Sách Lễ ký[1] nói rằng âm nhạc hợp với hòa khí trong trời đất, thì thế âm nhạc cũng rất quan hệ. Đời thượng cổ đã chế lục luật[2], lục lã[3], ngũ thanh[4], bát âm[5], đến đời nhà Chu thì đầy đủ hơn. Nhà Tần dấy lên đốt mất Kinh Nhạc. Vua Cao Tổ nhà Hán không chuộng văn học, Thúc Tôn Thông[6], Thích Phu nhân[7] chỉ bịa ra những tiếng dâm tà, thô tục để nịnh nhà vua. Cổ nhạc từ bấy giờ không còn biết dựa vào đâu mà lý hội được nữa. Song những nhà nghề âm nhạc vẫn còn giữ được chức nghiệp. Dẫu không biết hết được cái ý chế tác của cổ nhân, nhưng âm thanh, tiết tấu vẫn chưa biến mất. Trong những kẻ trí tuệ, họa hoằn có người dò biết được cái mối thừa, như là tiếng đàn gỗ vông của Bá Di[8], khúc hát Ngư Dương của Chính Bình, khúc đàn Quảng Lăng của Kê Khang[9] , khúc sáo Tam Lộng của Hoàn Y, đó đều là những âm nhạc ai nghe cũng lấy làm khoái chá. Về sau, học giả thất truyền, sai mất cả bản lĩnh. Ống khống hầu thì tiếng bi phẫn, đàn tỳ bà thì giọng ai oán, lại pha thêm những tiếng kèn hồ, trống rợ, thì hăng hái khích liệt quá. Đến cuối đời Tấn Ngụy, rợ Chi Khương lấn đất Trung nguyên[10] , thanh âm của Trung Hoa chỉ còn ở phía Giang Tả[11]. Nhưng khốn nỗi, về đời Tống Tề thì tản mạn, đời Tấn Lương thì dâm bạc, đời Tùy lại dâm loạn tệ hơn. Đến đời Đường mới sai Tổ Hiếu Tôn định nhã nhạc, chép ở trong sách Đường chí có 60 điệu, 84 thanh, cũng hơi đủ cái lệ năm chính, hai biến[12]. Song những khúc Đại thực, Quỳ từ thì lẫn cả tiếng rợ mọi, những điệu Tiên lữ thì động đến đạo quỷ thần, còn những đồ nhạc khí thì lẫn lộn nửa Hồ nửa Hán, không được hoàn toàn. Truyền về sau lại đặt ra khúc Võ mị nương, Tang điều, Tử vân hồi, Vũ lâm ly cùng là những khúc âm nhạc Thiên trúc, Sơ lặc, những bài từ Sắc kê, Khuất thác, không thể kể xiết được. Chính thanh đến đấy không còn gì nữa. Đến đời Ngũ quí[13] gặp buổi binh đao loạn lạc, họ ra luật cướp sạch cả những sách vở của các đời ghi chép về khoa âm nhạc. Nhà Sài châu[14] mới sưu tầm lại, nhưng cũng không được đủ. Vua Thái Tổ, Thái Tôn đời nhà Tống không lưu ý gì đến âm nhạc. Những nhà bàn làm nhạc, hoặc kẻ thì chắc bằng về ống ngọc dịch, hoặc người thì chuyên chú về nghề thổ khuê, người thì bảo theo thước cổ, kẻ thì bảo theo thước kim, không biết nên theo đường nào. Sách Nhạc chí, Nhạc thư, mỗi sách chép một khác. Lại như cách phân cự ly theo bằng hạt gạo nếp, cái lỗ tròn chặn theo như lỗ đồng tiền Thông Bảo, thì ông Hồ Viên, ông Phạm Trấn lại khảo cứu mỗi người một khác. Bảo Thường, Hán Tân chế ra những khúc quái lạ, càng suy xét bao nhiêu càng làm cho sai đi bấy nhiêu. Các bậc tiên nho như Chu, Trình, Trương, Thiệu lại không được dùng thí nghiệm, dẫu có sách Cửu phong tân thư nói về nhạc, nhưng có người bác đi, thành ra bàn về nhạc mà không khác gì bàn về việc kiện, chỉ cãi lý nhau mãi.

