Triều nhà Lý khai khoa, thì có khoa Tam giáo[1], khoa Thái học sinh, cũng có cả khoa Tiến sĩ. Không những thế, lại còn có lệ tiến cử những người hiền ra làm quan. Đến đời nhà Trần cũng thế ; nhưng so với các khoa khác, chỉ có khoa Tiến sĩ là chọn được nhiều người hiền tài hơn cả. Lê Tiên triều, từ năm Hồng Đức trở về sau, chỉ chuyên trọng khoa Tiến sĩ là khoa chủ yếu để chọn hiền tài. Nhà Mạc cũng làm theo thế. Đời Lê Trung hưng khoảng hai trăm năm, những người đỗ khoa Tiến sĩ vẫn tự xem mình là bậc thanh cao ; còn những kẻ văn tài võ lược làm nên đến công tướng mà không biết tự trọng là bởi tại thế biến. Đầu đời Trung hưng, có cụ Phùng Khắc Khoan[2] đã là bậc công thần tham mưu chốn cơ mật, từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn phải hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh. Ông Lương Hữu Khánh[3], sự nghiệp văn chương cũng xuýt xoát với Phùng công, chỉ vì khi còn ở bên nhà Mạc, bị các quan bộ Lễ làm chủ khảo đè nén, không chịu vào thi đình, nên không đỗ đại khoa. Đến khi về theo Lê triều, trải qua những chức trọng yếu, thể diện đã tôn rồi, nên ông không thèm ganh đua với các nhà cử tử nữa. Các nhà chép sử nghĩ rằng ông không phải là bậc đại khoa, lược bỏ không chép đủ. Không có gia phả nhà họ Lương và các tập dã sử riêng các nhà chép lại thì tên tuổi của Lương công không khéo cũng theo với bọn cựu thần ngồi không ăn hại cùng mai một hết thảy.

Sau này ở Mộ Trạch có ông Võ Duy Chí[4], ở Thanh Lâm có ông Nguyễn Đình Phái đều là bậc danh thần một thời, mà xem ở trong sử không thấy nói đến một chút sự trạng gì cả. Có người đã đứng tên trong sổ đại khoa vẫn noi theo tập quán cũ, dần dần có cái tệ tự phụ là bậc thanh cao như cuối đời nhà Đường.

Đầu đời Cảnh Hưng, có ông Ngô Thì Sĩ[5] nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội, các khảo quan dò xét, hệ thấy quyển nào giọng văn hơi giống thì bảo nhau "Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ", thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi. Trịnh chúa Nghị Tổ (Trịnh Doanh) biết có cái thói tệ ấy, nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy. Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công bị bệnh tả, vào thi trường đệ tứ, cố làm qua loa cho xong quyển. Khảo quan chấm quyển, bảo " Quyển này, kim văn[6] thì luyện đạt lắm, đáng là văn Hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ". Chấm đến quyển ông Nguyễn Bá Dương[7], lại bảo nhau "Quyển này, văn khí mạnh mẽ khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ, nhưng kim văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế". Vì họ hồ đồ, không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng, nên Thì Sĩ mới chiếm Hội nguyên.

