TIẾT THỨ VI

Luận về văn-chương đời thượng-cổ.

Văn-chương thượng-cổ kể từ đời Đường, Ngu cho đến cuối thời nhà Chu. Trong khoảng đó thì văn-chương rực-rỡ nhất còn gì bằng ngũ kinh tứ truyện.

Ngũ kinh là năm bộ kinh, tức là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân-thu; tứ truyện là bốn bộ sách, tức là Đại-học, Trung-dung, Luận-ngữ, Mạnh-tử.

Văn kinh-truyện toàn là những lời luân-thường đạo-lý của các bậc thánh hiền, mà ngũ kinh lại đều qua tay đức Khổng-tử san định cả. Á-đông ta từ xưa đến giờ, tôn phụng lời kinh truyện làm lời chí huấn, vua chúa noi theo đó mà trị nước, sĩ phu noi theo đó mà sửa mình gây nên cái văn-minh ở cõi Á-đông mấy nghìn năm nay, đều gốc ở đó.

Trong khoảng mấy nghìn năm đó, văn kinh-truyện rực rỡ ở cõi Á-đông, khác nào vầng mặt giời chói rạng ở giữa giời. Thời-đại biến-thiên, sự học-thuật mỗi ngày một thay đổi. Vầng mặt giời đã xế bóng kia, tưởng cũng chẳng bao lâu mà lặn vào trong núi, muốn kéo lại cũng không sao mà kéo lại được nữa. Song cũng nên cố mà giữ lại lấy một chút bóng thừa để lưu lấy một đôi tí cảnh tượng lúc trung-thiên. Vậy mỗi kinh truyện tưởng cũng nên kể qua nguyên-ủy và bàn qua một vài nghĩa nhớn, để nho-học một mai có tiêu diệt đi mất, có thể nhân đó mà biết được ngạnh khai vậy.

Ngũ-kinh

Kinh Dịch. — Từ thời vua Phục-Hy (trước Thiên-chúa hơn 2000 năm) trông thấy con long-mã đội một bức đồ, trong bức đồ có 55 vết điểm, có những số lẻ số chẵn đối nhau ngài hội được lý âm-dương của Tạo-hóa, mà lý âm-dương ấy lại có một lẽ cao xa làm chủ-trương, tức là lẽ thái-cực. Có lẽ thái-cực ấy mới có âm-dương, rồi từ đó mới sinh sinh hóa hóa vô cùng. Bởi vậy ngài đặt ra bát-quái (tám quẻ), là kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoái. Trong tám quẻ ấy lại nhân với nhau, thành ra 64 quẻ trùng-quái; mỗi quẻ trùng-quái có 6 nét vạch gọi là 6 hào, 64 quẻ thì cả thẩy có 384 hào.

Trong 64 quẻ, 384 hào, có nghĩa quảng-bác, cai hết được tình trạng biến hóa của muôn vật, chủ ý là để cho thiên-hạ xem đó mà biết đường lui tới ở đời. Cách hơn 1000 năm, có vua Văn-Vương đặt ra lời Thoán-từ để đoán chung từng quẻ, ông Chu-Công là con vua Văn-Vương lại đặt ra Tượng-từ để đoán riêng từng hào; cách vài ba trăm năm nữa mới có đức Khổng-tử đặt ra Thoán-truyện Tượng-truyện để giải nghĩa các lời của Văn-Vương, Chu-Công; ngài lại đặt ra Văn-ngôn, Hệ-từ, Thuyết-quái để bàn thêm cho rộng các nghĩa tinh-vi. Từ đó kinh Dịch mới thành một bộ sách quí-báu mà làm tổ cho môn học lý-số ở phương Á-đông ta.

Đó là nguyên-ủy của kinh Dịch. Còn chủ-ý thì tuy vì việc bốc-phệ mà làm ra, nhưng có một chủ ý cao hơn nữa là thánh-nhân cốt dạy người ta lấy cách ở. Thánh-nhân suy một lẽ âm-dương tuần-hoàn tiêu-trưởng là lẽ tất-nhiên, ví như hết ngày đến đêm, hết đêm rồi lại đến ngày, hết mùa rét rồi đến mùa nực, hết mùa nực rồi lại đến mùa rét; người trẻ rồi lớn, lớn rồi già, già rồi chết, người này chết thì người khác lại sinh; cây cối mọc rồi có hoa, có hoa rồi có quả, quả già thì rụng, rụng lại mọc lên cây khác. Vì lẽ ấy mà muôn vật sinh sinh hóa hóa vô cùng; lại vì lẽ sinh hóa vô cùng ấy mà nghiệm ra mỗi thời xoay đổi mỗi khác. Thời đã xoay đổi thì người ta ở đời cũng không có thể chấp-nhất được. Ví như giời rét thì mặc áo kép, giời nóng thì mặc áo đơn, phải theo thời mà ứng biến. Cho nên nghĩa quan trọng nhất ở kinh Dịch, là dạy người ta phải theo thời, mỗi quẻ có một thời khác nhau, mỗi một hào lại có một thời khác nhau, thời nào là thời nên ra, thời nào là thời nên ẩn, thời nào là thời nên nói, thời nào là thời nên im, thời nào là thời nên làm việc gì, đều có một nghĩa nên theo cả. Bởi thế mới gọi là « Dịch », Dịch nghĩa là biến dịch để mà theo thời. Trong quẻ Tùy có câu « tùy thời chi nghĩa đại hy tai » nghĩa là cái nghĩa theo thời lớn vậy thay. Một câu ấy đủ cai hết đại-nghĩa một bộ kinh Dịch.

Kinh Thư.— Kinh Thư là một bộ sách ghi chép các công việc chính-trị và các lời khuyên răn ban bảo của các bậc thánh-đế minh-vương, hiền-thần lương-phụ ở đời Đường, Ngu, Tam-đại.

Trong khoảng đó, trên thì có những thánh-đế minh-vương như Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ, Thái-giáp Cao-tôn v. v.; dưới thì có những hiền-thần lương-phụ như Cao-Quì, Tắc-Tiết, Y, Phó, Chu, Thiệu v. v. Có vua tôi ấy, trong thì khuyên răn nhau lấy những điều đạo nghĩa, ngoài thì thi-hành ra mọi việc nhân-chính, đặt ra kỷ cương pháp độ, chế ra lễ nhạc điển hình, làm nên công hiệu thịnh-trị thái-hòa, khiến cho nghìn muôn năm về sau, không bao giờ lại được trông thấy cái cảnh tượng như thế.