Thanh âm nước Nam ta khác với Trung Hoa. Đời Lý,đời Trần, tập tục hãy còn chất phác. Triều đình có tầu quốc nhạc cũng chỉ là truyền tập, mỗi thứ tiếng đi một đàng, chứ không theo dịp với nhau. Khoảng năm Hồng Đức (1470 - 1497) nhà Lê, trên có vua Thánh Tông là bậc thông minh, lại có các quan đại thần là các ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh là bậc học vấn uyên thâm, làm quan tại triều, mới kê cứu âm nhạc Trung Hoa hiệp vào quốc âm ta, đặt ra hai bộ : Đồng văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn thì chuyên tập âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã nhạc thì chuyên chuộng nhân thanh, trọng về tiếng hát, đề thuộc quan Thái thường coi cả. Đến như âm nhạc chốn dân gian thì đặt ti Giáo phường coi giữ. Nhã nhạc với tục nhạc không hỗn hợp với nhau. Song không có quan chuyên chức, điển cố không còn giữa được mấy. Đến năm Quang Hưng (1578), vua Lê chỉ còn là ngôi vị ngồi suông. Bộ Đồng văn hay bộ Nhã nhạc chỉ khi nào có lễ tế giao hay có lễ triều hạ gì lớn, mới dùng đến. Cho nên, con cháu nhà nghề âm nhạc đều thất nghiệp cả. Tấu nhạc ở chốn triều miếu thì chỉ om sòm loạn bậy, không còn thành ra xoang điệu gì. Từ đấy, lối tục nhạc ở chốn giáo phường mới thịnh hành , tế giao miếu và lễ triều hạ hay chốn dân gian tế thần, cũng dùng nhạc ấy. Kẻ nhạc công quen tập những tiếng dâm thanh, so với xoang điệu chép ở bộ Lễ năm Hồng Đức đều không hợp. Quan Thái thường thì thuyên chuyển đi làm chức khác, bọn giáo phường thì cho kẻ cai đội trông coi, không còn ai sửa lại những chỗ sai lầm được nữa.

Cũng có người thích chơi âm nhạc thì lại phải theo học bọn ca công, bọn ấy đắc chí, chỉ bịa đặt ra để làm cho người nghe hoảng sợ. Ta thường thấy các con cháu nhà thế gia phải dịu lời tươi mặt nịnh nọt kẻ ca công, cầu học ấy giọng hát, bắt chước bộ đi đứng của họ để khoe với chúng bạn. Nếu không có người chỉnh đốn lại, không biết sau này lưu tệ đến thế nào.

Từ nay Quang Hưng trở về sau, bộ Đồng văn, bộ Nhã nhạc có dùng thứ trống ngưỡng thiên lớn và kèn trúc nạm vàng lớn, cùng là long sinh, long phách và các đàn ba dây, bốn dây hoặc mười lăm dây, ống sáo, trống mảnh một ặt, sơn vàng, tang mỏng, phách xâu tiền. Khi ông Nguyễn Công Hãng vào làm thủ tướng triều Lê, ông đã từng đến cả hai bộ nhạc để hỏi xét điển cố nhưng không thể xét được. Vậy nên sách Chính Hòa hội điển nói về nhạc quan rất sơ lược, cũng bởi thế biến không thể xét được.

Âm luật năm Hồng Đức thì đại lược có những cung Hoàng Chung, cung Nam, cung Bắc, cung Đại Thực, luật Dương Kiều, luật Âm Kiều và những điệu hát Hà Nam, Hà Bắc, Bát Đoạn Cẩm. Bọn giáo phường ngày nay theo thói quen gọi lầm cung Hoàng Chung là cung Huỳnh, cung Đại Thực là Đại Thạch, Dương Kiều là Kiều Dương, Hà Nam là Xà Nam. Còn những lối đàn lẩy, hát từng, thét nhạc, đều là mới thêm ra cả. Lúc đọc thơ, đọc phú thì chỉ nhặt nhạnh tạp nhạp những câu thơ ngũ ngôn, thất ngôn mà đọc, chứ không có thứ tự gì. Còn như lối hát xưa, bọn giáo phường vẫn còn truyền được ít nhiều xoang điệu cổ, lúc hát lại xen giọng mới vào. Từ năm Cảnh Hưng trở về trước, hãy còn ít nhiều người biết hát giọng cổ ấy, sau đến cuối đời Lê, chỉ có ả đào già mới hát được ; bắt những ả đào non hát thử, thì lẽ lưỡi xin chịu ngay.

Quân nhạc đời Lê sơ có bộ kèn trống lính kỵ, thuộc về các cơ vệ. Lại có quan bả lịnh cầm trống ngũ quân. Từ đời Trung hưng về sau, mới đặt riêng ra một nhạc đội bả lịnh, riêng bọn lính trong phủ Trịnh giữ. Chốn quan phủ và ngoài dân gian có việc tang tế đều dùng đội bả lịnh cả. Còn bọn nhạc công Đồng văn, nếu không có đặc chỉ thì không được dùng.

