Khoảng năm Giáp Thìn (1784 - 1785) đời Cảnh Hưng, ta mới ra du học đất kinh thành. Cứ mỗi tháng, trước ngày sóc vọng một ngày thì nhà Quốc Học (nhà Giám Hà Nội) mở cuộc bình văn. Ta có theo các bậc cha anh xuống nghe bình văn thì thấy trên thềm, khoảng giữa, ngảnh mặt về phương Nam, có trải ba cái trúc tịch[1]. Ở trên là vị quan Tri giám[2] ngồi, ở giữa là quan Tham tụng[3] và quan Hành Tham tụng[4] ngồi, ở dưới là các quan Bồi tụng[5] ngồi. Các quan Thị lang[6], Tham đô[7] thì ngồi phía đông, ngảnh mặt về hướng tây. Còn các người khác đều ngồi phía tây mà ngảnh mặt về hướng đông. Chiếu người bình văn ngồi về hướng tây. Lúc bình văn, các quan chính phủ ngồi giữa chủ trì, các quan ngồi chiếu phía đông thì thỉnh thoảng bàn bạc, cân nhắc. Lệ cũ vẫn như thế. Lúc bấy giờ quan Thái phó, Quận công Nguyễn Hoãn lại mới được triệu ra làm quan Tri Quốc Tử Giám, ngồi chiếu trên, khoảng giữa, rồi đến vị Liệt hầu là Bùi Huy Bích[8] lấy chức Hành Tham tụng, ngồi chiếu giữa. Võ Nghị Uông Sĩ Diễn[9], Mộ Trạch Võ Huy Dĩnh[10], Thu Hoạch Phan Cẩn[11], An Vĩ Trần Xán[12] đều lấy chức Bồi tụng ngồi chiếu dưới. Chiếu phía Ðông thì Lý Trần Quán[13], Nguyễn Ðình Trạc[14]. Còn từ Lê Huy Tiềm[15] trở xuống đều ngồi ở chiếu phía Tây. Lúc bình văn thì tiếng Hoàng Vĩnh Trân[16] rất trong, rất vang, tiếng Nguyễn Cầu[17] rõ ràng, bình dị. Lưu Tiệp[18] giọng ngắn mà đọc không rõ, Thiều Sưởng[19] thì đọc không nghe ra tiếng gì cả. Còn cái quyền cất nhắc thì chỉ do Bùi Huy Bích quyết định ; thứ đến các quan Bồi tụng cũng có bàn bạc, cân nhắc. Duy quan Tri giám Nguyễn Hoãn thì thủy chung nín lặng không nói câu nào, thỉnh thoảng chỉ sẽ cười hi hi mà thôi. Ta trong bụng lấy làm ngờ, hỏi các bè bạn thì ai cũng cười, không bảo rõ. Ta lại càng ngờ, sau hỏi đến các bậc lão thành thì có người bảo rằng "Nguyễn công học vấn không được học trò phục cho nên lúc bình văn ở nhà Giám không tỏ ý khen chê gì cả". Cũng có người nói rằng "Nguyễn công khi tuổi trẻ, vì là con nhà tướng, được đỗ Hương nguyên, về sau lại đỗ Hội nguyên, văn hai kỳ thi ấy đều không phải tự Nguyễn công làm ra". Đó đều là lời truyền văn như thế, ghi lại đây để tham khảo.

Ngày bình văn ở nhà Giám, quan Tri giám làm chủ tọa. Lúc mới đến hội họp, quan Tri giám đứng ở phía tây, chiếu giữa, quan Tham tụng, Bồi tụng thì đều đứng xế về phía đông nam chiếu mình ngồi, các quan ngồi ở chiếu phía đông thì đứng về phía đông chiếu mình ngồi. Quan Tri giám lúc bấy giờ mới hướng vào hai chiếu giữa, vái chào mời ngồi, quan Tham tụng, quan Bồi tụng đều vái đáp lại. Rồi quan Tri giám lại vái mời chiếu phía đông, các quan Thị lang, Tham đô đều vái đáp lại. Lại hướng vào chiếu phía Tây vái chào mời ngồi, các quan chiếu phía tây đều vái đáp lại, xong rồi đều lên chiếu theo thứ tự mà ngồi. Chiếu giữa và chiếu phía đông thì hộp trầu, ống súc bày đủ mỗi vị quan viên một bộ, còn chiếu phía tây thì mỗi chiếu hai hộp trầu, hai ống súc. Mặt trời đứng giữa trưa, quan Tri giám sai nha dịch bảo lính lệ sửa soạn cơm trưa, cỗ bàn cũng lịch sự lắm. Cứ lệ thì do nhà bếp riêng quan Tri giám làm cỗ, mà tiền thì dân tạo lệ[20] cung ứng và lấy tiền thuế các hồ Huy Văn.