Song cứ xét ra trong cả bộ kinh Thư mà cứu ra một mối căn nguyên sở dĩ làm nên công hiệu thịnh-trị ấy, có thể nói vắn tắt được là bởi một chữ « tâm » mà ra. Chữ « tâm » ấy bắt đầu từ khi vua Thuấn truyền ngôi cho vua Hạ-vũ có dặn một câu rằng: « Đạo-tâm duy vi, nhân-tâm duy nguy », nghĩa là lòng đạo-nghĩa rất là mờ tối, lòng nhân-dục rất là nguy hiểm. Mờ tối là cái lòng đạo-nghĩa đó rất cao xa, tựa như mập mờ khó hiểu khó phân biện; nguy hiểm là cái lòng nhân-dục ấy dễ khiến cho người ta xiêu đắm về đường tài lợi nữ sắc, hoang dâm mà thành hại. Từ đó mới phát minh ra hai mối lòng là lòng công-nghĩa và lòng tư-dục, ai giữ được đường công-nghĩa thì hay, ai theo về đường tư-dục thì dở. Câu ấy là câu tâm truyền rất quan yếu ở trong thời Nhị-đế, Tam-vương. Các vua đời Tam-đại, đều theo ý ấy mà truyền thụ cho nhau. Vua Thang nói rằng « kiến trung », tức là đem bụng đạo nghĩa ấy mà dựng cái đích trung bình; vua Võ nói rằng « kiến cực » tức là đem cái bụng đạo-nghĩa ấy mà dựng nên khuôn phép rất mực. Chỗ thì nói rằng « đức », chỗ thì nói rằng « nhân », rằng « kinh », rằng « thành », cũng là một cái bụng ấy. Đó là căn-nguyên làm nên thịnh-trị mà là một chữ yếu ước ở trong bộ kinh Thư vậy.

Xem kinh Thư lại nghiệm ra được mỗi đời phong-tục một biến mà nhân-tâm càng ngày càng kém. Ông Trình-khứ-Hoa có một bài nghị-luận rằng: « Ta đọc kinh Thư nên phải biết khí tượng đời Đường, Ngu, Tam-đại, thời Đường, Ngu thì vua tôi đều khuyên răn nhau; Vũ, Cao răn vua, răn từ khi chưa có điều gì, không tốn mấy lời; từ Hạ, Thương trở về sau thì việc đã tỏ ra rồi mới khuyên can, xem như các thiên Thái-giáp, Lữ-ngao, nói đi nói lại, không ngại gì tốn lời nữa. — Vua Khải đánh nhau với họ Hữu-hỗ ở Cam-giã, Thiên-tử mà đối địch với nước chư-hầu, trước kia có chuyện thế bao giờ.— Vua Thang đánh nhà Hạ, ngoại giả hai thiên Thang-thệ, Thang-cáo, không kể gì đến tội vua Kiệt nữa mà lại có ý thẹn thò; đến thời vua Vũ đánh vua Trụ, thì kể tội vua Trụ đến năm thiên, rạch ròi kể hết các nỗi, chỉ sợ tội của Trụ không rõ, bụng của mình không tỏ, không còn có ý gì hồi hộ cho nữa.— Ông Y-Doãn can vua Thái-Giáp, vua không nghe thì đuổi ra ở Đông-cung, đợi khi biết hối mới đem về, trước kia cũng chưa có thế. Vua Nghiêu đem thiên-hạ nhường cho vua Thuấn, vua Thuấn lại đem thiên-hạ nhường cho vua Vũ, khá phải là việc nhỏ, mà thiên-hạ yên lặng không ai nói gì; đến thời vua Bàn-Canh vì nước vỡ mà dời đô, vốn muốn để yên cho dân, vậy mà dân tình xôn xao, đến nỗi phải giảng dụ mãi mới nghe. Song đời đó còn là dễ, đến đời nhà Chu xử bọn dân nhà Thương, tự thiên Đại-cáo giở về sau, thiên Tất-mịnh giở về trước, dỗ dành khuyên bảo, lúc thì như là cho thuốc thang, lúc thì như là cho ăn uống, lúc dậm dọa ghét mỏ, coi như rắn rết, lúc thì thương giấu nưng niu, coi như con đỏ, trải 36 năm giời mới yên, sánh với việc Nghiêu, Thuấn khu xử bọn Tam-miêu, sao một đằng thì nhàn nhã, một đằng thì vất vả, khác nhau xa như thế? Cuối cùng đến hai thiên Lỗ-thệ, Tần-thệ thì tỏ ra rằng đời vương-giả đã tắt mà đời bá-giả đã đốm ra vậy ». Xem một đoạn đó, có thể hiểu qua được công việc trong kinh Thư và khiến cho người than thở vì cổ-phong một ngày một kém vậy.

Kinh Thi.— Kinh Thi toàn là những bài ca dao và các bài nhạc ca ở đời Thương, Chu.

Muốn biết. nguyên-ủy kinh Thi làm sao thì hãy xem bài truyện tự của ông Chu-Hy.

Bài ấy nói rằng: « Có người hỏi ta rằng: Thi vì cớ gì mà làm ra? Ta đáp rằng người ta sinh ra vốn yên tĩnh, là tính của giời phú cho; đến khi cảm giác với ngoại vật thì mới động, đó là cái lòng dục của bản-tính. Đã có lòng dục thì chắc phải nghĩ ngợi, đã nghĩ ngợi thì chắc phải nói, nói không hết mới sinh ra ngậm ngùi thở than, mà không sao thôi được, vì lẽ ấy mà có thơ vậy.— Vậy thì đem thơ ra dạy người là bởi cớ gì? Đáp rằng: Thơ là bởi ở lòng người cảm súc với ngoại vật mà phát hiện ra nhời nói. Cái cảm súc có kẻ tà người chính, cho nên phát hiện ra nhời nói có phải trái khác nhau. Duy có thánh-nhân ở trên, có giáo-hóa hay thì lòng người cảm súc được những mối tình chính đính, mà nói ra đều có thể dạy được người; hoặc giả có kẻ cảm súc những mối tình thiên tà mà nói ra không chính, thì người trên phải nghĩ vào mình, và nhân đó mà tìm cách khuyên-răn cho thiên-hạ, ấy là cái cách đem thơ để dạy người đó. Ngày xưa đương thủa nhà Chu hưng thịnh, trên từ chốn giao-miếu, triều-đình, dưới đến các nơi thôn-xã, xóm-mạc, chỗ nào nói ra thơ cũng thuần chính cả, thánh-nhân đã lấy các bài đó lựa vào âm luật, dùng làm khúc nhạc ở chốn hương-thôn để dạy thiên-hạ; đến như thơ các nước chư-hầu thì khi thiên-tử đi tuần thú bắt phải bày tỏ ra để nghiêm xem phong-hóa làm sao, mà thi-hành cái điển truất trắc (Thơ nước nào hay, thì thiên-tử phong chức cho vua chư-hầu, mà dở thì bớt chức đi). Từ thời Chiêu, Mục giở xuống thì nhà Chu đã gần suy, qua đến lúc thiên-đô về Đông-lạc thì điển ấy bỏ mất. Đức Khổng-tử sinh về thời đó, ngài không có quyền thi-hành cái chính khuyến-trừng truất-trắc, ngài mới nhặt nhạnh các thơ đó mà sửa sang lại, ngài bỏ bớt những lời trùng điệp, xếp lại những lời bối rối, bài nào hay, nhưng không đủ cho người bắt chước; bài nào dở, nhưng không đủ cho người ta làm gương răn mình, thì ngài san bỏ đi cả, cho được giản-ước để truyền về lâu dài. Kẻ học-giả xem vào đó, có thể xét được sự hay dở, hay thì bắt chước, dở thì đổi đi, thế là ngài tuy không có quyền chính trong một thời mà cái ơn giáo hóa của ngài thực khắp đến muôn đời vậy. Ấy cũng là cái cách đem thơ dạy người đó.— Vậy thì thơ có các thể quốc-phong nhã-tụng khác nhau là bởi cớ gì? Đáp rằng: Phàm thơ mà gọi là phong, phần nhiều là những bài ca-dao ở nơi xóm ngõ, tức là những nhời giai gái tự tình với nhau. Duy có Chu-Nam, Thiệu-Nam, được gần gụi mà tiêm nhiễm cái giáo-hóa của vua Văn-Vương, tính tình của ai cũng chính, cho nên phát ra nhời nói vui mà không đến nỗi dâm đãng quá, thường mà không đến nỗi bi ai quá, bởi thế chỉ hai thiên ấy gọi là Chính-phong. Còn từ Bội-phong giở xuống, thì các nước trị nước loạn khác nhau, mà người cũng có kẻ hay người dở khác nhau, phong-hóa của Tiên-Vương đến bấy giờ đã biến cải rồi, cho nên gọi là Biến-phong. Đến như nhã tụng thì là những bài nhạc ca dùng ở chốn triều-đình giao-miếu, nhời nói hòa nhã mà nghiêm trang, ý nghĩa rộng rãi mà chặt chẽ. Người làm thơ phần nhiều là bậc thánh-hiền, có thể làm khuôn phép cho muôn đời mà không thể đổi được. Biến-nhã thì cũng là những bậc hiền-nhân quân-tử trong một thời, thương đời mà làm ra, có lòng trung-hậu trắc-đát, có ý bày tỏ điều hay mà ngăn cấm lòng tà, cho nên thánh-nhân mới lựa lấy.— Vậy thì nên học thế nào? Nếu ngâm nga cho nhuần thấm lấy nghĩa lý, mà thể xát vào trong mình; xét ở trong tính tình kín đáo, tường ở ngoài nhời nói việc làm, như vậy thì tu, tề, bình, trị, chẳng phải đợi cầu ở đâu mà cũng hiểu được vậy ». Xem bài này đủ biết đại ý đầu đuôi kinh Thi và biết cái lối học kinh Thi nữa.