Những lối nhạc ca từ đời Đường Tống trở xuống chia ra hai lối là vãn ca và Ban hí. Vãn ca là những kẻ ở xóm chợ đi theo xe đại dư [15] mà hát những giọng bi ai thảm thiết, cũng như đời cổ hát khúc ca Phỉ lộ, Cao lý[16] để viếng người chết. Ban hí là những con hát ở giáo phường vẽ mặt làm trò, diễn những sự tích các nước và đời Tam Quốc. tức như đời cổ có những thằng lùn chú kép ra làm trò mua vui cho quan khách. Tự đời Nguyên, Minh trở xuống, duy có lối Ban hí là thịnh hành. Kẻ văn nhân tài tử thường tuy chuyện mà vẽ vời thêm ra cho thành vở, để nói lên cái khí bất bình uất ức, như vở tuồng Tây sương, Tỳ bà, Mẫu đơn đình[17] và các truyện tiểu thuyết cổ kim, rất nhiều không sao kể xiết.

Nước Nam ta từ đời nhà Lý, có người đạo sĩ nhà Tống bên Trung Hoa sang dạy dân trong nước múa hát làm trò. Trò tuồng ở nước ta bắt đầu từ đấy. Sau này bọn giáo phường mới bày thêm lối hát Bát đoạn cầm tục âm, gọi lầm là Bắt đoạn.

Triều nhà Trần hễ có quốc tang, lúc sắp rước tử cung[18] đến ơn lăng để an táng, dân sự phố phường xúm quang lại xem, vòng trong vòng ngoài chật ních cả chốn điện đình, không thể rước đi được. Người dẹp đám mới bắt chước lối vãn ca đời cổ, đặt ra khúc hát Long ngâm, hiệp vào âm luật, sai quân lính đi hát diễu chung quanh đường ; nhân dân đổ xô, xúm xít theo đi xem, như thế mới rước tử cung xuống thuyền được[19]. Đời sau bắt chước làm lối hát vãn, mỗi năm cứ đến rằm tháng bảy, những nhà tang gia cho gọi phường hát đến hát, để giúp lễ tế ngu[20]. Tiếng hát bi ai, nghe rất cảm động, tục gọi là phường chèo bội.

Khoảng năm Cảnh Hưng, phường hát chèo bội mới pha thêm lối tuồng, cũng đóng vai trò vẽ mặt ra múa hát đùa cợt, không khác gì ở hí trường. Các nhà tang gia hay đua nhau mượn phường chèo đóng tuồng để khơ khoang. Các quan chính phủ ghét hung lễ lại dùng lẫn lộn cả cát lễ, bèn nghiêm cấm, đá hơn mười năm. Đến năm Canh Tuất (1790) lại thấy dân gian bày trò hát bội ấy. Các con nhà lương gia tử đệ có người bỏ cả chức nghiệp đi theo học hát, khăn áo dáng bộ như đàn bà, thường khi ở nhà cũng nghêu ngao tập hát chèo, trước mặt khách cũng không thẹn thò gì cả. Lại còn trò đánh bạc chọi gà sinh ra nhan nhản. Tập tục đến thế thật đáng buồn.

Những đồ nhạc khí giáo phường có một cái dịp bằng tre già, hình dẹp, dài độ ba bốn thước ; khi các nhạc công đủ rồi, thì một mụ già gõ để làm nhịp cho các tiếng âm nhạc. Còn như những cái trúc địch, yêu cổ, đới cầm, địch cổ thì mỗi người quản giáo (kép) cầm một cái. Trúc địch tục gọi là sáo, thường phải hoà với các tiếng âm nhạc, chứ không hay thổi một mình vì thổi sáo ít người giỏi. Yêu cổ tục gọi là trống cơm, tang trống như cái thùng nhỏ mà dài, lúc sắp dùng thì phải xoa cơm nếp vào hai mặt trống cho nó âm tiếng, hai bên ứng hoà với nhau. Địch quản tục gọi là quyển nhị, hoà với các tiếng âm nhạc hay thổi một mình nghe cũng hay. Đới cầm tục gọi là đàn đáy, cũng giống như đàn tàu ba dây, nhưng đáy nó vuông, dọc đàn đáy, trên đọc gắn mười sáu phiếm, so với đàn ba dây cũng hơi khác. Khi kép ra hát thì lấy dây lưng điều treo đàn ngang lưng để gảy, cùng với ả đào xướng hoạ, tuỳ theo giọng hát lên xuống, mau khoan ứng dịp với nhau, nhưng tiếng đàn trầm, không thể cao hơn tiếng hát được. Ả đào thì cầm phách tục gọi là sinh, lại có cả phách quán tiền tục gọi là sinh tiền, đều đánh để đỡ giọng hát. Lại có trống đan diện cổ là trống mảng một mặt, tang trống nhỏ và mỏng, sơn son thếp vàng, khi ả đào mới lên chiếu hát hay uốn éo múa may, thì đánh trống ấy, tiếng kêu lung bung, bập bùng rất hay.