   




Chú thích

  1. Chiếu làm bằng tre, dùng những thanh tre vót nhẵn và nhỏ bản, dùi lỗ xâu dây ghép thành chiếu
  2. Chức quan cai quản Quốc Tử Giám, gồm Tế tửu (Hiệu trưởng) và Tư nghiệp (Hiệu phó)
  3. Tể tướng
  4. Quan Hành Tham tụng là quan tạm quyền Tham tụng, chưa được chính thức
  5. Á tướng, tương đương chức Phó Thủ tướng
  6. Tương đương Thứ trưởng các bộ
  7. Tham tri các Bộ và Đô tri hay Đô Cấp sự trung ở các Khoa
  8. Bùi Huy Bích (1744 - 1802) hiệu là Tồn Ông, Tồn Am và tự là Hy Chương, Ảm Chương, người xã Định Công, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội. Ông giữ các chức quan, như Đốc đồng Nghệ An, Hành Tham tụng, Tả Thị lang Bộ Hộ, sau thăng đến Đồng Bình chương sự kiêm Tham tụng, tước Kế Liệt hầu.
  9. Tên Uông Sĩ Diễn có lẽ in nhầm, phải là Uông Sĩ Điển (1737 - ?) người xã Vũ Nghị huyện Thanh Lan, nay thuộc Thái Bình. Ông là con của Uông Sĩ Đoan và giữ các chức quan, như Nhập thị Bồi tụng, Hữu Thị lang Bộ Lễ, Ngự sử đài Thiêm đô Ngự sử, Đốc thị đạo Thuận Quảng, Hữu Thị lang Bộ Hình, tước Thao Đường bá.Sau ông đổi tên là Uông Sĩ Lãng.
  10. Tra tên ở bia Tiến sĩ không thấy có tên Võ Huy Dĩnh người làng Mộ Trạch, chỉ có tên Vũ Huy Đĩnh, đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1754. Xem lại bài Khoa cử để biết chuyện về Võ Huy Dĩnh
  11. Không thấy có Phan Cẩn người Thu Hoạch, có lẽ in nhầm. Họ Phan Huy ở làng Thu Hoạch chỉ có Phan Huy Cận (1733 - 1789) hiệu Thận Trai , người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc, nay thuộc Hà Tĩnh. Ông là cha của Phan Huy Ích và giữ các chức quan, như Nhập thị Bồi tụng, Quốc tử giám Giảng quân, Quốc sử quán Tổng tài, Hữu Thị lang Bộ Công, Đông Các Đại Học sĩ, Quốc Tử Giám Tư nghiệp. Sau ông đổi tên là Phan Huy Áng.
  12. Trần Công Xán (1731 - ?) người xã Yên Vĩ huyện Đông Yên, nay thuộc Hưng Yên. Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Phái Trạch hầu. Sau ông đổi tên là Trần Công Thước.
  13. Lý Trần Quán (1735 - 1786) người xã Vân Canh huyện Từ Liêm, nay thuộc Hà Nội. Ông giữ các chức quan, như Thiêm sai Lại phiên, Hiến sát sứ Hải Dương, Đốc đồng Cao Bằng, Hiệp trấng phúc thần.
  14. Nguyễn Đình Trạc, người xã Thạch Thán, huyện Yên Sơn, nay thuộc Hà Nội, có con là Nguyễn Quý Hiển đỗ Tiến sĩ năm 1775
  15. Không thấy có tên Tiến sĩ Lê Huy Tiềm. Khoa thi năm 1779 có tên Lê Huy Trâm. Phải chăng in nhầm ?
  16. Hoàng Vĩnh Trân (1751 -  ? ), người xã Nam Chân huyện Nam Chân nay thuộc Nam Định. Đỗ khoa thi năm 1779. Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ Kinh Bắc.
  17. Nguyễn Cầu (1747 - ?), người xã Yên Khê huyện Gia Lâm nay thuộc Hà Nội. Đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu 1781. Làm quan đến chức Đông các hiệu thư. Đầu đời Gia Long ông được bổ chức Đốc học Hưng Hóa.
  18. Lưu Tiệp (1742 - ?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc, Đốc trấn Cao Bằng.
  19. Trần Thiều Sưởng (1736 - ?) người xã Khoái Lạc huyện Yên Định, nay thuộc Thanh Hóa. Thi đỗ khoa thi năm 1775. Ông làm quan Thị thư, Hiến sát sứ.
  20. Người dân xã sở tại sung vào lính lệ để phục dịch ở Văn Miếu