Trong kinh Thi cũng có một câu mà cai hết được nghĩa một bộ sách, là câu « Tư vô tà » ở thơ Quýnh trong thiên Lỗ-tụng. Vì thơ tuy nhiều, nhưng chủ-ý chỉ có hay thì khen dở thì chê mà thôi. Mà khen chê thì lại bất ngoại hai mối là tà với chính; bài nào khen, tức là khuyên người ta nên chính, bài nào chê, tức là ngăn người ta không nên tà, nói rút lại thì đều là khiến cho người ta đừng nghĩ mối tà-tâm cả. Đức Khổng-tử nói rằng: « Kinh Thi có 300 thiên, chỉ một lời cai được hết, là câu « Tư vô tà », tức là lẽ đó.

Đức Khổng-tử lại nói rằng: « Bất học Thi vô dĩ ngôn », nghĩa là không học kinh Thi thì không biết đường mà nói vì kinh Thi nhời nhẽ rất bóng bẩy, lập ngôn rất khéo, có học thì mới giỏi khoa ngôn-ngữ vậy.

Ngài lại nói rằng: « Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán; nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa chi ư điểu thú thảo mộc chi danh ». Nghĩa là học kinh Thi, xem đến những lời thiện ác, có thể nẩy ra bụng yêu ghét; xem những điều phải trái, có thể nghiệm vào mình mà xem các việc của mình; thơ có những bài rất hòa vui mà vẫn giữ được ý nghiêm-trang cung kính, xem đó có thể giao-du với đám đông người; thơ lại có những bài ai oán, trách người mà vẫn giữ được lòng trung hậu, xem đó có thể biết đường xử trong cảnh oán người; thơ lại nói đủ cả cương thường đạo nghĩa, cho nên có thể xem đó mà biết được đạo thờ cha và đạo thờ vua; trong kinh Thi lại kể nhiều những tên cây cối cầm thú, cho nên xem đó lại biết được nhiều tên riêng của các giống động-thực. Vậy thì học kinh Thi có nhiều điều ích-lợi cho người ta lắm.

Kinh Lễ. — Lễ có 3 thể là Chu-lễ, Nghi-lễ và Lễ-ký. Chu-lễ, Nghi-lễ là của ông Chu-công soạn ra, toàn là điểm-chương chế-độ trị thiên-hạ; Lễ-ký thì là của Hán-nho nhặt nhạnh những lễ phép trong đời Ngu, Hạ, Thương, Chu và những nhời của thánh-hiền, mà tập lại thành bộ sách. Lễ tuy có 3 thể, mà nay liệt vào ngũ-kinh thì chỉ có Lễ-ký mà thôi.

Trong Lễ-ký chép đủ các lễ phép cư-xử ở trong nhà, cho chí ra đến làng-mạc, ra đến triều-đình, các lễ quan, hôn, tang, tế, các phép đầu hồ, phép bắn, phép hương-ẩm, phép học v. v.

Trong một bộ sách cả thẩy có 49 thiên, trừ ra hai thiên Đại-học, Trung-dung toàn là những nhời uyên-thúy thâm-trầm của thánh-hiền, thì đã trích ra mà liệt vào tứ-truyện cả rồi, còn 47 thiên nữa, cũng lắm nhời cách-ngôn của thánh-môn truyền lại. Nay xem như mấy câu trong thiên Nhạc-ký nói rằng: « Thiên cao địa hạ, vạn vật tán thù, nhi lễ chế hành hĩ; lưu nhi bất tức, hợp đồng nhi hóa, nhi nhạc hưng yên ». Nghĩa là giời cao đất thấp, muôn vật tản nát đều khác nhau, đó là cái thứ-bực tự-nhiên của giời đất, vì thế mà thánh-nhân đặt ra lễ. Nguyên-khí giời đất chu-lưu cả vũ trụ không lúc nào dừng; rồi hòa hợp với nhau mà đều hỗn hóa, đó là cái hòa vui tự-nhiên của giời đất, vì thế mà thánh-nhân đặt ra nhạc. Hai câu đó luận đến nguyên lý của lễ nhạc rất cao, vị tất Hán-nho đã nói được như thế.

Trong kinh Lễ lại có nhiều nghĩa lý hay hơn nữa Ông Trình-tử, có nói rằng: « Lễ-ký tuy có lẫn các nhời của bọn nho nhà Hán, song tựu-trung cũng có nhiều điều truyền được ý thừa của thánh-môn, và có lắm điều cách-ngôn, như các thiên Nhạc-ký, Học-ký, không còn điều gì nghi được nữa; như những thiên Đàn-cung, Biểu-ký, Phường-ký, cũng lắm câu chí lý, song phải biết mới chọn được; như những thiên Vương-chế, Lễ-vận, Lễ-khí, cũng có lắm câu truyền được cổ ý. Còn như thiên Nhàn-cư, Yến-cư, thì văn-tự hơi khả nghi vì giọng nói tựa như có ý Lão-tử  ».

Kinh Lễ cũng có một câu cai hết được nghĩa một bộ sách, là câu « Vô bất kính » ở đầu sách. Câu ấy nghĩa là chẳng gì là chẳng kính. Vì lễ phép chẳng qua bởi ở lòng kính-cẩn mà sinh ra. Trong lễ tuy có 300 điều kinh-lễ là những điển lễ lớn, có 3.000 điều khúc-lễ là những nghi-tiết nhỏ, nhưng tóm lại thì chỉ là ý kính cẩn mà thôi.