Đại lược các thứ âm nhạc không giống bên Trung Hoa, nhưng cũng có tiếng cao, tiếng trầm, tiếng trong, tiếng đục, đủ cả năm cung bảy thanh, không giỏi âm luật và hiểu chỗ khác nhau về tập quán của phương Nam phương Bắc, sự hạn chế về phong khí của núi sông, thì không thể biết hết được. Xem đó đủ biết thời xưa cũng đã nghiên cứu về được nhạc lắm.

Hát ở trong cung, tục gọi là hát cửa quyền, giọng hát uyển chuyển, dịu dàng, thanh nhã hơn giọng hát ở ngoài chốn giáo phường. Nhưng âm luật cũng không khác mấy. Có cái trúc sinh để cầm dịp, tục gọi là đàn khô, hình như cái thùng vuông, trên rộng dưới thắt lại, giống như cái mộc trúc đồ nhạc khí cổ, trên mặt thùng ken liền từng miếng tre già như bậc thang giường, lấy hai cái dùi gõ dịp thì tiếng kêu lắc cắc. Lại có thứ đàn cầm căng dài thép dài giống như đàn sắt, hai bên đàn khảm xà cừ hay đồi mồi. Có thứ đàn chín dây, tục gọi là đàn cửu huyền, có thứ đàn tranh mười lăm dây, gẩy bằng móng tay bạc, hay lấy cái tăm sậy gõ lên dây, hoà với các thứ tiếng nhạc khác gọi là bát âm, kì thực không phải tiếng bát âm đời cổ. Đời cổ chỉ có ông Nguyễn Sĩ Cố[21] đời nhà Trần gảy đàn cổ cầm rất hay. Ông ta gảy đàn trước hết dạo dây đàn rồi mới vào khúc đàn, đại khái có thẻ tưởng tượng mà hình dung ra được.

Đội bả lịnh có đủ cả trống mõ, lại có cả trống phong yêu cổ, giống như trống cơm, nhưng một mặt hơi to, giữa thắt lung ong ; tiếng kêu nhẹ là "tầm", nặng là "bông", tục gọi là trống tầm bông. Lại có cái xuý quản, tục gọi là kèn, làm bằng ống sậy, so với địch quản của bọn giáo phường thì hơi ngắn ; ống dọc ở giữa là một cái đoạn trúc khoét bảy lỗ, thổi thành bảy tiếng, dưới chắp thêm cái loa bằng đồng hay ghép bằng tre, miệng dưới loe ra, gắn sơn tử tế, tức là kiểu kèn thượng mã đời cổ. Có cái tiểu xuý quản, tục gọi là kèn tiểu, ống dọc chỉ khoét năm lỗ, không có miệng loe. Còn cái trùng quyển xuý quản tục gọi là kèn tổ sâu, chỉ làm bằng ống sậy mà thôi.

Nói tóm lại, phàm tấu nhạc ở tôn miếu, thanh âm phải cho trang nhã ; những lúc đưa đón dẫn rượu, lên xuống chúc hỗ, phải tuỳ lễ mà đàn hát cho hay. Còn như lúc tế đàm ma thì phải cho thê thảm. Âm nhạc phải tuỳ mỗi lúc một khác. Bây giờ, những người tập nghề thổi kèn hay làm những trò quỉ quái để cho thế tục khen, như lúc đám ma thổi kèn thờ, bắt chước giọng đàn bà trẻ con khóc lóc kể lể, người nghe lấy làm thích ý, lại thưởng cho. Ôi ! Âm nhạc chủ hoà, cốt phải hợp lễ, lúc nào trang nghiêm, lúc nào thê thảm, thế nào được nhập điệu là hay. Còn như tiếng rền rĩ, giọng nghêu ngao, khác nào tiếng khóc tiếng mếu, sao không để người khóc cho mà nghe, lại phải thổi kèn bắt chước làm gì ? Thế chẳng sai mất ý cổ nhân đi ư ? Đó là tại không có quan chuyên trách, chứ trách chi những bọn thợ kèn !

