ngéo khắt khe, nào những thói thâm trầm nham hiểm, ai nói cho xuể, ai kể cho xiết, nhờ có văn-chương mà vẽ ra không thiếu một nét nào. Ngồi trong xó nhà, mà lịch lãm được hết các nơi danh thắng ở thiên-hạ; xem trên mảnh giấy, mà tinh tường được hết các việc hay dở của thế-gian; sinh ở dưới mấy nghìn năm, mà tự hồ như được đối diện và được nghe tiếng bàn bạc của người sinh ra trước mấy nghìn năm, cũng đều là nhờ có văn-chương cả.

Huống hồ ta nghe những câu cảnh tỉnh, làm cho ta sực tỉnh được giấc mơ màng; ta nghe những nhời cảm thiết, làm cho ta kích động đến lòng khảng khái; ta nghe những nhời đạo-nghĩa, làm cho ta hưng khởi các mối thiện tâm; ta nghe những chuyện khoáng đạt, làm cho ta phát sinh ra chí cao thượng; ta nghe những nỗi chua cay của người đời, làm cho ta phải ứa nước mắt khóc; ta thấy những thói lạ lùng của nhân thế, làm cho ta phải bật buồn cười, đó là những cái lý-thú của văn-chương cả.

Người là một giống thiêng liêng của tạo-hóa, văn-chương cũng là cái khí thiêng liêng của tạo-hóa. Tạo-hóa đem bao nhiêu trí thức thiêng liêng trao cho người ta; người ta lại đem bao nhiêu trí-thức thiêng liêng mà tả ra văn-chương. Cho nên văn-chương có cái hay vô cùng mà cũng có cái lý-thú vô cùng.

Cái lý-thú ấy, làm cho người ta phải ngâm nga mà dung đùi, làm cho người ta phải mê mẩn mà quên cả các sự ngoài đưa đến.

Ngày xưa Đỗ-Dự xem bộ « Tả-truyện » thành nghiện, nghĩa là tay không dời được bộ sách ấy ra bao giờ. Lưu-Thoát thì khi ăn khi uống cũng không quên văn-chương; khi mưa gió mù mịt, cũng không quên văn-chương; cho chí những khi xót xa tức giận, đau yếu buồn rầu, và khi chơi bời, khi làm công việc, cũng không lúc nào là không nghĩ đến văn-chương. Nếu không có lý-thú, làm sao lại khiến cho người ta phải mê mẩn như vậy?

Tuy vậy, cái thú văn-chương không phải dễ mà ai ai cũng hiểu được, duy người nào lĩnh hội được thì mới được hưởng. Người không biết lĩnh hội, dù hay đến đâu cũng không biết là hay, dù thú đến đâu cũng không biết là thú; mà thường những câu của người ấy cho là hay là thú, thì lại là những câu không thú vị gì. Còn như người lĩnh hội được, thì bất cứ câu tinh-diện hay câu tầm-thường, câu văn-chương cao-kỳ hay câu thiển-cận, lắm khi tự nhiên nhân câu văn mà hội được cái thú riêng; có khi lại hội được ở ngoài câu văn nữa.