Ta đọc kinh Lễ, nhỏ từ câu thưa câu dạ, khi đứng khi đi; nhớn thì việc quan hệ đến tính-mệnh đạo-đức, đều có khuôn phép cả. Song cổ-lễ thiết tưởng cũng có nhiều điều phiền toái quá, như phép cư tang, phép tế tự, nghi-tiết rườm rà, khó mà tuân theo cả được. Vậy thì ta nên biết cái đại-ý mà giữ lấy một lòng kính cẩn, tức cũng là hợp lễ vậy.

Xuân thu. — Kinh Xuân-thu là bộ sách của đức Khổng-tử, đem nhời nói mà thay quyền thưởng phạt của nhà vua. Nguyên ngài sinh ra hồi nhà Chu đã suy, thiên-tử mất quyền năm bá-chủ thay đổi nhau mà ra, cầm giữ quyền chính, thiên-tử chỉ có hư-danh mà thôi. Vả bấy giờ lại là thời suy-bĩ, kỷ-cương đổ nát, nào là kẻ làm con giết cha, nào là kẻ bày-tôi giết chúa, luân-thường trái loạn, mà quyền thưởng phạt của nhà vua thì không thi hành được. Ngài thương xót cho nhân-tâm thế-đạo bấy giờ, ngài đã đi chu-du các nước, để xem có vua chư-hầu nào biết dụng đến ngài, thì ngài đem học-thuật ra mà cứu cho thiên-hạ. Song ngài đi long-đong mãi mà không ai biết dùng đến. Khi ngài già, ngài mới trở về nước Lỗ là nước quê hương mà trứ thư tập ngôn. Ngài nhân Lỗ-sử soạn ra kinh Xuân-thu này. Chủ ý ngài chỉ cốt tôn nhà Chu mà trị tội bọn loạn-thần tặc-tử. Mỗi việc trong Lỗ-sử, ngài chỉ chép một câu đại-cương mà thôi; mà mỗi câu mỗi chữ đều có ý có tứ, dù đến câu tầm-thường chép ngày tháng, cũng là có ý nhị, chớ không phải là lời vô tình.

Ví-dụ như câu đầu sách, ngài chép rằng: « Xuân vương chính nguyệt », cứ vô tình mà đọc, thì chỉ là lời chép ngày tháng mà thôi. Song ngẫm kỹ ra thì mới hiểu được thâm-ý của ngài. Sao ngài không chép rằng: « Xuân chính nguyệt » là tháng giêng mùa xuân, mà ngài lại đệm chữ « vương » vào giữa là tháng giêng của nhà vua. Đó là ý-tứ gì? Ngẫm ra thì ngài đệm chữ « vương » để tỏ cho thiên-hạ phải biết có nhà vua, ấy là một câu mới mở đầu mà đã ngụ cái ý tôn nhà vua đó. Và không có việc gì cũng chép tháng giêng, lại tỏ ra rằng tháng giêng là muôn việc bắt đầu ở đó mà ra, có ý khuyên nhà vua phải thể theo đạo giời mà làm việc vậy.

Về sau mỗi câu chép, đại để đều có một thâm ý như thế.

Đại-nghĩa kinh Xuân-thu, chỉ là tôn vua nhà Chu mà khinh ngũ-bá, vì ngũ-bá chỉ chuộng về đường trí-trá công lợi, không biết nhân nghĩa là gì. Lại có ý trọng Trung-quốc mà khinh nước ngoài, vì nước ngoài bấy giờ như nước Sở, nước Tần và các nước nhung-địch thường cậy sức mạnh xâm lấn Trung-quốc, không quản đến đạo nghĩa là gì. Còn như bọn loạn-tặc thì trị tội rất nghiêm như ai thí quân thì ngài chép rõ tên người ấy mà tước bỏ cả chức tước đi, tức là tỏ ra ý trị tội vậy.

Nói rút lại thì ngài làm kinh Xuân-thu chủ ý binh vục cho cương-thường, mà trong toàn bộ chỉ có hai ý bao biếm (khen, chê) mà thôi. Tiên-nho có câu rằng: « Nhất tự chi bao, vinh ư hoa cổn, nhất tự chi biếm, nghiêm ư phủ việt ». Nghĩa là một chữ của ngài khen, vinh hơn nhà vua phong cho áo cổn mũ miện; một chữ của ngài chê, nghiêm hơn nhà vua dùng phủ việt mà đem hành tội. Ấy là một chữ khen chê của ngài mà quan hệ đến thế. Cho nên kinh Xuân-thu cũng là một cái gương khuyến-trừng rất lớn cho kẻ làm tôi, làm con nghìn muôn đời về sau vậy.

Những nhời ngài chép, tức là một câu cương-mục mà thôi. Còn công việc đầu đuôi ở câu ấy thế nào thì đã có truyện Tả-thị, truyện Công-dương, truyện Cốc-lương bày tỏ sự thực, tức là những tay vũ dực của ngài.

Trong ba truyện ấy, thì truyện Công-dương và truyện Cốc-lương nhời nhẽ rất giản-dị minh-bạch, song hiềm vì nói ước lược quá, truyện Tả-thị thì nói tường-tận hơn, mà nhời nhẽ rất rắn giỏi kỳ cổ, nhưng lại hiềm vì hơi phiền tạp, song điều là có công với thánh-kinh vậy.

Tứ truyện

Đại-học.— Đại-học tức là một quyển sách dạy về khoa cao-đẳng luân-lý ngày xưa. Thời cổ-giả, trẻ lên 8 tuổi vào nhà tiểu-học: học các sách dạy lễ nhạc và các phép xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (tập viết), số (tập tính) và tập các cách ứng-đối tiến-thoái, con vua con quan đến 15 tuổi cùng là phàm dân mà học giỏi rồi mới vào trường đại-học, thì học những cách tu-kỷ trị nhân, tức là sách này.

Sách này nguyên là của thầy Tăng-tử dẫn nhời đức Khổng-tử tức là một chương kinh-văn, rồi chia ra mà giải nghĩa từng câu, tức là 10 chương truyện-văn.

Trong sách có 3 điều yếu-ước gọi là tam cương lĩnh, là minh-đức, tân-dân và chỉ chí-thiện. Minh-đức nghĩa là sửa nết làm cho cái đức-hạnh của mình sáng sủa trong sạch; tân-dân nghĩa là dạy dân, để cho phong hóa mỗi ngày một hay một mới mẻ; chỉ chí-thiện nghĩa là hai điều minh-đức tân-dân ấy, đều phải làm cho đến nơi đến chốn, cho được rất mục mới thôi.

Lại có 8 điều tiết-mục, gọi là bát điều-mục, là cách-vật, trí-tri, thành-ý, chính-tâm, tu-thân, tề-gia, trị-quốc, bình thiên-hạ Cách-vật là học việc gì phải học cho đến nơi, trí-tri là biết điều gì phải biết cho đến chốn, thành-ý là khởi nghĩa ra điều gì phải cho thành-thực, chính-tâm là để bụng điều gì phải cho ngay thẳng, tu-thân là sửa nết của mình, tề-gia là khu xử trong nhà cho tề chỉnh, trị-quốc là lo đến việc trị nước, bình thiên-hạ là lo đến việc làm cho thiên-hạ được hòa-bình.