Khi Trịnh Tĩnh Vương (Trịnh Sâm) tổng thống quốc chính, có ông Phạm Vĩ Khiêm[8] có tiếng là người văn học giỏi, được chúa biết tên. Nhưng ông ấy khi nhỏ hay khí khái trái ngược với đời, các quan chủ khảo ở Lễ vi hễ thấy quyển thi, đánh hỏng, cũng giống như ông Ngô Thì Sĩ. Khi đã đứng tuổi, học nghiệp càng thâm thúy, văn chương ông đổi hẳn lối cũ. Khoa thi năm Kỷ Hợi (1779), ông đổi tên là Phạm Nguyễn Du ; kỳ đệ nhị có một quyển giọng văn hơi phóng túng, các khảo quan bảo nhau "Quyển của Vĩ Khiêm đây rồi", bèn cùng nhau chỉ trích đánh hỏng. Thành ra khi yết bảng, vẫn có tên ông. Kỳ đệ tam cũng có một quyển nghi là quyển của ông mà đánh hỏng, nhưng quyển của ông vẫn không sao. Kỳ đệ tứ thì văn ông Phạm Nguyễn Du thuần mà giản dị, văn ông Phạm Quý Thích[9] thì rộng rãi mênh mông, khí cách hai quyển văn không giống nhau. Quan trường nghĩ phê quyển văn ông Phạm Hoa Đường[10] lên đệ nhất. Ông Nguyễn Bá Dương lại trỏ quyển ông Phạm Vĩ Khiêm, người Đặng Điền mà nói rằng "Quyển này lời văn giản cổ, thâm áo, không phải bậc lão sư túc nho, không làm được, nên để lên trên". Đến khi tiến lên Trịnh Vương phủ thì thành ra quyển ông Phạm Đặng Điền đỗ đầu, mà quyển ông Phạm Hoa Đường đỗ thứ hai, quả như lời ông Nguyễn Bá Dương liệu định. Ông Nguyễn Bá Dương dẫm chân mà rằng "Khoa giáp vốn có số mệnh, không thể lấy sức người mà tránh được". Những khoa trước, quyển ông Phạm Đặng Điền bị đánh hỏng phần nhiều tại ông Nguyễn Bá Dương hết sức bài bác, bây giờ lại cứ khăng khăng muốn lấy quyển ông Phạm Đặng Điền lên đỗ đầu, xem thế thì con tạo cũng khéo trêu người thật !

Bà chính phi chúa Trịnh có người em tên là Mậu Dĩnh[11] vốn là kẻ tầm thường. Bà phi muốn cho dự vào hàng văn thân ; gặp kỳ thi hội, có mật bảo kẻ lại phòng xếp chữ soạn hiệu cứ quyển của Mậu Dĩnh đánh dấu vào. Lại dặn quan nội trường[12] phải để ý tâng bốc cho, nếu kém lắm không lấy được thì đợi khi có chỉ chúa mở rộng đường cầu hiền, phải đem quyển ấy dâng trình. Kỳ đệ tứ xong rồi, bao nhiêu quyển thi trúng cách đều đem tiến trình cả, duy quyển của Mậu Dĩnh thì không có trong số ấy. Bà phi bèn xin với chúa Trịnh rằng "Việc thi cứ mà cứ lấy mực thước làm hạn, sợ không được rộng. Xin chúa cho lấy những quyển văn chương uẩn súc đem tiến trình, để thiếp rút lấy một quyển cho rộng đường cầu lấy nhân tài". Chúa cũng nể ý bà phi nên truyền đem quyển lên trình cho bà phi rút. Bà phi nhắm vào quyển có đánh dấu mà rút lấy, rồi lui vào bảo kẻ cung giám tin cho Mậu Dĩnh cứ việc sửa soạn tiệc ăn mừng. Đến khi dán quyển lại để yết bảng thì té ra là tên Võ Huy Dĩnh. Bà phi lấy làm quái lạ, mới hỏi kẻ lại phòng. Kẻ lại phòng thưa rằng "Khi nhận lời dặn, tâm thần hoang mang, nhớ không được rành, khi soạn quyển chỉ nhớ dặn tên Dĩnh, nên đem quyển ấy đánh dấu, không ngờ lại hóa ra lầm lẫn". Bà phi than thở, lấy làm lạ. Khi Hoàng Ngũ Phúc[13] cầm quyển, cũng có một chuyện giống như thế, tiếc rằng ta không nhớ được họ tên.

