Việt Hán văn khảo/II.K2
2.— KINH-NGHĨA.— Kinh-nghĩa trích lấy một vài câu chính văn trong kinh truyện ra đầu bài, rồi cứ suy diễn ý đầu bài; thay thánh-hiền mà nói ra cho rộng, và cho đúng với nghĩa kinh truyện thì mới được, cho nên lại gọi là tình-nghĩa.
Đầu bài ra câu nào phải làm lọn nghĩa trong câu ấy, nếu nói động đến nhiều nghĩa câu trên thì là xâm thượng không được; nói chạm đến nghĩa câu dưới thì là phạm hạ cũng không được. Có khi người ta ra ngắt câu nọ nhằng với câu kia cũng phải cứ làm đủ nghĩa trong đầu bài mà thôi.
Kinh-nghĩa có 3 lối là lối bát cổ, lối lưỡng phiến và lối tản-hành. Lối bát-cổ có tám đoạn: bắt đầu đặt một hai câu mở, gọi là phá đề; kế đến 3, 4 câu nghị luận, gọi là câu thừa-đề. Câu phá câu thừa thì còn là lời mình, từ đoạn sau trở đi thì thay lời người đời xưa, chớ mình không được nói nữa. Đoạn thứ ba gọi là đoạn khởi giảng, thay lời thánh-hiền mà nói bao quát cả ý đầu bài; cuối đoạn này phải có một câu nói tiếp lên trên mà mở cho đoạn dưới gọi là câu lĩnh-mạch; đoạn thứ tư là đoạn khai-giảng; phải có hai vế đối nhau, nghĩa là nói khai cái ý đầu bài. Đoạn thứ năm chỉ hoàn lại một câu đầu bài, gọi là câu hoàn-đề. Đoạn thứ sáu gọi là đoạn trung-cổ (vế giữa) thích thực nghĩa đầu bài; đoạn thứ bẩy gọi là hậu-cổ (vế sau), nghị luận thêm cho rộng nghĩa. Hai đoạn trung-cổ hậu-cổ đều phải đặt hai vế đối nhau, dài hơn đoạn khai-giảng một chút. Đoạn thứ tám gọi là đoạn kết-tỵ, cũng hai vế mỗi vế độ hai ba câu, rồi thúc lại một câu nữa là hết.
Lối lưỡng-phiến là toàn bài chỉ làm hai vế đối nhau. Khi nào gặp đầu bài có hai vế đối nhau sẵn, thì làm theo lối này, trừ ra câu phá câu thừa thì cũng theo như lối bát-cổ, còn từ khởi giảng trở xuống thì chia ngay đôi vế mà làm. Lối tản-hành là khi nào gặp đầu bài ý tứ rộng rãi, thì có tứ gì cứ tả ra, bất cứ là mấy đoạn, mà mỗi đoạn chỉ có giăm ba câu đối nhau cũng được. Hai lối ấy tuy khác với lối bát-cổ, song đại ý cũng phải theo khai thừa chuyển hợp như lối bát-cổ.
Câu phá. — Nói nhỏ tình riêng cùng mẹ muốn sao muốn quá thế vậy!
Câu thừa.— Phù, lấy chồng chi sự, người ta ai cũng thường muốn vậy; nãi muốn nhi chi ư nói với mẹ, muốn sao muốn gớm muốn ghê, gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?
Khởi giảng.— Tưởng khi phàn nàn cùng mẹ rằng: nhất âm nhất dương, nãi thiên địa cổ kim chi đạo, mà nghi gia nghi thất, thực thế gian duyên kiếp chi thường. Rê chân bước xuống cõi phù sinh, mấy ai giữ được tiếng trinh trên đời; ngồi một mình mà lại nghĩ duyên mình, mẹ ơi có thấu tấm tình này chăng?
Câu lĩnh mạch.— Tuổi bằng này mà không vẫn hoàn không, nhỡ bước quá long đong sao, hở mẹ?