Trong 8 điều ấy, cốt nhất là việc tu-thân. Cách trí, thành, chính để mà tu-thân; mà thân đã tu dược rồi thì đem cái đức-hạnh của mình ra mà tề-gia, trị, bình, việc gì cũng dễ cả. Cho nên trong kinh-văn có nói rằng: « Tự thiên-tử chí ư thứ-nhân, nhất thị giai dĩ tu-thân vi bản », nghĩa là từ thiên-tử cho đến kẻ thường-dân, hết thẩy, đều phải lấy tu-thân làm gốc.

Có như phép cổ-giả dạy người như thế, thì chuyên-trọng nhất là khoa luân-lý. Tuy vậy, nói đến cách-vật, trí-tri thì tức cũng là một khoa dạy cách-trí; nói đến trị-quốc bình thiên-hạ thì tức cũng là một khoa dạy chính-trị. Nếu người sau biết suy diễn nhời ấy cho cùng cực tinh vi thì cũng chẳng khác gì các lối học Âu-châu; tiếc vì thánh nhân khai đoan nói qua một vài nhời mà người sau không biết suy rộng ra vậy.

Luận-ngữ.— Luận-ngữ là một bộ sách ghi chép những ngôn ngữ đức-hạnh của đức Khổng-tử, mà do ở bọn học-trò thầy Tăng-tử và thầy Hữu-tử (hai thầy vào bực cao-hiền ở thánh môn) soạn ra.

Đức Khổng-tử là một bực đại-thánh-triết, chẳng những là thiên-tư ngài minh-mẫn, biết thấu các lẽ tinh-vi huyền-diệu; mà đạo-đức của ngài rất cao rất lớn, phàm ngài nói ra câu gì hay là làm việc gì, đều làm khuôn phép được cho muôn đời noi theo. Ngài truyền đạo-thống của các thánh-đế minh-vương đời trước, san định ra sáu kinh, mở ra nho-giáo, đạo ngài lưu truyền khắp cõi Á-đông, lừng lẫy đã mấy nghìn năm nay. Lịch-sử của ngài thế nào, tường tự ở tập « Việt-Nam phong-tục » bất tất phải nói ở đây nữa.

Cứ xem trong bộ Luận-ngữ mà ngẫm những cách cư xử và những nhời ngài dạy người, thì tỏ ra cái khí-tượng ôn-cung hòa-nhã của ngài; xem những lúc ngài đi chu-du các nước, lật-đật vất vả thì tỏ ra cái bụng ưu-thời mẫn-thế của ngài; mà nhất là xem trong thiên « Hương-đảng » người làm sách chép đến cả dáng điệu của ngài khi thường nhật, khi tế-tự, khi đối với hương-đảng, khi đối với vua; cùng là những cách ăn mặc thì như vẽ ra một vị thánh-nhân.

Ngài chẳng những là một nhà triết-học, một nhà đạo-đức, mà lại là một nhà đại chính-trị nữa. Xem như ngài đáp những câu hỏi về chính-trị của các học trò, mà nhất là câu đáp thầy Tử-cống rằng: « Túc thực túc binh, dân tín chi hỹ » nghĩa là đủ ăn, đủ binh, dân lại tin mình. Việc trị nước còn gì bằng làm cho dân lương thực phong túc, đủ ăn tức là dân giầu; còn gì bằng làm cho nước được quân sĩ cường thịnh, đủ binh tức là nước mạnh; song giầu mạnh mà dân không biết tin yêu người trên, tức là không có lòng ái-quốc, phải có giáo-dục để cho dân biết tin mến người trên, ấy là đúc nên cái quốc hồn cho nước vậy.

Lại xem như ngài lấy ba chữ « thứ, phú, giáo » bảo thầy Nhiễm-hữu. Thứ tức làm cho dân sinh-sản được nhiều, phú tức làm cho dân được giầu có, giáo tức là dạy cho dân biết lễ nghĩa, mở trí khôn-ngoan. Cứ xem như những nhời đó thì dẫu các nhà chính-trị ở bên Âu-châu, kiến-thức cao đến đâu, cũng bất ngoại các lý-tưởng ấy.

Lại xem như khi ngài làm đại-tư-khấu giúp vua Định-công mà nước Tề phải trả lại đất xâm tiếm; sau ngài quyền việc làm tướng nước Lỗ, mới 3 tháng mà trong nước cả trị, đủ rõ cái tài năng của ngài vậy.

Học sách Luận-ngữ, nên phải ngẫm nghĩ nhời thánh-nhân mà biến hóa cái tính chất của mình mới là biết học. Ông Tình-Tử nói rằng: nguời đời nay không biết đọc sách. Cứ như đọc sách Luận-ngữ, lúc chưa học là người bậc ấy, khi học hết sách rồi, lại vẫn là người bậc ấy, thế là không biết học.

Trong cả bộ Luận-ngữ, xưa nay không còn ai dám chỉ nghị câu gì. Duy có một câu còn có người phân vân chỉ nghị, tưởng cũng nên bàn lại cho rõ. Ngài có nói rằng: « dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi » nghĩa là dân khá khiến noi theo, chớ không khá khiến cho biết. Cứ như nghĩa tập chú đã phân giải mà xưa nay ta thường theo, thì cho là thường-dân tính-chất ngu độn, phàm việc gì chỉ nên cho theo cái lẽ đương-nhiên, mà không nên cho biết đến cái lẽ sở-dĩ nhiên. Có người bác rằng: Nếu như thế thì bụng thánh-nhân chẳng hóa ra hẹp hòi lắm ru! Bèn chấm lại câu mà giải lại nghĩa rằng: « dân khả, sử do chi » nghĩa là dân, người nào khá thì nên khiến cho noi theo; « bất khả, sử tri chi », nghĩa là người nào không khá thì nên khiến cho phải biết. Lời giải ấy thì có nghĩa trọng về đường giáo dục, song thiết tưởng cũng khí nạn nghĩa, vị tất đã phải là nguyên-ý của thánh-nhân. Cứ như thiển-ý thì nghĩa rằng câu đó là thánh-nhân có ý than thở vì dân ngu mà không chịu học, chỉ khá khiến cho noi theo khuôn phép mà làm, chớ không khiến cho biết được cái nguyên-lý của việc ấy. Ngài nói như vậy là một nhời nói khích-khuyến để cho ai nấy nên học mà hội lấy lý cao-xa, chớ đừng để mang tiếng là kẻ ngu-dân vậy.

Trung-dung.— Cháu đức Khổng-tử là thầy Tử-tư, lo rằng đạo-thống của ngài thất truyền, cho nên soạn ra sách này.

Sao lại gọi là Trung-dung? Trung là cái lẽ trung-chính của thiên-hạ, không lệch về bên nào; dung là cái lẽ bình-thường và là lẽ nhất-định của thiên-hạ, không khi nào biến dịch được. Nói hợp lại thì lẽ trung-chính ấy là lẽ bất dịch. Trong sách chủ ý nói giãi tỏ lẽ ấy, cho nên gọi là Trung-dung.

