Ông Chu Tử[1] giải thích chữ "lễ" rằng: lễ là tiết văn của lẽ trời, phép tắc của việc người. Phàm những điều nhân sinh vật dụng làm ra đều có phép tắc, đấng thánh nhân mới theo thứ tự mà bày ra hình thức ; chẳng một lễ nghi gì không hợp với lẽ thiên nhiên, chứ ông thánh không phải cố ý bày đặt ra để cho người ta khó hiểu đâu. Từ đời trung cổ trở xuống, đời biến, thói dời, nên phải tùy thời, căn cứ theo lễ cổ để thi hành ra đời nay, cốt sao cho không trái với đạo lý. Bởi thế, tiết mục ngày càng thêm nhiều ra ; những kẻ bàn về lễ không biết thuyết nào là phải, thậm chí người ta bảo nơi bàn việc lễ thành ra nơi bàn việc kiện. Ông Chu Tử biên tập những lễ cần dùng của các nhà sĩ thứ ; có bốn lễ: Quan, hôn, tang, tế,[2] hợp với một thiên thông lễ nữa là năm thiên, giải thuyết rõ ràng, giản dị, hơn cả mọi nhà. Nhưng trong sách Văn Công gia lễ[3] thì không dám nói đến lễ triều đình giai miếu, bởi nghĩ rằng trong kinh điển còn chép đủ những lễ ấy, không dám tự khoe là bàn việc lễ.

Nước Việt Nam ta khi thuộc về Trung Hoa vẫn noi theo lễ nhà Hán, ít lâu sau dần dà làm sai đi ; lại thêm vào những lễ giáo của Tây dương[4], và bên Lão[5], bên Thích[6], làm cho tạp nhạp loạn xạ, từ bấy giờ mới trái khác cả cựu lễ. Kẻ cầm quyền nước, bỏ không xét đến, mà dùng ra chính sự thì chẳng cũng lẫn lộn lắm ư?

   




Chú thích

  1. Chu Hy đời Tống
  2. Tức lễ đội mũ, lễ cưới, lễ đám ma, lễ tế tiên tổ, thần linh
  3. Sách gia lễ của Chu Hy
  4. Phương Tây, chỉ đạo Thiên Chúa
  5. Đạo Giáo
  6. Đạo Phật