Võ Miêu, người Liên Trì[14], khi nhỏ học tối tăm, suốt ngày nhai nhải chỉ được một trang giấy, mà vẫn cố sức học mãi không thôi, về sau cũng nổi tiếng văn học trong thời ấy. Nhưng văn chương ông nghèo nàn, viết suốt ngày vẫn thường không đủ. Khoa thi Hội năm Mậu Thìn (1748), vào đến trường đệ tứ, ông đều gặp đầu bài nhớ cả, nhưng viết không kịp, phải tối xẩm mới nôp xong quyển mà đi ra. Về nhà trọ, cởi áo ra nghỉ, xem lại, thì ra đã nộp nhầm quyển nháp, còn quyển có đóng dấu[15] vẫn ở trong ống. Bấy giờ ngồi than thở ân hận mãi, sau đem những đoạn văn làm ban ngày ra nhuận sắc, viết lại tinh tươm vào quyển có đóng dấu. Trời gần sáng thì viết xong. Rồi chợp mắt, ngủ mãi đến trưa mới tỉnh dậy. Xem trong ống quyển thì quyển văn có đóng dấu ấy không thấy đâu nữa. Trong bụng hoang mang, chỉ sợ bộ Lễ đòi quyển có dấu thì không lấy đâu mà trả lại được. Bàng hoàng lo sợ đến dăm bảy ngày. Đến khi yết bảng thì thấy huyên truyền rằng ở Liên Trì có Võ Miêu đỗ Hội nguyên. Ông vẫn không tin, sau đến đình Quảng Văn xem yết bảng, quả nhiên có tên mình thật. Ông vừa mừng vừa kinh ngạc, không biết tại cớ sao. Có người bảo, nhà ông ba đời không nuôi mèo cho nên được cái báo ơn ấy, chẳng biết có phải không.

Người Lai Thạch là Nguyễn Quýnh,[16] em ông Thám hoa Công Oánh[17]. Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1772) vào kỳ đệ tứ xong, nộp quyển ra về, ông thám đòi xem quyển nháp, thì té ra nộp nhầm, vẫn còn lưu quyển có dấu lại. Đêm hôm ấy, ông lại đem ra sửa chữa, sáng sớm liền đút quyển ấy vào tay áo và đem theo vài mươi lạng bạc đi ra vơ vẩn ở ngoài cửa trường, lo lắng, chưa biết mưu tính ra sao. Mặt trời đã xế chiều, gặp một người lính hỏi, có việc gì mà vơ vẩn ở đây, cứ nói, nếu có thể thì giúp đỡ hộ. Ông mới nói thực. Người lính hởn hở bảo "Việc ấy rất dễ, để tôi giúp ông". Người ấy liền nhận lấy quyển mà trả lại bạc, dặn ông rằng "Sau khi ra bảng, có nhớ đến tôi thì cứ đến phường Đồng Xuân mà hỏi thăm nhà tôi là đủ, cần gì phải cho vàng bạc". Nói rồi, đi mất. Quả nhiên, ông được vào trúng cách, đỗ đại khoa. Sau ông có đến phường Đồng Xuân hỏi thăm thì té ra là một người tùy hiệu chết đã hơn một trăm ngày rồi. Ông cho là có quỷ thần giúp đỡ, nên sau này khi ra làm quan, vẫn thường hỏi thăm đến nhã ấy.

Khoa thi Hội Thịnh khoa năm Kỷ Hợi (1779), có người mộng vào trước điện đình, thấy truyền lô xướng danh các quan Tiến sĩ tân khoa, đến người thứ mười lăm thì tên là Ngô Tiêm. Những người cầm sổ tên bảo "Tên này học vấn không giỏi lắm, nhưng phúc đức thì rất xứng đáng". Khi người ấy tỉnh dậy, hỏi khắp hết bạn bè, không thấy có ai tên là Ngô Tiêm. Ngô Tiêm[18] khi ấy mới đỗ khoa thi Hương nên không mấy người biết. Sau cùng, đến kỳ đệ tứ, ông vào thi, viết mãi đến tối mới được một đoạn cổ văn, còn đương cầm bút cấu tứ nghĩ ngợi, chợt thấy một quan Thể sát[19] đến hỏi rằng "Cửa trường đã đóng rồi mà quan tân Tiến sĩ cớ sao vẫn ở trong lều ?". Bấy giờ, ông mới biết là đã tối rồi, liền khẩn cầu xin giúp đỡ cho. Quan Thể sát bảo ông cầm bút nghiên đi theo. Đến chỗ sau nhà thập đạo [20], thấy trong nhà thập đạo đương soạn quyển, phía sau vách ló ra ánh sáng. Quan Thể sát bảo rằng "Cứ ngồi đấy mà làm văn cho xong quyển đi, rồi tôi bảo". Ông cứ y theo lời. Quan Thể sát thỉnh thoảng lại đi ra thăm hỏi. Đến khi gà gáy sang canh ba, ông mới viết xong quyển, giao cho quan Thể sát cầm vào nộp cho lại phòng. Quan Thể sát lại đưa cho ông một cái mũ chữ đinh, bảo cứ đội mũ ấy vào rồi đi theo lính tuần canh mà ra ngoài cửa trường. Về sau, quả nhiên đỗ Tiến sĩ. Ông đến nơi trường thi cũ tìm dãy nhà tranh dưới gốc cây táo, hỏi thăm người đêm hôm ấy, thì không gặp ai cả, không biết là cớ làm sao.