Chữ « trung » phát nguyên từ câu « doãn chấp quyết trung » của vua Nghiêu truyền cho vua Thuấn. Từ đó giở đi thì các bậc thánh-hiền đều lấy chữ ấy làm tâm-pháp mà truyền thụ cho nhau. Có ngẫm cho cùng mới biết chữ ấy là một lẽ rất đích đáng, để mà ứng đối việc đời. Phàm muôn việc ở đời, việc gì cũng có một lẽ phải. Cái lẽ phải không nhất-định trước được, phải tùy theo thời, tùy theo thế, tùy theo từng việc mới được, miễn là làm thế nào cho hợp với thời thế, hợp với nhân tình, và hợp với lương tâm của mình thì thôi. Qua cái lẽ phải ấy là thái quá, chưa đúng đến lẽ phải là bất cập đều không gọi được là trung bình. Vậy thì một chữ « trung » tức là một lẽ phải mà lẽ phải tức là một lẽ thiên cổ bất dịch. Cầm chữ « trung » mà ứng phó muôn việc, ví cũng như cầm cái cân mà cân các vật. Vật nặng nhẹ, tùy vật mà di dịch quả cân cho thăng bằng; việc hay dở, tùy việc mà khu xử cho hợp lẽ phải, bởi vậy gọi là đạo Trung-dung.

Đại ý trong sách chia làm 3 đoạn, trước hết nói một lẽ, khoảng giữa do lẽ ấy mà tán ra muôn việc, cuối cùng lại hợp vào một lẽ tức là đạo Trung-dung vậy.

Sách này lý-luận rất cao, mà nhời nhẽ rất tinh-vi. Xem như mấy câu đầu sách nói rằng: « Thiên mịnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo », nghĩa là giời phú bẩm cho gọi là tính, noi theo cái tính ấy gọi là đạo, sửa cái đạo đem ra dạy người gọi là giáo. Mấy câu đó cắt nghĩa 3 chữ « tính, đạo, giáo » rất tinh tế, có ngẫm kỹ mới hiểu được.

Người ta ai cũng có sẵn lòng biết xót-xa, biết xấu-hổ, biết từ-tốn, biết phân phải trái, đó là những tính nhân, nghĩa, lễ, trí, của người. Song bởi đâu mà có những tính ấy? Bởi vì giời đã đem cái khí vận động mà sinh ra người thì giời tất đem những lẽ lương tri lương năng ấy mà phú bẩm cho người, cho nên gọi là tính, tính tức là lẽ vậy. Ai cũng có cái tính ấy thì ai cũng nên noi theo một cách tự-nhiên để mà thi-hành ra mọi việc, ấy là một con đường của người ta cùng đi, cho nên gọi là đạo, đạo tức là đường đi vậy. Tính và đạo dẫu ai ai cũng giống nhau, song lúc mới sinh, khí bẩm có kẻ thanh người trọc, về sau lại nhân sự tập-nhiễm mà có kẻ thiện người ác, kẻ hay người giở khác nhau. Bởi vậy thánh-nhân phải nhân cái đạo ấy đặt ra các khuôn phép để dậy người cho noi theo một đạo mà hoàn lại bổn tính, cho nên gọi là giáo, giáo tức là dạy vậy.

Còn từ chương dưới giở đi, tuy tạp dẫn các nhời đức Khổng-tử hoặc nhời kinh Thi, mỗi câu một ý một nghĩa, mà mạch-lạc vẫn quán thông với nhau, và đều để phát minh đạo ấy.

Mạnh-tử.— Cụ Mạnh-tử sinh về thời Chiến-quốc, cách thời đức Khổng-tử ngót trăm năm. Cụ thụ-nghiệp ở cửa cụ Tử-Tư, học được đạo thống của đức Khổng-tử. Bấy giờ trong đời chỉ mê về đường công lợi, không biết đến đạo-nghĩa là gì. Cụ đi chu-du các nước, mong đem đạo-học ra để giúp vua chư-hầu mà cứu cho nhân-tâm thiên-hạ. Song vua chư-hầu không ai biết dùng, cụ bèn trở về nhà dạy học-trò. Quyển sách này tức là một quyển ghi chép các lời của cụ ứng đối với các vua chư-hầu và các lời dạy học-trò vậy.

Trong sách chia làm 7 thiên, mà cốt-yếu nhất thì chỉ có hai chữ « nhân nghĩa » là tóm được cả đại-ý trong một bộ sách.

Nhân là gì? Nhân chỉ là cái bụng nhân-từ, cái lòng trung-hậu tử tế. Nghĩa là gì? Nghĩa chỉ là cái lẽ phải, cái lẽ chính đáng công-bình. Hai câu ấy phát-nguyên từ câu « Lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa » của đức Khổng-tử nói ở trong Hệ-từ. Nghĩa là: lập nên đạo làm người, rằng nhân và nghĩa. Cụ Mạnh-tử thuật lời đó, mới phát-minh cho rõ nghĩa mà dạy thiên-hạ.

Trong một bộ sách, không mấy chỗ là không nói đến nhân nghĩa. Xem như đầu bộ sách bảo vua Lương Huệ-vương, đã nói rằng: « Vương, hà tất viết lợi, diệc hữu nhân nghĩa nhi dĩ hỹ », nghĩa là vua, hà tất phải nói đến lợi, cũng có nhân-nghĩa mà thôi vậy. Câu mới mở đầu, đã đem ngay nhân-nghĩa ra để phản đối với chữ lợi. Kế đó chỗ thì nói: « Bỉ dĩ kỳ phú, ngã dĩ ngô nhân, bỉ dĩ kỳ tước, ngã dĩ ngô nghĩa, ngô hà khiểm hồ tai », nghĩa là kẻ kia lấy giầu, ta lấy nhân của ta, kẻ kia lấy sang, ta lấy nghĩa của, ta có kém cái gì. Câu này đem 2 chữ nhân nghĩa để địch với sự phú quý của vua chư-hầu. Chỗ thì nói: « Nhân, nhân chi an trạch giã; nghĩa, nhân chi chính lộ giã. Khoáng an trạch nhi phất cư, xả chính lộ nhi phất do, ai tai! » nghĩa là: nhân là cái nhà yên-ổn của người ta, nghĩa là con đường ngay thẳng của người ta. Bỏ trống nhà yên-ổn ấy mà không ở, bỏ hoang đường ngay thẳng mà chẳng noi, khá thương lắm thay! Câu này thì là thương tiếc cho người bấy giờ, không biết noi theo về đường nhân-nghĩa.

Kể đại-khái mấy câu đó thôi, chớ trong một bộ sách này thì thường nói đến hai chữ ấy luôn, không sao kể hết được. Có ngẫm cho kỹ, mới biết hai chữ ấy ý sâu xa mà rất đích đáng. Đạo làm người còn gì hay bằng và lớn bằng nhân với nghĩa. Có nhân thì mới giữ được mối lương-tâm, có nghĩa thì mới noi được đường chính-lý. Đem hai chữ ấy mà sửa mình thì nên một bậc người thiện-nhân quân-tử; đem hai chữ ấy mà thi hành ra mọi việc thì nên các việc rất nhân từ và rất công-bình. Giá thử ai ai cũng giữ được đạo nhân-nghĩa thì can gì còn có kẻ vì danh lợi mà sinh ra những thói độc-ác tàn-ngược, tham-lam gian-trái, để bày ra những nết hèn mạt mà gây nên mối họa loạn ở đời.