Khai giảng đoạn trên.— Con nghĩ rằng xuân xanh thấm thoắt, người ta như quá lứa chi măng; phỏng hôn giá chi cập thời, tức chồng loan vợ phượng chi duyên, cũng quang thái ư môn mi chi rạng rỡ.
Khai giảng đoạn dưới.— Con luống sao tơ đỏ nhỡ nhàng, phận những chịu long đanh chi ván, phỏng thanh xuân chi bất tái, tức chớp bể mưa nguồn chi hội, cũng buồn tanh ư mai phiếu chi lơ phơ.
Câu hoàn đề.— Việc này mẹ đã biết chưa, con nay luống những ngẩn ngơ vì chồng.
Trung-cổ đoạn trên.— Kìa những kẻ son phai phấn bạc, cuộc phong trần đã chán chường xuân; huống con lấy mặt hoa mày liễu chi dung nghi, chính đương độ tuần rầm chi bóng nguyệt; bởi vì ai dở dang phận bạc, dịp chưa thông ả Chức chi Ô-kiều; khắc khoải rồng mây, lược không muốn chải; khát khao cá nước, gương chẳng muốn soi; đêm thanh tư tưởng khách thừa long, chăn phí-thúy suốt năm canh trằn trọc. Ngồi với bóng mà lại thở than với bóng, mẹ ơi, con muốn đem ông trời xuống cõi trần hỏi rằng duyên có nợ nần chi không, mẹ nhé!
Trung-cổ đoạn dưới.— Kìa những kẻ liễu yếu đào thơ, tình vân vũ hãy còn e ấp; huống con lấy sắc nước hương trời chi phẩm giá, đã ngoài vòng đôi tám chi thanh xuân; bởi vì ai ngăn gió đông, đàn chưa gẩy chàng Tương chi Hoàng-khúc; ước ao sứ điệp, phấn chẳng muốn tô, mong mỏi tin ong, vòng không muốn chuốt; ngày vắng mơ màng duyên bốc-phượng, gối uyên ương thâu sáu khắc bồi hồi; buồn về thu mà mê mệt cũng về thu; mẹ ôi, con muốn đem sợ tơ đào, để cho ông Nguyệt se vào cho con, mẹ nhé?
Hậu-cổ đoạn trên.— Mẹ lại xem trên trời chim kia chi liền cánh, dưới đất cây nọ chi liền cành, vật ấy cũng đèo bòng ân ái. Nay con tủi là thân bồ liễu, giữ đầu xanh ấp một buồng không; nào người tích lục, nào kẻ tham hồng, khôn mượn kẻ giắt mối tơ bạc mệnh. Mẹ có biết: có chồng kẻ đón người đưa, không chồng đi sớm về trưa mặc lòng, chăng hở mẹ!
Hậu-cổ đoạn dưới.— Mẹ lại xem làng Bắc-lý kẻ nọ chi nghinh thê, vùng Nam-lân người kia chi tống nữ, người ta từng náo nức đông tây; nay con hổ là phận thuyền quyên, mang má phấn nằm trong phận bạc; nào kẻ tương tri, nào người tương thức, biết cùng ai mà kết chữ đồng tâm. Mẹ ôi, tuy nằm trong cửa sổ chạm rồng, chăn loan gối phượng không chồng cũng hư, phải chăng mẹ?
Kết tỵ.— Y! buồng hương lạnh lẽo, tuy đã có áo đơn lồng áo kép, sao bằng da nọ ấp da kia, phỏng con mà già kén kẹn hom, quá mù ra mưa, lờ đờ trông bóng giăng chi quạ;
Mà duyên phận vuông tròn, thì sum vầy cành trúc tựa cành mai, ríu rít tiếng cầm chen tiếng sắt; phỏng con chẳng có tình rình bụi, lỡ ra tha bước, linh đinh trôi mặt nước chi bèo.
Một câu thúc kết.— Nghĩ nguồn cơn phàn nàn cái số, nông nỗi này mẹ đã thấu cho chưa?
Câu phá.— Khuyên con giữ đạo làm dâu, bà già nghĩ đã đến vậy.
