Nước ta có thứ đàn đáy và đàn tranh đều gảy bằng tiếng tơ. Đại lược có bốn tiếng chính là : tính, tỉnh, tình, tinh, lại đặt thêm ba tiếng phụ là : tung, tang, tàng ; bảy tiếng ấy thay đổi làm chủ khách mà thành ra xoang điệu. Đời gần đây mới chuộng đàn nguyệt, đó là một thứ Hồ cầm đời cổ, còn gọi là đàn Nguyễn Cầm (bởi ông Nguyễn Hàm đời nhà Tấn đặt ra), gảy thành những tiếng : xừ, xang, hồ, xế, cống, lưu, ú , xáng ; những tiếng ấy phối hợp với bảy thanh, mười hai luật[1], đã kể tiếng ở trong sách Cửu phong tân nhạc thư. Song nam bắc phong thổ mỗi nơi một khác, nên ít người biết gảy cho hay. Khoảng năm Cảnh Hưng (1740 - 1786) có quan Nội điện cung phụng quản tiên Hữu đội là Nguyễn Đình Dịch, mới biến đổi ra theo tiếng nam, nghe cũng hay. Nhưng tiếng trong, tiếng đục lẫn lộn, chưa có xoang điệu gì cả. Ông Vũ Chi Đồng, người làng An Thái, cũng thích chơi đàn nguyệt, trước học điệu Trung Hoa, biết đủ các tiếng, các bậc, rồi gảy ra tiếng ta, và xen thêm các bài đàn đáy, đàn nguyệt của ta, tiếng rắn, tiếng mềm dịu dàng hợp nhau, bụng nghĩ thế nào, tay gảy được thế ấy. Mới biết các thứ thanh âm, không thứ nào là không thông với nhau được.

   




Chú thích

  1. Xem bài Bàn về âm nhạc