Xem văn Mạnh-tử lại nghiệm ra được cụ là một nhà hùng-biện. Trong thời đó có những người như là Cáo-tử, Thuần-vu-Khôn, Hứa-hành v. v. đều lấy tư ý mà phản đối với nhời cụ, vậy mà cụ dẫn dụ biện bác, làm cho ai cũng phải chịu, không thể nào cãi được nữa. Những nhời của cụ, mạnh mẽ cứng cỏi, tựa như chém đanh chặt sắt, lại nghiệm ra khí-tượng của cụ cao chót vót như núi Thái-sơn.

Chư tử

Ngoại giả văn kinh truyện, lại còn những văn chư tử như các nhà Lão, Trang, Dương, Mặc, Quản, Án, Thân, Hàn v. v. xưa nay ta theo lối chính học, thường vẫn cho các nhà ấy là hư vô hoang đường, quyền mưu công lợi, không hợp với đạo thánh-hiền. Song cứ bình tình mà nói thì các nhà đều có một tư-tưởng đặc-biệt, ý kiến cao xa, không nên nhất khái cho là dở mà bác cả đi được. Nay kể qua lịch-sử riêng mấy nhà đại danh và luận qua cái chủ nghĩa của các nhà ấy như sau này:

Lão-tử.— Lão-tử sinh đồng thời với đức Khổng-tử, tên là Lý-Đam, làm quan Trụ-hạ-sử của Chu. Bấy giờ nhà Chu đã suy, Lão-tử bỏ chức đi ẩn. Soạn ra kinh Đạo-đức, cả thảy hơn 5 nghìn câu nói.

Tôn-chỉ trong kinh Đạo-đức, chỉ 2 chữ « hư vô » là cai hết nghĩa một bộ sách. Lão-tử cho đạo là một lẽ rất hư không, rất huyền diệu. Có một lẽ ấy mới sinh ra muôn vật. Người ta muốn thể đạo thì nên tuyệt hết cái bụng nghĩ ngợi mà quên cả hình hài đi, nghĩa là không nghĩ gì, không lo gì, không bợn lòng vào việc gì, không biết mình là thế nào, trong bụng lúc nào cũng thanh tĩnh, không phải nhọc đến trí khôn, đến sức làm. Còn như việc gì xẩy đến, bất đắc dĩ mà phải thù ứng với đời thì tùy cơ mà ứng biến, miễn là xong việc thì thôi, không phải tốn một chút hơi sức nào.

Cứ như đạo thường của nho-giáo thì người ta đã sinh ra ở đời, phải làm-lụng, phải lo nghĩ, mới đứng được ở đời. Lấy ý kiến của Lão-tử mà so với nho-giáo thì trái nhau xa lắm. Song ai có hiểu rằng cái thân mình là cái cỗi gốc khổ sở, cái trí-khôn là cái căn nguyên phiền não, thì mới hiểu được cái vui vẻ của ông ấy. Lại phải hiểu cho thấu hết nhân tình, xét cho tường hết thói đời, thì mới biết ông ấy đem một tấm lòng nguội lạnh nhạt nhẽo đối với đời, không còn có một sợi tơ sợi tóc nào vướng đến trước mắt, thật là một bậc người tiêu diêu khoái hoạt, rộng rãi tự nhiên.

Tuy vậy, trong đạo-đức lại có sen lẫn ý quyền mưu. Xem như những câu « Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên-hạ khê; tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc, vi thiên-hạ cốc », nghĩa là biết đằng sống, giữ đằng mát, để làm khe cho thiên-hạ; biết đằng trắng, giữ đằng đen, để làm hang cho thiên-hạ. Cùng là câu « Tương dục thủ chi, tất cô dữ chi », nghĩa là sắp muốn lấy đi thì hãy tạm cho trước. Xem như vậy thì lối học Lão-tử, phàm việc gì đối với người, cũng êm ái lui lại một bước mà thắng được người, tức là cái lối dĩ nhu thắng cương vậy. Nhưng ý ấy toàn là ý cơ mưu biến trá, trái với ý thành-thực của đạo nho, cho nên xưa nay không cho là chính đạo.

Về sau người nào có những ý phóng phiếm khoáng đạt, chán đường công-danh phú-quí, và những người có mưu cơ thâm thiểm, đều là gốc ở lối học đó.

Trang-tử.— Trang-tử cũng theo một học phái của Lão-tử. Chủ nghĩa chỉ có tiêu diêu phóng khoáng, không để cho việc gì bó buộc được mình.

Trong bộ Trang-tử nói lắm câu mới đọc tựa hồ vô nghĩa lý, mà ngẫm ra thì ý vị rất hay, rất cao xa. Xem như câu nói: « Thiên-hạ chỉ cái bụi là lớn, mà núi Thái-sơn là nhỏ, đứa trẻ chết yểu là sống lâu, mà ông Bành-tổ sống 800 năm là chết non ». Câu ấy thì rất vô nghĩa, nhưng thử ngẫm xem phàm việc thiên-hạ cái gì là to, là nhỏ, cái gì lâu chóng khác nhau? Cái to nhỏ, lâu, chóng ấy, chẳng qua lấy cái hình-thức tầm thường bề ngoài mà phân biệt, chớ nếu đem cái mắt cao xa mà ngắm cho kỹ thì muốn cho cái gì là to, nhỏ, lâu, chóng, tức thị cái ấy là to, nhỏ, lâu, chóng vậy. Câu ấy chủ ý chỉ là cho nhớn nhỏ sống chết, phàm chăm việc ở đời là đều nhau hết, dù giầu cũng thế mà nghèo cũng vậy, sang cũng thế mà hèn cũng vậy, chẳng cái gì là hơn cái gì cả; rồi rút cục lại, chẳng qua hóa thành không cả thôi. Bởi cái chủ ý ấy mà sinh ra lòng phóng khoáng không thiết tưởng gì đến việc đời, tức là một chủ nghĩa yếm-thế vậy.

Đến như văn-chương Trang-tử thì thực là văn-chương tuyệt bút, trong một bộ sách không có một câu nào là câu không hay, nghĩa là câu nào cũng tự nhiên mà ý vị rất sâu xa bát ngát. Nói đến văn hay thì phải xem đến nguyên văn mới hiểu được.

Liệt-tử.— Liệt-tử theo một chủ nghĩa bình đạm sơ khoáng, nghĩa là việc gì cũng coi tầm thường nhạt nhẽo, phóng khoáng bông lông, tức cũng là lối học Lão, Trang.