Tiếng tự nhiên trong khoảng trời đất có năm thanh là : cung, thương, giốc, chuỷ, vũ cùng với tiếng biến cung, biến chuỷ nữa là bảy thanh. Âm hưởng tiếng nói nước ta khác hẳn Trung Hoa, song cung đàn ta có những tiếng : tính, tĩnh, tình, tinh, tung, tang, tàng ; giọng kèn có những tiếng : tí, um, bo, tịch, tót, tò, tè, đại lược cũng đủ cả bảy thanh.

   




Chú thích

  1. Tức Tiểu Đái kí, là tuyển tập các luận văn bàn về lễ trị ở thời Tiên Tần và giao thời Tần Hán, tương truyền do Đái Thánh thời Tây Hán biên soạn.
  2. Sáu thanh dương trong mười hai thanh luật. Sáu thanh đó là : hoàng chung, đại thốc, cô tiễn, uy tân, di tắc, vô xạ. Có sách chép là hoàng chung, thái thốc, cô tẩy, nhuy tân, di tịch, vô dịch
  3. Sáu thanh âm trong mười hai thanh luật. Sáu thanh đó là : lâm chung, nam lữ, ứng chung, đại lữ, giáp chung, trọng lữ
  4. Ngũ thanh là cung, thương, giốc, chuỷ vũ. Cũng gọi là ngũ âm
  5. Tám âm thanh theo tám loại nhạc khí có chất liệu là : kim (kim loại), thạch (đá), thổ (đất), cách (da), ti (dây tơ), mộc (gỗ), bào (vỏ quả bầu khô), trúc (tre trúc)
  6. Tắc Tự quân Thúc Tôn Thông, nhà nho, người nước Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), làm quan đời Hán Cao Tổ, đặt ra lễ nhạc cho triều Hán
  7. Thích Phu nhân, người Định Đào, là vợ thứ của Hán Cao Tổ, mẹ của Triệu Vương Như Ý. Sau khi Cao Tổ mất (195 TCN), bà bị Lã Hậu trả thù tàn nhẫn và chết
  8. Con vua nước Cô Trúc cuối đời Thương. Khi nhà Thương bị lật đổ, ông không thờ nhà Chu, bỏ đi ở ẩn rồi chết đói
  9. Kê Khang (233-262): tên Thúc Dạ, người đời Tấn, ở đất Trất (nay thuộc huyện Túc, tỉnh An Huy). Ông làm đến chức Trung Tán đại phu đời Nguỵ nhưng luôn luôn chê vua Thang, vua Võ, khinh Văn Vương và Khổng Tử. Kê Khang làm quan một thời gian rồi từ quan ở ẩn, để hưởng cảnh tiêu diêu lúc về già. Nhưng sau đó bị Tư Mã Chiêu giết hại.
  10. Chỉ giai đoạn Ngũ Hồ thập lục quốc, từ năm 304 đến 439 ở Bắc Trung Quốc
  11. Bên trái sông Trường Giang, chỉ phía Giang Nam, lãnh thổ của nhà Đông Tấn
  12. Chỉ ngũ âm và hai biến âm : biến cung, biến chuỷ
  13. Ngũ Đại (907 - 960)
  14. Nhà Hậu Chu (951 - 959) vì vua Hậu Chu họ Sài nên gọi là nhà Sài châu
  15. Xe đám ma
  16. Phỉ lộ : tên khúc hát ví đời người như hạt sương trên ngọn cỏ. Cao lý tên khúc hát, kể chuyện trở về chỗ đất chôn người cỏ rậm.
  17. Tây sương kí của Vương Thực Phủ (? - ?). Tỳ bà kí của Cao Minh (1305? - 1359). Mẫu đơn đình của Thang Hiển Tổ (1550 - 1616). Đó đều là những vở kịch có tiếng của Trung Quốc
  18. Quan tài gỗ thị của nhà vua
  19. Sự kiện này là lễ tang vua Trần Nhân Tông năm 1309
  20. Tục gọi là lễ mở cửa mả hay lễ ba ngày. Người chết đã chôn rồi, thì tính từ khi chôn, theo Thọ Mai gia lễ, rước linh vị về đến nhà tế sơ ngu. Làm sơ ngu xong gặp ngày nhu, (tức là ất, kỷ, tân, quí) làm lế tái ngu, gặp ngày cương (tức là ngày giáp, bính, mậu, canh, nhâm) làm lễ tam ngu. Ngu nghĩa là yên vui, tế ngu để yên hồn phách của người mới chết
  21. Nguyễn Sĩ Cố, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương, giữ chức Thiên chương Học sĩ đời Trần Anh Tông, tức dạy học cho Trần Nhân Tông. Ông có tài làm thơ Nôm, tính khôi hài, được ví như Đông Phương Sóc.