   




Chú thích

  1. Thi Phật, Đạo, Nho
  2. Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), quê ở làng Bùng, huyện Thạch Thất, nay là Hà Nội. Đỗ Hoàng giáp đời Lê Thế Tông năm 1580, trải nhiều chức vụ trọng yếu, là công thần đời Trung hưng, sứ thần đầu tiên của nhà Lê Trung hưng sang Trung Hoa. Người đời gọi ông là Trạng Bùng
  3. Công thần đời Lê Trung hưng, con trai của Lương Đắc Bằng, người làng Hội Triều, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
  4. Vũ Duy Chí (1604 - 1678), người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Hải Dương, Tham tụng đời chúa Trịnh Tạc
  5. Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, nay là Hà Nội. Thi đỗ Tiến sĩ năm 1766, làm quan đời chúa Trịnh Sâm, một nhà văn nổi tiếng của Ngô gia văn phái
  6. Đoạn văn bàn về chuyện thời nay của mỗi bài văn sách, thể hiện tài thông hiểu thế sự của thí sinh. Khi khoa cử sa sút vào đời Nguyễn, kim văn chỉ còn là đoạn văn công thức
  7. Nguyễn Bá Dương (1740 - ?) người xã Nguyễn Xá huyện Thần Khê, nay thuộc Thái Bình. Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế.
  8. Phạm Vĩ Khiêm (1739 - 1786), sau đổi tên là Phạm Nguyễn Du, người làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc, Nghệ An, đỗ Hoàng giáp năm 1779
  9. Xem chú thích bài Thay đổi địa danh
  10. Tức Phạm Quý Thích, vì ông người làng Hoa Đường, huyện Đường An, Hải Dương
  11. Bà chính phi ở đây là bà Trịnh Thị Ngọc Vinh, người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa, vợ chúa Trịnh Doanh
  12. Trường thi thời xưa gồm các khảo quan nội trường chấm thi và ngoại trường ngự sử
  13. Xem bài Tả Chí Hầu
  14. Trong văn bia đề danh khoa thi Hội năm 1748 có ghi tên Võ Miên, người xã Xuân Lan huyện Lương Tài. Không thấy có tên Võ Miêu người Liên Trì. Có lẽ bản in nhầm.
  15. Trong quyển thi, có đóng các loại dấu như dấu Giáp phùng, dấu Nhật trung để đề phòng gian lận
  16. Nguyễn Quýnh (1734 - ?) người xã Lai Thạch huyện La Sơn, nay thuộc Hà Tĩnh. Ông là em của Nguyễn Huy Oánh và làm quan Hàn lâm Thị chế, Đốc thị Thuận Quảng. Sau ông đổi tên là Nguyễn Trực. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Huy Quýnh hoặc Nguyễn Duy Quýnh.
  17. Nguyễn Huy Oánh (1731-?) hiệu Thạc Đình và tự là Thư Hiên, người xã Lai Thạch huyện La Sơn, nay thuộc Hà Tĩnh. Ông là anh của Nguyễn Quýnh, là cha của Nguyễn Huy Tự. Ông giữ các chức quan, như: Đông các Đại học sĩ, Tả Thị lang Bộ Lại, tước Thạc Lĩnh bá, rồi thăng chức Đô Ngự sử và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh .
  18. Ngô Tiêm (1749 - 1818) người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh (nay thuộc xã Yên Tiến huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng kiêm Đốc trấn Lạng Sơn, Thái Hòa điện Học sĩ, tước Mỹ Phái hầu. Sau về quê dạy học.
  19. Chức quan coi thi, giống như Giám thị coi thi bây giờ
  20. Trường thi là một mảnh đất chữ nhật, chia làm bốn vi bằng hai dọc hình chữ thập. Nhà thập đạo là nhà các quan chấm thi, đóng ở giữa trường thi