Lối học Lão, Trang tuy là một lối phù-phiếm, không thiết với cận tình của người ta. Song nghĩ cho cùng thì cũng có lẽ phải. Cớ sao vậy? Bởi vì người ta chỉ vì một mối lòng thị dục, ham sự này, muốn sự khác, kẻ thì ganh đua về đường công lợi, người thì bôn xu về đường phú quí, rồi sinh ra các thói gian tham, thói bất nhân bạc ác, người kia kiêu ngạo, kẻ nọ tung hoành, biết bao nhiêu thói hèn mạt đê tiện, đáng khinh đáng bỉ đều bởi một tấm lòng ấy mà ra; biết bao nhiêu sự làm cho thân người ta phải khổ sở cực nhục, biết bao nhiêu nỗi làm cho thiên-hạ phải chua xót dắng cay, cũng đều bởi một tấm lòng ấy mà ra cả. Vả lại những người đua gang như thế, chẳng qua chỉ nghĩ mình làm được như vậy thì mình được hiển vinh trong một thời, để lợi cho con cháu, lưu tiếng thơm đến đời sau, nhưng không biết rằng mình ở trong khoảng giời đất mênh mông, sánh với vũ trụ vô cùng vô tận, thì có khác gì cái bụi cỏn con ở trong cõi hồng trần; dù có vất vả đến đâu, hay hớm đến đâu, thì cũng chẳng qua như một đám sâu đám kiến hành-động ở trên mặt trái đất; mà cái công-lao ấy chỉ cũng trong chớp mắt thì hóa ra đống bùn mà thôi. Cứ như vậy thì người sống ở đời, được là bao nhiêu mà phải lao tâm, phải khổ hình; chi bằng tuyệt hết đường lo lắng, tiêu diêu nhàn phóng cho sướng thân ở trong cõi phù sinh, được vui thú lúc nào là hay lúc đó, rồi phó mặc cho cơ tạo-hóa xoay vần, chẳng còn hơn Dã-chàng xe cát bể Đông hay sao? Đó là chủ nghĩa của lối học Lão, Trang đó. Chủ nghĩa ấy tuy là bông lông thực, nhưng thử so với kẻ vì đường công danh phú quí mà vào luồn ra cúi, vất vả lật đật, và lại mang cái tiếng đê tiện khả bỉ thì lại càng tỏ ra là một tư tưởng cao thượng vậy.

Dương, Mặc.— Dương-chu theo cái chủ-nghĩa, vị ngã, nghĩa là việc gì cũng chỉ biết lấy mình mà thôi. Mạc-địch theo cái chủ-nghĩa kiêm ái, nghĩa là yêu khắp loài người, coi ai cũng như ai cả.

Cụ Mạnh-tử nói rằng: « Dương-tử lấy nghĩa vị ngã, nhổ một cái lông mà lợi cho thiên-hạ cũng không làm; Mặc-tử lấy nghĩa kiêm ái, sờ từ gáy đến gót chân, hễ điều gì có lợi cho thiên-hạ cũng làm » ấy là hai chủ nghĩa khác nhau đó.

Hai chủ nghĩa ấy đều thiên mà có tệ cả. Một đằng vị ngã, thì rồi đến vua cũng không biết, thành ra vô quân; một đằng kiêm ái, thì coi cha cũng như người đi đường thành ra vô phụ. Người ta đã đến nỗi vô quân, vô phụ, thì không còn cương thường luân lý gì nữa. Bởi vậy nho-giáo vẫn bác lối học Dương, Mạc, cho là dị-đoan.

Song nay cứ theo tân lý tưởng mà bình phẩm học thuật của hai nhà ấy, thì cũng là một đặc biệt kiến thức. Suy cho cùng cái nghĩa vị ngã, ai ai cũng tranh lấy phần lợi cho mình, đó tức là nghĩa cạnh tranh, có lẽ làm cho thế-giới vì đó mà được tiến hóa. Suy cho cùng cái nghĩa kiêm ái, ai ai cũng thương yêu lẫn nhau, đó tức là nghĩa đồng hóa, có lẽ làm cho thế-giới vì đó mà cùng được hưởng phúc hòa bình.

Vậy thì hai chủ-nghĩa, tuy phản đối nhau mặc lòng, nhưng theo một chủ-nghĩa nào mà làm cho đến nơi đến chốn thì cũng đều có công hiệu cả. Ta chưa nên khinh thường mà nghị luận.

Quản-tử. — Quản-Trọng làm tướng nước Tề, làm ra phép nội-chính để ngụ phép dụng binh.

Chủ-nghĩa của Quản-Trọng là một chủ-nghĩa phú-cường, xem khi làm tướng, làm cho nước Tề nên một nước giầu mạnh, thì đủ biết Quản-Trọng là một nhà chính-trị rất giỏi vậy.

Tôn-tử. — Tôn-võ-Tử soạn ra 13 thiên binh-pháp, toàn là những thuật dùng binh, những lối quỷ quyệt. Song cũng có nhiều điều chí lý như câu « Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng », nghĩa là biết người, biết mình, trăm trận đánh, trăm trận được. Câu ấy đủ làm gương cho nhà dùng binh muôn đời.

Trịnh-hậu có nói rằng: Binh-thư của Tôn-tử, chẳng những làm căn bản cho võ tướng, mà văn-sĩ cũng nên xem, vì nhời nói giản lược mà ý tứ nhiều, văn-chương bình dị mà nghĩa lý sâu sắc.

Thân, Hàn. — Thân, Hàn hai nhà, chủ ý chuyên trọng về mặt hình danh. Nghĩa là làm việc gì rất tín, rất công bình. Song lại câu nệ quá, xét nét quá, đến nỗi thảm khắc, không còn một chút tình nghĩa nào.

Tổng luận

Xét xem văn-chương kinh truyện, tuy mỗi kinh truyện đều có một nghĩa cốt yếu riêng; như Dịch thì chủ về việc bốc phệ, Thi thì chủ việc ngâm vịnh, Thư thì nói về việc chính sự, Lễ thì nói việc lễ nghi, Xuân-thu thì chủ về việc thuật sự mà ngụ ý bao biếm, Đại-học thì nói về đạo tu, tề, trị, bình, Luận-ngữ thì nói về đạo hiếu, đễ, trung, tín, Mạnh-tử thì giảng giải về hai chữ « nhân nghĩa », Trung-dung thì phát minh ra hai chữ « thời trung », đó là nghĩa cốt yếu của văn kinh truyện, song rút lại thì đều là giảng minh những đạo lý thiết-đụng của người ta, trong có thể noi theo đó mà sửa mình, ngoài có thể noi theo đó mà kinh thế, tuy lý tưởng không xa lạ gì cho lắm, nhưng toàn là đạo lý đương nhiên, dù muốn vượt khỏi các lời ấy cũng không được. Cho nên có câu rằng: « Văn-chương kinh truyện tựa như vẻ vải lụa, mùa thóc gạo », nghĩa là bình thường giản dị mà thiết-dụng cho người, dù muốn bỏ cũng không sao mà bỏ được. Đến như văn-chương Chư-tử, lý tưởng tuy sai với đạo thường, nhưng cũng đều có cái kiến-thức đặc biệt, hậu nhân không nên khinh thường mà nghị luận. Vả những tứ cao kỳ, những lời cổ kính, lại đủ làm cái kho dụng-điển vô tận cho nhà văn-chương đời sau. Than ôi, thời thế mỗi ngày một thay đổi, sự học thức của người cũng mỗi ngày một mở mang, lý tưởng cổ thời, tuy so với bây giờ thì khác nhau nhiều, nhưng trải mấy nghìn năm, mà vẫn còn rực rỡ chói rạng ở đời, há chẳng thịnh lắm thay!