Câu thừa.— Phù, con dại cái mang, nhẽ xưa nay vẫn thế vậy. Khuyên con phải kính trọng chồng, há chẳng phải đạo lắm ru?
Khởi giảng.— Mẹ đưa con ra cửa, ý nghĩ rằng: Trong phối định ba thường đạo cả, thực là muôn hóa chi theo ra; mà hôn nhân hai họ giao vui, há để một lời chi trách đến.
Câu lĩnh mạch.— Mẹ đưa con ra, mẹ càng nghĩ lắm con ạ.
Khai giảng đoạn trên.— Con, con mẹ mà dâu, dâu người vậy! Hoặc nhời ăn nhời nói chi ra tuồng, tức lành đồn xa, dữ đồn xa, ai bảo rằng con chi còn nhỏ.
Khai giảng đoạn dưới.— Dâu, dâu người mà con, con mẹ vậy! Hoặc trong cửa trong nhà chi có chuyện, tức yêu nên tốt ghét nên xấu, rồi ra trách mẹ chi không răn.
Câu hoàn đề.— Về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái nhời chồng, con nhé!
Trung-cổ đoạn trên.— Lúc ở nhà nhờ mẹ nhờ cha, về nhà chồng nhờ chồng nhờ con nhé! Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng. Nhủ này con, nhủ này con: đi đến nơi về đến chốn, việc nhà việc cửa chi siêng năng; hỏi thì nói, gọi thì thưa, thờ mẹ thờ cha chi phải lẽ. Kính lấy đấy, răn lấy đấy, liệu học ăn học nói, học gói học mở; khi anh nó hoặc ra xô xát chi nhời, cũng tươi cũng đẹp, cũng vui cười, chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà con kê chi kể lể.
Trung-cổ đoạn dưới.— Lúc ở nhà là mẹ là con, về nhà người là dâu là con nhé! Khôn cho người giải, dại cho người thương, chớ bắt chước người thế mặc áo qua đầu chi khủng khỉnh. Nghe chưa con, nghe chưa con: ăn có nơi nằm có chốn, nhời ăn nhẽ ở chi ra tuồng: gọi thì dạ, bảo thì vâng, thờ mẹ thờ cha chi phải đạo. Kính vậy thay, lễ vậy thay, chớ cậy khôn cậy khéo, cậy duyên cậy tài; khi anh nó có nổi bằng bầng chi sắc, thì lạy thì van thì lễ phép, đừng học chi những tuồng đĩ thõa, mà hoặc dây mơ rễ mái chi lôi thôi.
Hậu-cổ đoạn trên.— Thế có kẻ xem chồng như đứa ăn đứa ở, thậm đến điều mày tớ chi khinh. Chẳng biết rằng: ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người. Chẳng suy chẳng nghĩ lại ra điều cả vú lấp miệng em, sao chẳng biết xấu chàng hổ ai chi lý! Mẹ khuyên con giữ lấy đạo hiền, đói no cũng chịu giầu sang cũng nhờ, chớ hoặc sinh vênh vểnh chi môi; khi anh nó cả giận hóa sinh xằng, mẹ con ắt phải mắc bèo trôi chi tiếng.
Hậu-cổ đoạn dưới.— Thế có kẻ giận chồng mà đánh con đánh cái, thậm đến điều mày tao chi quá. Chẳng biết rằng: khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy rằng vụng dại cũng là đàn ông. Bạ ăn bạ nói, lại ra điều múa rìu qua mắt thợ, sao chẳng biết già đòn non nhẽ chi cơ? Mẹ khuyên con giữ nết thảo hiền, vọt roi cũng chịu, yêu thương cũng nhờ, chớ hoặc lộ xầm xầm chi mặt; khi anh nó nói dai càng thêm chuyện, cha con ắt phải mang vớ cọc chi cười.
Kết tỵ.— Con ơi nhập gia tùy tục, mẹ nhủ cho đạo vợ chi thường; xuất giá tòng phu, con phải giữ nhà chồng chi phép.
Thôi mẹ về!