Quan trung quí Tả Chí Hầu là kẻ nội thị đời chúa Trịnh Thuận Vương (Trịnh Khương). Khi Trịnh An Vương (Trịnh Doanh)[1] ra dẹp nạn , may cho Hầu được thoát không phải tội chết. Về sau, đảng cấm[2] đã bỏ đi rồi, Hầu mới mang những tài nghề đi lại các nhà quan thân. Trạng mạo Hầu hùng vĩ, phảng phất giống như quốc lão Việp Nghĩa Công[3], song có cái tính điên, thường đánh chén vào là chửi mắng vung cả lên, nhưng chỉ bỏ ra cho một ít tiền thì Hầu lại cười sằng sặc mà nói đùa bỡn. Hầu lại hiểu thuật bóp gân xương, biết nghề hát xướng lặt vặt, tinh cả nghề xem tướng. Nghề vẽ truyền thần, Hầu lại càng khéo lắm. Hai bức chân dung của hai bà Thái phi Như Kinh và My Thữ[4] đều do tay Hầu vẽ cả. Hầu thường đến chơi nhà ta, một hôm gặp trong nhà họp đông đủ, bà cung nhân ta mới trỏ chị gia trưởng ta mà hỏi. Hầu đáp "Người đàn bà có được để tang khóc chồng mới hết bổn phận". Lại trỏ vào ta mà hỏi, thì Hầu đáp "Anh ấy cử chỉ thần tình, giống hệt như Tôn phu nhân, chừng độ mười hai tuổi thì sợ không khỏi bóng cha khuất núi". Lại hỏi đến sự cùng đạt của ta thì Hầu đáp "Anh ấy ngày sau tất hiển đạt nhưng khác hẳn mọi người". Đương lúc ấy, ta cũng nửa ngờ nửa tin, nhưng chẳng để bụng làm gì. Đến năm Cảnh Hưng, Mậu Tuất (1778), chị dâu ta mất, lại hơn một năm sau, đấng tiên đại phu ta tạ thế, bảy năm nữa thì gặp hồi quốc biến[5], cứ nghiệm lời nói của Hầu thì cũng có chỗ đúng. Còn như ta, lúc tráng niên đã góa vợ, đi phiêu bạt tha hương, kể tình đầu nông nỗi không thể nào xiết. Xem thế thì lời thầy tướng cũng không thể tin hết được.

Tả Chí Hầu từng vẽ bức truyền thần cho đấng tiên đại phu ta, hồi năm mươi tuổi. Đấng tiên đại phu ta có đề bài thơ ngũ ngôn vào bức chân dung ấy, mỗi lúc ta ngửng lên nhìn tưởng như trông thấy thật. Khi chúa Trịnh đem quân vào Nam, ta còn thấy nhớ ông Phan Trọng Phiên[6] làm chức quan Đại học sĩ mà phải theo đi làm Tán lý quân vụ. Một hôm, Hầu đem bức tranh hành lạc của Phan công cho đấng tiên đại phu ta xem mà nói "Tiên sinh có nhớ người học trò này không ? Nay người ấy sắp trở về đấy". Nói chưa được bao lâu, quả nhiên Phan công trở về làm chức Thiêm đô đài[7] thật.

   




Chú thích

  1. Sai. Phải là Trịnh Ân Vương. Trịnh An Vương thì là chúa Trịnh Cương. Có lẽ bản in nhầm
  2. Tức là việc bắt bớ người phe đảng đối lập với mình.
  3. Tức Hoàng Ngũ Phúc, người Phụng Công, huyện Yên Dũng trấn Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Giang), công thần của họ Trịnh, được phong Việp Quận Công.
  4. Tức là Trương Thái phi, người Như Kinh, trấn Kinh Bắc nay là xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, mẹ của chúa Trịnh Cương và Vũ Thái phi, tên là Vũ Thị Ngọc Quyên, người My Thữ, trấn Hải Dương nay là xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương, mẹ của chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh.
  5. Chỉ việc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà diệt họ Trịnh năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786).
  6. Tức Phan Lê Phiên (1734 – 1809), người Đông Ngạc, Từ Liêm (Hà Nội), dòng dõi Phan Phù Tiên, đỗ tiến sĩ năm 1757, làm quan đến Binh bộ Thượng thư.
  7. Tức Thiêm đô Ngự sử